Tự sát để chứng tỏ bị kết án oan có thể nào đánh thức nền tư pháp Việt Nam? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2020

Tự sát để chứng tỏ bị kết án oan có thể nào đánh thức nền tư pháp Việt Nam?



Đám tang ông Lương Hữu Phước tại tư gia sau khi ông Phước đến tòa án tỉnh Bình Phước nhảy lầu tự sát vào chiều ngày 29/5/2020. Courtesy: vtc.vn


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Nhảy lầu tự sát tại tòa

Phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao bác kháng nghị điều tra lại vụ án tử tù Hồ Duy Hải của Viện KSND Tối cao, hôm mùng 8/5 còn chưa kịp lắng dịu trước sự phản đối dữ dội của công luận thì vào sáng ngày 29/5, Tòa án tỉnh Bình Phước tuyên y án sơ thẩm 3 năm tù giam đối với bị cáo Lương Hữu Phước, dẫn đến hành động phản kháng của ông Phước là nhảy từ lầu 2 xuống sân tòa trong chiều cùng ngày và bị tử vong.

Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Phước, vào sáng ngày 30/5 lập tức tổ chức cuộc họp báo về vụ việc ông Lương Hữu Phước, 55 tuổi, chết tại sân tòa, nghi nhảy lầu tự tử do bị tuyên án oan sai. Tại buổi họp báo này, Tòa án tỉnh Bình Phước tuyên bố rằng đã xét xử hòan toàn vô tư và công tâm.

Đài RFA tóm tắt vụ án tai nạn giao thông xảy ra hồi ngày 15/1/2017. Theo truyền thông trong nước cho biết ông Lương Hữu Phước chở ông Trần Hữu Quý trên chiếc xe gắn máy. Trong lúc ông Phước lái xe rẽ trái qua đường và khi xe của ông Phước tới phần đường dành cho xe đi ngược chiều thì bị xe máy do anh Lâm Tươi lái, chở anh Trị Tiếp đụng vào gây tai nạn, khiến ông Lương Hữu Phước và ông Trần Hữu Quý bị thương. Hai ngày sau đó, ông Quý tử vong.

Phiên tòa sơ thẩm tuyên án ông Phước 3 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Ông Phước đã kháng cáo. Phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất, đã tuyên hủy án sơ thẩm với nhận định chưa làm rõ nhiều vấn đề, kết tội chưa có cơ sở.

Quan điểm của tôi về phán xét phúc thẩm, tôi cho rằng Hội đồng Xét xử phúc thẩm gồm Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Lê Hồng Hạnh, các thẩm phán: ông Lê Viết Hòa (hiện nay là Phó Chánh án) và ông Phạm Tiến Hiệp tuyên bác kháng cáo kêu oan của anh Lương Hữu Phước và kết tội anh Lương Hữu Phước phạm tội ‘vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và tuyên phạt 3 năm tù là oan cho anh Phước. Tại vì phán quyết đó không đúng với những chứng cứ đã được cơ quan điều tra thu thập. Có nghĩa rằng tòa đã xem xét, đánh giá chứng cứ không toàn diện, không khách quan. Bởi vì nếu đánh giá toàn diện và khách quan thì người bị truy tố xét xử là Lâm Tươi, không phải anh Lương Hữu Phước

-Luật sư Dương Vĩnh Tuyến
Phiên tòa sơ thẩm xét xử lần thứ hai, vẫn tuyên ông Phước 3 năm tù giam do qua đường không quan sát, không nhường đường xe ngược chiều gây tai nạn. Phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhì, vào sáng ngày 29/5/2020, tuyên y án sơ thẩm lần hai là 3 năm tù giam đối với ông Lương Hữu Phước.

Báo Tuổi Trẻ Online, vào hôm 30/5 dẫn hồ sơ vụ án cho biết khi xảy ra tai nạn giao thông, ông Phước có nồng độ cồn trong máu là 0,69mg/l khí thở. Còn anh Lâm Tươi có nồng độ cồn trong máu là 0,57 mg/l khí thở và anh Lâm Tươi chở anh Tiếp Trị mà không có bằng lái xe.

Tại cuộc họp báo vào sáng ngày 30/5, bà Lê Hồng Hạnh-Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhì giải thích nguyên nhân không khởi tố Lâm Tươi là do Lâm Tươi không lấn đường và cơ quan điều tra không xác định được vận tốc xe Lâm Tươi. Anh Lâm Tươi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không có giấy phép lái xe và có nồng độ cồn.

Bà Lê Hồng Hạnh nói thêm tại cuộc họp báo rằng tòa xác định lỗi là do bị cáo Lương Hữu Phước qua đường mà không quan sát, vi phạm khoản 2 điều 15 Luật Giao thông đường bộ và hiện trường chỉ thể hiện vết cà của xe bị cáo Phước để lại. Xe bị cáo Phước ngã nằm hoàn toàn bên phần đường bên phải của xe Lâm Tươi.

Án oan sai đối với ông lương Hữu Phước?

Vào tối hôm 1/6, Luật sư Dương Vĩnh Tuyến, là luật sư bào chữa cho ông Lương Hữu Phước, lên tiếng với RFA:

“Quan điểm của tôi về phán xét phúc thẩm, tôi cho rằng Hội đồng Xét xử phúc thẩm gồm Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Lê Hồng Hạnh, các thẩm phán: ông Lê Viết Hòa (hiện nay là Phó Chánh án) và ông Phạm Tiến Hiệp tuyên bác kháng cáo kêu oan của anh Lương Hữu Phước và kết tội anh Lương Hữu Phước phạm tội ‘vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và tuyên phạt 3 năm tù là oan cho anh Phước. Tại vì phán quyết đó không đúng với những chứng cứ đã được cơ quan điều tra thu thập. Có nghĩa rằng tòa đã xem xét, đánh giá chứng cứ không toàn diện, không khách quan. Bởi vì nếu đánh giá toàn diện và khách quan thì người bị truy tố xét xử là Lâm Tươi, không phải anh Lương Hữu Phước.”




Luật sư Dương Vĩnh Tuyến nêu lên một số yếu tố mà không được Hội đồng Xét xử phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhì xem xét, chẳng hạn như đại diện Viện KSND gọi Lâm Tươi là “bị cáo” trong khi không khởi tố Lâm Tươi nhưng chủ tọa phiên tòa đã không yêu cầu phải thay đổi cho đúng theo quy định tố tụng hay trong quá trình tranh luận tại tòa, Viện KSND ban đầu khẳng định vết cà của xe là từ xe của Lâm Tươi và có đủ cơ sở để kết luận Lâm Tươi gây ra tai nạn; tuy nhiên sau đó lại khẳng định là có đủ chứng cứ để kết luận vết cà của xe do từ xe của ông Phước.

Luật sư Dương Vĩnh Tuyến, theo luật định được đặt câu hỏi với Lâm Tươi tại tòa. Thế nhưng, câu hỏi của vị luật sư bào chữa này đã bị tòa cắt ngang. Luật sư Dương Vĩnh Tuyến thuật lại lúc nêu câu hỏi với anh lâm Tươi:

“Tôi hỏi là anh khai ở khỏang cách 50 mét thì anh đã nhìn thấy anh Phước đi qua đường từ từ. Vậy tại sao khi khỏang cách còn 5 mét thì anh bị bất ngờ khi thấy anh Phước qua đường? Và mục đích của tôi hỏi câu này là làm rõ nguyên nhân tại sao Lâm Tươi bị bị bất ngờ để rồi bẻ tay lái về bên phải đường và lao thẳng xe của mình vào vùng tản nhiệt của xe anh Phước? Bởi vì rõ ràng xe anh Phước chạy từ từ và còn 50 mét thì Lâm Tươi đã thấy rồi và việc qua đường của anh Phước có bật xi-nhan hay không bật xi-nhan đều không tạo nên sự kiện bất ngờ đối với Lâm Tươi. Vậy thì tại sao còn khoảng cách 5 mét thì Lâm Tươi bị bất ngờ? Như vậy, Lâm Tươi điều khiển xe lúc này thì mặt nhìn ở đâu? Nếu nhìn ở phía trước thì chắc chắn không bị bất ngờ vì vẫn nhìn thấy. Khi tôi hỏi câu hỏi này thì bị Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Lê Hồng Hạnh cắt không cho tôi hỏi vấn đề đó.”

Luật sư Dương Vĩnh Tuyến nhấn mạnh đây là mấu chốt chính của vụ án. Đồng thời, tòa phúc thầm lần thứ nhì cũng đã không xét hỏi nhân chứng là bà Trần Thị Kim Liên:

“Trong lời khai của cô Trần Thị Kim Liên (vợ của anh Quý) là người nhân chứng. Chị Liên khai là Lâm Tươi vừa chạy xe vừa quay đầu lại phía sau để nói chuyện với người ngồi sau, tức là Trị Tiếp. Nhưng khi xét hỏi, Hội đồng Xét xử đã không hỏi chị Liên về vấn đề này mặc dù ngày hôm đó chị Liên có tham dự.”




Báo mạng Tieudung.vn, trong bản tin loan về vụ việc ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tự sát tại TAND tỉnh Bình Phước vào hôm 29/5, cho biết chi tiết ông Phước từng tâm sự với nhiều người sau khi có bản án sơ thẩm tuyên 3 năm tù giam đối với ông. Ông Phước nói rằng “nếu bản án gây bất công, ông sẽ tự tử”
.

Sau khi phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhì tuyên y án sơ thẩm 3 năm tù giam, vào lúc 2:31 chiều cùng ngày, ông Phước đăng một status trên trang Facebook cá nhân rằng “ Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ!”. Tiếp sau đó, ông Phước đi đến Tòa án tỉnh Bình Phước và nhảy lầu tự sát.


Ảnh chụp màn hình Facebook của ông Lương Hữu Phước vào tối ngày 1/6/2020. Courtesy: facebook Luong Huu Phuoc
Báo mạng Tuổi Trẻ, vào ngày 1/6 loan tin TAND tối cao đã yêu cầu TAND tỉnh Bình Phước báo cáo và rút hồ sơ để xem xét. Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, Trung tướng Trần Văn Độ được dẫn lời cho biết trong trường hợp bản án bị hủy để điều tra, xét xử lại thì dù bị can, bị cáo đã chết nhưng việc điều tra vẫn có thể tiến hành được bởi ngoài lời khai của bị can, bị cáo còn có lời khai của người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ khác. Tuy nhiên, Trung tướng Trần Văn Độ lưu ý việc bị cáo tự tử có thể do nhiều nguyên nhân, ví dụ như hoàn cảnh gia đình hay những bí bách trong cuộc sống tác động đến tâm lý dẫn đến hành vi nông nổi thì không thể dùng hậu quả tự sát để quy trách nhiệm cho người thi hành tố tụng.

Luật sư Dương Vĩnh Tuyến khẳng định với RFA:

“Tôi đã xem được dòng status của anh Lương Hữu Phước và rõ ràng anh Phước đã không bằng lòng về phán quyết của tòa. Bởi vì status được viết vào buổi chiều sau khi tòa đã tuyên án. Thứ hai nữa, nếu anh Phước chết vì nguyên nhân khác thì không mắc gì anh phải tới tòa để chết. Từ status trên Facebook cá nhân của anh Phước cùng với việc anh Phước tới tòa để tự tử thì đủ khẳng định anh Phước đã không chấp nhận phán quyết của tòa.”

Công lý cho nền tư pháp được “thức tỉnh”?

Luật sư bào chữa cho ông Lương Hữu Phước cho RFA biết thêm diễn tiến của vụ án sau khi ông Phước qua đời:

“Với tư cách là một luật sư và lương tâm cùng trách nhiệm, tôi buộc lòng phải có đơn gửi đến các cơ quan để đề nghị giám đốc thẩm. Và với niềm tin luật pháp thì tôi tin là những người có thẩm quyền sẽ xem xét và tuyên bố anh Lương Hữu Phước không có tội, mặc dù anh đã chết. Còn họ có quyền và họ tuyên như thế nào thì tôi không dám nghĩ tới. Bởi vì nói thẳng rằng bức màn giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải vẫn chưa khép được trước mắt tôi.”




Báo giới quốc nội cũng đăng tải thông tin trong một phiên tòa phúc thẩm khác, Tòa án tỉnh Bình Phước đã xét xử ông Võ Chánh và ông này cũng đã dùng dao tự sát sau khi phiên tòa tuyên án.

Vụ này làm tôi liên tưởng đến vụ ông Nguyễn Khắc Thủy ở Vũng Tàu khi xử giám đốc thẩm đã chuyển từ án tù treo sang thành án tù giam đối với hành vi cưỡng dâm trẻ em của ông Thủy. Thế thì vụ án này tôi vẫn đánh giá cao (xét xử) liên quan về dư luận nhiều hơn. Bởi vì các vụ án oan sai diễn ra rất nhiều và khắp nơi thì vụ này chỉ là bắt cóc bỏ đĩa mà không giải quyết được nhiều. Chẳng qua là người ta muốn lấy danh dự và nhiều người nhân dịp này để lấy công. Thật sự tôi nói có phần bi quan một chút nhưng điều này rất lo ngại vì người ta luôn luôn giải quyết vấn đề từ ngọn, chứ không phải đào gốc cho nên tôi nghĩ rằng cái chết của ông Phước chỉ làm cho người ta lay động trong một tít tắc nào đó thôi rồi sau thì đâu lại vào đấy

-Luật sư Ngô Anh Tuấn
Luật sư Ngô Anh Tuấn, vào tối hôm 1/6 chia sẻ với RFA rằng ông có hy vọng là vụ án của ông Lương Hữu Phước sẽ được xét xử lại cho nạn nhân, mặc dù không thể nào đánh thức được công lý cho nền từ pháp ở Việt Nam:

“Vụ này làm tôi liên tưởng đến vụ ông Nguyễn Khắc Thủy ở Vũng Tàu khi xử giám đốc thẩm đã chuyển từ án tù treo sang thành án tù giam đối với hành vi cưỡng dâm trẻ em của ông Thủy. Thế thì vụ án này tôi vẫn đánh giá cao (xét xử) liên quan về dư luận nhiều hơn. Bởi vì các vụ án oan sai xảy ra rất nhiều và khắp nơi thì vụ này chỉ là bắt cóc bỏ đĩa mà không giải quyết được nhiều. Chẳng qua là người ta muốn lấy danh dự và nhiều người nhân dịp này để lấy công. Thật sự tôi nói có phần bi quan một chút nhưng điều này rất lo ngại vì người ta luôn luôn giải quyết vấn đề từ ngọn, chứ không phải đào gốc cho nên tôi nghĩ rằng cái chết của ông Phước chỉ làm cho người ta lay động trong một tít tắc nào đó thôi rồi sau thì đâu lại vào đấy.”

Luật sư Lê Ngọc Luân, sau khi hay tin ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tại tòa tự sát với mong muốn cái chết của ông có thể thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước, đã viết trên Facebook rằng nền tư pháp chỉ thức tỉnh “khi nào thẩm phán được độc lập thật sự, họ có quyền phán xét bằng sự chính trực và lương tâm không bị can thiệp thô bạo thì mới có nhen nhóm hi vọng”.

Luật sư Lê Ngọc Luân qua trang Facebook cá nhân đã thốt lên rằng “Đất nước tôi sao lại xảy ra những bất công và phẫn uất thế này? Trời ơi!”. Và một ngày sau đó, Luật sư Lê Ngọc Luân cho biết bài viết này của ông đã bị Facebook gỡ bỏ.


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages