Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ: Giải pháp chiến lược đưa ngành dầu khí Việt ‘thoát Trung’ - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ: Giải pháp chiến lược đưa ngành dầu khí Việt ‘thoát Trung’



Một tàu đánh cá Việt Nam đi bên cạnh USS Blue Ridge hàng đầu của Hạm đội 7 của Hoa Kỳ vào cảng Tiên Sa vào ngày 23/4/2012 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc (Ảnh: HOANG DINH NAM / AFP qua Getty Images)

Trong thời gian vừa qua, ngành dầu khí Việt Nam đã phải chịu nhiều thiệt hại nặng nề do áp lực từ phía Trung Quốc. Do vậy, việc hợp tác với các công ty Mỹ sẽ là giải pháp chiến lược đưa ngành dầu khí Việt “thoát Trung”, đồng thời giúp Hà Nội giữ vững ranh giới ở Biển Đông.

Là một nền kinh tế đang phát triển nhanh, nhu cầu về năng lượng của Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng từ 8,5 đến 9,5 phần trăm hàng năm trong vòng 5 năm tới. Cùng với yêu cầu giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than, điều này đã khiến Việt Nam phải tìm các nguồn năng lượng thay thế.

Ngoài đầu tư vào năng lượng tái tạo, Việt Nam đang tìm cách hợp tác với các đối tác có trụ sở tại Hoa Kỳ để phát triển nguồn cung cấp dầu khí và các nhà máy điện chạy bằng khí - một nỗ lực nhằm đưa ngành dầu khí Việt "thoát Trung".




Hợp tác Việt - Mỹ: tầm quan trọng chiến lược của ngành dầu khí

Việt Nam hiện đang làm việc với ExxonMobil để phát triển mỏ khí Cá Voi Xanh ngoài khơi bờ biển miền Trung của đất nước, có trữ lượng ước tính khoảng 150 tỷ mét khối. Khí từ mỏ này sẽ được sử dụng để chạy 3 nhà máy nhiệt điện khí dự kiến ​​được xây dựng tại Khu kinh tế Dung Quất.

Vào tháng 11 năm 2019, công ty AES Corp của Mỹ được chấp thuận để xây dựng tổ hợp nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2 (2,25 GW) tại tỉnh Bình Thuận. Nhà máy sẽ chạy bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ.

Ngoài Sơn Mỹ 2, Việt Nam hiện đang phát triển 4 dự án điện khí khác sử dụng LNG nhập khẩu là Cà Ná 1 (1,5 GW), Sơn Mỹ 1 (2,25GW), Bạc Liêu (3,2 GW) và Long Sơn 1 (1,2 GW). Theo Bộ Công Thương Việt Nam, các dự án mới này sẽ đẩy tổng công suất lắp đặt của các nhà máy nhiệt điện khí của Việt Nam tăng từ 9 GW hiện tại lên 19 GW vào năm 2029, có nghĩa là Việt Nam sẽ phải tăng nhập khẩu LNG.


Đồng thời, Hoa Kỳ đã nổi lên trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn thứ ba trên thế giới. Vào năm 2019, Hoa Kỳ chiếm hơn một nửa công suất hóa lỏng khí đốt toàn cầu mới.

Ngành công nghiệp LNG của Mỹ đang phát triển nhanh chóng; và nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam đối với LNG nhập khẩu sẽ mở ra một tiềm năng mới cho hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ.

Dự tính, khi đi vào hoạt động, tổ hợp điện Sơn Mỹ 2 sẽ tạo ra nhu cầu hàng năm đối với LNG của Mỹ trị giá 2 tỷ USD. Đây là một con số đáng kể khi mà trong năm 2019, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Hoa Kỳ ở mức 14,4 tỷ USD.

Mặc dù có khả năng nhập khẩu LNG từ một số quốc gia khác nhau, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc hợp tác với các nhà cung cấp của Mỹ, do các hoạt động này giúp cải thiện cán cân thương mại với Mỹ.




Theo Hải quan Việt Nam, Việt Nam đã có thặng dư thương mại 47 tỷ USD với Mỹ trong năm 2019. Việt Nam cam kết cải thiện cán cân thương mại, đặc biệt bằng cách tăng nhập khẩu từ Hoa Kỳ.

Giờ đây, việc mua LNG của Mỹ để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí của Việt Nam được xem là một chiến lược có thể giúp Hà Nội “một mũi tên trúng 2 đích”.

Cơ hội cho ngành dầu khí Việt ‘thoát Trung’

Về mặt chiến lược, Hoa Kỳ hiện đóng vai trò chủ chốt giúp Việt Nam đẩy lùi các hành động cưỡng chế của Trung Quốc ở Biển Đông. Ví dụ, trong các cuộc đối đầu song phương lớn ở Biển Đông vào năm 2014 và năm 2019, sự hỗ trợ ngoại giao của Hoa Kỳ là điều rất cần thiết đối với Hà Nội trong việc chống lại hành vi bắt nạt của Bắc Kinh.

Việc Trung Quốc liên tục quấy rối các hoạt động dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông mang lại cho Việt Nam một lý do chính đáng khác để thu hút các công ty Hoa Kỳ như ExxonMobil tham gia vào các dự án dầu khí của mình. Đặc biệt là khi các đối tác nước ngoài khác đã chứng tỏ họ “không thể chống lại sự đe dọa của Bắc Kinh”.

Sau khi công ty dầu mỏ Tây Ban Nha Repsol quyết định hủy hợp đồng với PetroVietnam (PVN) đối với việc khai thác các lô dầu khí tại dự án Cá Rồng Đỏ ở Biển Đông, đối tác Nga lâu năm của PVN là Rosneft cũng tỏ ra bất lực trước áp lực của chính phủ Trung Quốc.

Gần đây, Hoa Kỳ đã thể hiện lập trường cứng rắn về các tuyên bố chủ quyền hàng hải ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như lên án việc Bắc Kinh cản trở các hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp của các quốc gia trong vùng biển của họ.




Trong bối cảnh đó, việc hợp tác với các công ty Mỹ để phát triển các nguồn năng lượng hóa thạch có thể là một chiến lược khả thi đối với Hà Nội, vì Washington sẽ sẵn sàng hơn hầu hết các quốc gia khác trong việc hỗ trợ các công ty Hoa Kỳ [khai thác tại Việt Nam] trước sự quấy rối của Trung Quốc.

Bất chấp thiện chí của Việt Nam và nỗ lực tiết chế mối quan hệ hợp tác với Washington để không làm mất lòng Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn ngày càng gây áp lực lên chính phủ Việt Nam bằng cách liên tục làm gián đoạn các hoạt động dầu khí ngoài khơi.

Do đó, Việt Nam cấp thiết phải biến hợp tác dầu khí với Hoa Kỳ thành một hình thức đòn bẩy chiến lược nhằm chống lại sự bắt nạt trên biển của Trung Quốc.

Mặc dù quan điểm “lâu đời” của Việt Nam là tránh đối đầu với Trung Quốc và duy trì sự cân bằng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Hà Nội không thể tiếp tục cúi đầu trước sức ép của Trung Quốc.

Việc hợp tác với các công ty Hoa Kỳ đối với các dự án dầu khí ở Biển Đông và tăng cường quan hệ với Washington giúp Việt Nam bảo vệ ngành dầu khí và cả chủ quyền Biển Đông nhằm chống lại Trung Quốc.

Cuối cùng, nếu Hà Nội quyết định xích lại gần Washington, thì Bắc Kinh chỉ có thể tự trách mình. Chính chủ nghĩa bành trướng trên biển và các hành động bắt nạt của Trung Quốc đang buộc Việt Nam phải có chuyển biến.

Thật vậy, nếu Hà Nội không chịu “đứng thẳng” trước đe dọa của Bắc Kinh, thì điều này không chỉ đe dọa chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông mà còn khiến an ninh năng lượng lâu dài và sự thịnh vượng kinh tế của đất nước lâm nguy.

Tác giả: Lê Hồng Hiệp, hiện là Nghiên cứu viên tại Viện ISEAS – Yusof Ishak, Singapore.


© Lê Minh
    NTDVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages