Luật Magnitsky và chế tài vi phạm nhân quyền ở Việt Nam thế nào? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2020

Luật Magnitsky và chế tài vi phạm nhân quyền ở Việt Nam thế nào?


Một số nhà quan sát chính trị và nhân quyền bình luận với BBC về làm thế nào quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ có biện pháp chế tài hiệu quả hơn đối với vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.


Hình minh họa: AFP/Getty Images

Đạo luật Magnitsky về chế tài nhân quyền có thể trở thành một công cụ và phương tiện hữu hiệu để quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ, khi ban hành, áp dụng có thể giám sát, chế tài tốt hơn những hành vi được cho là vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, một số nhà quan sát chính trị và nhân quyền của Việt Nam nói với BBC News Tiếng Việt.

Trước hết, từ châu Âu, một nhóm 64 dân biểu thuộc Liên minh châu Âu mới đây hôm 25/9/2020 đã ký một bức thư chung gửi lên Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu kêu gọi EU phải có những biện pháp cụ thể buộc Việt Nam phải tôn trọng Nhân quyền.

Trong lúc đó, có thông tin nói lãnh đạo Đức, quốc gia hàng đầu trong khối EU và đang giữ chức Chủ tịch luân phiên khối này, ủng hộ việc Liên minh châu Âu soạn lập, ban hành một đạo luật chế tài về nhân quyền mà có thể được đặt tên là đạo luật nhân quyền Magnitsky của châu Âu (European Magnitsky Act), một đạo luật mà nhiều quốc gia phương Tây đã có, nhằm chế tài, giám sát và hỗ trợ tình hình nhân quyền ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có châu Á.





Hôm 30/9/2020, một số nhà quan sát về nhân quyền Việt Namđưa ra bình luận của mình về các diễn biến trên, trong liên hệ với tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

"Về điểm này thì tôi quá tán thành," nhà báo tự do Phạm Đoan Trang, một nhà hoạt động nhân quyền từ Việt Nam, nói với BBC hôm 30/9/2020.

"Cho đến nay, chưa nhiều quốc gia và lãnh thổ ban hành Luật Magnitsky và sử dụng nó để trừng phạt những quan chức vi phạm nhân quyền ở nước khác, mới chỉ có: Mỹ, Canada, Vương quốc Anh, Gibraltar, Jersey, và ba quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva,"

"Trong số này, có Mỹ, Canada và Anh là nước lớn, còn lại đều là nước nhỏ, ít có ảnh hưởng trên trường quốc tế và các chế tài trừng phạt của họ chỉ có tác động rất hạn chế.

"Canada có xu hướng làm theo đồng minh Mỹ, còn Anh thì chưa xây dựng thủ tục, quy trình nào cho việc làm hồ sơ tố cáo vi phạm nhân quyền. Suy cho cùng, chỉ còn Mỹ là quốc gia tích cực nhất trong việc sử dụng luật Magnitsky để trừng phạt tội phạm vi phạm nhân quyền và tham nhũng ở nước ngoài.

"Cho nên, nếu có thể có thêm các nước khác, như Australia (Úc) và Liên minh châu Âu ban hành luật Magnitsky, thì những quan chức vi phạm nhân quyền ở các nước độc tài như Việt Nam sẽ đối mặt với khả năng bị trừng phạt cao hơn, ở nhiều nơi hơn. Đó là điều rất tốt."


Kỳ vọng gì về Báo cáo Đồng Tâm?

Mới đây, một báo cáo về vụ việc và phiên xử sơ thẩm Đồng Tâm tại Việt Nam soạn thảo song ngữ Việt - Anh vừa được một nhóm các nhà hoạt động công bố, khi được hỏi đâu là lý do chính, thông điệp và mục tiêu của báo cáo này và nhóm tác giả kỳ vọng gì về tác động của báo cáo, nhà báo Phạm Đoan Trang, một trong hai đồng tác giả, nhân dịp này nói với BBC:

"Tác giả Will Nguyen và tôi có vài mục tiêu chính khi thực hiện báo cáo này: Một là lưu trữ, ghi lại một biến cố bi thảm ở Việt Nam đương đại. Hai là, làm cho càng nhiều người càng tốt biết về vụ tấn công Đồng Tâm và những vấn đề luật pháp, chính trị trong tiến trình tố tụng ở Việt Nam, những vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam hiện nay mà Đồng Tâm là một trường hợp tiêu biểu. Ba là, nếu có thể, đem đến một công cụ cho các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế tận dụng để vận động cho vấn đề Đồng Tâm, cho các nạn nhân của vụ Đồng Tâm.

"Thông điệp của báo cáo ngắn gọn là: Đồng Tâm là một vụ án nghiêm trọng, nhưng không phải nghiêm trọng theo cách nhìn của chính quyền, mà theo nghĩa đây là một vụ nhà nước giết dân, tấn công vào mục tiêu dân sự một cách có tổ chức và quy mô.

"Chúng tôi không đặt nhiều kỳ vọng vào tác động của báo cáo này cũng như vào cách hành xử của chính quyền Việt Nam trong vụ việc. Chúng tôi viết vì thấy mình cần phải viết, chứ không phải vì nghĩ báo cáo sẽ thay đổi được cách hành xử của chính quyền, của Bộ Công an Việt Nam, và lật lại bản án đã tuyên đối với các nạn nhân.

"Chúng tôi cũng không thể khẳng định báo cáo sẽ tác động cụ thể tới ai, với mức độ, kết quả ra sao. Chỉ có thể nói là chúng tôi rất mong nó sẽ được nhiều người dân Việt Nam trong nước cũng như ở nước ngoài tìm đọc, và giúp họ có thể hiểu về vụ Đồng Tâm một cách đầy đủ mà nhanh chóng nhất."




'Châu Âu và Mỹ không nói đùa'

Liên quan tới vụ xử Đồng Tâm, hôm 14/9 từ Brussels, Liên minh châu Âu đã ra một tuyên bố trong đó bày tỏ sự quan ngại về tính chất công minh, công bằng và các thực hành tố tụng của phiên sơ thẩm và đề nghị không áp dụng các bản án tử hình được tòa án Hà Nội tuyên.

Liên quan với đề xuất của nước Đức về việc EU nên có một đạo luật nhân quyền Magnisky áp dụng với không chỉ châu Âu mà còn với phần còn lại của thế giới, trong đó có châu Á và các quốc gia đang là hay muốn trở thành các đối tác hợp tác với Liên minh châu Âu, chia sẻ tiêu chuẩn của khối này, một ý kiến từ Berlin, CHLB Đức bình luận với BBC:

"Tôi đồng ý là EU nên có một đạo luật Magnitsky áp dụng tại châu Âu và bất kỳ nơi nào trên thế giới để ngăn chặn những ai tàn ác nhằm đạt được những quyền lợi cho bản thân và cho nhóm của mình, nếu không, sẽ rất là tệ," nhà văn Võ Thị Hảo, nhà bất đồng chính kiến phát biểu tại một thảo luận Bàn tròn thứ Năm hôm 01/10.

"Và tôi nghĩ rằng 64 nghị sỹ của Liên minh châu Âu đã làm công việc đó và họ cũng quan tâm tới việc phải dừng Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) mà EU đã ký với Việt Nam nếu Việt Nam không thực hiện những cam kết về nhân quyền, cũng như các thứ khác.

"Bây giờ họ cảnh báo như vậy và nếu Việt Nam cứ tiếp tục, không để ý gì, thì đương nhiên họ sẽ tiến tới những bước mạnh hơn, vì ở đây châu Âu không nói đùa và tôi nghĩ nước Mỹ cũng không nói đùa".

Từ cuối tháng 12/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký luật mở rộng chế tài với các cá nhân vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong đạo luật này của Mỹ có điều luật Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky (gọi tắt là Magnitsky Act), quy định chế tài với các cá nhân mà Hoa Kỳ cho là vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới.

Theo đó, các cá nhân, quan chức ở các nước, kể cả Việt Nam, nếu bị liệt vào dạng vi phạm nhân quyền, sẽ có thể bị Hoa Kỳ hạn chế nhập cảnh hoặc đóng băng tài sản.

Magnitsky Act cũng áp dụng cho các cá nhân bị kết tội tham nhũng, biển thủ và một số tội danh khác.

Văn bản điều luật Mỹ quy định: "Tổng thống có thể áp dụng chế tài... đối với bất kỳ cá nhân nào mà Tổng thống xác quyết, dựa trên các bằng chứng đáng tin cậy, là phải chịu trách nhiệm về hành vi giết hại bất hợp pháp, tra tấn hoặc các vi phạm nghiêm trọng khác đối với quyền con người được quốc tế công nhận nhằm vào các cá nhân ở bất kỳ quốc gia nào".

Điều luật này có hiệu lực 6 năm, nhưng chỉ có Tổng thống Mỹ là có quyền chấm dứt chế tài với một cá nhân nào đó với điều kiện phải báo cáo cho Quốc hội.




Đạo luật lúc đầu áp dụng cho Nga, sau mở rộng ra phạm vi các nước trên toàn thế giới, có nghĩa rằng các cá nhân vi phạm nhân quyền hay tham nhũng, thí dụ ở Việt Nam, nay có thể bị trừng phạt mà không liên quan quan hệ giữa hai chính phủ.

Lợi ích nếu tôn trọng nhân quyền?

Tại cuộc hội luận Bàn tròn thứ Năm hôm 01/10/2020, nhà nghiên cứu chính sách pháp luật, Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao từ Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển bình luận với BBC về lợi ích của Việt Nam nếu quan tâm và tôn trọng vấn đề nhân quyền:

"Dưới góc độ của nhà nước Việt Nam, tôi nghĩ rằng nếu thực sự mong muốn cho phát triển thì dân chủ và nhân quyền như là động lực để tập hợp sức dân, đoàn kết toàn dân để phát triển.

"Còn nếu không nhìn thấy điều đó, nó để lại một hậu quả rất nguy hiểm là ngày càng tăng cường khả năng đối đầu giữa người dân với chính quyền mà cụ thể vụ Đồng Tâm vừa rồi là một ví dụ mà người dân đã bị đẩy xa ra khỏi chính quyền."

Về vấn đề chế tài của phương Tây, liên quan đạo luật Magnitsky của Hoa Kỳ vốn có thể áp dụng với các quốc gia được xem là vi phạm nhân quyền, ông Hoàng Ngọc Giao bình luận:

"Khác với hồi xưa là chỉ một áp lực chính trị, một áp lực kinh tế, hoặc có thể cắt giảm đi một số ưu đãi về kinh tế cho nước vi phạm nhân quyền, thì hiện nay chúng ta biết là có đạo luật Magnitsky.

"Luật Magnitsky mà nước Mỹ đã thông qua cực kỳ tuyệt vời và tuyệt vời ở chỗ là người ta không nhắm vào thể chế, không nhắm vào chính phủ, người ta nhắm vào những cá nhân vi phạm nhân quyền.

"Mà chúng ta biết những cá nhân vi phạm nghiêm trọng nhân quyền đó là ở trong lực lượng công an, ở trong lực lượng ra quyết định của hành pháp và những người đó ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, họ có tiền bạc, tài sản, con cái ở Mỹ rất nhiều.

"Do vậy, nếu luật Magnitsky được áp dụng, nó sẽ có hiệu lực rất lớn và nó có tính răn đe rất tốt đối với các hành vi chà đạp, vi phạm nhân quyền.

"Và tôi tin rằng nếu mà luật Magnitsky được áp dụng, thì chắc rằng không vị thẩm phán nào dám đứng ra mà xử ở vụ án Đồng Tâm như phiên sơ thẩm vừa rồi.

"Bởi vì anh sẽ bị chế tài thôi, cái này là cái rất quan trọng và rất thực tế và tôi vẫn hỏi tại sao Hoa Kỳ chưa áp dụng luật này với Việt Nam, thì đó lại quay lại câu hỏi giữa địa chính trị, an ninh khu vực và vấn đề nhân quyền, cái nào là ưu tiên đối với họ."




'Thủ tục yêu cầu hành động'

Liên quan các động thái từ EU về nhân quyền với Việt Nam mới đây, một nhà phân tích và quan sát chính trị Việt Nam từ Hà Nội trong dịp này nêu bình luận:

"Việc mà 64 vị nghị sỹ của nghị viện châu Âu làm thư yêu cầu, gửi cho ông Josep Borrell Fontelles - Đại diện Cấp cao về Đối ngoại và Chính sách An ninh / Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, đồng gửi tới ông David Sassoli - Chủ tịch Nghị viện Châu Âu và nhiều quan chức khác của EU và yêu cầu ba điểm liên quan chính phủ Việt Nam bắt giữ nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, vụ Đồng Tâm và hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, là ba yêu cầu về mặt thủ tục để Nghị viện châu Âu trả lời cho họ và có hành động" Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện nghiên cứu Iseas-Singapore nói với BBC hôm 30/9.

"Hành động thứ nhất là Nghị viện châu Âu cần giải thích quan điểm của mình, thứ hai là có một yêu cầu lập ra một cơ quan quan sát về việc thực hiện các quy chế về nhân quyền mà theo việc thực hiện hiệp định tự do thương mại EU-Việt Nam (EVFTA).

"Đây là một bước thủ tục nhưng chắc rằng trong một thời gian ngắn tới đây Nghị viện châu Âu sẽ phải có câu trả lời bằng hành động theo các yêu cầu của 64 vị nghị sỹ này.

"Theo tôi đây là một động thái rất mạnh, mà lần đầu tiên có một động thái mạnh như thế đối với việc bắt giữ người của chính quyền Việt Nam, đối với trường hợp của ông Phạm Chí Dũng và đối với các sự việc xảy ra quanh vụ Đồng Tâm.

"Nhân đây, tôi bình luận về câu hỏi liên quan khả năng ra Nghị quyết, để có nghị quyết thì các vị dân biểu phải có một thủ tục, mà thủ tục này 64 vị nghị sỹ đã làm rồi, công luận sẽ chờ một thời gian ngắn nữa để xem Hội đồng của Nghị viện châu Âu sẽ hành động như thế nào.

"Cũng có thể có khả năng họ sẽ ra một Nghị quyết và nghị quyết là một bước cao nhất của Nghị viện châu Âu, nhưng chúng ta nên nhớ rằng Nghị viện châu Âu có một quyền đó là quyền áp dụng các trừng phạt liên quan đến vi phạm nhân quyền.

"Cùng với Nghị viện châu Âu, thì Liên minh châu Âu cũng có thẩm quyền đó và như chúng ta biết Liên minh châu Âu gần đây, hôm 27/9/2020, đã nhắc lại việc mà tôi cho rất quan trọng là tái khẳng định quyền ra và thực hiện các trừng phạt, chế tài trừng phạt đối với các việc vi phạm nhân quyền."

Trong một diễn biến riêng rẽ mới đây, hôm 30/9, một quan chức cao cấp của Liên Hợp quốc, bà Ilze Brands Kehris, Trợ lý Tổng thư ký LHQ về Nhân quyền, đã trình bày báo cáo về "đe dọa và trả thù" năm nay tại kỳ họp thứ 45 của Hội đồng Nhân quyền của tổ chức này.

Trong đó, bà Kehris dẫn báo cáo nói rằng Việt Nam nằm trong số các quốc gia "có tình trạng vi phạm đáng lo ngại và kéo dài trong nhiều năm".

Tại phiên họp được LHQ phát trực tiếp từ Geneva, Thụy Sĩ, quan chức này nói:

"Nhiều báo cáo viên của LHQ đã đưa ra các cáo buộc về các cá nhân trong môi trường đàn áp kéo dài nhiều năm, được đưa vào phúc trình năm nay, chẳng hạn tại Bahrain, Burundi, Trung Quốc, Cuba, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Myanmar, Saudi Arabia, Uzbekistan và Việt Nam, và những quốc gia khác".

"Trước nhiều tình hình đáng lo ngại này, chúng ta phải hợp tác để bảo tồn và mở rộng các không gian tương tác và can thiệp của Liên hợp quốc," Trợ lý Tổng thư ký LHQ về nhân quyền khuyến nghị.

Về phần mình, từ trước tới nay, nhà nước và chính quyền các cấp của Việt Nam luôn tuyên bố nước này luôn tuân thủ các điều luật, công ước, hiệp định đã ký kết với quốc tế và khu vực về nhân quyền, cũng như tôn trọng quyền con người của công dân.

Việt Nam không có tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm mà chỉ có những người bị chính quyền xử lý pháp luật do vi phạm pháp luật và pháp luật hình sự mà thôi, quan điểm của chính quyền được nêu rõ trên các phát ngôn, báo cáo chính thức, cũng như qua các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông chính thống của nhà nước.

Quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi một hội luận về chủ đề nhân quyền Việt Nam trong bối cảnh thời sự quốc tế hiện nay.


© Quốc Phương
    BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages