Sharp Eyes: Hệ thống theo dõi giám sát người dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Phần 1) - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

Sharp Eyes: Hệ thống theo dõi giám sát người dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Phần 1)



Trung Quốc đang dần trên đường trở thành một quốc gia giám sát toàn diện. Sharp Eyes có thể được xem là một ‘cuộc vận động’ xúi giục người dân giám sát lẫn nhau. (Tổng hợp)

“ĐÔI MẮT CỦA QUẦN CHÚNG SẮC BÉN” (群众的眼睛是雪亮的)

Câu khẩu hiệu tuyên truyền này của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã từng được sử dụng vô số lần trong Đại Cách mạng Văn hóa, một thời kì mà người dân Trung Quốc được “khuyến khích” theo dõi và thấm chí “tố giác” người thân và bè bạn, những ai có dấu hiệu không trung thành với chính quyền. Hơn 50 năm sau, “hệ thống giám sát” này đã được nâng cấp thành Sharp Eyes, một chương trình đầy tham vọng và táo bạo của Bắc Kinh nhằm kiểm soát hoạt động của người dân, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Chương trình này khuyến khích người dân “giám sát” các nguồn video công cộng và “báo cáo” những hành vi đáng ngờ thông qua việc sử dụng TV và các thiết bị di động.

Cô Maya Wang, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, trong một email trao đổi với China Digital Times (CDT), cho biết về cách mà Bắc Kinh giám sát người dân đã thay đổi trong 40 năm qua: “Vào thời gian đầu, hệ thống đơn vị, hộ khẩu và lý lịch đã được sử dụng như những cơ chế để kiểm soát người dân, nhưng sau khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, việc có thêm những phương thức kiểm soát khác là cần thiết. Và giờ thì ĐCSTQ quyết định sử dụng công nghệ để thay thế phương thức cũ”.


Từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, ĐCSTQ quyết định sử dụng công nghệ để thay thế phương thức cũ nhằm tiến hành kiểm soát ngày càng toàn diện và chặt chẽ đối với người dân. (Getty)

Chương trình Sharp Eyes chính thức được khởi động vào tháng 5/2015. Khi đó, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cùng với Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương, Bộ Công an và 6 Bộ và Ủy ban khác của Trung Quốc cùng tuyên bố rằng Sharp Eyes sẽ hoàn thành tại các vùng nông thôn vào trước năm 2020, với các ưu điểm “bao quát tất cả, chia sẻ mạng lưới, khả dụng thực tế, và kiểm soát toàn bộ”. Như vậy, các mục tiêu của Sharp Eyes bao gồm bảo đảm có thể giám sát toàn bộ mọi thứ trong những khu vực công cộng trọng điểm và trong lĩnh vực các ngành công nghiệp chính (ví dụ như giao thông, bảo vệ môi trường và quản lý đô thị), cài đặt camera mới hoặc nâng cấp lên chất lượng HD, chia sẻ toàn bộ mạng dữ liệu giám sát, và cho phép chính phủ có quyền truy cập ở mọi cấp độ.




Một năm sau, các tổ chức của nhà nước Trung Quốc bao gồm NDRC, Ủy ban Quản lý toàn diện xã hội Trung ương và Bộ Công an đã cùng phê duyệt 48 thành phố làm địa điểm để triển khai dự án. Trước khi kết thúc năm 2017, chính quyền trung ương đã chi 3,1 tỷ Nhân Dân Tệ (NDT) (khoảng 10.178 tỷ VND) vào Sharp Eyes. Vào tháng 2/2018, một tài liệu quan trọng về quy hoạch nông nghiệp của Ủy ban Trung ương đã nhắc đến Sharp Eyes. Năm 2018, Trung Quốc có 786 dự án “quốc phòng an ninh” với tổng ngân sách hơn 10 triệu NDT (khoảng 32,8 tỷ VND) cho mỗi dự án. Trong đó, phần lớn thuộc về dự án Sharp Eyes. Tổng cộng số tiền chi cho những dự án này rơi vào khoảng 36,57 tỷ NDT (khoảng 120 nghìn tỷ VND).

Cô Wang nói với CDT: “Chính phủ Trung Quốc đã thẳng thắn nói lên tham vọng của họ: đó là phát triển công nghệ để giám sát hàng loạt và kiểm soát xã hội. Dĩ nhiên, trong những tài liệu chính thức họ sử dụng những từ ngữ dễ nghe hơn như để ‘quản lý xã hội’ tốt hơn, nhưng nếu bạn nhìn vào ‘văn cảnh’ sẽ thấy ĐCSTQ đang đề cập đến kiểm soát xã hội”.


“Chính phủ Trung Quốc đã thẳng thắn nói lên tham vọng của họ: đó là phát triển công nghệ để giám sát hàng loạt và kiểm soát xã hội." (Getty)

Đề cập đến những động lực chính của dự án này, ông Xiao Qiang, nhà sáng lập kiêm tổng biên tập CDT cho biết: “Bắc Kinh đang kết hợp công nghệ giám sát dùng trong lĩnh vực dữ liệu lớn (big data) và Trí tuệ Nhân tạo (AI) với chế độ độc đảng độc tài này. Trung Quốc đang dần trên đường trở thành một quốc gia giám sát toàn diện. Sharp Eyes không đơn thuần chỉ là một nỗ lực nhằm giám sát người dân toàn diện đến mức ‘không bỏ sót bất cứ điều gì’ (no blind spot), nó còn là một ‘cuộc vận động’ xúi giục người dân giám sát lẫn nhau. Một cách hiệu quả để phòng chống những xu hướng ‘đáng quan ngại’ trong cộng đồng là giám sát chính những người giám sát”.

Sharp Eyes đặt trọng điểm vào vùng nông thôn, nhằm giải quyết vấn đề thiếu lực lượng cảnh sát và camera an ninh tại khu vực này. Để khắc phục, Sharp Eyes đang mở rộng tầm ảnh hưởng đến các khu vực nông thôn và hợp nhất hệ thống giám sát thành thị - nông thôn bằng việc tăng mức độ bao phủ của camera ở thành thị, các nút giao thông đô thị và khu vực công cộng tại nông thôn. Mục tiêu của dự án này là tạo nên một nền tảng giám sát và chia sẻ dữ liệu trên toàn quốc, một nền tảng “không bỏ sót bất cứ thứ gì”, bằng cách xây dựng các hệ thống thông tin ở các vùng nông thôn để thu thập được hình ảnh, video ở các vùng đó. Mặc dù vậy, Sharp Eyes không phải là một dự án tập trung vào việc giám sát nghiêm ngặt. Sharp Eyes có phạm vi trên toàn quốc gia, và cũng hướng đến những thành phố lớn như Quảng Châu và Bắc Kinh.




Các nguồn tin từ Trung Quốc thường miêu tả Sharp Eyes như một phiên bản mở rộng và nâng cấp của các chương trình trước đó như dự án Golden Shield, Skynet và Safe Cities. Theo truyền thông quốc gia Trung Quốc, dự án Skynet bắt đầu vào năm 2005 và sử dụng 20 triệu camera trên 16 tỉnh thành. Hệ thống camera hoạt động 24/24, bao phủ hết các quận, đường phố chính, trường học, các trung tâm thương mại.


Trung Quốc đang dần trên đường trở thành một quốc gia giám sát toàn diện. Sharp Eyes có thể được xem là một ‘cuộc vận động’ xúi giục người dân giám sát lẫn nhau. (Getty)

Trước Skynet là dự án Safe Cities. Dự án này cung cấp chức năng cảnh báo thiên tai, quản lý đô thị và duy trì an ninh công cộng, thông qua ba hệ thống tích hợp lẫn nhau, bao gồm các hệ thống kỹ thuật và hệ thống phòng không dân dụng. Các chương trình nền tảng của Skynet đã được đưa vào hoạt động thử nghiệm vào năm 2003 tại Bắc Kinh, Tô Châu, Hằng Châu và Tế Nam. Sau đó dự án được mở rộng ra 21 thành phố vào năm 2004, và 22 tỉnh vào năm 2005.

Sharp Eyes xây dựng trên nền tảng của Skynet, bằng cách kết nối các hệ thống camera an ninh công cộng lại với nhau, từ đó có được tầm nhìn bao quát những khu vực lớn như đường phố, trung tâm mua sắm và quảng trường, kết hợp với các camera tại lối ra vào các khu dân cư và tòa nhà. Trong khi Skynet nhắm đến khả năng bao phủ toàn bộ các địa điểm công cộng, Sharp Eyes tích hợp hệ thống camera công cộng và cá nhân trở thành một hệ thống giám sát lớn, cung cấp dữ liệu cho các trung tâm chỉ huy và kiểm soát từng khu vực. Nền tảng của hệ thống giám sát tại các vùng nông thôn đã có từ năm 2011 với dự án giám sát Village-to-Village. Hệ thống của Village-to-Village liên kết với Skynet, và sau đó Sharp Eyes đã tận dụng và mở rộng hệ thống đó với camera chất lượng HD, kết hợp công nghệ nhận diện phương tiện và biển số xe, và công nghệ nhận diện khuôn mặt. Đề có thể bao phủ các vùng nông thôn, các điểm kiểm soát của Sharp Eyes sẽ được kết nối với các trung tâm điều hành có sẵn của Skynet ở cấp huyện và đến các đồn cảnh sát địa phương.




Khởi đầu của dự án Sharp Eyes

Vào tháng 6/2016, dự án Sharp Eyes được khánh thành tại thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, và huyện Bình Ấp ở thành phố Lâm Nghi cũng là một trong những nơi đầu tiên thử nghiệm Sharp Eyes. Có tới gần 360.000 camera hoạt động liên tục tại Lâm Nghi. Trong số 1,06 triệu người ở huyện Bình Ấp, có tới 82% sống ở các khu vực nông thôn. Kể cả ở những nơi vùng sâu vùng xa, có ít nhất 6 điểm kiểm soát được xây dựng với tổng chi phí hơn 40 triệu NDT (khoảng 131 tỷ VND). Theo RFA, đến tháng 6/2018 có 2,93 triệu camera an ninh công cộng và 2.491 trung tâm kiểm soát tại Sơn Đông.


Sharp Eyes xây dựng trên nền tảng của Skynet, bằng cách kết nối các hệ thống camera an ninh công cộng lại với nhau, từ đó có được tầm nhìn bao quát những khu vực lớn... (Ảnh chụp video)

Trước khi chạy thử nghiệm Sharp Eyes, vào năm 2015 thành phố Lâm Nghi đã triển khai một dự án mang tên: “Các hộ gia đình giám sát lẫn nhau” (All Households are Monitors). Dự án này nhằm nâng cấp hộp dây cáp của TV trong các hộ gia đình, từ đó họ có thể xem trực tiếp hình ảnh từ các camera an ninh. Điều này cho phép người dân có thể báo cáo các hành động vi phạm qua TV.

Thành phố Lâm Nghi cùng từng triển khai dự án “An Ninh Toàn Dân”, sử dụng ứng dụng di động để đưa các video giám sát và thông tin an ninh công cộng đến người dân, và huy động họ tham gia phòng chống bảo vệ an ninh công cộng. Dự án liên quan mang tên “Hỗ Trợ Lẫn Nhau” gom các hộ gia đình lại thành từng nhóm để giám sát và đề phòng các sự cố an ninh công cộng, sử dụng điện thoại di động để báo cáo.




Nhiều người dân vùng nông thôn rất ủng hộ dự án này, nói rằng họ “không bao giờ phải lo lắng về đàn cừu của họ nữa”, và những người phụ nữ cảm thấy an toàn khi ở trong nhà khi chồng của họ đi làm xa. Tạp chí The Los Angeles Times cũng nghe được những lời tương tự từ những người dân vùng nông thôn ở tỉnh Tứ Xuyên, nơi đã lắp đặt khoảng 40.000 camera giám sát cho dự án Sharp Eyes trong hơn 14.000 làng xã.

Sharp Eyes: một công cụ để quản lý xã hội

Tờ báo trực thuộc nhà nước Trung Quốc Global Times đã tuyên bố rằng việc sử dụng Sharp Eyes sẽ hiệu quả hơn trong việc chống lại tội phạm và cải thiện khả năng quản lý. Chẳng hạn, có thể trợ giúp giải quyết các tranh chấp trong giao thông và hạn chế tham nhũng bằng cách xác định những phương tiện của chính phủ được sử dựng cho mục đích cá nhân, hoặc giảm các trường hợp lừa đảo, buôn lậu và đánh bạc.


Tờ báo trực thuộc nhà nước Trung Quốc Global Times đã tuyên bố rằng việc sử dụng Sharp Eyes sẽ hiệu quả hơn trong việc chống lại tội phạm và cải thiện khả năng quản lý. (Ảnh chụp video)

Tại các quốc gia khác, việc phòng chống tội phạm gắn liền với độ ổn định xã hội đã trở thành một trong những lý do điển hình nhất của chính phủ để thuyết phục người dân chấp nhận bị giám sát trên diện rộng. Theo một kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, kể từ khi Sharp Eyes được áp dụng ở thị trấn Diệc Trang (Yizhuang) ở vùng ngoại ô Bắc Kinh, các vụ trộm cắp và trộm xe giảm 76,4%, và số vụ vi phạm pháp luật nói chung giảm 38,6%. Với thành phố Lâm Nghi, số vụ vi phạm pháp luật đã giảm 18,59% so với cùng kỳ năm ngoái, và huyện Bình Đàm (Pingtan) tỉnh Phúc Kiến cũng cho kết quả tương tự.

Về cơ bản, Sharp Eyes được xem là một công cụ giúp tạo ra một hệ thống quản lý xã hội tốt hơn. Bắc Kinh mô tả Sharp Eyes như một “mạng lưới an ninh ba chiều”, kết hợp các yếu tố: kiểm soát và bảo đảm an ninh công cộng, quản lý xã hội và phục vụ sinh kế người dân. Chính phủ cũng tuyên bố rằng một mục tiêu khác của Sharp Eyes là ngăn chặn các hoạt động bạo lực khủng bố và ly khai sắc tộc.




Ngay trước khi Sharp Eyes được áp dụng, một trong những tài liệu nền tảng của Sharp Eyes đã mô tả những mục tiêu của Bắc Kinh về việc quản lý xã hội chặt chẽ. “Ý kiến về việc tăng cường xây dựng hệ thống kiểm soát và phòng ngừa an sinh xã hội” đã nhấn mạnh về “việc sử dụng các thông tin về mật độ dân số và vị trí địa lý nhằm phân chia khu vực tuần tra một cách khoa học, tối ưu hóa vị trí của lực lượng an ninh, và tần suất tuần tra của lực lượng vũ trang” của Bộ Công an và Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Trung Quốc, đặc biệt trong những thời gian cao điểm vào buổi sáng và tối. Ngoài ra tài liệu cũng nhấn mạnh vào mục đích phòng ngừa các vụ việc gây rối đối với giao thông công cộng và trên các tuyến đường chính, và cải thiện mức độ an toàn ở các điểm quan trọng như nhà trẻ, trường học, bệnh viện và viện tài chính.


Việc phòng chống tội phạm gắn liền với độ ổn định xã hội đã trở thành một trong những lý do điển hình nhất của chính phủ để thuyết phục người dân chấp nhận bị giám sát trên diện rộng. (Ảnh chụp video)

Gắn liền với những mục tiêu này là các kế hoạch để phát triển thuật toán “phân tích hành vi”, có thể “dự đoán hành vi và sự kiện xấu” và từ đó đưa ra các hành động ngăn chặn từ trước. Các chương trình dự đoán hành vi tương tự đã được sử dụng ở Tân Cương. Mặc dù chương trình phân tích kiểu này không phải là mục tiêu chính của Sharp Eyes, việc tích hợp thêm nó cũng có thể chỉ là vấn đề thời gian, và trong một số tài liệu cũng đưa ra một số chi tiết về việc mở rộng các yêu cầu kỹ thuật và nhấn mạnh sự cần thiết của nó nhằm hoàn thiện chức năng nhận diện khuôn mặt. Huyện Đức Thanh, tỉnh Chiết Giang cũng đã bắt đầu triển khai chương trình này. Yitu là một trong những công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc, có giá trị hơn 1 tỷ đô-la Mỹ, và 3 năm liên tiếp đã giành vị trí cao nhất trong cuộc thi “nhận diện khuôn mặt” của Viện Tiêu chuẩn và Kỹ thuật quốc gia Hoa Kỳ. Vào tháng 3/2018, Yitu thắng trong cuộc đấu thầu trị giá 18 triệu NDT để cung cấp công nghệ nhận diện khuôn mặt và phương tiện của Cục Công an các huyện và để sử dụng cho Sharp Eyes.




Khó khăn khi triển khai Sharp Eyes

Bất chấp những tuyên bố lớn từ các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc về sự thành công của dự án Sharp Eyes, một báo cáo mở rộng từ IPVM (cơ quan hàng đầu thế giới về giám sát an ninh qua video) đã kết luận rằng để có thể đạt được đến “không bỏ sót bất cứ điều gì” là “gần như không thể”. Bài báo cáo trích dẫn lời trong các bản thiết kế và từ các quan chức địa phương, rằng họ buộc phải thừa nhận những khó khăn trong kỹ thuật, các tiêu chuẩn không ổn định và không đủ kinh phí cũng như chuyên môn. Trong một bình luận trên tạp chí Wall Street Journal, cô Wang từ HRW nhấn mạnh rằng các hệ thống giám sát của Trung Quốc nói chung bị cản trở khá nhiều bởi tham nhũng.


Bất chấp những tuyên bố lớn từ các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc về sự thành công của dự án, để Sharp Eyes có thể đạt được đến “không bỏ sót bất cứ điều gì” là “gần như không thể”. (Getty)

Một vấn đề điển hình khác là cơ sở hạ tầng của Sharp Eyes lạm dùng phần mềm của bên thứ 3. Trong một báo cáo của Uỷ ban Hoa Kỳ - Trung Quốc, các nhà phân tích đã mô tả chi tiết về cách mà Bắc Kinh đang “tích cực nghiên cứu các lỗ hổng của Internet Vạn Vật (IoT) cho mục đích an ninh và thu thập tình báo, tiến hành trinh sát hệ thống nhằm ngăn chặn tấn công mạng và tăng cường năng lực giám sát trong nước. Tuy nhiên, những thất bại an ninh trong quá khứ liên quan đến hệ thống giám sát của Trung Quốc cho thấy các bộ phận quốc phòng đã tham gia xây dựng hệ thống này. Anh Bennett Cyphers, nhân viên của Electronic Frontier Foundation, cảnh báo rằng “Sharp Eyes tập trung vào việc triển khai một lượng lớn các thiết bị kết nối Internet giá rẻ cho TV, camera đường phố, v.v. để giám sát đám đông. Đây không chỉ là một hành động thô thiển nhằm vi phạm quyền riêng tư cá nhân, mà còn là một lỗ hổng rất lớn trong an ninh. Chúng ta biết rằng đa phần người sử dụng đều không quan trọng bảo mật của các thiết bị IoT, và ai có thể biết được chất lượng của các thiết bị rẻ tiền khi được sản xuất hàng loạt sẽ như thế nào. Lấy ví dụ, nhiều hãng sản xuất không cung cấp các cơ chế cập nhật an ninh từ xa, vậy nếu lỗ hổng bị phát hiện, họ không thể vá lỗi từ xa mà phải trực tiếp sửa chữa các thiết bị bằng tay. Một số những botnet nguy hiểm nhất, được phát triển bằng cách tận dụng những lỗ hổng của các thiết bị kết nối Internet, có thể đánh sập nhiều hệ thống mạng lớn”.

Cô Oiwan Lam, phóng viên của tổ chức phi chính phủ Global Voices, đã nhấn mạnh những lo ngại rằng những hệ thống được nâng cấp trên TV có thể tạo điều kiện giám sát sự riêng tư của các hộ dân. Cô Lam trích dẫn một bài đăng đã được kiểm duyệt từ nhà thầu phụ là Tập đoàn Cổ phần Công nghệ Aebell Quảng Đông, mô tả rằng hệ thống Sharp Eyes họ đang phát triển có thể “sử dụng TV và điện thoại thông minh của các hộ gia đình để tăng cường mở rộng hệ thống giám sát cho các hộ gia đình và cá nhân”. Cô bổ sung: “Một số người lo lắng rằng hệ thống có thể được sử dụng để theo dõi nhưng không giam riêng tư - một khi điện thoại và TV kết nối đến hệ thống mạng, camera tích hợp sẵn và micro của thiết bị có thể được người vận hành hệ thống bật lên nhằm giám sát người dân trong chính căn nhà của họ”. Hơn nữa, Sharp Eyes có thể hỗ trợ kiểm soát các tù nhân tôn giáo. Một người dân nói với Bitter Winter: “ĐCSTQ đã sẵn kiểm soát chúng tôi ngay cả ở trong nhà, vậy còn chút riêng tư nào nữa? Nó như kiểu chúng ta đều có thòng lọng quanh cổ và bị lôi đi bởi những dây xích. Xung quanh chúng ta đều là micro, điều này thật đáng sợ”.

(Còn tiếp)


© Quang Minh
    NTDVN
    Theo China Digital Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages