...Những hồi chuông từ các Thánh đường vang vọng Lễ cầu hồn, tiếng tụng kinh gõ mõ cầu cho các linh hồn siêu thoát dần tràn ngập khắp nơi...
Những năm tháng hòa bình sau Hiệp định Genève 1954 thật ngắn ngủi, ở miền Nam người dân được hưởng một nền kinh tế bắt đầu no đủ đến phồn vinh và các công dân ở bước khởi đầu học cách thực hành nền dân chủ đa nguyên. Tuy vậy ở các vùng xa nông thôn vẫn còn trong sợ hãi qua những chiến dịch tố cộng, tiểu trừ cộng sản nằm vùng, những hầm bí mật lần lượt được khui lên do những người cộng sản miền Nam khi tập kết ra Bắc chôn dấu lại.
Đặc biệt những người chống cộng quá khích, đúng ra là muốn lập công trạng với chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa, thậm chí trong đêm hôm họ đã đào hầm chôn vũ khí vào trong những khuôn viên, gia đình những người bị nghi ngờ có liên quan đến phe bên kia. Như vụ chôn giấu vũ khí tại một Chùa do Hòa Thượng Viên Lý trụ trì ở Qui Nhơn là hoàn toàn bịa đặt vu khống, người ta chứng kiến nhà sư đã quỳ xuống để thanh minh nói lên nổi oan này, nhưng với người làm chính trị sự kiện sẽ là nguyên cớ để buộc Thầy phải hợp tác hay ít ra là sự im lặng với chế độ mới. Từ đó những hạt mầm chống đối lại chế độ như một dòng nước ngầm ngày hình thành.
Riêng đối với miền Bắc, người dân không có một ngày hòa bình nào, họ bước vào cuộc đấu tranh giai cấp như chiến dịch cải cách ruộng đất với bao người bị mang ra đấu tố theo kiểu giết dân để giải quyết nạn nhân mãn từ Trung quốc, thậm chí ngay cả với những người giàu có, địa chủ từng nuôi dưỡng họ trong chiến tranh. Sự bất mãn ngấm dần trong dân sâu đậm trước cái quá ác, thế nhưng sẽ bớt đi mầm móng chống đối trong thời điểm đó khi sự bạo tàn đổ xuống ‘bắt lầm hơn bỏ sót’ đã giảm bớt đi những người chống đối khi có quá nhiều người nằm xuống trong sự phản kháng.
Nhiều người miền Nam được xem những cuốn phim của bộ phận tâm lý chiến thuộc quân đội miền Nam, vào thời đó chỉ là đen trắng, các sân vận động, Đình làng ở miền Bắc trở thành nơi đấu tố, những con người bị chôn sống chỉ lòi cái đầu lô nhô rồi các chiếc bừa do trâu bò kéo bừa càn qua đầu họ… thấy cảnh đó người xem không biết sự chịu đựng trong đau đớn của con người biết dường nào. Hầu như khi ra về ai cũng hỏi tại sao, tại sao con người lại ác với nhau đến thế, có cả những nhà nho khăn đóng áo dài trịnh trọng bị bọn cán bộ Việt cộng lôi ra tố khổ rồi chôn sống… Họ trình xác người trước nhân dân như thế.
Bà Nguyễn Thị Năm, còn có tên gọi Cát Hanh Long, từng nuôi và chứa Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng trong nhà và đã cung cấp cho Việt Minh cả ngàn lạng vàng, nhưng họ cũng không tha. Bà bị xử bắn đầu tiên, một loạt đạn sau những màn đấu tố hành hạ, bọn cán bộ đi tìm mua cho Bà một cái hòm nhưng phải là loại rẻ nhất, khiến những người bán áo quan cũng lấy làm lạ, xưa nay không ai nói thế trước vong linh người quá cố. Các nhân chứng kể lại rằng khi liệm, chúng phải trèo lên và dẫm đạp trên thân Bà cho lọt vào quan tài, khiến thân hình Bà quẹo lại với những lời của kẻ vô học, nay mặc lấy thứ học thuyết đấu tranh giai cấp của Mác Lê “Đã chết mà còn ngoan cố…”
Mỗi thôn xã có ít nhất bốn hay năm người bị qui kết là địa chủ bóc lột, họ bị chôn sống chỉ lòi ra cái đầu cho trâu bò bừa qua, máu me loang lổ. Bi thảm nhất được ghi lại qua những đọan đối thoại khi cái gọi đạo đức cách mạng do cộng sản dựng nên đã thay đổi lòng dạ con người. Đó là con tố cha, vợ tố chồng…có những đứa con nghịch tử đã hạch sách cha mẹ mình “Ông bà có biết mình thuộc thành phần địa chủ ác ôn như thế nào không?” Và một người cha đã trả lời “Tôi biết tôi là người đã đẻ ra cô, cậu”. Chấm hết!
Đặc biệt trong buồi đấu tố và xử bắn Bà Cát Hanh Long, ông Hồ cũng có mặt trong cuộc hành quyết này, nhưng ông hóa trang, giả dạng một thường dân, bịt râu, mang căp kính đen thật dày.
Trần Đĩnh qua tác phẩm Đèn Cù cũng cho rằng Hồ Chí Minh là tác giả bài báo kí tên C.B có nghĩa là "Của Bác" trên tờ Nhân dân kết tội bà Năm.
Nhiều cán bộ cách mạng, nhiều đơn vị bộ đội thường tá túc trong đồn điền của bà. Bà Nguyễn Thị Năm cũng từng nuôi ăn, giúp đỡ nhiều cán bộ Việt Minh không kể hết.
Trong bài viết "Địa chủ ác ghê" của C.B trên báo Nhân dân ngày 21 tháng 7 năm 1953 có kể tội bà là "Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người...Giết chết 14 nông dân, Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân...". Cũng theo đó, Nguyễn Thị Năm đã "thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến" và cũng theo đó thì Nguyễn Thị Năm "không thể chối cãi, đã thú nhận tất cả những tội ác".
Theo hồi ký Trần Huy Liệu, lúc đó là uỷ viên Thường trực Quốc hội, thanh tra Cải cách Ruộng đất tại Thái Nguyên, thì cuộc đấu tố bà Năm được tổ chức ngày 22 tháng 5 năm 1953, với sự tham dự của gần một vạn người. Cũng theo ông Liệu, hai con trai của bà Năm lúc đó cũng bị đấu tố.
***
Vụ án Nguyễn Hữu Đang, đúng là bi kịch lớn, người đã đứng ra tổ chức buổi lễ tuyên bố độc lập, ngày 2 tháng 9 năm 1945, của chính phủ Hồ Chí Minh.
Còn rất trẻ, ông đã là Thứ trưởng trong chính quyền, ông là một người cộng sản nhiệt thành và… cuồng tín.
Cho đến chết ông vẫn trung thành với cách mạng song vẫn không tự cứu được mình khi ông là “Lãnh tụ tinh thần” của Nhân Văn Gia Phẩm. Như đại bàng bị gẫy cánh, ông bị kết án 15 năm tù về tội “phá hoại chính trị”. Ra tù phải ăn cả cóc nhái rắn rết để tồn tại và cùng quẫn đến mức phải lo tìm một chỗ bờ bụi nằm chết một mình cho yên thân...
Sau này Nguyễn Hữu Đang nói: “Thực chất phong trào “Nhân văn Giai phẩm”, nếu đứng về mặt chính trị, thì đó là một cuộc đấu tranh của một số người trí thức, văn nghệ sĩ và một số đảng viên về chính trị nữa, là chống, không phải chống đảng cộng sản, mà là chống chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao. Sự thâm nhập của chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao đưa đến nhiều hiện tượng cực quyền toàn trị. Nó gay gắt ghê lắm! Chúng ta đã phạm sai lầm trong Cải cách ruộng đất, rồi thì Chỉnh huấn, Chấn chỉnh tổ chức, Ðăng ký hộ khẩu, v.v. Tất cả những chính sách quá tả đó là đều từ phương Bắc xâm nhập vào Việt Nam”.
Hữu Đang phải chết, đúng vậy, ông bị bắt, bị cầm tù, bị quản thúc và mất quyền tự do phát biểu trong 60 năm từ 1957 đến 2007, lúc ông mất. Bởi vì “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”, tuyên bố của Lê Duẩn, nên những gì ông muốn xây dựng trên tinh thần nhân bản và dân tộc, tất nhiên phải bị đánh đổ! Dù ông đủ khôn ngoan và thông minh để ẩn danh dưới nhiều bút hiệu như Phạm Đình Thái, Dương Quang Hiệt. Cuộc đời hoạt động của ông vẫn còn nguyên trong bóng tối.
Một danh tướng của cộng sản Việt Nam, với những vinh quang tột đỉnh cùng với những sỉ nhục vô cùng.
Ông đã bị những “đồng chí” hạ nhục do những đố kỵ, tỵ hiềm, như qua vụ án xét lại, Võ Nguyên Giáp từ đỉnh cao danh vọng đã trở nhân vật bị bêu ríu qua câu vè của dân gian “Ngày xưa Đại Tướng cầm quân, Ngày nay Đại Tướng cầm quần chị em!”.
Khởi đầu làm sao thì kết thúc làm vậy, gieo gì gặt nấy, cái sai lầm lớn nhất của Giáp là theo chủ nghĩa CS, đưa đất nước vào chiến tranh, lầm than, tụt hậu, mất đạo đức, phân hóa… Giáp với vai trò Bộ Trưởng Nội Vụ đã ký các nghị định vào tháng 9/1945 chống lại cái gọi là các tổ chức “phản động” thực chất là các đảng phái Quốc Gia, nhẫn tâm vu khống là có âm mưu đảo chính để đàn áp khủng khiếp Việt Nam Quốc Dân Đảng (qua vụ phố Ôn Như Hầu năm 1946, nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội), tàn sát Việt Cách và rất nhiều người quốc gia yêu nước khác… Bước đầu khởi nghiệp với bàn tay đẫm máu trong vai trò người Việt giết người Việt.
Càng cao tuổi càng rước cái nhục vào thân, thuyền lớn song lớn, nhưng trước sự tang tóc đau thương của bao người dân Việt Nam, Võ Nguyên Giáp vẫn ngậm câm như:
1- Cải Cách Ruộng Đất sát hại 172. 000 người, không ngăn cản chỉ đóng vai xin lỗi cứu đảng.
2- Ngày chết của HCM bị sửa, di chúc bị cắt dấu. Ông đồng lõa.
3- Hiến Pháp phi dân chủ, nhiều điều không được thực thi như giáo dục tiểu học miễn phí, quyền tự do ngôn luận, hội họp, biểu tình…
4- Cán bộ từ trên xuống dưới tham ô, hà hiếp nhân dân. Ông không chống lại.
5- Hàng triệu dân oan bị cướp đất. Ông làm ngơ.
6- Kinh tế yếu kém, nợ nần chồng chất.
7- Đất nước tụt hậu, đạo đức băng họai.
8- Đấu tranh dân chủ trên toàn quốc bị đàn áp.
9- Vội vàng theo đuổi năng lượng nguyên tử, hạt nhân.
10- Đảng CSVN nhượng đất, nhượng biển cho Trung Quốc.
11- Trung Quốc lấn át, đánh bắn ngư dân.
12- Biều tình chống Trung Quốc bị trù dập… Trong im lặng, ông thà chịu nhục hơn là bị yểu mệnh, ông mất lúc trên một trăm tuổi.
***
Miền Nam tôn trọng quyền con người hơn, xã hội công dân ngày càng bước vào nền pháp trị, đó chính là kẽ hở cho đối phương nhằm tạo mâu thuẫn bên trong, cùng thái độ của những người trí thức miền Nam ở giai đoạn mới trưởng thành, phần lớn được học từ Pháp, Bỉ về nước, họ muốn tỏ ra thái độ của một trí thức: tôi đang sống không là một sự tồn tại, nhưng là hiện hữu có ý thức, có trách nhiệm với xã hội, cho dù tiếng nói có khi dội ngược lại dần tiêu tan chính mình. Một xã hội với yếu tính tự do một cách tự nhiên như bẩm sinh của con người, nó đang bị thử thách và con người quen sống theo bản chất tự nhiên, họ dễ dàng bao dung tha thứ, nó cũng là cách thế tự nhiên của con người. Nhưng kẻ ác đã vũ trang bên ngoài nhà của họ để cướp đi mọi thứ kể cả thứ chất xám đang ‘dấn thân’ tưởng chừng có ý thức một cách tự nhiên kia, nó đang vồ mọi thứ của người công chính: cái gọi Mặt trận Giải Phóng miền Nam theo kiểu Mao ở Trung quốc, một lần nữa được mang ra như một thủ đoạn lừa bịp những công dân tốt bụng, chân chất của miền Nam.
Những người dân ở thôn quê chạy ra xem những chiếc máy xay lúa, từ nay cả một làng chỉ cần một cỗ máy này đủ đánh tróc vỏ lúa cho cả làng. Những cối xay truyền thống dần dần đi vào quá khứ, những đêm trăng trẩy hội giã gạo trẩy lúa vòng công, hát hò không còn nữa. Bây giờ họ dành thời gian để đến các rạp chiếu bóng xem phim… vẫn chỉ phim đen trắng vào thời điểm này. Các sĩ quan tâm lý chiến của sư đoàn luôn tổ chức những buổi trình diễn văn nghệ, khiến mọi người đều vui không còn nghĩ đến chiến tranh là gì. Nhưng ngoài kia thật sự phe miền Bắc đã bắt đầu đưa những đoàn quân vào đánh chiếm miền Nam.
Những cuộc đấu tố ngoài miền Bắc như một tiền đề khiến người dân bị cai trị trong sợ hãi, bảo đâu nghe đó, hàng ngàn người bị buộc thôi học từ bỏ ruộng vườn vào Nam, sự sợ hãi như một đòn bẩy vĩ đại lấp vào khoảng trống vốn luôn tự hào, chất máu anh hùng của người thanh niên Việt có từ truyền thống. Họ đã vào quân đội từ sự sợ hãi đến điên loạn nên hậu quả của những cuộc thảm sát về sau như Mậu Thân là chuyện tất yếu.
Những vết đau như người con gái đầy nhan sắc, một tiểu thư sau khi cha mẹ bị đấu tố chết chỉ còn biết vất vưởng ra đường hay lang thang trên những bờ ruộng tìm những củ khoai mót lại đem lùi sống qua ngày, may mà gặp người lính văn công từng được cha mẹ cô nuôi nấng cất giấu trong nhà thấy vậy, đã mang cô về nuôi và về sau cưới thành vợ. Người vợ hiền tần tảo của nhà thơ Hữu Loan sau này. Biết bao nhiêu con người như người thiếu nữ này, nếu không tìm được cơ hội để nuôi ý chí họ sẽ dễ trở điên loạn thuộc những hội chứng tâm thần khác nhau. Chuyện giết người ở miền Bắc nó không chỉ đơn thuần như người lính miền Nam kia vì ghen tương dù hành vi của anh ta thuộc loại điên loạn bất bình thường. Còn sự giết người ở miền Bắc Việt Nam là do cả một tập đoàn thống trị cấu kết với Nga Tàu mang cả thứ học thuyết cùng vũ khí để tạo chính nghĩa trên bạo lực trong một cuộc chiến diệt chủng.
Những người dân thẫn thờ, những con người sống trong một chế độ mà cái miệng ngày càng nhô ra do sự thiếu thốn chịu đựng trong đói khổ, sau 1975 những người Bắc vào Nam, mọi người đều thấy sự nghèo nàn đói khát đó với cái gì cũng muốn mang về miền Bắc. Mãi đến nhiều thập kỷ sau cái hàm răng hô như biểu tượng của nghèo nàn và đói khát mới dần biến, nhờ vào sự giàu có của miền Nam mà họ dày công chiếm đoạt.
Những hồi chuông từ các Thánh đường vang vọng Lễ cầu hồn, tiếng tụng kinh gõ mõ cầu cho các linh hồn siêu thoát dần tràn ngập khắp nơi. Nhiều lệnh động viên trên toàn miền Nam từng đợt được công bố, một sự thức tỉnh của mọi người mạnh mẽ hơn khi tiếng đại bác ngày đêm dội về thành phố và các cố vấn quân sự Mỹ bắt đầu xuất hiện tại miền Nam Việt Nam.
© Nguyễn Quang Hồng Nhân
* Trích đoạn từ tác phẩm Chiến Tranh & Hòa Bình Việt Nam
VNQVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét