Biển Đông: TQ dồn dập tập trận trong khi Mỹ phô trương hỏa lực - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2020

Biển Đông: TQ dồn dập tập trận trong khi Mỹ phô trương hỏa lực



Tiêm kích F-18 bay qua tàu sân bay USS Ronald Reagan trong cuộc tập trận trên Biển Đông. / Hải quân Hoa kỳ

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz đến Biển Đông để tập trận trong khi quân đội Trung Quốc cũng đang diễn tập nơi đây khiến tình hình khu vực ngày một căng thẳng.

Đây là một trong những cuộc tập trận hải quân lớn nhất của Mỹ ở Biển Đông trong nhiều năm qua và bắt đầu đúng ngày Quốc khánh Mỹ 4/7.

Động thái này của Mỹ được triển khai giữa lúc Trung Quốc cũng đang tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa từ ngày 1/7 đến 5/7.

Quy mô lớn nhất từ trước đến nay

Tàu sân bay USS Ronald Regan và USS Nimitz đã bắt đầu tiến hành một trong những cuộc tập trận lớn nhất của Hải quân Mỹ trong những năm gần đây. Cuộc tập trận ở Biển Đông bao gồm các chuyến bay với cường độ cao, mô phỏng năng lực tác chiến ở mức độ cao nhằm đánh giá khả năng tác chiến của các máy bay trên 2 tàu sân bay này.

Trong các cuộc tập trận phòng không và tấn công, các máy bay từ USS Ronald Regan và USS Nimitz mô phỏng các cuộc tấn công của kẻ thù nhằm kiểm tra năng lực phát hiện, đánh chặn và đối phó các mối đe dọa của hải quân Mỹ. Các bài tập cũng nhằm nâng cao trình độ của phi công đồng thời cung cấp cho lực lượng trên tàu kinh nghiệm hiệp đồng tác chiến phòng thủ trong một môi trường thực tế.




Máy bay chiến đấu tấn công và máy bay phản lực chiến tranh điện tử đã cất cánh cả ngày lẫn đêm từ hai hàng không mẫu hạm ở Biển Đông để mô phỏng các cuộc tấn công vào căn cứ của kẻ địch.

Chuẩn Đô đốc George M. Wikoff cho biết "các chuyến bay diễn ra liên tục, hàng trăm chuyến mỗi ngày", đồng thời khẳng định cuộc tập trận không nhằm đáp trả trực tiếp cuộc tập trận của Trung Quốc. Theo đài CNN, đợt huấn luyện này đã được lên kế hoạch từ lâu và nằm trong cam kết của Mỹ về đảm bảo tự do hàng hải.


Một tập trận bay đêm trên tàu sân bay USS Ronald Reagan. / Hải quân Hoa kỳ

Sĩ quan Todd Whalen, chỉ huy nhóm tàu khu trục hộ tống USS Nimitz, cho biết ngoài các loại vũ khí tấn công diệt hạm tầm xa, các vũ khí chống tàu ngầm cũng được bắn thử trong cuộc tập trận này.

Trong thời gian gần đây, Mỹ có lúc triển khai cùng lúc 3 tàu sân bay đến khu vực này. Riêng cuộc tập trận nói trên là một trong những cuộc tập trận lớn nhất của Hải quân Mỹ ở Biển Đông trong những năm gần đây.




Mỹ gửi tín hiệu gì trên Biển Đông?

Báo Wall Street Journal dẫn lời chuẩn đô đốc George Wikoff nói: "Mục đích của việc tập trận là để phát đi tín hiệu rõ ràng cho các đối tác và đồng minh rằng chúng tôi cam kết đảm bảo an ninh và ổn định khu vực".

Theo The New York Times, việc triển khai một tàu sân bay Mỹ và một số tàu chiến thường được sử dụng như một tín hiệu để ngăn chặn kẻ địch. Triển khai hai nhóm tàu sân bay cùng lúc được xem là sự phô diễn binh lực nổi bật. Vào năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Ashton B. Carter đã thăm hai tàu sân bay đang hoạt động tại Biển Đông như một lời nhắc nhở tới Bắc Kinh về cam kết của Hoa Kỳ đối với các đồng minh trong khu vực.

Thượng úy James Adams, phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, cũng khẳng định chiến dịch này không nhằm đáp trả bất kỳ sự kiện chính trị nào. Nhưng vào đầu tuần này, Lầu Năm Góc cho biết họ đang theo dõi các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc tại vùng biển có nhiều tranh chấp gần quần đảo Hoàng Sa.

"Các cuộc tập trận (của Trung Quốc) là động thái mới nhất trong chuỗi hành động nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải phi pháp, gây bất lợi cho các nước Đông Nam Á ở Biển Đông", tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ.

"Sự hiện diện của hai tàu sân bay không nhằm phản ứng lại bất kỳ sự kiện chính trị hay sự kiện nào trên thế giới. Hoạt động này là một trong nhiều cách mà Hải quân Hoa Kỳ thúc đẩy an ninh, ổn định và thịnh vượng trên khắp Ấn Độ-Thái Bình Dương", CNN dẫn lời ông Joe Jeiley, phát ngôn viên Hạm đội 7.

Trong một động thái liên quan, máy bay ném bom chiến lược B-52 từ Louisiana đã thực hiện một nhiệm vụ kéo dài 28 giờ để huấn luyện với máy bay phản lực từ các hàng không mẫu hạm USS Ronald Regan và USS Nimitz ở Biển Đông, theo thông tin từ Không quân Hoa Kỳ.

Trung tá Christopher Duff, chỉ huy phi đội ném bom 96, nhấn mạnh việc tham gia của lực lượng ném bom B-52 cho thấy "khả năng của Mỹ trong việc triển khai nhanh chóng máy bay ném bom chiến lược tới tiền phương và thực hiện tấn công tầm xa".

Trung Quốc phản ứng ra sao?

Đáp trả tuyên bố của Lầu Năm Góc rằng các cuộc tập trận của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa làm gia tăng căng thẳng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Sáu rằng quần đảo Hoàng Sa là một phần của lãnh thổ vốn có và không thể chối cãi của Trung Quốc.




Ông Triệu Lập Kiên lưu ý rằng nguyên nhân cơ bản gây mất ổn định ở Biển Đông là do các hoạt động quân sự quy mô lớn và sự phô diễn sức mạnh của một số quốc gia ngoài khu vực với những lời dối trá hàng chục ngàn dặm, một thông điệp rõ ràng là nhằm thẳng về phía Mỹ.

Theo Hoàn cầu Thời báo, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng xấu đi do một chuỗi sự kiện diễn ra bao gồm chiến tranh thương mại, đại dịch COVID-19, vấn đề Đài Loan và Hong Kong.

Tờ này dẫn lời chuyên gia cho rằng hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ không khác gì hơn là những con hổ giấy trước ngưỡng cửa của Trung Quốc, vì khu vực này hoàn toàn nằm trong lòng bàn tay của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) với những vũ khí đặc biệt có thể phá hủy tàu sân bay.

"Cuộc tập trận của Mỹ chỉ đơn thuần là một màn phô diễn để khỏa lấp sự mất mặt của mình trong việc kiểm soát đại dịch, và điều này cho thấy họ đã đánh mất lá bài Hong Kong sau khi Trung Quốc ban hành luật An ninh quốc gia nên phải chuyển trọng tâm sang Biển Đông và Đài Loan để ngăn chặn Trung Quốc", theo chuyên gia phân tích.


Máy bay ném bom chiến lược B-52H của không quân Mỹ tập trận trên Biển Đông cùng các máy bay của tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan hôm 4/7. / Bộ Tư lệnh không kích toàn cầu

Song Zhongping, một chuyên gia quân sự và bình luận viên truyền hình Trung Quốc, nói với Hoàn cầu Thời báo hôm Chủ nhật rằng động thái của Hoa Kỳ nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự ở Tây Thái Bình Dương, được thiết kế để thể hiện rằng quyền bá chủ trong khu vực là không thể lay chuyển, và tăng cường niềm tin cho các đồng minh khu vực của Hoa Kỳ.

Wang Ya'nan, một chuyên gia về máy bay và biên tập viên chính của tạp chí Tri thức Hàng không, nói với Hoàn cầu Thời báo vào Chủ Nhật rằng chuyện máy bay và tàu sân bay Mỹ cùng gặp nhau trên Biển Đông không phải là "ngẫu nhiên".

"Bằng cách tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông, Mỹ rõ ràng đang muốn cho Trung Quốc thấy họ đang có gì tại khu vực", Wang lập luận.

Về phía Việt Nam, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng hôm 2/7 cũng đã lên tiếng phản đối: "Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần tuyên bố DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quy trình đàm phán COC (bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông) hiện nay giữa ASEAN và Trung Quốc, và việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông".

Bà Hằng cho biết Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại vi phạm tương tự trong tương lai.


© BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages