Nhóm Hiến Pháp kêu gọi biểu tình bị xử tù khi Quốc hội VN tiếp tục trì hoãn thông qua Luật biểu tình - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

Nhóm Hiến Pháp kêu gọi biểu tình bị xử tù khi Quốc hội VN tiếp tục trì hoãn thông qua Luật biểu tình



Nhóm 8 người thuộc nhóm Hiến Pháp tại phiên toà xét ở ở TP Hồ Chí Minh hôm 31/7/2020. Pháp Luật



Điều 25 Hiến Pháp Việt Nam nêu rõ quyền biểu tình của công dân; thế nhưng Quốc hội vẫn chưa thông qua luật biểu tình. Vừa qua, 8 người thuộc nhóm có tên Hiến Pháp cổ xúy cho quyền biểu tình bị Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án tù.

Một nhóm 8 người bị đưa ra xét xử hôm 31 tháng 7, với bản án nặng nhất là 8 năm tù và thấp nhất là 2 năm 6 tháng, chỉ vì kêu gọi biểu tình bày tỏ chính kiến của người dân. Họ bị xử với cáo buộc “phá rối an ninh” theo khoản 1, Điều 118, Bộ Luật Hình sự 2015.




Trong hình ảnh từ phiên tòa, người ta thấy một phụ nữ trong áo thun hồng, đứng giữa hàng chục công an. Đó là bà Đoàn thị Hồng, người lãnh bản án nhẹ nhất, 2 năm 6 tháng tù và 2 năm quản chế.

“Tôi rất là bức xúc, tại vì tôi cho rằng những bản án trên, là những bản án mà người ta đã bỏ túi.”

Chị Đoàn Thị Khánh không cầm được nước mắt khi chia sẻ với Đài Á Châu Tự do về hoàn cảnh của người em gái Đoàn Thị Hồng khi phải đi tù trong lúc có con nhỏ.

“Mẹ Đoàn Thị Hồng bị bắt cóc lúc cháu gái mới có 30 tháng thôi,” chị nói. “Gần hai năm nay cháu thiệt thòi vì thiếu tình thương của mẹ rất nhiều, thiều hơi ấm của tình mẫu tử. Hôm bữa, lúc chưa kết thúc phiên tòa, tôi thấy bên Đài Á Châu Tự do có đăng hình em gái của tôi lên. Em gái của tôi mặc áo màu hồng và đeo khẩu trang. Tôi có đưa cho cháu bé, tôi hỏi cháu là, ‘Con nhìn coi ai đây nè?” Thì cháu nhìn cháu nói “Mẹ Hồng của Na.” Nghe rớt nước mắt luôn. Không chịu được. Mình người lớn mình cực khổ như thế nào cũng được, nhưng mà khi con trẻ nó thiếu hơi ấm của mẹ nó, nhìn tội nghiệp lắm em!”


Chị Khánh nói, chị không phải là người đấu tranh nhưng chị thấu hiểu được vì sao em gái và các thành viên của Nhóm Hiến Pháp đã xuống đường phổ biến cuốn Hiến Pháp đến cho người dân.

“Bây giờ nhà cầm quyền Việt Nam họ không muốn người dân hiểu về Hiển Pháp nhiều. Nếu mà càng nhiều người dân hiểu biết về Hiến Pháp và biết quyền con người của mình nằm ở đâu và con người nên làm gì, thì người ta sẽ khó có thể cai trị được lòng dân lắm.”

Chị cho rằng, chính phủ Việt Nam trì hoãn Luật biểu tình và từ chối đưa vào chương trình xây dựng luật cho năm nay và năm 2021, để tiếp tục đàn áp người dân.

“Bây giờ nhà cầm quyền Việt Nam họ không muốn người dân hiểu về hiển pháp nhiều. Nếu mà càng nhiều người dân hiểu biết về Hiến Pháp và biết quyền con người của mình nằm ở đâu và con người nên làm gì, thì người ta sẽ khó có thể cai trị được lòng dân lắm.” - Đoàn Thị Khánh, chị của TNLT Đoàn Thị Hồng




“Điều 25 trong Hiến Pháp là người dân có quyền biểu tình. Nhưng nói về luật pháp Việt Nam thì chưa có luật biểu tình. Nó là một cái gọi là… một cái bẫy để đưa công dân vào trong nhà tù của Cộng Sản.”

Tháng 5 vừa qua, Bộ Công An đã đề xuất lùi thời gian ra Luật Biểu tình, và được Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực Á Châu (Human Rights Watch) nói việc này cho thấy, lẽ ra Bộ Công an không phải là nơi đưa ra đề xuất về Luật biểu tình:

“Bộ Công an, qua lời giải thích mới nhất, nói là họ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, để luật này không bị các thành phần mà họ gọi là “phản động” lợi dụng. Cái đó thực tế đã cho thấy rằng Bộ Công an là bộ không đúng để soạn thảo bộ luật này. Một bộ luật như thế đáng lý phải bảo vệ quyền của người biểu tình ôn hòa, chứ không phải để trao cho cơ quan chức năng thêm ‘đạn dược’ để đàn áp người biểu tình.”

Ông nói bản án đối với “Nhóm Hiến Pháp” là “tàn nhẫn”. Nhưng theo ông, có được Luật biểu tình cũng không thay đổi được bản chất của nền tư pháp Việt Nam.

“Chúng tôi lo ngại là bất cứ luật nào được ban hành sau quá trình này, cũng chỉ sẽ là một công cụ đàn áp, và Bộ Công an sẽ dùng nó để truy lùng những người chống Đảng Cộng Sản Việt Nam.”

Ông Robertson cho rằng Luật biểu tình cuối cùng cũng sẽ theo truyền thống của những luật khác ở Việt Nam, rất mơ hồ để chính quyền tùy tiện áp dụng.




Việt Nam đã gia nhập Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị từ năm 1982. Công ước nói rất rõ về quyền biểu tình ôn hòa, quyền về hội, v.v… Nhưng theo ông Robertson, tất cả điều đó không có tại Việt Nam, vì nhà nước ban hành những luật lệ để hạn chế nó.

“Tôi có thể bảo đảm là khi Việt Nam ban hành Luật biểu tình, chắc chắn là Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và các báo cáo viên đặc biệt của Hội đồng sẽ lên tiếng vì luật này không phù hợp với tinh thần nhân quyền của quốc tế.”

Chị Trương Thị Hà, một chuyên gia tư vấn luật, đã từng giúp tư vấn những người biểu tình bị bắt bớ, nói việc không có Luật biểu tình không phải lý do để ngăn chặn người dân đi biểu tình:


Tù Nhân Lương Tâm Đoàn Thị Hồng cùng con gái.

“Việt Nam hiện nay nhiều người cho rằng đi biểu tình là vi phạm pháp luật. Một số người họ hiểu biết là biểu tình là quyền, nhưng mà họ sợ bị bắt bớ hoặc bị công an đánh đập khi mà đi biểu tình, thì em muốn khuyên là chúng ta phải hiểu rõ, biểu tình là quyền, dù cả khi mà chưa có Luật biểu tình, thì người dân vẫn được đi biểu tình.”

Chị Hà cho rằng, chính những ai ngăn chặn người biểu tình mới là người vi phạm luật.

Thế nhưng, trong lúc người dân còn phải chờ đợi một bộ Luật biểu tình, như họ đã trông chờ từ 9 năm, từ khi luật này được đưa vào kế hoạch xây dựng, chị nói người biểu tình phải trang bị cho chính mình những hiểu biết căn bản về quyền biểu tình ôn hòa.

“Khi mà đi biểu tình, mà thực tế sẽ gặp rất nhiều vấn đề, thì chúng ta cần chuẩn bị kỹ hơn. Đị biểu tình chúng ta cần tránh những việc xô xát với nhau. Tránh việc đó, vì phía công an họ chỉ cần có cái cớ là họ có thể bắt bớ mình. Nên tốt nhất là mình nên tránh cái việc đó.”

Khi luật pháp được dùng để bào chữa cho chính sách độc tài của nhà cầm quyền thì cho dù người dân tuân theo hiến pháp hay luật pháp, họ vẫn có thể phải chịu những án tù, như những thành viên của “Nhóm Hiến Pháp” hiện nay.

Chị Khánh, chị của TNLT Đoàn Thị Hồng nói:

“Trong phiên tòa xét xử em gái Đoàn Thị Hồng của tôi và 7 anh chị em khác trong nhóm Hiến Pháp, không một ai có mặt trước cổng phiên tòa. Tôi đã nhìn thấy nhà cầm quyền Việt Nam họ đã đem những mức án cao hoặc là những cái sự bắt bớ tùy tiện để gieo rắc nỗi sợ hãi trong lòng người dân và họ đã đạt được điều đó.”

Theo ông Robertson, Việt Nam đang lợi dụng tình trạng dịch COVID-19 chi phối tại các quốc gia trên thế giới để gia tăng đàn áp những ai chống đối, và việc này sẽ gia tăng trước Đai Hội Đảng 2021.

Cũng theo ông, Việt Nam hiện là quốc gia với nhiều tù nhân lương tâm nhất trong khối ASEAN.


Giang Nguyễn
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages