Đại hội 13: Tổng bí thư đuối sức – Rối bời công tác nhân sự - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2020

Đại hội 13: Tổng bí thư đuối sức – Rối bời công tác nhân sự


Toàn cảnh khai mạc hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 5-10-2020


Hội nghị Trung ương 13 vừa khai màn với các nội dung trọng tâm bao gồm công tác nhân sự và hoàn thiện dự thảo văn kiện Đại hội Đảng khóa 13.


Hội nghị Trung ương 13 đã khai mạc sáng 5.10 tại Hà Nội và dự kiến sẽ kéo dài tới ngày 10/10.


Trong sự kiện lần này, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ cho ý kiến, xem xét về tình hình kinh tế – xã hội năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021; tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng; công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 và một số vấn đề quan trọng khác.


Ông Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo gì?


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người đang gặp vấn đề sức khỏe từ hơn một năm qua, đã phát biểu khai mạc hội nghị.


Theo báo điện tử Chính phủ, trong phát biểu “thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư“, ông Trọng đã “nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đại biểu tham dự Hội nghị và phát biểu một số ý kiến có tính chất nêu vấn đề, gợi mở để các đồng chí Trung ương quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định“.



Ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng hội nghị diễn ra trong bối cảnh nhiệm kỳ Đại hội 12 sắp kết thúc, các tổ chức đảng đã hoàn thành đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, đã và đang tiến hành đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.


Ông còn cho biết hiện cả nước đang phát huy những kết quả quan trọng đã đạt được, vừa tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiểm soát đại dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế – xã hội, nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nghị quyết Đại hội 12 của Đảng và nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 – 2020.



Ông nhấn mạnh: “Nội dung chương trình hội nghị lần này bao gồm những vấn đề rất cơ bản và hệ trọng. Đề nghị các đồng chí Trung ương dành thời gian tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp“.


Trong hơn một năm qua, sau khi đột ngột lâm bệnh trong chuyến đi tới tỉnh Kiên Giang vào giữa tháng 4/2019, ông Trọng ít xuất hiện trước công chúng.


Tình trạng sức khỏe của ông sau đó ít được biết đến. Mới đây, theo Quyết định được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/8, sức khỏe lãnh đạo nhà nước được xếp vào loại “tối mật” nên người dân càng không thể biết được.


‘Trường hợp đặc biệt’


Một trong những vấn đề quan trọng được công chúng và giới quan sát quan tâm là công tác nhân sự cho khóa 13 sắp tới. Trong đó, nhiều câu hỏi đã được đặt ra như: “Ai sẽ thay thế ông Trọng?”, “Ông Trọng có tiếp tục là ‘trường hợp đặc biệt’?”, “Tứ trụ sẽ gồm những ai?”



Theo cơ cấu nhân sự dự kiến, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Khóa 13 sẽ có 200 người. Số ủy viên Bộ Chính trị dao động từ 17 đến 19 người và Ban Bí thư có từ 11 đến 13 người.


Độ tuổi của ủy viên Ban chấp hành Trung ương được cơ cấu với tỉ lệ 10-15% dưới 50 tuổi, 75 đến 80% từ 51 đến 60 tuổi và 10% từ 61 tuổi trở lên. Ủy viên dự khuyết không được quá 45 tuổi. Người lần đầu tiên vào Ban chấp hành Trung ương phải còn đủ tuổi để công tác hai nhiệm kỳ. Người tái cử vào Ban chấp hành Trung ương phải dưới 60 tuổi, còn tái cử vào Bộ Chính trị phải dưới 65 tuổi.


Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam có cơ chế “trường hợp đặc biệt” cho những người vượt ngoài khung tuổi này. Ông Nguyễn Phú Trọng chính là một trong những “trường hợp đặc biệt“, dù quá tuổi vẫn được cơ cấu tái cử vào khóa 12.


Từ thực tế này, vấn đề “trường hợp đặc biệt” được giới quan sát và công chúng cực kỳ quan tâm trước Đại hội Đảng sắp tới.


Sức khỏe của các ủy viên Bộ Chính trị cũng là vấn đề lớn và gây nhiều tranh luận trong thời gian qua.


Ngoài ông Trọng, trong khóa 12 hiện tại, đã có một ủy viên Bộ Chính trị qua đời khi đang làm Chủ tịch nước là ông Trần Đại Quang.


Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cũng đang lâm trọng bệnh. Từ tháng 7/2017 đến nay, ông Huynh không còn xuất hiện trong các hoạt động chính trị. Vị trí Thường trực Ban Bí thư của ông cũng đã được giao cho ông Trần Quốc Vượng nắm giữ.


Trên BBC và Facebook nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà đưa tin về dự kiến thay đổi nhân sự lãnh đạo Đảng ở TpHCM.


Ông Nguyễn Văn Nên (1957, Tây Ninh) Bí thư TW Đảng, sẽ về thay ông Nguyễn Thiện Nhân ngay sau khi đại hội Đảng bộ Tp.HCM (dự kiến từ 14 đến 18/10) kết thúc. Như vậy, ông Nhân sắp kết thúc các công việc ở Tp.HCM sau mấy năm trở về và bị đánh giá là mờ nhạt, không làm được gì thành công! Ông Nguyễn Văn Nên xuất thân là Công an hình sự, bằng cấp cử nhân Luật và …hiện chưa vợ.



Tại Hội nghị TW 13 khai mạc sáng nay (5.10), Bộ Chính trị đã đưa kết quả giới thiệu 226 nhân sự tham gia TW khóa XIII (2021 – 2025). Tuy nhiên, nhiều người hiện chỉ tập trung sự quan tâm đồn đoán việc ông tổng tịch Nguyễn Phú Trọng có tiếp tục là trường hợp đặc biệt và ở lại thêm nhệm kỳ hay ai sẽ thay thế; và tứ trụ sẽ là những ai..vv.!?


Còn nhớ, ở Đại hội XII, có 05 trường hợp đặc biệt về tuổi được giới thiệu [04 vào TW và 01 trong BCT] thì đã có 04 trúng cử, và trường hợp đặc biệt duy nhất trong BCT là ông Trọng. Trong tình hình thực tế những năm qua, v/v trường hợp đặc biệt đã tạo ra tiền lệ không ổn; và có nhiều thành viên trong BCT và UV BCHTW đang phản đối. Chưa nói đến sức khỏe và việc đi lại bất tiện, thì việc ông Trọng tiếp tục là khả năng rất thấp!” Nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà đưa ra nhận định.


Về nhân sự thay đổi ở TpHCM và cho Đại hội TƯ Đảng sắp tới, Blogger Bùi Thanh Hiếu đưa ra bình luận như sau:


“Sự nghiệp chính trị của anh Nguyễn Thiện Nhân khá êm đềm, anh tà tà leo vào Bộ Chính Trị hai khoá, rồi hạ cánh nhẹ nhàng.


Rất nhiều người như anh Nhân, ví dụ như bà Tòng Thị Phóng, Trương Thị Mai và cả anh Trần Quốc Vượng lẫn Võ Văn Thưởng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phạm Bình Minh, Nguyễn Văn Bình, họ cứ lặng lẽ chiếm ghế trong Bộ Chính Trị, cơ quan đầu não lãnh đạo cả đất nước, mà hầu như chẳng làm gì cả, hoặc ngồi cho cái ghế ấy có người.


Đấy là một sự lãng phí khủng khiếp mà đảng CSVN chẳng bao giờ nhìn nhận. Cũng không hẳn là họ không làm gì, họ ngồi đó làm nền cho mấy thằng đầu gấu chúng nó thể hiện.


Bộ Chính Trị là tinh hoa của đảng, đảng là tổ chức lãnh đạo toàn diện đất nước. Tất cả các uỷ viên BCT lẽ ra phải làm việc hăng hái, phải xông xáo, phải chỉ đạo nơi này, nơi kia quyết liệt và mạnh mẽ, dám chịu trách nhiệm khi quyết định của mình sai lầm. Như thế mới xứng đáng là uỷ viên BCT. Còn không làm được thế thì cứ uỷ viên trung ương là được rồi, sao phải vào BCT làm gì cho tốn tiền phục dịch.


Kỳ này nếu đảng CSVN đổi mới, nên tinh giảm chỉ cần 5 hay 7 suất uỷ viên BCT là đủ.



An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Gia Lai dưới sự kích động của phe Tư Sang đã bật lại sắp xếp nhân sự của ban tổ chức trung ương. Người được ban tổ chức TƯ cơ cấu lại không đạt phiếu bầu ở địa phương, người không được ban TCTW cơ cấu lại trúng. Tình trạng dẫn đến khó sắp xếp vị trí cho người không cơ cấu mà lại vào ban chấp hành.


Trước mưu đồ khiêu khích và chọc phá của Tư Sang, Cả Trọng sẽ dùng khối đại biểu quân đội và đảng, đoàn để áp đảo lại.” Blogger Bùi Thanh Hiếu cho biết.


‘Đảng đã quá đắt đỏ’


Một trong những vấn đề nổi cộm đang được người dân quan tâm trong thời gian gần đây là tệ “hoang phí” trong việc tổ chức đại hội đảng các cấp, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc khóa 13.


Mới đây nhất, Tỉnh ủy Quảng Trị vào tối 3/10 đã phải hủy gói thầu “bình hút tài lộc cao cấp và các loại phù hiệu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17“.


Trước đó, để phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị gửi thông báo mời thầu “bình hút tài lộc cao cấp và các loại phù hiệu” với dự toán gói thầu hơn 544 triệu đồng. Sau khi người dân phản ánh, đặc biệt là thông qua mạng xã hội Facebook, tỉnh này đã quyết định hủy bỏ khoản mua sắm trên.


Trước đó, hàng loạt tỉnh cũng đã chào các gói thầu trị giá hàng tỉ đồng để sắm cặp da, cặp giả da và quà tặng cho đại biểu, trong đó bao gồm tỉnh Quảng Bình dự chi 2,2 tỉ đồng mua cặp giả da. Tỉnh ủy Tuyên Quang cũng mời thầu 2 gói thầu may 428 bộ trang phục cho các đại biểu với tổng dự toán hơn 2,5 tỉ đồng.


Bình luận về điều này, Hưng Phạm Ngọc, một người có nhiều ảnh hưởng trên Facebook, viết trên trang cá nhân: “Tuyên Quang chi 2 tỉ rưỡi may đồ cho đại biểu dự đại hội đảng bộ tỉnh là một ví dụ nữa cho thấy đảng đang trở nên quá đắt đỏ với dân tộc này“.



Doanh nhân Văn Công Mỹ đặt vấn đề về trường hợp của tỉnh Quảng Trị:


“Qua cái tin Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị đã quyết định hủy gói thầu ‘bình hút tài lộc cao cấp và các loại phù hiệu Đại hội Đảng bộ tỉnh…’ chúng ta bỗng giật mình nghĩ người Cộng sản đang ở đâu, và đang làm gì trong xã hội này? Phải chăng họ đang chễm chệ trên cao, khoác bộ cánh sang trọng và…hút, mà trong cái bình ấy, mồ hôi nước mắt của người dân không biết tự khi nào đã bị họ mặc nhiên biến thành ‘tài lộc’ bất tận hưởng!”.


Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế Việt Nam kiệt quệ, chính phủ phải tăng chi ngân sách cho chống dịch và phục hồi kinh tế, việc chi tiêu cho hoạt động của đại hội đảng các địa phương càng gây ra bức xúc cho người dân.


Facebook Nguyễn Kim nhận xét:


“Nước người ta có cả chục đảng mà ngân sách nhà nước chả tốn đồng nào. Việt Nam có 1 đảng mà ngốn tiền ngang cả 1 nhà nước.”


không có giá trị gì mấy


Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng đưa ra bình luận:


“Đảng phí mỗi năm thu được bao nhiêu mà đảng dám tổ chức đại hội với kinh phí lên đến 40 ngàn tỷ? Tiền ấy lấy ở đâu ra nếu không phải từ túi nhân dân?


Thế mà ngày trước có con đuông dừa dám đứng uốn éo giữa quốc hội hỏi: Bạn đã làm gì cho tổ quốc chưa?” – ông Nguyễn Lân Thắng dường như ngụ ý “con đuông dừa” chính là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với câu nói hay được báo chí trích dẫn rằng: Bạn đã làm gì được cho tổ quốc chưa?



Nhà báo Nguyễn Như Phong cựu Tổng biên tập báo Petrotimes cũng đưa ra bình luận khá bức xúc:


“Tôi thực sự không còn hiểu nổi?


Tôi thực sự không còn hiểu nổi là trong bối cảnh đất nước bộn bề khó khăn vì dịch bệnh, dù kinh tế có tăng trưởng ” dương”, nhưng hầu hết doanh nghiệp vẫn là ” chạy ăn từng bữa tóat mồ hôi”; vẫn là còn hàng chục triệu người thất nghiệp…


Ấy vậy mà nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan… tổ chức Đại hội Đảng quá xa hoa, lãng phí.


Nào là họ cho máy đo quần áo cho đại biểu; nào là mua sắm cặp da, bút máy; là đồ lưu niệm như bình hút tài lộc…


Nào là cơ hoa, biểu ngữ đầy đường, đầy phố…


Khó có thể tính ra mỗi tỉnh thành tổ chức Đại hội hết bao nhiêu tiền? Và nếu tính chi phí cho đại hội Đảng từ cấp Chi bộ trở lên thì chắc chắn đó sẽ là con số khủng khiếp.


Lẽ ra trong lúc này, Đại hội Đảng các cấp phải biết ” thắt lưng buộc bụng”; phải biết gạt đi những khoản chi chưa thực sự cần thiết…hoặc mang tính ” hiếu hỉ”…


Nhưng có cảm giác rằng, không ít cấp ủy Đảng đã ” lợi dụng đại hội” để tiêu tiền, để phô trương, thậm chí là có khi ” kiếm chác”…


Đảng có làm ra được tiền đâu?


Cơ bản chi tiêu của Đảng đều là từ ngân sách. Còn khoản thu từ Đảng phí chắc chả là bao?


Vì không làm ra tiền mà lại được quyền tiêu, cho nên chả ai biết xót.,biết tiếc của.


Cho nên thế mới gọi là :” Vén tay áo xô, đốt nhà táng giấy”.


Rất mong lãnh đạo Đảng có ngay chỉ thị : Cấm tuyệt đối mua quà cáp, hạn chế đến mức tối đa việc phô trương, hình thức cho Đại hội Đảng của địa phương, của các Bộ, Ngành.” Ông Nguyễn Như Phong đưa ra kiến nghị.



© Hoàng Lan
    Thời Báo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages