Công an Việt Nam trong mắt người dân
“Nếu hỏi tới công an điều tra thì nói một câu là Công an điều tra Việt Nam điều tra theo nguyên tắc tra tấn, bức cung, nhục hình là chủ yếu. Tôi nói như vậy đó!”
Bà Ngô Thị Tuyết Hải chia sẻ như vừa nêu, khi trả lời câu hỏi của RFA rằng nhận xét công an, cảnh sát Việt Nam như thế nào trong vài thập niên trở lại đây.
Bà Ngô Thị Tuyết Hải là chị ruột của ông Ngô Thanh Kiều, một người dân ở thành phố Tuy Hòa đã bị 5 công an dùng nhục hình tra tấn đến chết hồi tháng 5/2012.
Vụ việc này gây chấn động trong dư luận vì không chỉ nạn nhân, ông Ngô Thanh Kiều bị công an tra tấn như thời trung cổ mà luật sư bảo vệ cho gia đình nạn nhân bị hăm dọa và phán quyết của tòa án tuyên phạt 5 công an bị chỉ trích là quá nhẹ.
Trường hợp ông Ngô Thanh Kiều không phải là hy hữu. Nhiều người Việt Nam ngày càng cảm thấy bất an hơn khi công an yêu cầu đến làm việc. Truyền thông quốc nội cũng lần lượt loan tin các trường hợp bị tử vong ở đồn công an. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra những cái chết đó được công an cho biết là do “tự tử”. Đơn cử, ông Phan Quốc Thắng vào đầu tháng 1/2020 được công an phát hiện treo cổ bằng áo thun, bị tử vong trong trại giam ở Tây Ninh. Hay, vụ việc ông Nguyễn Hữu Tấn, được công an thông báo đã dùng dao rọc giấy để tự sát trong đồn công an, hồi tháng 5/2017, ở Vĩnh Long.
Những người dân không bị rơi vào hoàn cảnh như gia đình có nạn nhân chết trong đồn công an nói gì về lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam? Một cư dân ở quận 1, TP.HCM lên tiếng với RFA vào ngày 5/8:
“Tốt hơn trước đây. Hồi trước bên quận 4 xảy ra cướp giật nhiều. Đi qua quận 4 ban đêm thì ai cũng sợ. Bây giờ thì thoải mái hơn nhiều, an ninh trật tự hơn. Còn cảnh sát giao thông (CSGT) thì tiền mãi lộ, họ cũng hạn chế hơn. Hay có khi bị vi phạm giao thông và lót tay tiền cho CSGT, thì cũng có người không nhận. Hoặc trên báo đài đưa tin các vụ trọng án như cướp ngân hàng, tham nhũng…thì họ phối hợp làm rất tốt.”
Công an là “thanh bảo kiếm sắc bén”
Tại một hội thảo diễn ra hôm 30/7, nhân kỷ niệm 75 năm lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Tô Lâm, trong cương vị Bộ trưởng Bộ Công an tuyên bố và được báo giới quốc nội trích nguyên văn rằng:
Tất cả những người vào làm ngành công an, ngày xưa thì xét lý lịch 3 đời. Nhưng bây giờ, ngoài việc đó ra thì ở phía sau hậu trường muốn vào được ngành công an là phải mất rất nhiều tiền. Vì đời sống theo nền kinh tế thị trường, tất tần tật công an chủ yếu là để kiếm tiền và làm công cụ gọi là trấn áp cho giới cầm quyền. Họ khẳng định một điều là trung với Đảng trước, trung với nước sau, rồi mới hiếu với dân sau cùng. Thế thì rõ ràng câu nói của ông Tô Lâm mang ý nghĩa để làm ‘thanh kiếm lá chắn’ cho tổ chức Đảng, không cho ai xâm phạm vào quyền lãnh đạo độc quyền ở xã hội Việt Nam của họ
-Cựu đại úy Võ Minh Đức
“Lực lượng công an luôn nêu phương châm ‘Chỉ biết còn Đảng thì còn mình’, xứng đáng là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy, “thanh bảo kiếm” sắc bén của Đảng, của chế độ. Các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Công an Nhân dân luôn ghi nhớ, khắc sâu trong trái tim về hoài bão ý tưởng cao đẹp “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi”, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui của mình.”
Bà Ngô Thị Tuyết Hải, lên tiếng với RFA sau khi nghe được tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Công an:
“Nói chung câu nói của ông Bộ trưởng Tô Lâm chỉ là ‘thanh bảo kiếm’ để bảo vệ Đảng thì chính xác hơn. Chứ còn bảo vệ dân thì không tin tưởng lắm.”
Bà Tuyết Hải giải thích với RFA rằng bà không có niềm tin về công an bảo vệ dân chúng qua thực tế trong đời sống xã hội hàng ngày.
“Hiện tại tôi sống ở nông thôn, xảy ra trộm cắp, cướp giật, xảy ra bất ổn, người ta chết bất thường rất nhiều. Chẳng hạn ở xóm tôi, mới hôm qua một người bị chết ở dưới mương mà không biết nguyên nhân chết là gì, quần áo cũng không còn, chỉ còn quần lót thôi. Nông dân trồng cái gì thì sơ suất là mất trộm cái nấy. Ví dụ như vụ án hiếp, giết nữ sinh giao gà thì rõ ràng đâu có bảo vệ. Người ta đã báo người nhà bị mất tích mà công an không điều tra, không ngăn chặn được cái chết của cô gái đó. Vụ việc xảy ra rồi thì đâu thể nói là bảo vệ được đâu.”
Còn cư dân ở quận 1, Sài Gòn, không muốn nêu tên, dù ghi nhận lực lượng công an, cảnh sát ngày càng làm việc hiệu quả hơn; thế nhưng:
“Nói chung là không có thiện cảm. Tại vì bất cứ chuyện gì, dù họ thông cảm hay không thông cảm cho mình thì đều tốn tiền hết.”
Trao đổi với RFA vào tối ngày 5/8, cựu đại úy Võ Minh Đức, thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam, khẳng định với chúng tôi rằng ông thừa nhận kể từ thời gian Việt Nam thực hiện chính sách “Đổi mới” hồi thập niên 80 của thế kỷ XX, lực lượng Công an Nhân dân được đầu tư rất nhiều và về mặt nghiệp vụ, chuyên môn, chuyên nghiệp hóa của ngành cảnh sát, công an cũng thay đổi vượt bậc.
Mặc dù vậy, cựu đại úy Võ Minh Đức nhấn mạnh:
“Nói thật trước tiên có thể khẳng định một điều là tôi không thích những người làm nghề công an ở Việt Nam. Và, đại đa số người dân Việt Nam thì họ không thích nghe và không muốn dính dáng, dây dưa với công an.”
Ông Võ Minh Đức liệt kê các lực lượng thuộc ngành công an, cảnh sát trong mọi lĩnh vực từ an ninh trật tự, đến giao thông, kinh tế…hầu hết là những người vì mục tiêu kiếm tiền, chứ không phải theo đuổi lý tưởng của một viên chức trong ngành công an. Ông Đức cũng nêu lên công an về phòng cháy chữa cháy (PCCC) là những “anh hùng” trong mắt người dân. Tuy nhiên, giới quan chức trong lĩnh vực này, ông Đức nói là:
“Họ ‘ăn’ còn bạo tàn hơn công an lĩnh vực khác nữa. Một khách sạn được xây lên. Xin phép xây xong rồi thì bắt buộc phải có giấy phép của PCCC. Các thiết bị PCCC nếu đi mua mang về trang bị thì tôi bảo đảm rằng không bao giờ được đạt chuẩn cả. Nhưng nếu một cán bộ, một sĩ quan công an PCCC chỉ định đến một nơi cụ thể để mua thì chắc chắc đạt được tiêu chuẩn. Tương tự như thế, các doanh nghiệp về bảo đảm an toàn PCCC thì tất nhiên về mặt nguyên tắc và về mặt hình thức, họ đến kiểm tra, bắt lỗi này lỗi kia nhằm bảo đảm tính mạng, tài sản là điều tốt. Tuy nhiên, nếu đưa tiền đút lót cho họ khi họ đến kiểm tra thì mọi lỗi đều được qua hết.”
“Thanh bảo kiếm sắc bén” để khủng bố người dân!
Cựu đại úy Võ Minh Đức đưa ra kết luận trước khi dứt lời trong buổi trò chuyện cùng RFA vào tối ngày 5/8:
“Tất cả những người vào làm ngành công an, ngày xưa thì xét lý lịch 3 đời. Nhưng bây giờ, ngoài việc đó ra thì ở phía sau hậu trường muốn vào được ngành công an là phải mất rất nhiều tiền. Vì đời sống theo nền kinh tế thị trường, tất tần tật công an chủ yếu là để kiếm tiền và làm công cụ gọi là trấn áp cho giới cầm quyền. Họ khẳng định một điều là trung với Đảng trước, trung với nước sau, rồi mới hiếu với dân sau cùng. Thế thì rõ ràng câu nói của ông Tô Lâm mang ý nghĩa để làm ‘thanh kiếm lá chắn’ cho tổ chức Đảng, không cho ai xâm phạm vào quyền lãnh đạo độc quyền ở xã hội Việt Nam của họ.”
Một số những người trong giới hoạt động dân chủ tại Việt Nam thì luôn cho rằng công an là một lực lượng mà Chính quyền Việt Nam dùng để cai trị người dân.
Nhà hoạt động dân chủ Đinh Quang Tuyến, từ Sài Gòn, nêu lên quan điểm của ông:
Nói chính xác là nên bổ sung cho xác nghĩa rằng ‘Lực lượng Công an Nhân dân là ‘thanh bảo kiểm khủng bố’ sắc bén. Mức độ sắc bén như thế nào? Rõ ràng mọi người đều cũng thấy người dân bị những gì thì mức độ sức bén như thế đó. Nhưng mục đích sử dụng là dùng để khủng bố
-Ông Đinh Quang Tuyến
“Nói chính xác là nên bổ sung cho xác nghĩa rằng ‘Lực lượng Công an Nhân dân là ‘thanh bảo kiểm khủng bố sắc bén'. Mức độ sắc bén như thế nào? Rõ ràng mọi người đều cũng thấy người dân bị những gì thì mức độ sức bén như thế đó. Nhưng mục đích sử dụng là dùng để khủng bố. Ví dụ như sự kiện ông đại úy Lê Chí Thành ở trại giam Xuyên Mộc. Ông Chí Thành tố cáo lãnh đạo là giám đốc trại giam đã tước đi những quyền lợi chính đáng của nhân sự. Sau khi ông Chí Thành lên mạng xã hội tố cáo thì đã bị tước danh hiệu ‘Công an Nhân dân’ và bị tước quân tịch. Vụ việc này cho thấy không những khủng bố người dân, mà đã đến lúc Công an Nhân dân là một ‘thanh kiếm’ chém lẫn nhau.”
Ông Đinh Quang Tuyến lưu ý rằng tuyên bố của Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định thêm chính sách “công an trị” của Đảng lãnh đạo và Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, sự khẳng định đó càng để lộ ra bản chất xã hội Việt Nam bị vô pháp cũng như nhân quyền và dân quyền của người dân Việt Nam càng bị xâm phạm bởi những người khoác trên mình sắc phục “Công an Nhân dân”.
“Khái niệm cảnh sát, công an trên thế giới căn bản là một lực lượng phi chính trị. Nhưng mà trong khi đó, bản thân họ tuyên bố họ là công cụ của Đảng. Nghĩa là họ hoàn toàn không phải là công an.”
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét