Tháng 5 năm 2020, chính phủ Hoa Kỳ công bố báo cáo “Tiếp cận chiến lược của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc” (“United States strategic approach to the People’s republic of China”). Tiếp theo, nhiều chính khách Hoa Kỳ liên tục có bài phát biểu dường như xác lập một cuộc chiến tranh lạnh mới của Hoa Kỳ với Trung Quốc, như Robert C. O’Brien, Cố vấn An ninh Quốc gia, phát biểu bài “The Chinese Communist Party’s Ideology and Global Ambitions” , ngày 24 tháng 6, 2020, Christopher A. Wray, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang, phát biểu bài “The Threat Posed by the Chinese Government and the Chinese Communist Party to the Economic and National Security of the United States,” ngày 7 tháng 7, 2020. Ngoại trưởng Mike Pompeo có bài phát biểu “Communist China and the Free World’s Future” tại Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Richard Nixon, như muốn đánh dấu bước ngoặt chính sách đối với China của Hoa Kỳ được thiết lập từ thời Tổng thống Nixon năm 1972.
Việt Nam có xuất hiện đây đó trong các diễn ngôn chính sách nói trên của Hoa Kỳ đối với China. Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ đại học Oregon xin giới thiệu bài phỏng vấn nhanh với ông Vũ Tường, Giáo sư Trưởng khoa Chính trị học Đại học Oregon, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư huân công Đại học George Mason, ông Nguyễn Quang A, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam, về quan hệ Việt Mỹ Trung trong bối cảnh hiện nay.
Tổng thống Trump đã đưa ra những chính sách chống Trung Quốc khá toàn diện. Ông đánh giá như thế nào về những chính sách này? Ông Pompeo kêu gọi đoàn kết chống chế độ độc tài Trung Quốc, chính quyền ông Trump có thể đi xa đến đâu ở mục tiêu mà ông Pompeo tuyên bố?
Vũ Tường: Chính phủ Trump đã gây ra nhiều khó khăn kinh tế cho Trung Quốc qua việc tăng thuế đánh lên nhiều mặt hàng Trung Quốc và đưa ra những đòi hỏi về mở cửa thị trường, giảm bảo hộ mậu dịch, và tăng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Chính phủ Trump cũng đã gây áp lực lên Trung Quốc trong vấn đề người Uy Ngô Nhĩ (Uighurs), Hong Kong, và biển Đông.
Nhưng chắc chắn chiến tranh Mỹ-Trung chưa thể xảy ra, và Mỹ cũng không nghĩ đến việc thay đổi chế độ cộng sản ở Trung Quốc vì điều này rõ ràng chỉ có nhân dân Trung Quốc mới làm được.
Tôi cho là áp lực của Mỹ có thể chỉ dẫn đến nhân nhượng tạm thời từ phía Trung Quốc, và Bắc Kinh sẽ vẫn tìm cách ngấm ngầm tăng cường sức mạnh của họ để một ngày kia có thể thách đố quyền lực Mỹ.
Chính sách của Trump có thể dẫn đến sự phân hoá trong nội bộ lãnh đạo Trung Quốc, nhưng phân hoá đến đâu thì không ai biết. Chính sách của Trump cũng có thể khuyến khích các nước láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là Đài Loan, bớt sợ Trung Quốc, nhưng còn quá sớm để có thể thấy sự chuyển dịch này.
Theo ông, giả sử tháng 11 năm 2020, ông Biden thắng cử thì chính sách của chính phủ Biden đối với Trung Quốc và Việt Nam sẽ khác thế nào với chính phủ Trump?
Vũ Tường: Tôi tiên đoán chính phủ Biden sẽ tiếp tục một phần chính sách của Trump, nhưng cũng sẽ tìm cách giảm căng thẳng với Trung Quốc.
Thực ra quan hệ với Trung Quốc không phải là ưu tiên hàng đầu của Biden như đối với Trump. Có nhiều vấn đề khác quan trọng hơn như COVID-19, kinh tế suy thoái, xung đột chủng tộc, di dân, và bảo hiểm y tế, khiến cho vấn đề với Trung Quốc sẽ không được chú ý nhiều.
Chính sách của chính phủ Biden đối với Việt nam sẽ không có gì mới so với chính sách của thời Obama.
Xin ông cho một nhận xét tổng quan về cách các nước Đông Nam Á nhìn Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đối với cuộc xâm lược của Trung Quốc trên biển Đông, Hoa Kỳ cần làm gì để các nước ở Đông Nam Á tin rằng Hoa Kỳ sẽ giúp họ?
Vũ Tường: Không phải tất cả các chính phủ và dân chúng ở các nước ở Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Philippines đều có thái độ thù địch đối với Trung Quốc hay coi Trung Quốc như một mối đe dọa trên biển Đông.
Nhiều người Philippines ghét Mỹ hơn ghét Trung Quốc, và nhiều vị trong chính phủ Việt nam cho đến nay vẫn xem Trung Quốc là đối tác chiến lược còn Mỹ thì phải đề phòng “âm mưu diễn biến hoà bình” của họ.
Chính phủ Mỹ có thể làm nhiều thứ, như bán vũ khí, tăng viện trợ, kết liên minh phòng thủ, và thực sự họ đã tiến hành một số biện pháp này. Nhưng vấn đề là các nước Đông Nam Á có muốn chống lại Trung Quốc không hay vẫn muốn “đu dây.” Trong trường hợp Đông Nam Á chỉ muốn đu dây, mọi cố gắng của Mỹ đều có rất ít hiệu quả.
Một vấn đề nữa là chính sách của Mỹ nhằm phục vụ lợi ích của Mỹ trên hết. Do đó, các nước Đông Nam Á không nên đòi hỏi Mỹ “giúp” mà phải nghĩ làm sao để Mỹ thấy được và có quyền lợi trong việc ngăn chặn Trung Quốc ở biển Đông.
Ngày 23 tháng 7 năm 2020, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo nói đây là lúc thế giới phải chọn đứng về một bên, tự do hay chuyên chế. Chúng ta có thể hiểu thông điệp của ông Pompeo như thế nào? Ông nhận xét như thế nào về “sự chọn bên” của Việt Nam trong thế kỷ 20 và hiện nay?
Vũ Tường: Thông điệp của ông Pompeo là vấn đề chọn bên không phải chỉ liên quan đến quyền lợi mà còn liên quan đến niềm tin vào tương lai của thể chế dân chủ so với độc tài. Nếu tin vào dân chủ thì nên đứng về phía Mỹ và ngược lại (chú ý từ “chọn bên” hay “đứng về một bên” không có nghĩa là “đi theo đuôi”, có hàm ý chủ động và tích cực).
Nhưng theo suy nghĩ của chủ thuyết cộng sản dựa trên đấu tranh giai cấp và đại diện bởi Lê Nin, Stalin và Mao Trạch Đông, thì chế độ cộng sản mới thực sự là “dân chủ” vì chính quyền (theo lý thuyết) thuộc về giai cấp công nông chiếm đa số trong dân chúng. Đây là lý do tại sao Lê Nin nói nước Liên Xô dân chủ gấp triệu lần các nước tư bản. Nhưng “dân chủ” dưới chế độ cộng sản thực ra chỉ là lập luận suông, vì không có cơ chế hiệu quả để người dân có thể thực sự làm chủ.
Các lãnh tụ cộng sản của Việt nam vào thập niên 1940s có thể thực sự tin rằng chủ thuyết của họ “dân chủ” hơn. Niềm tin mù quáng của họ giải thích việc họ chọn làm “người lính xung kích” của phe Xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu, vào cuối thập niên 1940s, ngay cả khi chưa được Liên Xô công nhận.
Họ áp đặt “chuyên chính vô sản” mà thực tế là áp chế độ công an-tuyên giáo-quân đội-đảng đoàn lên xã hội, trước tiên là để thanh toán đối thủ chính trị, sau đó để kiểm soát trí thức và cả công nông, bắt tất cả phải làm việc cho nhà nước, phải trung thành với đảng, phải làm theo nói leo, v.v… Chọn lựa hệ thống này có lợi cho đảng cầm quyền và giai cấp thống trị (hiện nay là khoảng 3-4 triệu đảng viên) và đã giúp họ duy trì quyền lực từ đó đến nay.
Giờ đây họ vẫn tuyên bố Việt nam là nước dân chủ (“dân chủ đến [như Việt nam] là cùng!”) bất chấp sự thật là chế độ công an-tuyên giáo-quân đội-đảng đoàn vẫn còn nguyên. Dĩ nhiên họ sẽ không bao giờ chọn đứng về phía Mỹ vì lý do tin vào nền dân chủ kiểu Mỹ. Nhưng họ cũng có thể nhích lại gần hơn với Mỹ vì quyền lợi hay vì sợ dân chúng phản đối gây mất uy tín chế độ. Làm như vậy thì họ vẫn giữ được quyền hành nhưng tương lai thể chế dân chủ ở Việt nam vẫn mịt mờ.
Đã có nhiều phản hồi đối với bài phát biểu của Ngoại trưởng M. Pompeo, trong đó có nhiều phản hồi không tích cực, chẳng hạn như Thomas Wright ở Brookings Institution, James Palmer ở Foreign Policy. Trong số các bài phê bình ông Pompeo, có bài phủ nhận sự nguy hiểm của Trung Quốc, như bài của Richard Haass trên Washington Post. Còn ông đánh giá như thế nào về bài phát biểu của ông Pompeo và các bài phản biện nói trên?
Vũ Tường: Những người phê phán ông Pompeo chủ yếu chỉ ra sự bất nhất trong lời nói và việc làm của chính quyền Trump – và họ không sai. Rõ ràng chính sách của Trump và Pompeo đối với Trung Quốc có động cơ chính trị liên quan đến bầu cử tổng thống cuối năm nay.
Nhưng mặt khác Pompeo cũng nói lên một tư tưởng ngày càng được giới chính khách và trí thức Mỹ ủng hộ: đó là tư tưởng coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược của Mỹ và Mỹ cần có chính sách cụ thể để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới.
Tôi đánh giá tư tưởng này có mặt tích cực đối với quyền lợi của quốc gia Mỹ nếu những người cổ suý nó, dù là Pompeo hay ai khác, đưa ra được những đường lối có hiệu quả và không dẫn đến chiến tranh.
Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ xin chân thành cảm ơn GS. Vũ Tường.
Mời xem tiếp: Việt Nam trước cuộc song đấu Mỹ Trung (2)
© Nghiên cứu Việt Mỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét