Trong bản tin về kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt – Mỹ trên báo Tuổi Trẻ, có đoạn: “Mỹ mong đợi việc Trường đại học Fulbright Việt Nam sẽ có những sinh viên khóa đầu tiên tốt nghiệp vào năm 2023. Mỹ cũng mong chờ việc hoàn thành thỏa thuận để lần đầu tiên đưa tình nguyện viên của Tổ chức Hòa bình đến Việt Nam, giúp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ giữa nhân dân hai nước” (1).
Cụm từ “Tổ chức Hòa bình” rất đáng chú ý. Tên tiếng Anh là “Peace Corps”, một tổ chức được xem là “sứ giả truyền giáo của nền dân chủ – missionaries of democracy”.
Bài báo “President Kennedy signs Peace Corps legislation” đăng trên trang History.com, có nhận xét như sau:
Ngày 22/09/1961, trong một chiến thắng quan trọng cho chính sách đối ngoại Chiến tranh Lạnh của mình, Tổng thống John F. Kennedy đã ký điều luật thành lập tổ chức Đội hòa bình Mỹ (US Peace Corps) như một cơ quan chính phủ cố định. Kennedy tin rằng Đội Hòa bình có thể cung cấp một vũ khí mới và độc đáo trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1960, ứng cử viên Đảng Dân chủ John F. Kennedy hứa hẹn sẽ làm hồi sinh chính sách đối ngoại Mỹ. Ông cáo buộc rằng chính quyền của Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã trở nên trì trệ và thiếu sáng tạo trong việc đối phó với các mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt là trong cái gọi là các nước thuộc thế giới thứ ba. Một thời gian ngắn sau khi lên nhậm chức tháng 1 năm 1961, Kennedy hoàn thành lời hứa của ông về một chính sách đối ngoại quyết đoán mới. (2)
Bài báo nhìn nhận, mặc dù ngày nay Đội Hòa bình Mỹ không còn được coi là một vũ khí chống chủ nghĩa cộng sản, mục tiêu cải thiện cuộc sống của nó vẫn còn nguyên vẹn. Đội Hòa bình Mỹ đã sống sót sau Chiến tranh Lạnh, và vẫn đang tiếp tục gửi tình nguyện viên tới nhiều quốc gia khác nhau; trong đó sắp tới đây sẽ có Việt Nam.
Nói thêm, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy phát biểu trong bài diễn văn nhậm chức năm 1961, có một câu mà ở Việt Nam sau này hay nhắc với những biến tấu, và khiến không ít người lầm tưởng về xuất xứ: “Đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho bạn. Hãy hỏi: Bạn có thể làm được gì cho tổ quốc – Ask not what your country can do for you – ask what you can do for your country”.
Đã có hơn 235.000 người Mỹ tham gia Peace Corps, phục vụ tại 141 quốc gia. Với bản tin trên tờ Tuổi Trẻ như nêu trên (1), với người dân miền Nam Việt Nam, có lẽ họ đang quay ngược trở lại trong hồi ức thời chiến tranh Việt Nam, Peace Corps đã làm những gì? Bởi từ sau tháng 4/1975, nhà nước ở Việt Nam luôn mặc định rằng “US Peace Corps” thực chất là cánh tay nối dài của tổ chức CIA.
Trong một trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, khi được hỏi, “Bao lâu nữa thì chương trình chính thức có mặt tại Việt Nam?”, khi ấy vị giám đốc Peace Corps, nói rằng: “Chúng tôi đã ký thỏa thuận giữa hai nước vào tháng 5/2016. Peace Corps chỉ bước vào một nước khi được nước đó mời. Chúng tôi không tự ý tới. Chúng tôi luôn chờ thư mời của nguyên thủ quốc gia” (3).
Với những gì đang diễn ra dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt – Mỹ, cho thấy mức độ tin cậy lẫn nhau ngày một tăng giữa Việt Nam và Mỹ.
Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, việc Đảng cộng sản Việt Nam nghi ngờ Mỹ có ý định lật đổ chế độ của mình đã trở thành một trở ngại lớn cho sự phát triển của quan hệ hai nước. Chẳng hạn, những văn kiện chính thức của Đảng từ lâu đã xác định chiến lược “diễn biến hòa bình” của “các thế lực thù địch” là một trong những mối đe dọa lớn đối với an ninh của chế độ.
Năm 2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 34-CT/TW về việc “tăng cường đấu tranh chống âm mưu diễn biến hoà bình trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá”. Bản đề cương tuyên truyền hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 34 do Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng biên soạn, đã coi một số sáng kiến của Mỹ là một phần trong âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm chống lại chế độ.
Đặc biệt, bản đề cương này cho rằng việc Mỹ muốn gửi những thành viên tình nguyện của Peace Corps tới Việt Nam là kế hoạch nhằm gieo rắc mầm mống “cách mạng màu” ở trong nước. Trong khi đó, những hỗ trợ giáo dục của Mỹ, chẳng hạn như Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, lại bị xem như là một công cụ ẩn nhằm “chuyển hóa” Việt Nam về mặt chính trị bằng cách đào tạo ra một lớp người thân Mỹ và thân phương Tây.
Một bài báo trên tờ VnExpress, cho biết trong thư chúc mừng gửi Tổng thống Mỹ, Tổng bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định quan hệ Việt – Mỹ trong 25 năm là “Việt Nam tin rằng với tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp cho an ninh, hòa bình và thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới”.
Hy vọng các tin tức mang tính sự kiện ở những bài báo trong chuỗi truyền thông kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt – Mỹ sớm thành hiện thực; trong đó có sự trở lại Việt Nam của US Peace Corps, không chỉ giới hạn ở mỗi việc ‘dạy tiếng Anh’ như bước khởi động ở năm 2016.
© Lynn Huỳnh
VNTB
Chú thích:
(1) https://tuoitre.vn/my-khang-dinh-sat-canh-cung-viet-nam-giai-quyet-hoa-binh-van-de-bien-dong-20200711103212843.htm
(2) https://www.history.com/this-day-in-history/president-kennedy-signs-peace-corps-legislation
(3) https://www.voatiengviet.com/a/peace-corps-cua-my-sap-hien-dien-tai-viet-nam/3502148.html
(2) https://www.history.com/this-day-in-history/president-kennedy-signs-peace-corps-legislation
(3) https://www.voatiengviet.com/a/peace-corps-cua-my-sap-hien-dien-tai-viet-nam/3502148.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét