Thông tin sức khoẻ lãnh đạo Đảng vừa vào danh sách ‘tối mật’ - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

Thông tin sức khoẻ lãnh đạo Đảng vừa vào danh sách ‘tối mật’



Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc điện đàm với Tổng bí thư Lào hôm 13/8, đã vắng mặt trong buổi lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh, làm dấy lên tin đồn về sức khoẻ. TTg Phúc ký quyết định đưa sức khoẻ lãnh đạo Việt Nam vào danh sách "tối mật". (Ảnh Chinhphu.vn)

Hồ sơ bệnh án và thông tin sức khoẻ của lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa được đưa vào danh mục “bí mật nhà nước” trong lúc tin đồn về sức khoẻ của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại nổi lên khi người kiêm nhiệm 2 chức danh cao nhất nước vắng mặt trong lễ kỷ nhiệm Quốc khánh Việt Nam vừa qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 30/8 ký ban hành quyết định về danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực y tế trong đó quy định mức độ “tối mật” của các thông tin liên quan đến sức khoẻ của những người lãnh đạo cao nhất Việt Nam, theo nhiều bản tin trên các trang mạng trong nước.




Quyết định 1295/QĐ-TTg, được Tuổi Trẻ, VietNamNet và VnExpress trích dẫn, xếp “hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khoẻ của các uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng” vào diện “tối mật.” Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 24/8/2020.


Thông tin bảo vệ sức khoẻ lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng được bảo vệ tối mật trong một bộ luật ban hành cách đây gần hai năm.

Theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, được Quốc hội Việt Nam thông qua hôm 15/11/2018, thông tin bảo vệ sức khoẻ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước là “phạm vi thuộc bí mật nhà nước.”

Bình luận về quyết định hôm 30/8 của Thủ tướng chính phủ, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng việc xếp sức khoẻ lãnh đạo Đảng vào diện “bí mật nhà nước” khiến “Việt Nam không giống ai” và “bị cộng đồng mạng chỉ trích” trong khi các nước trên thế giới minh bạch về sức khoẻ lãnh đạo của họ.




“Trong khi đó thủ tướng Nhật, tình hình sức khoẻ của ông ấy cả thế giới biết khi ông đệ đơn xin nghỉ vì sợ ảnh hưởng đến công việc của nước Nhật, không đảm bảo lo cho công việc rất là khổng lồ mà một thủ tướng Nhật phải đảm đương, thì có sao đâu,” nhà báo Võ Văn Tạo, người từng có nhiều năm phục vụ trong quân đội Việt Nam, nói với VOA từ Khánh Hoà. “Sức khoẻ của những nguyên thủ các nước tư bản, tôi thấy chả có nước nào quy định đưa vào dạng mật như Việt Nam. Với tư cách một nhà báo, tôi thấy quyết định này làm Việt Nam trở nên dị hợm, không giống ai trong nhân loại văn minh.”

Việc không công khai tình hình sức khoẻ của các lãnh đạo nhà nước khiến xuất hiện các tin đồn trong công luận, đặc biệt đối với Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người lại vừa vắng mặt trong lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Việt Nam hôm 28/8.

Trong khi đó thủ tướng Nhật, tình hình sức khoẻ của ông ấy cả thế giới biết khi ông đệ đơn xin nghỉ vì sợ ảnh hưởng đến công việc của nước Nhật...Sức khoẻ của những nguyên thủ các nước tư bản, tôi thấy chả có nước nào quy định đưa vào dạng mật như Việt Nam. Võ Văn Tạo, nhà báo

Theo ghi nhận của các báo mạng trong nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người chủ trì sự kiện có sự hiện diện của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng sự tham gia của đại diện các cơ quan ngoại giao quốc tế tại Hà Nội.


Ông Trọng, người được Reuters trích các nguồn tin ngoại giao riêng cho biết là đã phải nhập viện 108 ở Hà Nội hồi tháng 4 năm ngoái vì một “căn bệnh khó xác định,” đã không có mặt trong buổi lễ và các bản tin trong nước không cho biết lý do vì sao.

Sự vắng mặt của ông Trọng được coi là một việc bất thường, vì theo thông lệ chủ tịch nước là người chủ trì mừng lễ quốc khánh.

“[Ông] Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư, chủ tịch nước, là nguyên thủ một quốc gia lại tiếp tục vắng mặt trong những dịp quan trọng như thế này là một điều thiếu sót vô cùng lớn,” nhà hoạt động Phạm Minh Vũ viết trên trang Facebook cá nhân. “Trong khi đó, Việt Nam cần vận động quốc tế ủng hộ lập trường của Việt Nam ở Biển đông, đồng thời kêu gọi bác bỏ những yêu sách phi pháp của trung cộng trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.”





Lần gần đây nhất có sự xuất hiện bằng hình ảnh của ông Trọng trên truyền thông là cuộc điện đàm trực tuyến của với Tổng Bí thư Lào. Kể từ khi ông Trọng được cho là bị “đột quỵ” trong một chuyến thăm tới Kiên Giang hồi giữa tháng 4/2019, ông hầu như không tham dự các sự kiện quan trọng trong nước.

Vì phát biểu bình luận liên quan đến “sức khoẻ lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước” trong bối cảnh các tin đồn về sức khỏe ông Trọng hồi tháng 5/2019, ông Lê Hữu Thuận, trưởng khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở Hà Tĩnh, đã bị cách chức vì một đăng tải trên Facebook về sự vắng mặt của chủ tịch nước tại lễ tang ông Lê Đức Anh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng chỉ lên tiếng trong một cuộc họp báo ở Hà Nội khi bị đặt câu hỏi về những đồn đoán ông Trọng bị đột quỵ. Theo bà Hằng “do cường độ làm việc cao, thời tiết thay đổi đã ảnh hưởng đến sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.”

Theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, thông tin sức khoẻ lãnh đạo cần được bảo vệ vì sợ “có tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, kinh tế-xã hội.”

Nhưng theo nhà báo Võ Văn Tạo, nếu chính phủ minh bạch về thông tin sức khoẻ của những lãnh đạo nhà nước sẽ “củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ này.”


© Trân Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages