Tiến sỹ Rebecca Martin, Giám đốc Trung tâm Y tế Toàn cầu của CDC, nói rằng rằng sự phối hợp lâu dài về mặt kỹ thuật “đã dẫn tới cơ sở hạ tầng y tế công cộng bền vững, trong đó việc tăng cường hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, phân tích dữ liệu theo thời gian thực để hành động, nhóm thám tử dịch bệnh để nhanh chóng điều tra các đợt bùng phát và [thực thi] các biện phát kiểm soát và ngăn ngừa nhằm chặn đứng các bệnh truyền nhiễm”.
“Trên tuyến đầu và ở hậu trường, chính phủ Mỹ và CDC hỗ trợ Việt Nam gây dựng và củng cố khả năng y tế công cộng để họ có thể sẵn sàng phát hiện, ứng phó và ngăn chặn các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm như COVID-19”, bà Martin viết trên Twitter giữa tháng trước.
Cùng khoảng thời gian bà Martin tweet, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội viết trên Facebook rằng “một lực lượng y tế nhanh và hiệu quả là yếu tố thiết yếu để kiểm soát COVID-19 trên toàn thế giới”.
“Không phải tất cả người hùng đều mặc áo choàng - một số mặc phương tiện bảo hộ cá nhân (BHCN). CDC Việt Nam đã hướng dẫn những người ứng phó dịch tại tuyến đầu về cách sử dụng và tháo găng tay và BHCN đúng cách. Với sự hỗ trợ liên tục hiện tại của USG [chính phủ Mỹ], Việt Nam chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với COVID-19”, cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ viết.
VOA Việt Ngữ đã liên hệ với bà Martin để hỏi thêm về sự hỗ trợ của CDC, việc đào tạo các “thám tử dịch bệnh cho Việt Nam” cũng như về các yếu tố có thể dẫn tới tỷ lệ nhiễm COVID-19 được coi là thấp ở Việt Nam.
Tuy nhiên, một đại diện truyền thông của CDC hồi đáp rằng “Tiến sĩ Martin không thể trả lời các câu hỏi”.
Tính tới ngày 28/6, Việt Nam đã cho biết đã ghi nhận 355 người nhiễm virus Corona và chưa có trường hợp tử vong nào.
Trong khi đó tại Mỹ, theo dữ liệu của Reuters, con số người nhiễm COVID-19 là hơn 2,5 triệu người và hơn 125 nghìn ca tử vong.
Trước khi bà Martin viết trên Twitter về việc Mỹ hỗ trợ Việt Nam về y tế, hai chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ đã đưa nhận định về tỷ lệ nhiễm COVID-19 thấp ở Việt Nam, và nói rằng “chưa có chỉ dấu đó là các con số sai”.
Trong một cuộc họp báo qua điện thoại hồi đầu tháng Năm, khi được hỏi lý do về con số người nhiễm thấp ở Việt Nam, liệu có phải liên quan tới chuyện xét nghiệm, chuyện truy tìm nguồn gốc gây nhiễm, chuyện ngăn chặn sớm từ tháng Một hay vì Việt Nam từng có kinh nghiệm xử lý dịch SARS và H1N1 cũng như liệu có lo ngại về con số như với Trung Quốc hay không, bác sĩ Barbara Marston, người đứng đầu Nhóm Công tác Quốc tế về COVID-19 thuộc CDC, trả lời rằng bà “không nghĩ có bất kỳ ai thực sự hoàn toàn thấu hiểu lý do vì sao”.
Bà nói thêm: “Có rất nhiều yếu tố khác nhau dẫn tới điều đó. Một phần có thể là vì sinh thái, nhưng rõ ràng liên quan tới chất lượng phản ứng và tôi nghĩ rằng Việt Nam đã có phản ứng rất mạnh mẽ”.
Trong khi đó, một đồng nghiệp của bà Marston, bác sĩ John MacArthur, Giám đốc Quốc gia của CDC tại Thái Lan, cho biết đã đi tìm hiểu từ nhóm an ninh y tế của CDC về con số người nhiễm thấp ở Việt Nam, và được cho biết rằng Việt Nam “có quyết tâm chính trị từ sớm ở cấp cao nhất và quyết tâm chính trị đó đi từ cấp trung ương xuống tới tận địa phương, với cách tiếp cận toàn diện, chứ không chỉ có Bộ Y tế”.
Trong một diễn biến liên quan tới viêc trợ giúp các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 19/6 ra tuyên bố nói rằng “Mỹ đã và vẫn tiếp tục là thủ lĩnh không thể chối cãi trong viện trợ nước ngoài toàn cầu, và sự lãnh đạo [của Mỹ] trong việc đối phó với dịch COVID-19 tiếp tục kỷ lục về sự hào phóng đó”. Theo tuyên bố này, Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho Việt Nam gần 9,5 triệu đôla để ứng phó virus xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc.
© VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét