Người lao động và Dự luật Bảo vệ công nhân VN xuất khẩu lao động - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020

Người lao động và Dự luật Bảo vệ công nhân VN xuất khẩu lao động



Hình minh họa. Công nhân xuất khẩu lao động tại Công ty xuất khẩu lao động Thiên Ân/Courtesy of FB CÔNG TY XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG THIÊN ÂN-TAMAX THANH HÓA


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Bộ trưởng giải trình trước Quốc hội

Giải trình trước Quốc hội vào ngày 17/6, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung cho biết Việt Nam mỗi năm xuất khẩu hơn 100.000 công nhân đi lao động nước ngoài theo hình thức hợp đồng. Hiện tại có khoảng 580.000 người đang lao động ở 43 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau và đóng góp vào ngân sách khoảng 5 tỷ USD mỗi năm.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận tình hình xuất khẩu lao động Việt Nam còn nhiều vấn đề hạn chế đang được cơ quan chức năng lần lượt giải quyết, như tình trạng lao động bất hợp pháp hay công nhân trốn ở lại nước ngoài sau khi hết hạn hợp đồng lao động…

Hồi hạ tuần tuần 11/2019, Bộ LĐ-TB-XH phổ biến thông báo của Chính phủ Hàn Quốc ghi nhận có 100 quận/huyện của Việt Nam mà số lượng công nhân đi xuất khẩu lao động ở nước này không về nước trên 30% và đang cư trú bất hợp pháp. Đồng thời, Hàn Quốc ban hành lệnh cấm đối với người lao động Việt Nam tại 40 địa phương không được sang Hàn Quốc làm việc. Đến đầu tháng 6/2020, Cục Quản lý lao động ngoài nước, thuộc Bộ LĐ-TB-XH cho biết danh sách cấm 40 quận/huyện của Việt Nam xuất khẩu công nhân sang Hàn Quốc giảm xuống còn 10 quận/huyện trong năm 2020.

Thực tiễn xuất khẩu lao động Việt

Theo ghi nhận của Đài RFA, đa số những công nhân Việt xuất khẩu lao động nước ngoài không về nước là do họ bị công ty môi giới việc làm ở Việt Nam “đem con bỏ chợ”. Những người công nhân làm việc ở Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia…Đài RFA tiếp xúc chia sẻ rằng họ làm việc không được giống như những lời hứa hẹn theo hợp đồng. Và thông thường họ phải trả số tiền lệ phí cao hơn quy định 4500 USD rất nhiều. Do đó, họ không có lựa chọn nào khác hơn là bỏ ra làm việc bất hợp pháp ở nước sở tại cũng như phải kéo dài thời gian không về nước vì phải kiếm tiền trả nợ vay cho số tiền mà họ đã nộp cho công ty môi giới.




Ông Hùng, một người đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc được 7 năm và vừa về nước vào năm ngoái, cho RFA biết ông phải trả số tiền khoảng 10 ngàn USD để đi làm việc ở Hàn Quốc theo diện công nhân có tay nghề. Hợp đồng ký kết là 4 năm 9 tháng. Tuy nhiên, qua đến Hàn Quốc do giấy tờ không hợp lệ nên sau vài ba tháng, ông Hùng buộc phải bỏ ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Ông Hùng kể lại:

Người lao động Việt Nam ở Đài Loan ít cầu cứu đến cơ quan Lãnh Sự quán Việt Nam hay Văn phòng Kinh tế-Văn hóa Việt Nam, Văn phòng cơ quan Ngoại giao Việt Nam mà người ta tìm đến Trung tâm Trợ giúp Cô dâu và Công nhân Việt Nam của Cha Nguyễn Văn Hùng ở nhà thờ Đào Viên. Hai nữa là người ta điện thoại cho đường dây nóng 1955 của Bộ Lao động Đài Loan nhiều hơn cả. Bên cạnh đó, người lao động Việt Nam rất yếu về vấn đề luật pháp, thậm chí người ta chả biết mình có quyền lợi và nghĩa vụ gì

-Ông Trần Trung Thực, đang lao động tại Đài Loan
“Qua bên kia làm được mấy tháng thì buộc phải ra ngoài làm. Làm ngoài (bất hợp pháp) thì vất vả, cực khổ lắm. Nói chung là khi đi thì bỏ ra một số tiền lớn mà bị về nước thì lấy tiền đâu để trả nợ cho ngân hàng. Cho nên buộc mình phải ở lại đi làm (bất hợp pháp) để gửi về nuôi vợ con và trả nợ ngân hàng.”

Ông Trần Trung Thực, một công nhân Việt đang làm việc ở Đài Loan lên tiếng với RFA rằng bản thân ông phải trả số tiền 5300 USD để ký hợp đồng lao động 3 năm, chưa kể phải trả thêm vài trăm USD vì hồ sơ bị làm khó dễ. Ông Trần Trung Thực nói rằng công nhân Việt mới đến Đài Loan lao động thường gặp phải tình trạng “trám chỗ” và họ rất đỗi ngỡ ngàng.

“Ví dụ như công ty của tôi có người bỏ trốn ra ngoài. Người ta đáng lẽ làm hợp đồng 3 năm nhưng người ta cảm thấy công việc không có tăng ca như môi giới nói hay có thể người ta chưa quen và người ta làm việc được vài tháng đến 6 tháng, 1 năm rồi người ta bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Công ty môi giới bên Việt Nam tìm người để trám vào chỗ của những người bỏ trốn đó, không nói rõ cho những người mới làm bị đi thiếu tháng, cứ tưởng đi lao động 3 năm. Trám vào thì chỉ 2 năm hoặc hơn 1 năm…”

Những công nhân Việt Nam xuất khẩu lao động ở Đài Loan bị vướng vào tình trạng “trám chỗ” cho là mình bị công ty môi giới lường gạt và khi liên lạc với công ty môi giới thì không giải quyết được gì, chỉ là “sự cù nhây”. Vì thế, họ chỉ còn cách duy nhất là trốn lại làm việc bất hợp pháp để kiếm tiền chi trả nợ vay ngân hàng.

Trả lời câu hỏi của RFA về sự trợ giúp cho công nhân của các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Đài Loan, ông Trần Trung Thực cho biết thêm:

“Người lao động Việt Nam ở Đài Loan ít cầu cứu đến cơ quan Lãnh Sự quán Việt Nam hay Văn phòng Kinh tế-Văn hóa Việt Nam, Văn phòng cơ quan Ngoại giao Việt Nam mà người ta tìm đến Trung tâm Trợ giúp Cô dâu và Công nhân Việt Nam của Cha Nguyễn Văn Hùng ở nhà thờ Đào Viên. Hai nữa là người ta điện thoại cho đường dây nóng 1955 của Bộ Lao động Đài Loan nhiều hơn cả. Bên cạnh đó, người lao động Việt Nam rất yếu về vấn đề luật pháp, thậm chí người ta chả biết mình có quyền lợi và nghĩa vụ gì. Người ta cứ hồn nhiên như cây cỏ ấy.”




Là một trong những công nhân Việt tham gia biểu tình tại Đài Loan đòi hỏi quyền lợi cho người lao động nước ngoài, ông Trần Trung Thực tâm tình đời sống của công nhân Việt Nam rất vất vả, làm việc bất hợp pháp thì càng khốn khó hơn, gặp rất nhiều rủi ro luôn chực chờ như tai nạn lao động thì không biết kêu cứu giúp đỡ ở nơi nào.

Ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Tự do, một tổ chức công đoàn độc lập, xác nhận với RFA tình trạng công nhân Việt Nam xuất khẩu lao động như ông Hùng và ông Trần Trung Thực nêu lên là mẫu số chung. Ông Nguyễn Đình Hùng từng nói với RFA về số phận của các công nhân Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Malaysia và bị bắt vô tù trong các đợt truy quét của cảnh sát nước này. Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Tự do đến thăm hồi năm 2015 và được nghe họ kể bị đánh đập, bị làm những công việc lao động nặng và bị giam cho đến khi có người bảo lãnh thì họ mới được có thể đóng tiền phạt rồi về nước. Thế nhưng, hầu hết họ không được ai bảo lãnh cũng như không có tiền đóng phạt.

Ý kiến của Đại biểu Quốc hội


Hình minh họa. Những người nghi là nạn nhân vụ 39 lao động Việt thiệt mạng trong xe container chở lậu vào Anh hôm 23/10/2019. Courtesy of FB, Reuters, RFA edit
Tại phiên họp Quốc hội ngày 17/6, một số các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề cập đến tình trạng lao động chui, bất hợp pháp, quyền lợi cơ bản của người lao động bị xâm phạm... Các ĐBQH đưa ra số liệu 52% người lao động Việt Nam đi xuất khẩu nước ngoài theo hình thức hợp pháp. Các vị ĐBQH đề nghị đưa vào Dự thảo Luật Bảo vệ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) số phần trăm còn lại lao động bất hợp pháp ở nước ngoài (qua đường xuất khẩu lao động không chính thức) để họ được bảo hộ trong trường hợp xảy ra những rủi ro.

ĐBQH Tô Văn Tám, tỉnh Kon Tum nhắc lại vụ việc 39 lao động Việt bị thiệt mạng trong xe container ở Anh hồi hạ tuần tháng 10/2019 gây chấn động dư luận thế giới và ông đề nghị Dự thảo Luật Bảo vệ công nhân Việt Nam lao động nước ngoài cần được sửa đổi toàn diện hơn, vì cơ chế bảo vệ người lao động chưa rõ ràng.

Báo giới quốc nội cũng dẫn số liệu của Bộ LĐ-TB-XH cho thấy mỗi năm Bộ này tiếp nhận từ 200 đến 300 đơn thư khiếu nại của người lao động gửi về. Trong trong gần 13 năm qua, cơ quan chức năng đã tiếp nhận và xử lý hàng nghìn đơn thư khiếu nại liên quan hoạt động xuất khẩu lao động. Tính đến cuối năm 2019, tòa án nhân dân các cấp thụ lý 217 vụ án liên quan xuất khẩu lao động.

Mong muốn của lao động Việt ở nước ngoài

Liên quan Dự thảo Luật Bảo vệ công nhân Việt Nam lao động nước ngoài (sửa đổi), một số công nhân xuất khẩu lao động Việt bày tỏ nếu như được lên tiếng với Quốc hội, họ mong muốn Chính phủ Việt Nam cho họ được ký kết hợp đồng lao động trực tiếp từ văn phòng trực thuộc Bộ LĐ-TB-XH mà không phải qua các công ty môi giới việc làm ở nhiều tầng, cấp như hiện nay. Đồng thời, họ phải được huấn luyện và trang bị đầy đủ khả năng làm việc ở nước ngoài, chủ yếu về ngôn ngữ, chuyên môn và thông tin pháp luật để họ có sự hiểu biết đủ để tự bảo vệ mình.



]
Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Tự do, ông Nguyễn Đình Hùng cho rằng Chính phủ Việt Nam cần thiết phải cho người lao động Việt được ký kết hợp đồng trực tiếp với chủ doanh nghiệp nước ngoài vì như thế các chủ doanh nghiệp mới bị ràng buộc bởi luật pháp nước sở tại và công nhân Việt có thể thưa kiện khi xảy ra bất đồng. Hiện tại, công nhân xuất khẩu Việt Nam không thể thưa kiện chủ doanh nghiệp nước ngoài.

Việt Nam đang có cơ hội vàng. Tức nhiên là phải có những trường huấn luyện tay nghề cho công nhân. Phải có quy định tăng lương cho người công nhân theo lạm phát của mỗi năm. Và, phải chăm sóc, bảo đảm y tế sức khỏe cho công nhân. Đặc biệt là phải cho công nhân có nghiệp đoàn độc lập và họ được điều đình một cách dân chủ, tự do, công bằng với chủ doanh nghiệp về vấn đề tiền lương cũng như điều kiện làm việc cho chính họ. Được như thế thì lúc đó, tôi nghĩ rằng kinh tế Việt Nam sẽ không thua gì với những nước trong vùng, nhất là khu vực Đông Nam Á

-Ông Nguyễn Đình Hùng
Tuy nhiên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Tự do nhấn mạnh rằng Việt Nam đang có một “cơ hội vàng” để chào đón các tập đoàn sản xuất lớn của thế giới đang có xu hướng dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Và do đó, thay vì xuất khẩu công nhân thì hãy tạo cơ hội cho họ được làm việc trong nước tại những nhà máy của các tập đoàn sản xuất đó.

“Việt Nam đang có cơ hội vàng. Tức nhiên là phải có những trường huấn luyện tay nghề cho công nhân. Phải có quy định tăng lương cho người công nhân theo lạm phát của mỗi năm. Và, phải chăm sóc, bảo đảm y tế sức khỏe cho công nhân. Đặc biệt là phải cho công nhân có nghiệp đoàn độc lập và họ được điều đình một cách dân chủ, tự do, công bằng với chủ doanh nghiệp về vấn đề tiền lương cũng như điều kiện làm việc cho chính họ. Được như thế thì lúc đó, tôi nghĩ rằng kinh tế Việt Nam sẽ không thua gì với những nước trong vùng, nhất là khu vực Đông Nam Á.”

Luật sư Đặng Dũng, từng làm việc về lĩnh vực công nhân và công đoàn nhiều năm, thuộc Bộ LĐ-TB-XH cũng đề nghị về một lộ trình tạo công ăn việc làm cho công nhân ngay tại quê nhà:

“Người dân Việt Nam mong muốn không còn xuất khẩu lao động như nhiều nước. Theo tôi biết là Indonesia không còn xuất khẩu lao động nữa. Do đó, giới chức Bộ LĐ-TB-XH phải nghĩ đến việc từng bước có lộ trình đừng cho người Việt mình đi xuất khẩu lao động.”

Những công nhân Việt xuất khẩu lao động Đài RFA tiếp xúc đều có cùng chia sẻ nếu như họ được đào tạo làm việc có tay nghề và được mức lương bổng xứng đáng thì họ chọn được làm việc tại Việt Nam, như lời bộc bạch của ông Hùng:

“Nếu như ở trong nước mà làm việc có thu nhập cao thì làm để được ở gần nhà cửa, gia đình thuận tiện hơn so với làm ở nước ngoài chứ. Nhưng nếu làm việc cho người Trung Quốc là không bao giờ mình làm.”


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages