...Cái khó của Việt Nam là vừa phải đảm bảo có vaccine cho người dân trong nước, lại vừa không đủ thực lực để vung tiền đặt chỗ trước như các nước giàu...
Thông tin Việt Nam đặt mua 50-150 triệu liều vaccine của Nga được xác nhận vào hôm qua 14/8 đã tạo ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận Việt Nam. Phần lớn trong đó là lo ngại, và đó cũng là phản ứng của số đông các nhà khoa học trên thế giới sau khi chính quyền Nga công bố thông tin vào ngày 11/8 về việc “phát triển thành công vaccine”.
Các ý kiến của những chuyên gia hàng đầu đều tập trung vào việc thử nghiệm vaccine của Nga không/ chưa chia sẻ dữ liệu công khai với giới khoa học, và vì vậy không ai có thể biết được mức độ xác thực về hiệu quả của nghiên cứu này.
Nếu xem “khoa học” là một nhân vật, thì thẻ căn cước, hay đặc điểm nhận dạng của nhân vật này là “peer review” (“kiểm tra chéo” hay “kiểm chứng độc lập”).
Mọi nghiên cứu, phát kiến khoa học nếu không được các nhà khoa học khác tiến hành kiểm chứng độc lập đều không có giá trị.
Trong y học, điều này có ý nghĩa quan trọng gấp bội vì những nghiên cứu này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng con người.
Và với việc phát triển vaccine, việc “kiểm chứng độc lập” lại càng có ý nghĩa cấp thiết hơn cả, khi đây là phương thuốc dùng để chống lại các bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng cùng lúc đến an nguy của toàn bộ cộng đồng chứ không chỉ riêng một vài người.
Cho đến trước khi, và thậm chí cả sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố “thành công” của vaccine, giới khoa học trên toàn thế giới gần như hoàn toàn mù mờ về nghiên cứu này của người Nga. Họ chỉ được biết thông tin ngắn gọn về việc thử nghiệm này mới chỉ được tiến hành trên số lượng 78 người, nghĩa là đang ở giai đoạn một hoặc hai của quá trình nghiên cứu vaccine.
Theo quy trình thông thường, vaccine sau khi được thử nghiệm trên động vật (và đạt yêu cầu) sẽ được thử nghiệm trên người qua bốn giai đoạn.
Giai đoạn một thử nghiệm trên vài chục tình nguyện viên, giai đoạn hai số lượng tăng lên vài trăm người, mục đích đều là để kiểm chứng độ an toàn của vaccine.
Giai đoạn ba với số lượng lên đến hàng chục ngàn tình nguyện viên, có nhóm đối chứng (được tiêm “placebo” – nước đường không có tác dụng hay hệ quả gì) để kiểm chứng sau thời gian xem vaccine có vừa an toàn vừa có tác dụng trong việc chống lại bệnh dịch hay không. Nếu đạt yêu cầu mới đến giai đoạn bốn áp dụng đại trà cho cộng đồng.
Vaccine Moderna của Mỹ vào cuối tháng Bảy vừa qua đã tiến hành thử nghiệm trên giai đoạn ba với dự kiến 30.000 tình nguyện viên tham gia, và phải chờ ít nhất một năm sau mới có kết quả. Đó đã là thời gian nhanh nhất, khi việc phát triển vaccine trước nay phải mất nhiều năm, có khi hàng thập kỷ.
Không khó hiểu khi giới khoa học trên thế giới cực kỳ nghi ngại trước tuyên bố “thành công” của Nga khi loại vaccine Sputnik V này còn chưa tiến hành giai đoạn ba.
Ngay cái tên “Sputnik” cũng đã hàm ý đây là một chiến dịch bị lèo lái bởi những cái đầu làm chính trị thay vì chịu sự kiểm soát của những nhà khoa học.
Sputnik là tên con tàu vũ trụ lần đầu tiên được phóng vào không gian của Nga vào năm 1957, vượt mặt Mỹ trong thời điểm Chiến tranh Lạnh đang lên cao giữa hai cường quốc.
Nga tất nhiên không phải là quốc gia duy nhất có “máu dân tộc” trong cuộc đua vaccine này.
Cộng đồng khoa học trên toàn thế giới đã cảnh báo “chủ nghĩa dân tộc vaccine” (vaccine nationalism) sẽ gây hại chứ không thể giúp ích được gì cho việc phòng chống lại đại dịch COVID-19 cũng như mọi loại dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Các quốc gia, đặc biệt là những nước giàu, đua nhau giành lấy vaccine cho công dân của nước mình trước. Các nhà lãnh đạo dân túy hứa hẹn và thay mặt đi giành giật vaccine mà quên một sự thật giản dị, rằng vaccine không phải là đồ ăn hay nước uống. Nó cũng không phải là loại thuốc chữa bệnh thông thường mà người bệnh nào giành uống được trước sẽ kê cao gối ngủ.
Nó là loại thuốc phòng lây nhiễm, và sẽ chỉ giúp ích được cho toàn bộ cộng đồng khi được dùng cho những người có nguy cơ cao nhất.
Như nhiều người đã cảnh báo, sẽ là bi kịch khi các nước nghèo có số người nhiễm bệnh cao không có được vaccine, tiếp tục trở thành ổ dịch lây lan ngược lại ra toàn thế giới. Khi đó, các chủng virus biến đổi sẽ khiến các loại vaccine mà “nhà giàu” bơm vào người trở nên vô hiệu.
Trong trường hợp đó, cả thế giới không chỉ quay lại con số 0 tròn trĩnh mà là một số âm to lớn.
Số âm không chỉ đo bằng những mạng người đã mất đi, mà còn là lòng tin hụt hẫng của người dân về vaccine nói riêng và y học nói chung.
“Làm ra vaccine thật ra rất dễ”, Alexey Chumakov, một chuyên gia làm việc tại Moscow đã nhận xét. “Nhưng kiểm chứng hiệu quả của nó trên thực tế mới là chuyện khó.”
Việc chạy đua để ép uổng cho ra đời vaccine nhằm làm nồng thêm máu dân tộc của mình là một canh bạc không chỉ với chính người mở bài mà còn cả với những ai hùa theo đặt cược.
Ở những thể chế dân chủ, thông tin minh bạch, các nhà khoa học hoàn toàn có vị thế và tiếng nói để chống lại sức ép từ phía chính quyền để đảm bảo quy trình sản xuất vaccine, cho dù được rút ngắn, vẫn không bỏ qua những nguyên tắc khoa học quan trọng nhất.
Tại Mỹ, bất chấp những công kích từ phía chính quyền Donald Trump, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Anthony Fauci vẫn đứng vững và được người dân nước này tin tưởng hơn nhiều so với nhà lãnh đạo mưa nắng thất thường của mình.
Ở những thể chế như Nga và Trung Quốc, tiếng nói của nhà khoa học có trọng lượng đến đâu so với quan chức là một dấu hỏi cực lớn.
Việc chính quyền trong nước vội vã đặt mua vaccine từ Nga vì vậy không thể không gây lo ngại trong dư luận.
Khoản 1 điều 29 của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm ban hành năm 2007 có quy định: “Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh.”
COVID-19 cũng nằm trong danh mục các loại bệnh truyền nhiễm nhóm A (đặc biệt nguy hiểm) theo mục a, khoản 1, điều 3 của luật trên.
Nếu chiếu theo luật, việc tiêm phòng vaccine mua từ Nga này có phải là bắt buộc với cộng đồng?
Nếu người dân không tin tưởng vào chất lượng của loại vaccine này, liệu chính quyền có thể cưỡng ép?
Thiết nghĩ chính phủ cần cẩn trọng đánh giá lại việc vội vã đặt cược theo một sản phẩm mang nhiều màu sắc PR hơn là khoa học, nhất là khi nó liên quan đến mạng người.
Ngay cả với những loại vaccine được sử dụng phổ biến trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhiều năm qua, các trường hợp tử vong “không rõ nguyên nhân” cũng đã đủ khiến nhiều người lo ngại, đặc biệt là với những ai có sẵn “thành kiến vaccine” (nhóm anti-vaccine).
Cái khó của Việt Nam là vừa phải đảm bảo có vaccine cho người dân trong nước, lại vừa không đủ thực lực để vung tiền đặt chỗ trước như các nước giàu.
Ở trong tình thế này, Việt Nam chỉ có thể hiệp lực với các tổ chức khác chứ không thể một mình xoay sở.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có giải pháp với việc thành lập ACT (Access to Covid-19 Tools – Tiếp cận các công cụ chống COVID-19), một chương trình hỗ trợ và điều phối các công cụ, trong đó có vaccine, đồng đều cho các nước tham gia.
Việt Nam trong năm làm chủ tịch ASEAN này cũng có thể thúc đẩy việc hợp tác với các nước trong khối trong việc tiếp cận, đàm phán và điều phối vaccine phòng dịch.
Cơ hội của Việt Nam không thể nằm trong việc chạy đua với các nước lớn, mà sẽ là ở việc có thể liên kết được các nước có cùng vị thế và mối quan tâm với mình.
Cho dù việc hợp tác quốc tế giữa các quốc gia luôn phức tạp bởi đủ thứ lợi ích chồng chéo, nó vẫn sáng sủa hơn nhiều so với việc đặt cửa vào canh bạc của người khác.
© Y Chan
Luật Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét