Trung Quốc vẫn lầm lũi đẩy từng quân cờ trong thế trận bành trướng ở Biển Đông. Hoa Kỳ cũng biến Biển Đông thành một mặt trận trong cuộc chiến toàn diện chống Bắc Kinh. Chưa bao giờ, Hải Quân Mỹ hoạt động năng động như trong năm 2020 để thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.
Có nhiều ý kiến cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để Việt Nam kiện những yêu sách của Trung Quốc trong bản đồ « 9 đoạn » lên Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (PCA). Nhưng tại sao Hà Nội chần chừ ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon (Ecole normale supérieure de Lyon), Pháp.
RFI : Thưa ông Gédéon, nhìn vào căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cũng như việc Washington ủng hộ mạnh mẽ hơn các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông, phải chăng đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện kiên quyết hơn trong việc bảo vệ chủ quyền, kể cả khả năng Hà Nội kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế ?
Laurent Gédéon : Tôi xin nhắc lại tuyên bố ngày 13/07/2020 của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ông nói là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa không có bất kỳ cơ sở nào để đơn phương áp đặt ý đồ của họ ở trong vùng nên tuyên bố chủ quyền trong « đường 9 đoạn » cũng không có giá trị pháp lý vì Tòa Trọng Tài đã bác những yêu sách của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ nói thêm là tuyên bố của Tòa mang tính quyết định và ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên.
Điểm này vô cùng quan trọng bởi vì lần đầu tiên, thông qua phát biểu của ngoại trưởng Pompeo, Hoa Kỳ đánh giá những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là « bất hợp pháp ». Đây là một thay đổi lớn so với lập trường trước đây của Washington, chỉ tập trung vào tự do lưu thông hàng hải mà không phát biểu về tính hợp pháp trong những yêu sách chủ quyền của các bên có tranh chấp ở Biển Đông.
Trong bối cảnh này, Việt Nam có thể được lợi về mặt chính trị và biểu tượng, thông qua các kênh theo luật định để khẳng định những quyền của họ. Viện đến Tòa Trọng Tài Thường Trực có lẽ là giải pháp thích hợp. Nhưng nếu căn cứ vào phán quyết năm 2016, thì Tòa Trọng Tài có lẽ chỉ có thể xác nhận lại với Việt Nam phán quyết đã được công bố với Philippines : Bản đồ « đường 9 đoạn » đi ngược lại với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), như vậy là bất hợp pháp. Có nghĩa là những đòi hỏi chủ quyền chồng lấn của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, như tình trạng hiện nay, là bất hợp pháp.
Nhưng ngược lại, Tòa Trọng Tài Thường Trực cũng sẽ không công nhận những đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, cũng cần nhắc lại là Tòa không công nhận bất kỳ vùng đặc quyền kinh tế nào quanh những quần đảo này.
Việc Mỹ tuyên bố những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông là « bất hợp pháp », cũng không đồng nghĩa là Washington công nhận những đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam, Philippines hoặc những nước khác đối với những quần đảo này.
Tôi cho rằng bối cảnh hiện này có thể là một cơ hội cho Việt Nam. Nhưng viện đến Tòa Trọng Tài Thường Trực Lay Haye có lẽ sẽ là con dao hai lưỡi, căn cứ vào việc Việt Nam có nhiều yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, như đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì thế, có phần nào đó là tế nhị trong việc đưa ra quyết định về vấn đề này.
RFI : Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định trong cuộc họp trực tuyến ngày 23/07 với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh rằng Bắc Kinh không thay đổi lập trường về Biển Đông. Phải chăng đây là một lời đe dọa, một lời cảnh báo Hà Nội đừng có tìm trợ lực nước ngoài để can thiệp vào trong vùng ?
Laurent Gédéon : Theo quan điểm của tôi thì đúng là như vậy. Đó là một lời cảnh cáo nếu căn cứ vào toàn bộ tuyên bố của ngoại trưởng Trung Quốc. Ông Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh không thay đổi chính sách rõ ràng của họ về Biển Đông. Ông ta cũng nói thêm là vì lý do địa chính trị, Hoa Kỳ tìm cách can thiệp vào Biển Đông, điều tầu chiến, tầu sân bay để thể hiện sức mạnh trong vùng với mục đích là tạo căng thẳng, gây nguy hiểm cho tình đoàn kết giữa các nước trong khu vực và phá hoại triển vọng phát triển của tất cả những nước này.
Lời cảnh cáo còn được thể hiện trong một câu nói của ông Vương Nghị khi cho rằng tất cả các nước liên quan phải hết sức cẩn trọng về vấn đề này, dĩ nhiên cũng ngầm nhắc đến Việt Nam : Bắc Kinh và Hà Nội phải giải quyết tranh chấp qua đối thoại và tham vấn song phương. Tương tự, theo quan điểm của Trung Quốc, các nước khác cũng cần tự tìm ra giải pháp ở cấp vùng và từ đó đi đến ký kết thỏa thuận. Ngoài ra, ông Vương Nghị cũng cho rằng các nước ở trong vùng, có nghĩa là Việt Nam và các nước ASEAN khác, phải dựa vào Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông đang được đàm phán, và nhất là phải tránh để các lực lượng bên ngoài can thiệp, dù là nhỏ nhất.
Từ những tuyên bố trên của ông Vương Nghị, một mặt chúng ta thấy là Trung Quốc không từ bỏ một điểm nào trong những yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông, mặt khác cảnh cáo Việt Nam, cũng như tất cả các nước chống lại lập trường của Bắc Kinh, về một điểm - hiện là mối bận tâm hàng đầu của Trung Quốc : Đó là khả năng hoặc giả thuyết là các nước trong vùng xích lại gần Hoa Kỳ, trong khi Mỹ đang đối đầu mạnh mẽ với Trung Quốc về vùng biển này.
RFI : Có nghĩa là Việt Nam hiện nằm trong thế kẹt giữa hai cường quốc ?
Laurent Gédéon : Đúng thế. Về điểm này cần phải nhắc lại tổng quan vì tình hình hiện nay phức tạp và đã thay đổi nhưng cũng có thể mang lại cơ hội. Dưới chính quyền Trump, Hoa Kỳ đã tập trung vào vấn đề tương quan lực lượng với Trung Quốc, từng bắt đầu dưới thời Barack Obama với chiến lược « xoay trục sang châu Á ». Nhưng sự đối đầu trở nên trực diện hơn rất nhiều trong nhiệm kỳ của Donald Trump và hiện trải trên hai lĩnh vực chính : kinh tế và chiến lược.
Người ta nói nhiều đến cuộc chiến thương mại với việc hai bên tăng nhiều loại thuế quan. Bên cạnh đó là sự gia tăng về chiến lược, được thể hiện qua việc tăng cường các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải FONOPS mà lần gần đây nhất là cuộc tập trận ở Biển Đông vào tháng 07/2020, với hai tầu sân bay lần đầu tiên cùng lúc tham gia.
Một điểm lý thú có thể nhận thấy là hiện nay, Trung Quốc trong thế thủ nhiều hơn so với cách đây 1 năm, một mặt là do Hoa Kỳ dồn dập tấn công, do tác động của cuộc chiến thương mại đến nền kinh tế Trung Quốc, mặt khác là do hình ảnh của Trung Quốc trở nên xấu đi từ khi xảy ra khủng hoảng Covid-19.
Trong bối cảnh này, Việt Nam bị kẹt giữa hai thế : Một bên là mong muốn duy trì mối quan hệ cân bằng với Trung Quốc, bên kia là viện đến sức mạnh của Hoa Kỳ để có thể đối phó với chính sách của Bắc Kinh. Nói một cách khác, Việt Nam đang giữ khoảng cách với cả hai phe lợi ích mang tính cơ hội. Câu hỏi đặt ra là Hà Nội có thể duy trì được tình trạng này đến bao lâu ?
Có thể bối cảnh hiện nay được cho là một cơ hội cho Việt Nam, nhưng để tận dụng được, có lẽ Hà Nội phải tránh chiến lược ngoại giao truyền thống « Ba không » : không tham gia các liên minh quân sự, không đi theo bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác và không có các căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Lập trường chính trị này không tương thích với khả năng xích lại gần với Hoa Kỳ về vấn đề Biển Đông.
Ngoài ra, để tận dụng cơ hội này, Việt Nam có lẽ phải nêu cụ thể hơn những đòi hỏi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, từ vấn đề chủ quyền đến vùng đặc quyền kinh tế mà chúng ta thấy vẫn chưa được cập nhật về mặt pháp lý bởi vì Việt Nam lo ngại có thể những đòi hỏi đó sẽ bị Tòa Trọng Tài bác bỏ.
Việc này cũng đòi hỏi chính phủ Hà Nội phải suy nghĩ lâu dài về những giới hạn của những giả thuyết đàm phán với các nước có liên quan, như Phillipinnes, vì chúng ta nên nhớ là Việt Nam và Trung Quốc yêu cầu chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo, trái với Philippines, Malaysia, Brunei chỉ đòi chủ quyền đối với một số đảo.
Câu hỏi đặt ra là Hà Nội có những quyền lợi trên biển nào có thể thương lượng được hay không ? Trong trường hợp không, dù tranh chấp ít nhiều được giải quyết một cách nào đó với Trung Quốc, thì sẽ còn tiếp tục với các nước nói trên.
RFI : Trung Quốc lần lượt điện đàm với bốn nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Singapore sau phát biểu của ngoại trưởng Pompeo về Biển Đông. Khi ưu tiên trao đổi song phương với những lời hứa đầu tư, liệu Bắc Kinh có phá vỡ được mặt trận chung, dường như mới chỉ được hình thành ?
Laurent Gédéon : Đó là mối bận tâm thường trực của Bắc Kinh : Luôn ưu tiên đàm phán song phương ngay khi có vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh chẳng có lợi gì khi các nước « kẻ thù của kẻ thù là bạn » hợp sức chống lại họ. Chính vì thế, họ luôn tìm cách phá vỡ mọi mặt trận chung có nguy cơ chống lại họ ở Biển Đông. Ở điểm này, Trung Quốc được trợ lực qua việc Việt Nam, Philippines và Malaysia chưa có được tiếng nói chung thực sự. Điều này có lợi cho Trung Quốc và tặng cho Bắc Kinh một lá bài để thành công.
Thế nhưng, phía Trung Quốc cũng có một vấn đề, đó là lập trường bất di bất dịch của nước này, luôn từ chối thỏa hiệp, vì thế hạn chế khả năng đạt được thỏa thuận, ngay cả trong các cuộc đàm phán song phương. Nói một cách khác, nếu một thỏa thuận song phương được kí kết, thì có thể là do nước yếu hơn phải nhân nhượng Bắc Kinh trong khả năng có lợi nhất cho nước đó về mặt pháp lý để giúp được nước đó thay đổi tình thế sau này, nếu có thể. Nhưng chúng ta thấy là chưa có thỏa thuận song phương nào về điểm này. Thêm vào đó, phải nhắc đến một điểm : Công luận của các nước ASEAN, đặc biệt là ở Việt Nam, rất sôi nổi về vấn đề biển đảo, họ có thể cho rằng chính phủ lùi bước trong vấn đề chủ quyền quốc gia.
Một điểm bất lợi khác, ngày càng rõ ràng hơn, cho Bắc Kinh là Washington đã hình thành được một khối ổn định hơn, được dựa trên nguyên tắc hội tụ lợi ích của các quốc gia trong vùng xung quanh nguyên tắc bảo vệ tự do lưu thông hàng hải của Mỹ ở Biển Đông. Nếu Hoa Kỳ hình thành được một liên minh dựa trên nguyên tắc này, thì đó sẽ là một khối mà Trung Quốc khó lòng đối đầu được.
RFI : Liệu có nguy cơ Hoa Kỳ thay đổi chiến lược về Biển Đông sau kỳ bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020 hoặc trong trường hợp Washington và Bắc Kinh giảm bớt căng thẳng sau khi đạt được một số thỏa thuận ? Điểm này có khiến Việt Nam lo ngại không ?
Laurent Gédéon : Theo quan điểm của tôi, thì tôi không nghĩ như vậy, dù hai bên đạt được thỏa thuận về kinh tế. Lý do thứ nhất là cả đảng Cộng Hòa lẫn Dân Chủ Mỹ đều muốn ngăn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng, được cho là có hại cho lợi ích của Hoa Kỳ. Đảng Cộng Hòa cáo buộc đảng Dân Chủ đã quá nhân nhượng với Bắc Kinh dưới thời Barack Obama. Điều này dẫn đến thái độ cứng rắn hơn rất nhiều của chính quyền Donald Trump đối với Trung Quốc.
Còn phía đảng Dân Chủ, thông quan ứng viên tổng thống Joe Biden, cáo buộc chính quyền Trump giữ thái độ mập mờ với Trung Quốc, đặc biệt là sau khi ông John Bolton, trong cuốn sách mới xuất bản, cáo buộc Donald Trump từng tìm cách thương lượng với Tập Cận Bình để được Bắc Kinh hỗ trợ chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11.
Lý do thứ hai, theo tôi, Washington ít có khả năng thay đổi lập trường, kể cả trong trường hợp Donald Trump không được bầu lại : Đó là Biển Đông là một không gian hàng hải có tầm quan trọng rất lớn, mà một phần hàng hóa Trung Quốc bắt buộc phải trung chuyển qua đó, cũng như một phần đội tầu ngầm của nước này. Nếu để Trung Quốc kiểm soát được vùng biển này, đó sẽ là một mối đe dọa thường trực cho Hoa Kỳ.
Một lý do khác, những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là thách thức chiến lược và pháp lý thực sự đối với Washington. Hoa Kỳ cũng như các cường quốc hàng hải khác, như Pháp, hình thành một phần sức mạnh của họ theo khuôn khổ Luật Biển Quốc Tế, được xác định theo UNCLOS. Thế nhưng, những hành động của Trung Quốc lại đi ngược lại với văn bản pháp lý này. Một sự thay đổi có thể sẽ có hại cho lợi ích của những cường quốc hàng hải hiện nay. Và đó là một trong những lý do khiến Hoa Kỳ cũng như các nước đồng minh ở Biển Đông, tiến hành tuần tra để áp dụng luật này.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, Trường Sư phạm Lyon, Pháp.
Thu Hằng
RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét