Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo có chuyến thăm chính thức đến Việt Nam trong hai ngày 29 và 30/10/2020, theo truyền thông Việt Nam tuần này.
Liệu đây có phải là một chuyến thăm 'đột xuất' hay là đã nằm trong một kế hoạch từ trước và ý nghĩa, mục đích đích thực đằng sau chuyến thăm này của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ là gì, hôm thứ Năm, một số nhà quan sát, bình luận từ Mỹ và Việt Nam chia sẻ góc nhìn của mình với BBC News Tiếng Việt.
"Năm nay là 35 năm tái lập bang giao với Việt Nam và đây là vấn đề quan trọng cho nên Mỹ muốn kỷ niệm ngày này," từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia, nhà nghiên cứu chính trị và bang giao quốc tế nói với một hội luận bàn tròn hôm thứ Năm của BBC.
"Vì vấn đề đại dịch Covid-19 nên họ chưa làm được cho đến hôm nay (29/10) và ngày mai (30/10) khi ông Mike Pompeo đến..."
Ngoài ra, theo học giả này còn có một lý do quan trọng khác đối với phía Mỹ được ông nêu ra thêm, đó là:
"... Đó là thúc đẩy Việt Nam ký hàng loạt các giao kèo về thương mại để có thể dùng cái này để nói với cử tri Mỹ rằng Mỹ đã buộc Việt Nam phải nhượng bộ là vì Việt Nam đã xuất siêu sang Mỹ năm vừa rồi là 44 tỷ đô-la.
"Cho nên Mỹ muốn xuất siêu đó giảm đi và muốn cho các hãng của Mỹ được đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam nữa..."
Tạo ra niềm hy vọng?
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Vusta) nói với cuộc hội luận của BBC:
"Từ góc nhìn của tôi cũng như của một số đồng nghiệp của tôi từ Hà Nội, đây là một chuyến đi diễn ra trong bối cảnh một tuần trước khi có cuộc bầu cử này.
"Và thứ hai, việc đến Việt Nam không nằm trong kế hoạch, theo như các thông tin từ truyền thông mà cho biết, thì hôm nay ông Ngoại trưởng Mỹ mới vào, thì mãi đến ngày hôm qua (28/10), Bộ Ngoại giao Việt Nam mới có một thông cáo báo chí.
"Thế thì việc ông ấy đến Việt Nam và đặc biệt chuyến đi này diễn ra trong một chuyến đi đến những nước rất có ý nghĩa cho câu chuyện địa chính trị ở Việt Nam và trong bối cảnh để giải quyết những vấn đề ở khu vực, cụ thể là việc đến Ấn Độ, sau đó là Sri Lanka, rồi Indonesia và Việt Nam.
"Nếu chúng ta nhìn dưới góc độ này, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả những điểm đó đều ít nhiều liên quan câu chuyện Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực, nó đều có liên quan cả.
"Vậy thì về không gian, chắc chắn nó không chỉ đơn thuần theo tôi chỉ là việc đi chào xã giao... mà chắc chắn nó sẽ có những câu chuyện duy trì khối đồng lợi ích ở khu vực Biển Đông và mối quan tâm liên quan chuyện Trung Quốc đang có những hành xử ở Biển Đông hiện nay và đặc biệt ở Đài Loan, cũng như tập trận ở Biển Đông gần đây và tập trận ở cả Vịnh Bắc Bộ.
"Và chuyến đi này ở Việt Nam lại càng có ý nghĩa hơn là nó diễn ra sau chuyến đi của tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, chuyến công du đầu tiên trên cương vị mới của ông là tới Việt Nam và hai nước cũng đã ký kết một thỏa thuận hợp tác về quân sự và về chuyển nhượng các trang, thiết bị và công nghệ về quốc phòng."
Theo ông Hoàng Ngọc Giao, nếu nhìn từ góc độ trên, mặc dù nội dung cụ thể về trao đổi mà ông gọi là "đàm phán" giữa chính phủ Việt Nam với chính phủ Mỹ chưa được biết đối với người dân, chuyến thăm cuối tháng Mười tới Hà Nội của ông Pompeo tạo ra "niềm hy vọng" ở một số điểm.
"Điểm thứ nhất, ở Việt Nam, chính phủ Việt Nam dường như mạnh dạn hơn, tiến bước theo hướng cộng tác và hợp tác với Hoa Kỳ để bảo vệ chủ quyền an ninh, quốc gia.
"Điểm thứ hai, về vấn đề kinh tế, thì đúng như Giáo sư Ngô Vĩnh Long có nói, đó là sẽ có một lợi ích cho chính quyền của ông Donald Trump và ông Pompeo là mang về trước kỳ bầu cử một sản phẩm, một kết quả, đó là đã giảm thiểu được cán cân thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, hơn 40 tỷ đô-la thì bây giờ ký được một số hợp tác trị giá vài tỷ đô-la, thì đây cũng là thiện chí của phía Việt Nam."
Cũng hôm 29/10, ngay sau cuộc hội luận nói trên, qua trả lời phỏng vấn bằng bút đàm, một nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas - Singapore), Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đưa ra bình luận của mình về ý nghĩa và thực chất của chuyến thăm của ông Pompeo tới Việt Nam cuối tháng Mười.
"Theo tôi, việc chính, là Mỹ thúc đẩy khung FOIP (Ấn Độ dương - Thái BÌnh Dương rộng và mở, cụ thể hóa một số việc với Việt Nam như: hợp tác thực thi pháp luật trên biển, đẩy mạnh các tuyên bố chung liên quan đến luật biển, chủ quyền, an ninh, tự do hàng hải; tiếp theo là hợp tác về tuần duyên, hợp tác quốc phòng, hợp tác an ninh và an ninh phi truyền thống liên quan đến FOIP, an ninh không gian mạng
"Chủ đề thứ 3 là hợp tác chống COVID-19, trong đó, Việt Nam có thể mua vắc-xin và các loại dược phẩm chữa COVID-19 của Mỹ.
"Vấn đề thứ 4 là thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, trong đó có hợp tác về năng lượng, Việt Nam tăng nhập sản phẩm của Mỹ; vấn đề thứ 5 là trao đổi cụ thể về các vấn đề nhân quyền và vấn đề thứ 6 là thúc đẩy giao lưu nhân dân."
Liên hệ với bầu cử?
Khi được hỏi liệu có quan hệ gì không giữa chuyến thăm này của ông Pompeo với kỳ bầu cử Tổng thống của Mỹ mà ngày bỏ phiếu chính thức (3/11) chỉ còn trong vòng một tuần, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đáp:
"Tôi không thấy liên hệ gì rõ rệt. Ông Pompeo đang thực hiện nhiệm vụ của ngoại trưởng, và hiến pháp Mỹ không cho ông ấy làm bất cứ việc gì liên quan trực tiếp đến vận động bầu cử (cho ông Trump)."
Trước câu hỏi liệu kết quả của kỳ bầu cử Tổng thống 2020, bất luận là chiến thắng thuộc về ai trong cặp ứng viên Tổng thống đang tranh cử Trump/Biden, sẽ có ảnh hưởng, hay tác động, chuyển động gì mới, chính yếu có ý nghĩa với an ninh khu vực châu Á, trong đó có Biển Đông và Việt Nam, cũng như chính sách bang giao Mỹ - Việt, nhà phân tích chính trị thuộc Viện Iseas (Singapore) nói:
"Về nguyên tắc, chính sách hiện nay của Mỹ sẽ không có thay đổi bất luận ai thắng cử. Tuy nhiên, nếu ông Biden thắng cử, trong một thời gian thích hợp, thực hành chính sách sẽ mang dáng vẻ của thời Obama.
"Nếu Trump thắng cử, ông ta sẽ tiếp tục chính sách hiện hành, cứng rắn hơn với Trung Quốc, cam kết mạnh mẽ hơn đối với các đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương.
"Riêng đối với Việt Nam, chính sách của Mỹ cũng không thay đổi - quan hệ song phương sẽ được hai nước cùng thúc đẩy tốt hơn.
"Nếu Biden thắng cử, theo tôi Việt Nam cần nghiên cứu thận trọng thực hành đối ngoại của ông ta, đặc biệt quan hệ với Bắc Kinh, để Việt Nam có thể chủ động hơn trong khung cảnh ngoại giao đa phương hẹp," ông Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm của mình.
© BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét