Bầu cử Mỹ: Giấc mơ chiếm Quốc Hội của Dân Chủ đã tan - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2020

Bầu cử Mỹ: Giấc mơ chiếm Quốc Hội của Dân Chủ đã tan


Người ủng hộ tổng thống Donald Trump phản đối kết quả sơ khởi được thông báo ngày 05/11/2020 tại Phoenix, Arizona, Hoa Kỳ. © REUTERS/Cheney Orr


Bầu cử tổng thống Mỹ và Hồi Giáo cực đoan chọn Pháp làm mục tiêu tấn công là hai chủ đề chính của các tuần báo Pháp kỳ này. Trang bìa Courier International đăng hình một người thợ chụp ảnh đầu trùm kín trong lá cờ Mỹ, ống kính hướng vào một chiếc ghế bỏ trống, chạy tựa « Tổng thống bí ẩn ».


« Nước Pháp đối mặt với Quốc tế Hồi giáo », Le Point báo động, với ảnh tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trên trang nhất. L’Obs đăng ảnh một cô gái mang khẩu trang với hàng chữ « Khủng bố », « Phong tỏa » và chạy tựa « Nước Pháp trước thử thách ». L’Express dùng nền đen làm bìa báo, với bản đồ nước Pháp màu đỏ trong tầm ngắm của họng súng và hàng tựa lớn « Tại sao phe Hồi giáo cực đoan căm ghét nước Pháp ».



Gian lận bầu cử đã có từ thế kỷ 19 ở Mỹ


« And the winner is… » (Người chiến thắng là…) Cho đến khi các tuần báo lên khuôn, vẫn là một tổng thống bí ẩn, cho dù cử tri Mỹ đã đi bầu đông đảo. Có đến 100 triệu người Mỹ bỏ phiếu trước ngày 03/11, một điều chưa từng xảy ra kể từ một thế kỷ. Cứ ngỡ rằng ông Joe Biden sẽ hưởng lợi, nào ngờ kết quả sát nút chưa từng thấy. Courrier International cho biết vẫn quyết định dành số báo kỳ này cho cuộc bầu cử mang tính lịch sử.



Tuần báo Pháp trích dịch những bài viết hầu hết nhằm phê phán ông Trump, như Los Angeles Times đánh giá Donald Trump là « tổng thống tệ hại nhất trong lịch sử Mỹ », « phản khoa học » theo tờ Science và Nature. BBC Mundo đặt câu hỏi bức tường của ông Trump tới đâu rồi, The Sunday Times cho rằng kinh tế Mỹ dưới chính quyền Trump tăng tiến nhưng chỉ là lửa rơm. Washington Post thì chê cả « gu » của ông Trump, và đặc biệt chỉ trích việc doanh nhân Donald Trump, mới 34 tuổi hồi năm 1990, đã mua lại thương xá sang trọng Bonwit Teller ở Manhattan rồi phá hủy công trình kiến trúc Art Deco này để xây lên tòa tháp Trump Tower đầu tiên.


Về việc Donald Trump từ trước bầu cử đã nói bóng gió về nạn gian lận, The Spectator điều này không tốt cho truyền thống dân chủ. Tuy nhiên tờ báo cũng nhận định từ thế kỷ 19 cho đến đầu thế kỷ 20, gian lận bầu cử vẫn thường xuyên diễn ra ở Mỹ. Chẳng hạn cuộc bầu cử năm 1876, ứng cử viên Cộng Hòa Rutherford Hayes, người hùng trong cuộc nội chiến đối mặt với Samuel Tilden của đảng Dân Chủ. Do kết quả bị tranh cãi, một ủy ban trọng tài được thành lập gồm các thành viên Quốc Hội và các thẩm phán Tối cao Pháp viện. Phe Cộng Hòa có hơn một đại diện, và ông Hayes được lên làm tổng thống với 185/184 phiếu. Kết quả chung cuộc được loan báo bốn tháng sau ngày bầu cử.


Tuy nhiên trong hậu trường, hai bên đã thương lượng với nhau : để đổi lấy chức tổng thống, Cộng Hòa hứa sẽ cho rút đi quân đội liên bang vẫn đang chiếm đóng miền Nam sau chiến tranh. Phe Dân Chủ da trắng, người miền Nam và chủ trương duy trì chế độ nô lệ, từ chối Nhà Trắng nhưng giữ được thành trì của mình, tái lập những ưu đãi cũ so với người da đen.


Tiến gần Nhà Trắng, nhưng giấc mơ chiếm Quốc Hội bất thành


The Economist trong số tuần trước đã công khai cổ vũ bầu cho Joe Biden, tuần này lấy làm tiếc là tuy ông Biden đang tiến gần đến ngưỡng cửa Nhà Trắng, nhưng « Giấc mơ chiếm được Quốc Hội của đảng Dân Chủ đã tan biến ». Đa số hiện nay của Dân Chủ ở Hạ Viện bị giảm xuống, và Cộng Hòa vẫn chiếm ưu thế ở Thượng Viện.


Có ít nhất 100 triệu đô la đã được đóng góp cho ứng cử viên Dân Chủ để lật đổ Lindsey Graham, nhưng thượng nghị sĩ Cộng Hòa của Nam Carolina lại dẫn trước 14 điểm. Đến 88 triệu đô la được dồn vào Kentucky nhằm chiếm cho được chiếc ghế của Mitch McConnell, nhưng người đứng đầu phe đa số của đảng Cộng Hòa lại chiến thắng với 21 điểm cách biệt !



Tờ báo thử lý giải vì sao tuy tất cả đều dự báo Donald Trump sẽ thua, nhưng thực tế đang so kè sát nút với Joe Biden. Sự ủng hộ bền bỉ dành cho ông Trump cho thấy tâm lý chống di dân, giới tinh hoa thành thị và toàn cầu hóa vốn đã tăng lên sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, sẽ còn tiếp tục.


Đảng Dân Chủ tỏ ra bất lực trong việc thu hút cử tri da trắng vùng nông thôn. Nhiều cử tri da đen và Mỹ la-tinh, nữ giới vẫn bỏ phiếu cho Donald Trump, cho thấy Cộng Hòa vẫn được cảm tình của các nhóm thiểu số, và các nhóm này không đồng nhất. Người Mỹ gốc Cuba luôn thù địch với chủ nghĩa xã hội, người gốc Mêhicô không quan tâm nhiều đến chính sách chống nhập cư của ông Trump như người ta tưởng.


Trung Quốc, Trung Đông và chính sách « ngoại giao dùi cui »


Tuần báo cánh tả L’Obs cho rằng chưa bao giờ nước Mỹ chia rẽ đến thế, nền kinh tế không tăng tiến và quan hệ quốc tế đáng lo ngại. Hồ sơ của tờ báo mở đầu bằng bài phỏng vấn ông Paul Auster, theo nhà văn Mỹ thì Donald Trump là « thuốc độc » cho Hoa Kỳ.



Về mặt đối ngoại, L’Obs chỉ trích chính sách « ngoại giao dùi cui » mà theo tờ báo, ông Trump đã thành công trong việc gieo rắc hỗn loạn. Vừa lên nắm quyền, tổng thống Mỹ đã chỉ trích NATO quá tốn kém, tỏ ra hứng thú trước Brexit. Lần đầu tiên kể từ Đệ nhị Thế chiến, châu Âu bị mất đi người bảo trợ, trở thành đơn độc trước tham vọng của Trung Quốc và Nga, hơn nữa còn bị Washington đe dọa về thuế quan. Nghịch lý là tuy muốn làm tan rã Liên Hiệp Châu Âu, ông Trump lại vô hình chung giúp các nước châu Âu đoàn kết với nhau hơn.


L’Obs công nhận thành quả ngoạn mục của chính quyền Trump khi chỉ trong vài tháng đã giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập Sunni, tuy nhiên lại không quan tâm đến Palestine.


Đối với Trung Quốc, tờ báo cho rằng mãi đến giữa tháng Ba, khi làn sóng dịch bệnh bắt đầu tràn ngập nước Mỹ, làm phương hại đến thỏa thuận thương mại và cơ hội tái đắc cử, Donald Trump mới cho phép những con diều hâu trong ê-kíp thẳng thừng đối đầu với Bắc Kinh. Một sự leo thang chưa từng thấy trên khắp các mặt trận : đẩy nhanh việc chia cắt giữa hai nền kinh tế, cấm buôn bán với khoảng mấy chục công ty Trung Quốc vi phạm nhân quyền, trừng phạt các quan chức phụ trách việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và người dân Hồng Kông, cấm đoán nhiều ứng dụng Trung Quốc.


Bên cạnh đó Nhà Trắng cho đóng cửa một số lãnh sự quán, gởi các hàng không mẫu hạm đến Biển Đông, bán vũ khí tối tân cho Đài Loan, thậm chí viên chức cao cấp Mỹ còn đến thăm Đài Bắc…Washington tỏ ra hoàn toàn thù địch với chế độ Bắc Kinh, được gọi là « kẻ thừa kế của Stalin quyết tâm áp đặt bá quyền lên thế giới ». Loạt đại pháo cấp tập này lần đầu tiên đã giúp đưa ra ánh sáng mối đe dọa từ Trung Quốc đối với các nền dân chủ, nhưng tờ báo không tin rằng Mỹ có thể làm cho « tân hoàng đế đỏ » bị chao đảo.


Donald Trump có ra đi, chủ nghĩa Trump vẫn sẽ tồn tại


« Chủ nghĩa Trump vẫn sẽ tồn tại » - ông Gérard Araud, cựu đại sứ Pháp tại Washington nhận định. Theo tác giả bài viết trên Le Point, trong bốn năm qua, vị tổng thống độc đáo này đã làm một cuộc cách mạng về cung cách làm chính trị, sẽ có ảnh hưởng lâu dài về sau.


Ngay sau khi có kết quả bầu cử hôm 08/11/2016, vị đại sứ nhận thấy tất cả các đối tác dù Cộng Hòa hay Dân Chủ đều sững sờ. Washington không thể hiểu được, cũng không chấp nhận chiến thắng của nhà tỉ phú. Bốn năm của nhiệm kỳ ông Trump là khoảng thời gian đáng nhớ trong đời sống chính trị nước Mỹ, với cuộc nội chiến truyền thông dữ dội. Tuy nhiên phía sau những tranh cãi liên miên, Donald Trump có chính sách rõ ràng. Ông được bầu lên để « lật đổ », thế nên Trump không tôn trọng những quy chuẩn cổ điển kể cả của những người tiền nhiệm Cộng Hòa.



Giới tinh hoa hy vọng trong vài tháng nữa hoặc tệ hơn là đến năm 2024, một tổng thống mới sẽ đặt lại mọi thứ trên đường ray, tất cả sẽ trở về như cũ. Nhưng theo cựu đại sứ Pháp, phương thức điều hành của Donald Trump đã gây ấn tượng mạnh và còn tồn tại mãi.



Về phía châu Âu tất nhiên là mong Joe Biden đắc cử, vì Hoa Kỳ sẽ lại tham gia Hiệp định khí hậu Paris cũng như hiệp ước nguyên tử Iran, sẽ mở đối thoại với các đồng minh, tôn trọng vai trò của các tổ chức quốc tế, có chính sách dễ hòa hợp và dễ đoán định hơn. Tuy nhiên dù là Trump hay Biden, Hoa Kỳ vẫn bước vào giai đoạn co cụm. Tập trung vào việc bảo vệ lợi ích trước mắt của mình và ít can dự vào những vấn đề quốc tế, Mỹ sẽ trở thành một người cạnh tranh khó tính hơn với châu Âu, là một đồng minh ít tin cậy hơn.


Tác giả kết luận : « Sau khi phàn nàn về người đàn anh phách lối, chúng ta có thể tiếc nuối sự vắng mặt của người ấy trong khu rừng rậm, mà những con thú dữ chưa chi đã mừng rỡ trước sự ra đi này ».


Pháp : Mục tiêu hàng đầu của khủng bố Hồi giáo


Về chủ đề lớn thứ hai là nạn khủng bố Hồi giáo, hồ sơ của L’Express lý giải vì sao nước Pháp là mục tiêu hàng đầu, trong đó các nhà thờ Công giáo thường là nạn nhân. Tờ báo cũng đề cập đến mạng lưới gây ảnh hưởng của Erdogan tại Pháp, và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách trở thành lãnh tụ tinh thần của thế giới Hồi giáo như thế nào.


Courier International dịch bài viết của tờ báo Ý La Republica khẳng định « Pháp là mục tiêu chiến lược của bọn khủng bố », chứ không phải chỉ là hành động của những con sói đơn độc. Hồ sơ 28 trang của Le Point nhận định, Pháp ngày càng cô độc giữa những lời kêu gọi tẩy chay từ các nước đạo Hồi, còn phương Tây chỉ ủng hộ nửa vời.


L’Obs cũng dành đến 16 trang báo để nói về nhiều khía cạnh, trong đó có tâm trạng khủng hoảng của người dân trong bối cảnh phong tỏa vì đại dịch corona và một loạt các vụ khủng bố. Trong bài xã luận trên L’Obs, tác giả Sara Daniel khẳng định « Chúng ta phải chiến đấu với bọn Hồi giáo phát-xít này ».


Công khai cổ vũ giết người


« Trục xuất con chó Pháp », « Chặt đầu kẻ báng bổ »…Từ Tunisie đến Pakistan, hàng trăm ngàn tín đồ đạo Hồi hung hăng đả kích tổng thống Pháp. Ở Bangladesh, người biểu tình đốt hình ông Emmanuel Macron và quốc kỳ Pháp. Tại dải Gaza, người Palestine tham gia các cuộc xuống đường chống Pháp. Bảo vệ một lãnh sự quán Pháp ở Ả Rập Xê Út bị tấn công bằng dao, tại Iran, chân dung ông Macron được vẽ thành quỷ sứ với đôi tai và răng nanh nhọn.


Không chỉ trên đường phố : một giáo sĩ ở Ai Cập kêu gọi đưa ra trước tòa án. Một cựu thủ tướng Malaysia là Mahathir Mohamad cho rằng « người Hồi giáo có quyền giận dữ và giết chết hàng triệu người Pháp ». Một tổng thống đương nhiệm, Recep Tayyip Erdogan, cáo buộc tổng thống Pháp là « có vấn đề về tâm thần ».


Điều gì đã gây ra làn sóng kêu gọi giết người này ? Đó là do Paris tái khẳng định ủng hộ tự do ngôn luận và quyền thế tục, sau khi thầy giáo Samuel Paty bị chặt đầu vô cùng dã man, chỉ vì giải thích cho học sinh về truyền thống biếm họa của Pháp. Và tổng thống Macron rốt cuộc cũng đã nói về « cuộc khủng hoảng Hồi giáo » và « chủ nghĩa ly khai của Hồi giáo cực đoan ».



Không thể coi nhẹ tầm quan trọng của sự thù địch này, khi « chiến lược thánh chiến toàn cầu » ngày càng rõ nét, bọn khủng bố trên đất Pháp được vũ trang. Theo IFOP, có ít nhất 750.000 người tại Pháp có cảm tình với Hồi giáo cực đoan! Thế nhưng máu của các nạn nhân bị sát hại thô bạo tại nhà thờ ở Nice chưa kịp khô, lại có những lời kêu gọi nên thỏa hiệp với đạo Hồi.


Đành rằng đã có những trí thức Hồi giáo lên tiếng, nhưng vấn đề là họ không hành động, những người Hồi giáo ôn hòa ngày nay chỉ dám thầm thì với nhau. Tác giả cho rằng có thể hình dung kinh Coran không phải do thiên thần Gabriel đọc cho Mahomet, có thể phân tích văn bản này đồng thời đặt lại trong bối cảnh mới, và bây giờ vẫn còn kịp.


Hồi giáo cực đoan đã được quốc tế hóa


Le Point cũng tỏ ra bực tức trước sự việc mà tuần báo gọi là một trò hề rẻ tiền cay độc : Trong lúc Trung Quốc giam giữ cả triệu người Duy Ngô Nhĩ, thì nước Pháp lại bị quy chụp là đối xử tệ hại với người theo đạo Hồi !


Không chỉ có thủ tướng Canada Justine Trudeau, mà cả những tờ báo lớn của Mỹ như New York Times, Washington Post, New Yorker cũng buông lời chỉ trích. Quốc tế Hồi giáo đã có trước Erdogan, nhưng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy lên cao với phương tiện của một Nhà nước mạnh mẽ. Le Point cho rằng chủ nghĩa Hồi giáo là chủ nghĩa đế quốc. Trước khi sát hại những người vô tội ở Toulouse, Paris, Nice, Hồi giáo cực đoan cũng đã giết người ở Alger, Karachi, Kabul, Bagdad…


Tuy vậy nước Pháp có lịch sử lâu đời, chỉ chiếm chưa đầy 1% dân số thế giới vẫn phải là vùng đất hứa cho những quyền tự do bị ruồng bỏ, cho hàng triệu nạn nhân của chủ nghĩa toàn trị đã không có cơ hội được sinh ra trong một quốc gia tự do.


Bắc Kinh muốn xóa đi lịch sử Mông Cổ


Trên lãnh vực văn hóa, Le Monde Magazine đề cập đến « Pháp-Trung, nghệ thuật nhượng bộ », cụ thể là hậu trường của việc hủy bỏ cuộc triển lãm về Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan) đáng lẽ diễn ra ở Nantes vào ngày 12/10. Mong muốn vẫn là đối tác ưu tiên của Trung Quốc, các viện bảo tàng Pháp đành phải chấp nhận kiểm duyệt – một sự dễ dãi đáng lo ngại đối với một chế độ ngày càng độc tài hơn.


Ba năm trời chuẩn bị của viện bảo tàng Nantes đành đổ sông đổ biển : Trung Quốc đòi hỏi ba từ khóa sau đây phải được gỡ bỏ không chỉ trên hiện vật mà trong toàn bộ thông tin : « Thành Cát Tư Hãn », « đế quốc » và « Mông Cổ ». Ông Bertrand Guillet, giám đốc bảo tàng phẫn nộ : « Họ muốn viết một cuốn tiểu thuyết khác về Trung Quốc, xóa sạch lịch sử Mông Cổ ! »


Là đối tác hàng đầu của Trung Quốc về mặt văn hóa, Pháp có thái độ mềm mỏng để tiếp tục hiện diện tại Hoa lục, nhất là người Trung Quốc vốn ưa thích hàng xa xỉ, rượu và nghệ thuật Pháp. Sức mạnh kinh tế Trung Quốc khiến khó ai có thể quay lưng, và giám đốc bảo tàng Rodin còn nói thẳng là hợp đồng với một địa phương Trung Quốc mang lại rất nhiều tiền trong khi cơ sở của bà không hề nhận được trợ cấp nhà nước.


Tuy nhiên từ năm 2000 xuất khẩu văn hóa sang Trung Quốc không mang lại mấy lợi lộc : trung tâm Pompidou chỉ thu được 2,75 triệu euro một năm. Để so sánh, việc mở chi nhánh bảo tàng Louvre ở Abou Dhabi được thương lượng với giá 1 tỉ euro. Và tiền bạc không phải là tất cả.


Vương Khắc Bình (Wang Keping), điêu khắc gia Trung Quốc sống tại Pháp cho rằng Paris nhượng bộ Bắc Kinh quá nhiều. « Các bảo tàng phương Tây không biết rằng, Trung Quốc chấp nhận các tác phẩm của họ như các đại đế Trung Hoa ngày xưa phô bày những vật phẩm triều cống, để chứng tỏ quyền năng của mình ».



© Thụy My
    RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages