Ra đời cách đây hơn 17 năm, dự án lấn biển Cần Giờ (TP.HCM) ngay từ đầu đã vấp phải nhiều phản đối của giới chuyên gia do nguy cơ tác động xấu tới Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Từ quy mô ban đầu là 821 ha, trong đó có 600 ha lấn biển (15,5 ha biển đã được san lấp bỏ hoang nhiều năm), hiện nay dự án đã được mở rộng thành 2.870 ha với tên mới là Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, do công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ (một công ty con trong chuỗi các công ty kinh doanh bất động sản của công ty cổ phần Vinhomes, thuộc tập đoàn Vingroup) làm chủ đầu tư.
Năm 2016, công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ trình UBND TP.HCM Dự án “Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ quy mô 2.870 ha”.
Ngày 17.4.2017 Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ven biển tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh huyện Cần Giờ.
Ngày 5.9.2018, UBND TP.HCM duyệt Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ quy mô 2.870 ha.
Ngày 29.11.2018, UBND TP.HCM có Tờ trình 5322/TTr-UBND ngày 29/11/2018 về chủ trương điều chỉnh tổng thể đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, trong đó có nội dung “dự kiến mở rộng khu đô thị du lịch biển Cần Giờ thành 2.870 ha”.
Ngày 28.01.2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo tác động môi trường (ĐTM) của Dự án “Khu du lịch biển Cần Giờ, quy mô 2.870 ha” được lập bởi Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ.
Ngày 23.3.2019, UBND TP.HCM có văn bản 1049/UBND-DA gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, thẩm định.
Ngày 16.5.2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng kiến nghị xem xét, quyết định chủ trương điều chỉnh Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Tại Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 12.6.2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Tổng diện tích 2.870 ha được xây dựng trên toàn bộ bãi triều Cần Giờ với biển hồ nhân tạo 872 ha. Quy mô dân số là 228.506 người và khách du lịch khoảng 8,887 triêu lượt người/năm. Dự kiến sẽ dẫn về dự án 100.000 m3 nước ngọt/ngày đêm; sẽ san lấp với 122 triệu m3 cát; sẽ nạo vét 11 triệu m3 đất bãi triều để làm khu vực biển hồ nhân tạo; sẽ xây dựng 21 km kè bờ biển với 2,5 triệu m3 đá hộc các loại; đưa về 1 triệu m3 cát trắng…
Bình luận về quyết định phê duyệt báo cáo tác động môi trường có kèm theo 15 điều kiện còn cần phải thực hiện, bài của tác giả Lê Quỳnh viết: “Nhiều nhà khoa học cho rằng đây là một quyết định nhiều mâu thuẫn. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan giúp việc, tham mưu cho Thủ tướng về chuyên môn. Thủ tướng chỉ đồng ý hay không về chủ trương, còn Bộ có trách nhiệm thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường có đủ giá trị khoa học hay không, đặc biệt về nguyên tắc trong các vấn đề về môi trường. Trong trường hợp còn lưỡng lự, trong vai trò là một cơ quan quản lý Nhà nước, tham mưu cho Chính phủ thì Bộ không nên trình Thủ tướng xem xét.”.
Chắc chắn Bộ Tài nguyên và Môi trường không phải là không biết là không nên phê duyệt báo cáo tác động môi trường có kèm theo điều kiện.
Nếu Bộ Tài nguyên và Môi trường không phê duyệt báo cáo tác động môi trường thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư không có căn cứ để trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo kết quả thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biến Cần Giờ, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư điều chỉnh Dự án Đầu tư mở rộng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ của Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ.
Nếu Bộ Kế hoạch và Đầu tư không có có Báo cáo kết quả thẩm định thì Thủ tướng Chính phủ cũng không thể ban hành Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 12.6.2020 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Chắc chắn Bộ Tài nguyên và Môi trường không phải là không biết là không nên phê duyệt báo cáo tác động môi trường có kèm theo điều kiện, nhưng Bộ đã phê duyệt. Đó là điểm đáng chú ý.
Không phải Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thủ tướng Chính phủ không biết điều đó, vì Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 12.6.2020 của Thủ tướng Chính phủ cũng kèm theo 6 điều kiện.
Nếu quyết định phê duyệt báo cáo tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường có kèm theo điều kiện là không phù hợp thì quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ của Thủ tướng Chính phủ cũng là không phù hợp.
Chủ đầu tư là Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ (một công ty con trong chuỗi các công ty kinh doanh bất động sản của công ty cổ phần Vinhomes, thuộc tập đoàn Vingroup) cũng là điểm đáng chú ý của dự án này.
Tôi không có hồ sơ dự án nên khó bình luận cụ thể, nhưng chú ý đến câu hỏi thứ ba của báo Tiền Phong:
“Mặc dù báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được Bộ TNMT phê duyệt nhưng lại có tới 15 điều kiện kèm theo. Điều này có cho thấy việc phê duyệt chưa đánh giá kỹ và đầy đủ các tác động nên mới cần điều kiện kèm theo?”
– Chắc do có “sức ép” nên Bộ TN&MT mới phê duyệt báo cáo ĐTM với nhiều điều kiện như thế. Đây là chuyện “hành chính” thường gặp ở các cơ quan, một khi việc “phê duyệt” thường chỉ được chủ đầu tư có các đại gia hoặc ai đó đứng sau “chống lưng” xem như một dạng thủ tục hành chính cho phù hợp quy định hiện hành.
-Với nhiều “điều kiện” như vậy nêu trong quyết định phê duyệt chứng tỏ còn có nhiều vấn đề về môi trường chưa được làm rõ hoặc chưa thể làm rõ, cơ quan phê duyệt lại muốn quyết định phải “kín kẽ”, hoặc tạo “kế lùi” an toàn. Hiển nhiên, chủ đầu tư phải thực hiện được các “điều kiện” này mới có thể triển khai dự án, hoặc vừa triển khai vừa tìm cách thỏa mãn các điều kiện.
-Trên thực tế, chủ đầu tư thường cứ làm, đến kiểm tra/thanh tra thì chịu phạt vì tiền phạt chẳng đáng gì với những ông lớn lại có người chống lưng. Tuy nhiên, cũng có những điều kiện rất “gắt” mà chủ đầu tư không thể không thực hiện nếu muốn triển khai dự án. Dự án ở Cần Giờ có liên quan đến kiểu điều kiện này, v.v.
Tại Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 12.6.2020, Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.HCM:
1. Chỉ đạo nhà đầu tư Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ triển khai thực hiện dự án phải bảo đảm các vấn đề liên quan quốc phòng, an ninh; quy hoạch giao thông; thực hiện đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đúng quy định pháp luật:
2. Đánh giá kỹ tác động của dòng chảy tự nhiên, sau khi dự án hoàn thành không tạo xói mòn cho khu vực khác và việc thoát nước của TP.HCM; đánh giá kỹ tác động việc khai thác, vận chuyển sử dụng vật liệu san lấp; tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của UNESCO về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không gây ảnh hưởng xấu đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không làm hẹp nguồn nước biển cung cấp cho rừng ngập mặn gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng ngập mặn.
3. Tuân thủ các quy hoạch liên quan, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân vùng dự án, đóng góp tích cực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Cần Giờ, của TP.HCM về phát triển du lịch và kinh tế – xã hội, góp phần cản thiện, nâng cao đời sống nhân dân khu vực.
4. UBND TP.HCM chịu trách nhiệm toàn diện về việc quy hoạch mở rộng dự án, việc giao đất, cho thuê đất, thu tiền sử dụng đất đúng quy định, bảo đảm không thất thu ngân sách nhà nước, chuyển mục đích sử dụng đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, nhà ở, các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị liên quan đến dự án.
5. Yêu cầu nhà đầu tư thực hiện việc ký quỹ theo quy định. Kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện dự án của Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật liên quan; bảo vệ môi trường, cảnh quan, sinh thái, đất đai, giữ gìn an ninh, trật tự và chịu trách nhiệm về nhà đầu tư đã lựa chọn thực hiện dự án, đảm bảo hiệu quả theo các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các bộ, ngành liên quan; kiểm tra, giám sát việc huy động vốn (vốn chủ sở hữu, vốn vay) của nhà đầu tư theo tiến độ thực hiện dự án và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án theo tiến độ mà nhà đầu tư đã đăng ký.
6. Phối hợp với Bộ tài nguyên và Môi trường chỉ đạo và kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện các nội dung đánh giá tác động môi trường của dự án theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác giám sát, quản lý môi trường trong quá trình thực hiện dự án và đánh giá các tác động môi trường theo các giai đoạn đầu tư dự án bảo đảm phát triển bền vững thành phố;…
7. Chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan về tính chính xác của hồ sơ, thông tin, số liệu và các thủ tục bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Như vậy:
– Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ trong khi:
+ Chưa đánh giá kỹ tác động của dòng chảy tự nhiên;
+ Chưa đánh giá kỹ tác động việc khai thác, vận chuyển sử dụng vật liệu san lấp;
+ Chưa đánh giá dự án có tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của UNESCO về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, có gây ảnh hưởng xấu đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, có làm hẹp nguồn nước biển cung cấp cho rừng ngập mặn gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng ngập mặn hay không.
+ Từ tháng 6.2018 Văn bản Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ đã có ý kiến:
“Hệ sinh thái sinh ngập mặn Cần Giờ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường nguồn nước của hệ thống sông rạch kết nối Biển Đông. Tuy khu vực dự án không nằm trong ranh giới Rừng phòng hộ Cần Giờ, nhưng việc ô nhiễm môi trường (đặc biệt là nguồn nước) phát sinh trong quá trình thực hiện dự án có khả năng gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các hệ động – thực vật rừng ngập mặn Cần Giờ vốn có tính nhạy cảm rất cao với các tác nhân thay đổi môi trường”.
Trên thực tế, từ năm 2007, Sở Xây dựng TP đã cấp phép cho Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ được phép thi công hệ thống công trình lấn biển và hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Tuy nhiên, sau khi được cấp phép, công ty chỉ mới san lấp được 15,5 ha thuộc dự án lấn biển 600 ha, còn chưa được đánh giá các tác động môi trường đã xảy ra. Nay với quy mô lấn biển 2.718 ha như được duyệt của dự án thì tác động là lớn hơn gấp nhiều lần và không thể coi thường đối với vùng nhạy cảm về mặt sinh thái này.
– Việc giao UBND TP.HCM phải thực hiện việc các công việc trên nhưng lại không quy định nếu các kết quả nghiên cứu đánh giá là không đạt yêu cầu thì phải xử lý như thế nào, đồng thời lại quy định UBND TP.HCM “phải chịu trách nhiểm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan về tính chính xác của hồ sơ, thông tin, số liệu và các thủ tục bảo đảm đúng quy định pháp luật” thì có nghĩa là Thủ tướng Chính phủ đã “giao bóng” cho UBND TP.HCM.
Nói tóm lại: Dự án tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy về môi trường chưa được làm rõ nhưng vẫn được phê duyệt với 15 điều kiện kèm theo làm nhiều nhà khoa học không an tâm cũng là điều dễ hiểu.
© TS. Tô Văn Trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét