Kevin Trần: Chúng ta định cư tạo dựng cuộc sống mới ở quê hương thứ hai này. Mọi thứ phải làm, suy nghĩ và ủng hộ cho đất nước giang tay cưu mang gần 10 triệu người con Việt chạy khỏi sự kềm kẹp của cộng sản trị. Thì hà cớ gì phải tiếp tay, ủng hộ cho một đảng phái khác đánh phá một Tổng Thống luôn vì nước, vì dân và định kiến rõ ràng qua thông điệp của ông "Thế giới sẽ vững mạnh khi không còn chế độ cộng sản hiện hữu!"...
Chỉ còn hơn ba tháng là đến 3/11, ngày cử tri Mỹ đi bầu để chọn Tổng thống Hoa Kỳ đời thứ 46. Hai ứng cử viên tham dự cuộc đua là tổng thống Donald Trump, đảng Cộng hòa và cựu tổng thống Joe Biden, đảng Dân chủ.
BBC News Tiếng Việt phỏng vấn một số cử tri gốc Việt thuộc nhiều giới và nhiều lứa tuổi cho loạt bài phản ánh suy nghĩ của cử tri gốc Việt trong kỳ bầu cử được cho là hết sức gay cấn này.
Phần một của loạt bài này đúc kết quan điểm của giới ủng hộ đảng Cộng hòa, hay ủng hộ ông Donald Trump quanh 4 tiêu đề chính: lá phiếu của cử tri gốc Việt; khuynh hướng ủng hộ đảng Cộng Hòa của nhiều người Việt; sự xung khích sâu sắc của hai phe bênh và chống Trump, và hướng đi của Hoa Kỳ hiện giờ.
Lá phiếu của cử tri gốc Việt
Theo tài liệu của Pew Research, cử tri đủ điều kiện đi bầu (công dân Mỹ trên 18 tuổi) người Mỹ gốc Á là nhóm cử tri phát triển nhanh nhất trong số các sắc tộc chính ở Hoa Kỳ. Hơn 11 triệu người sẽ có thể bỏ phiếu trong năm nay, chiếm gần 5% số cử tri đủ điều kiện của toàn quốc.
Vẫn theo Pew Research, cử tri gốc Việt có đủ điều kiện đi bầu năm 2018 là khoảng 1.291.000 người. Không ai rõ trong số này, cử tri gốc Việt ghi danh đi bầu là bao nhiêu, tuy nhiên có ước lượng là khoảng 800.000 đến 900.000 người đã ghi danh.
Với con số khiêm tốn này, thêm tình trạng đa số người Việt sinh sống ở những tiểu bang nghiêng hẳn về bên Xanh (Dân chủ) hay Đỏ (Cộng hòa), lá phiếu của cử tri người Mỹ gốc Việt thường được cho là không phải yếu tố giúp quyết định được ai sẽ làm tổng thống.
LS Trần Thái Văn không đồng với nhận định này. Nhưng dù đồng ý hay không, đa số người được phỏng vấn cho rằng lá phiếu của cử tri gốc Việt rất quan trọng, thậm chí hô hào mọi người nên đi bầu.
Trần Thái Văn: Nhận định này không hẳn đúng, dù đa số cử tri gốc Việt sinh sống tại các tiểu bang được liệt kê hẳn vào danh sách của đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa, như California hoặc Texas. Có 5-7 tiểu bang được xem là ''tossup'' hoặc ''swing state'' gồm Florida, Michigan, Arizona, Neveda, Ohio, Pennsylvania và Wisconsin. Những tiểu bang này có cử tri gốc Việt sinh sống và những tổ chức cộng đồng Việt Nam sinh hoạt khá đều đặn. Nhưng muốn gây ảnh hưởng trong kỳ bầu cử này, người Việt cần phải ghi danh đi bầu thật đông. Việc các tiểu bang này về tay ông Trump hay Biden rất xít soát, có thể với vài ngàn hay vài chục ngàn phiếu mà thôi, thì vài ngàn cử tri Việt Nam, nếu biết dùng kế hoạch để dồn phiếu cho một ứng cử viên đã chọn, thì ảnh hưởng của cộng đồng rất lớn.
Hoàng Đức Nhã: Người Mỹ gốc Việt tại một số tiểu bang, Đỏ hay Xanh là một yếu tố quan trọng trong việc bầu cho ứng cử viên Cộng Hòa hay Dân chủ, hay bầu cho đồng hương trong những chức vụ dân cử ở cấp thành phố, quận, tiểu bang, và liên bang. Có như thế nhóm dân cử Mỹ gốc Việt mới có thể tạo cho mình một sức mạnh chánh trị có ảnh hưởng, và từ đó giúp các người Mỹ gốc Việt khác.
Hoàng Vi Kha: Những lá phiếu, dù là thiểu số luôn được nhà nước tri nhận. Họ luôn làm các thống kê, biên soạn thành những tài liệu hữu ích sau đó. Cho nên cần phải tham gia bầu cử. Ở những tiểu bang "dao động" (swing state) có thể sỉ số người Việt không đông nhưng vẫn có những phương cách khiến cho "tiếng nói" của mình được nghe. Chẳng hạn như tham gia vào các sinh hoạt dòng chính tại địa phương, liên kết, hậu thuẫn với các tổ chức, cá nhân tham chính tại địa phương, có mặt tại các cuộc vận động tranh cử.
Kevin Trần: Tâm lý người Việt mình xưa giờ đều có ý nghĩ à thôi kệ, mình không tham dự cũng chẳng chết ai, hay ảnh hưởng đến ai vì nước Mỹ dân số gần 350 triệu người. Nhưng, năm nay sẽ và có sự thay đổi rõ rệt trong cộng đồng người Việt ở nước Mỹ này, từ ông bà cụ sống gần 40 năm chưa từng bỏ phiếu đi bầu cũng nhắc nhở con cháu phải dẫn họ đi gởi lá phiếu của chính mình cho bằng được, vì chứng kiến quá nhiều biến cố tang thương họ không cầm được cảm xúc và nước mắt khi thấy chính trường Mỹ chưa bao giờ xào xáo và tan tác như hiện thời.
Khuynh hướng ủng hộ đảng Cộng hòa
Giải thích hiện tượng đa số người Việt lớn tuổi ủng hộ đảng Cộng hòa, và xét xem khuynh hướng này có đang thay đổi với giới trẻ, người trả lời có nhận định khác nhau.
Hoàng Đức Nhã: Theo tôi sở dĩ người Mỹ gốc Việt xác định là đảng Cộng Hòa là vì 1) một số lớn những người đó nghĩ rằng chính những Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ thuộc đảng Dân Chủ trong Quốc Hội Hoa Kỳ gây sự sụp đổ của VNCH vì họ cắt viện trợ trong thời điểm 1973-1974; 2) đa số người Việt định cư tại Hoa Kỳ sau tháng Tư, 1975 thấy chủ trương của đảng Cộng Hòa hợp với suy nghĩ chánh trị và lối sống của họ - có trách nhiệm làm việc thay vì chờ đợi chánh phủ giúp. Khuynh hướng này sẽ thay đổi vì sắc thái chính trị Hoa Kỳ, nhưng sẽ vẫn cao hơn người Mỹ gốc Á khác.
Trần Thái Văn: Chiếu theo thống kê, thế hệ tỵ nạn đầu tiên tại Hoa Kỳ có nhiều phần trăm ghi danh vào đảng Cộng Hòa vì những chính sách bảo thủ và lý thuyết thực tế của đảng này về phương diện quốc phòng, chống cộng, ngoại giao, gia đình và luân lý. Tuy nhiên thế hệ thứ nhì thì lại ghi danh vào đảng Dân Chủ với tỷ lệ cao hơn. Đây là những dấu hiệu cho thấy cộng đồng Việt Nam đã và đang gia nhập vào những phong trào cấp tiến, nếu không nói là ''thiên tả'' [nói theo kiểu Mỹ].
Hoàng Vi Kha: Bối cảnh lịch sử cùng văn hóa sống của người Mỹ gốc Việt là nguyên do khiến cho đại đa số cảm thấy đường lối của đảng Cộng Hòa thích hợp hơn. (cuộc chiến Việt Nam, cuộc sống dưới chế độ độc tài cộng sản). Tuy nhiên, điều đó có thể sẽ khác đi trong tương lai, khi mà thế hệ người Mỹ gốc Việt hiện đang ở nhà trường bị nhiều ảnh hưởng giáo dục theo chiều hướng của đảng Dân Chủ.
Kevin Trần: Chúng ta định cư tạo dựng cuộc sống mới ở quê hương thứ hai này. Mọi thứ phải làm, suy nghĩ và ủng hộ cho đất nước giang tay cưu mang gần 10 triệu người con Việt chạy khỏi sự kềm kẹp của cộng sản trị. Thì hà cớ gì phải tiếp tay, ủng hộ cho một đảng phái khác đánh phá một Tổng Thống luôn vì nước, vì dân và định kiến rõ ràng qua thông điệp của ông "Thế giới sẽ vững mạnh khi không còn chế độ cộng sản hiện hữu!"
Xung khắc giữa quan điểm bênh và chống Trump
Về lý do cộng đồng người Mỹ gốc Việt bị chia rẽ sâu sắc giữa hai phe ủng hộ và chống đối Trump, tạo nhiều căng thẳng khó xoa dịu giữa các thành viên trong gia đình, mỗi người có nhận xét khác nhau.
Trần Thái Văn: Đây là một hiện tượng bình thường vì ông Trump có cách hành xử cá nhân cũng như chính sách của ông đã gây lên hai xu hướng rõ rệt như vậy. Ông Trump không phải là một chính trị gia thuần túy, mà là một người gốc kinh doanh nổi tiếng như một tài tử trong nhiều thập niên qua. Cách phát ngôn và làm việc của ông Trump không giống như các chính trị gia hoặc các dân cử thuần túy, nhưng rất bộc trực và thẳng thắn.
Khối cử tri chống ông Trump thì phán xét rằng ông này không thành thật và phát ngôn bừa bãi, không đúng sự thật về nhiều việc. Cũng như toàn quốc Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt là một thành phần nhỏ trong nước Mỹ, và sự chống đối hoặc ủng hộ ông Trump phản ánh sự suy nghĩ của hai xu hướng này. Sự kiện này không có gì ngạc nhiên hoặc bất ngờ.
Hoàng Vi Kha: Điều này xảy ra cho mọi sắc dân chứ không riêng gì người Mỹ gốc Việt. Ở Mỹ có hai đảng chính là Dân chủ và Cộng hòa. Như thế tự nó đã chia rẽ thành hai xu hướng chính trị khác nhau rồi. Nhưng sự khác nhau đó là đại diện cho ý kiến đối lập để cùng bổ túc, dung hòa cho mục đích gìn giữ và xây dựng đất nước. Ðó là điều cốt lõi tại các quốc gia có tự do, tôn trọng tư tưởng đa chiều, đa nguyên.
Sự chia rẽ hiện nay cho thấy hầu như là khởi từ cảm tính cá nhân của thích và ghét, với mong muốn triệt hạ đối phương chứ không còn là tôn trọng để cùng tồn tại và làm việc. Công bằng bị thay bởi thiên kiến vì lý trí đã bị cảm tính che đi. Cho nên những thành đạt của tổng thống Trump không được nhắc tới hoặc bị tiếm đoạt. Cụ thể là sự phát triển kinh tế dưới thời tổng thống Trump. Trong giai đoạn tranh cử năm 2016 nhiều "chuyên gia kinh tế" và đảng Dân chủ đã đe dọa rằng nếu Trump thắng cử "có khả năng khiến thị trường chứng khoán sụp đổ và khiến thế giới rơi vào suy thoái" (trên internet còn lưu lại nhiều bài này) Nhưng tất cả đã không xảy ra mà kinh tế tăng trưởng liên tục trong suốt các năm qua.
Nhưng trước kia, mức độ công kích lẫn nhau chưa bao giờ tồi tệ như hiện đang thấỵ Tình trạng này chỉ xuất hiện gần đây, do đến từ hai nguyên do:
Tranh chấp từ trong nước: Khi đảng Dân chủ và kể cả một số thành viên đảng Cộng hòa vì bản ngã và quyền lợi cá nhân không chấp nhận được Trump đắc cử tổng thống, dù rằng ông đắc cử hợp pháp và được hàng triệu người bầu. Họ muốn đánh hạ tổng thống Trump bằng mọi thủ đoạn trong mọi lãnh vực mà đứng đầu là truyền thông. Cạnh đó, sự hình thành và lớn dần của một số tổ chức mang xu hướng chính trị khác. Các nhóm này hoặc lộ diện hoặc ẩn nấp dưới những nhóm sinh hoạt hình thức khác nhau. Họ thâm nhập vào cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa để gây nội loạn mà "ngư ông đắc lợi."
Phá hoại từ ngoài nước: Việc "thọc gậy bánh xe", xách động của những nước không ưa Mỹ. Khi nước Mỹ bị chia rẻ trầm trọng dẫn đến suy sụp sẽ không còn khả năng ngăn cản, can thiệp sự bành trướng sức ảnh hưởng của các quốc gia này trên thế giới. Chẳng hạn như Tàu cộng. Suốt nhiều năm dài lợi dụng chính sách có nhiều sơ sót về đối ngoại và kinh tế của Mỹ để phát triển và thâm nhập vào Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác. Nay đã có cơ hội và khả năng để họ nhúng tay vào nội tình nước Mỹ. Chẳng hạn như một số nước Âu Châu bị Trump ép phải chi tiêu nhiều hơn vào các tổ chức như NATO, hoặc phải điều chỉnh lại các hiệp định thương mãi, không còn trục lợi được như trước.
Kevin Trần: Câu chuyện chia rẽ thành hai luồng đối nghịch mỗi khi mùa bầu cử sắp đến đã như là thông lệ quen thuộc của nước Mỹ. Hai người bạn thân, hai cha con, hai anh em, thậm chí hai vợ chồng cũng có thể không nhìn mặt nhau chỉ vì bất đồng trong việc ủng hộ ai, và sẽ viết tên ai trong phiếu bầu vào tháng 11 của mỗi bốn năm.
Nếu có cơ hội để nói lên những gì có thể hoà giải lằn ranh của những phe đối lập hiện thời của hai đảng DC và CH thì mình sẽ không nói gì dài dòng hết. Cứ thu thập những số liệu chính xác từ các nguồn tin cậy nhất và làm một bảng so sánh giữa những cái tốt và không tốt của hai đảng phái trong suốt thời gian vừa qua khi nước Mỹ phải oằn mình gánh chịu từ thiên tai của dịch cúm cho tới biểu tình và còn gì sắp tới thì chưa biết. Ai cũng cố gắng làm mọi cách để bảo vệ cái đúng, cái hay của người mình thích. Sẽ là một câu chuyện chưa bao giờ có hồi kết mỗi ngày... Nhưng dù có bất hoà, có giận hờn, có tránh mặt nhau thậm chí có vật nhau rướm máu, nhưng bầu cử xong mọi thứ đã ngã ngũ thì mọi việc sẽ trở lại vị trí cũ như thường lệ, cuộc sống vẫn tiếp tục như bao năm tháng đã qua.
Hoa Kỳ có đang đi đúng hướng?
Chỉ hai trong số bốn người được hỏi muốn đưa ra nhận định về việc hiện Hoa Kỳ có đang đi đúng hướng.
Hoàng Đức Nhã: Theo tôi, nước Mỹ hiện nay đi đúng hướng, có nghĩa là làm cho quốc gia mạnh, dân giàu, và giữ vai trò lãnh đạo thế giới một cách có trách nhiệm. Vấn đề là đảng Dân chủ vốn vẫn ức vì thua năm 2016 cho nên chỉ trích thậm tệ ông Trump, vạch lá tìm sâu, cho những gì ông Trump làm là sai, cách làm sai, hành vi sai, và thổi phồng những gì họ cho là nhược điểm hay lỗi lầm của ông Trump. Đây là một sự khác biệt trong phương cách thi hành chứ không phải trong chiến lược. Ông Trump vốn là một doanh thương, hành động một cách thực tế hơn so với những người lãnh đạo chính trị khác: ông ta lúc nào cũng đặt nặng ưu tiên cho quốc gia mình và tính toán dựa trên yếu tố "phí tổn/lợi ích" của mọi quyết định. Nếu đạt được mục tiêu đó bằng cách đa phương thay vì đơn phương thì tốt. Nhưng không phải cần làm theo phương thức đa phương mà đợi cho đến khi nào đạt được thế đó mới làm vì lúc đó sẽ mất cơ hội tốt để đạt được mục tiêu của mình.
Hoàng Vi Kha: Nước Mỹ luôn năng động và từ lâu tuy có một "lộ trình" (roadmap) nhưng lại luôn uyển chuyển sao cho thích hợp thời thế để đem lại lợi ích cho dân, cho nước. Những chính sách trước đây đã để cho Trung cộng phát triển và thâm nhập khắp nơi, thao túng hầu như mọi lãnh vực: giải trí, truyền thông, giáo dục, kinh tế, chính trị. Cạnh đó nhiều tổ chức mang nhãn hiệu quốc tế hoặc không còn phân chia công bằng, hoặc bị điều khiển bởi kẻ có thế lực (Trung cộng) Nhiều người trong các nhóm "think tank" ở cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã thừa nhận các điều nàỵ Do vậy khi tổng thống Trump đặt lại các vấn đề để tái kiến thiết, củng cố sức mạnh của nước Mỹ là ông đã đi đúng hướng, đúng trách nhiệm của một tổng thống Mỹ: lo cho dân Mỹ, cho nước Mỹ.
© Tina Hà Giang
BBC
Trong bài viết kế tiếp chúng tôi sẽ đúc kết quan điểm của giới ủng hộ đảng Dân chủ, hay ủng hộ ông Joe Biden, cũng quanh 4 tiêu đề nêu trên.
Ông Hoàng Đức Nhã, 78 tuổi, nguyên Tổng Trưởng Bộ Dân vận và Chiêu Hồi của chính phủ VNCH. Ông đến Mỹ tị nạn năm 1975, làm việc cho công ty General Electric, FMC Corporation, and Monsanto Company trước khi đồng sáng lập Sherpa Analytics, Inc., công ty chuyên phân tích dữ liệu. Hiện sống ở Chicago, Illinois sau khi về hưu, ông là một nhà bình luận của đài SBTN.
Luật sư Trần Thái Văn, 55 tuổi, cựu dân biểuCalifornia, và là một thành viên nòng cốt của đảng Cộng hòa. Ông đến Mỹ tị nạn năm 1975, là dân biểu tiểu bang California từ 2004 đến 2010. Hiện sống và hành nghề luật ở Irvine, California.
Ông Hoàng Vi Kha, 48 tuổi, hiện sống và làm việc tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Ðốn cho các cơ quan chính phủ. Ông là hiệu trưởng trung tâm Việt ngữ Thăng Long (tvnthanglong.org), và là sáng lập viên nhóm Viet Toon (viettoon.net). Ông tham gia một số tổ chức xã hội, dân sự của Mỹ và cộng đồng người Việt.
Ông Kevin Trần, 45 tuổi, cư dân thành phố Seattle, tiểu bang Washington State từ năm 1993. Ông làm việc cho Sở Bưu Điện thành phố. và có một cơ sở thương mại nhỏ làm ngoài giờ.
Ông Hoàng Đức Nhã, 78 tuổi, nguyên Tổng Trưởng Bộ Dân vận và Chiêu Hồi của chính phủ VNCH. Ông đến Mỹ tị nạn năm 1975, làm việc cho công ty General Electric, FMC Corporation, and Monsanto Company trước khi đồng sáng lập Sherpa Analytics, Inc., công ty chuyên phân tích dữ liệu. Hiện sống ở Chicago, Illinois sau khi về hưu, ông là một nhà bình luận của đài SBTN.
Luật sư Trần Thái Văn, 55 tuổi, cựu dân biểuCalifornia, và là một thành viên nòng cốt của đảng Cộng hòa. Ông đến Mỹ tị nạn năm 1975, là dân biểu tiểu bang California từ 2004 đến 2010. Hiện sống và hành nghề luật ở Irvine, California.
Ông Hoàng Vi Kha, 48 tuổi, hiện sống và làm việc tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Ðốn cho các cơ quan chính phủ. Ông là hiệu trưởng trung tâm Việt ngữ Thăng Long (tvnthanglong.org), và là sáng lập viên nhóm Viet Toon (viettoon.net). Ông tham gia một số tổ chức xã hội, dân sự của Mỹ và cộng đồng người Việt.
Ông Kevin Trần, 45 tuổi, cư dân thành phố Seattle, tiểu bang Washington State từ năm 1993. Ông làm việc cho Sở Bưu Điện thành phố. và có một cơ sở thương mại nhỏ làm ngoài giờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét