Nguồn: Preeti Jha, “Thailand protest: Why young activists are embracing Hong Kong’s tactics”, BBC, 21/10/2020.
Những nhà hoạt động dân chủ tại Thái Lan đang áp dụng ngày một nhiều các chiến thuật từng được sử dụng bởi những người anh em của họ ở Hồng Kông khi những người biểu tình tiếp tục xuống đường bất chấp lệnh cấp tụ tập đông người trong bối cảnh các cuộc tuần hành nhắm vào Thủ tướng và nhà vua đã gia tăng trong nhiều tháng qua.
Khi những người biểu tình ở Bangkok lần đầu tiên sử dụng ô (dù) để đỡ đạn hơi cay vào thứ Sáu tuần trước, nó gợi cho người ta nhớ đến phong trào biểu tình phản đối chính phủ đã làm rung chuyển đặc khu Hồng Kông của Trung Quốc xảy ra năm ngoái.
Từ mũ bảo hiểm và mặt nạ phòng độc cho đến flashmob (chỉ đám đông hẹn nhau tụ tập cùng thực hiện một hành động rồi nhanh chóng giải tán sau khi hoàn thành – ND) và dấu hiệu bằng tay, phong trào biểu tình do sinh viên lãnh đạo ở Thái Lan đang áp dụng những bài học kinh nghiệm từ những nhà hoạt động trẻ Hồng Kông cho cuộc đấu tranh thay đổi quê hương mình.
Dưới đây là ba bài học mà giới trẻ Thái Lan tiếp thu từ phong trào biểu tình Hồng Kông.
Phong trào không có thủ lĩnh: ‘tất cả chúng ta ngày nay đều là thủ lĩnh’
Sau vụ bắt giữ nhiều nhà lãnh đạo của phong trào biểu tình Thái Lan vào tuần trước, các nhà hoạt động đã thay đổi chiến lược.
“Họ nghĩ rằng việc bắt giữ những người thủ lĩnh sẽ ngăn cản được chúng ta,” Pla, một người biểu tình 24 tuổi, nói trước hàng nghìn người biểu tình tại Đài tưởng niệm Chiến thắng ở Bangkok hôm Chủ nhật. “Nó không có tác dụng. Tất cả chúng ta ngày nay đều là thủ lĩnh”.
Việc không có cơ quan lãnh đạo tập trung là một đặc điểm nổi bật của phong trào biểu tình kéo dài bảy tháng liên tục làm rung chuyển cả Hồng Kông và là thứ mà nhiều người cho rằng đã giúp phong trào duy trì trong suốt thời gian dài.
Mặc dù có những thủ lĩnh tinh thần, các quyết định được chuyển tới những người biểu tình qua các diễn đàn trực tuyến hoặc ứng dụng nhắn tin bảo mật Telegram để có thể nhanh chóng tổ chức và tập hợp số lượng lớn người trong thời gian ngắn.
Ở Thái Lan, việc sử dụng Telegram đã tăng vọt trong những ngày gần đây. Người biểu tình sử dụng nó để điều phối các cuộc tuần hành kể từ khi chính phủ áp dụng lệnh cấm đối với những cuộc tụ tập chính trị hơn 4 người vào tuần trước.
Một nhóm trò chuyện được thành lập bởi Free Youth, tổ chức tập hợp những người biểu tình nòng cốt, đã cán mốc tối đa 200.000 người đăng ký chỉ một thời gian ngắn sau khi ra mắt. Chính quyền Thái Lan phản ứng bằng cách ra lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet chặn ứng dụng này.
Trong khi nhiều người Thái tham gia Telegram chỉ để theo dõi tình hình và không có ý chống đối chính phủ thì những thành viên hoạt động tích cực sử dụng các nhóm trò chuyện để lập chiến lược, từ địa điểm phù hợp cho biểu tình đến cập nhật thông tin về các điểm có chốt cảnh sát.
Giống như những người biểu tình ở Hồng Kông, các nhà hoạt động Thái Lan đưa ra quyết định bằng hình thức bỏ phiếu. Hôm thứ Hai, trang Facebook chính của Free Youth đã hỏi những người ủng hộ xem họ có muốn tạm dừng để nghỉ ngơi hay không bằng cách nhấn vào biểu tượng cảm xúc “care- thương thương” để đồng ý và biểu tượng cảm xúc “wow” để phản đối. Kết quả sau cùng là tiếp tục chiến đấu.
Aim Sinpeng, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Sydney, cho biết những người biểu tình Thái Lan hiện đang cố gắng “giữ cho phong trào ‘đồng đều’ nhất có thể, khiến cho vị trí thủ lĩnh rộng mở và dễ dàng thay thế được. Điều này rất khác so với những cuộc biểu tình trước đây ở Thái Lan vốn có xu hướng được cá nhân hóa xung quanh các thủ lĩnh thường là những người có ảnh hưởng.”
Tiến sĩ Aim, người có nghiên cứu về chính trị thời đại số ở Đông Nam Á cho biết việc sử dụng hashtag #everybodyisaleader (tạm dịch: mọi người đều là thủ lĩnh) đang gia tăng trên các phương tiện truyền thông xã hội trong những ngày gần đây như một nỗ lực “cải cách phong trào … để bảo vệ nó khỏi sự đàn áp của chính quyền”.
Ngôn ngữ biểu tình mới: Dấu hiệu bằng tay và ‘rừng truyền thông-jungle phone’
Cuối tuần qua, một loại ngôn ngữ mới đã phát triển trên đường phố Bangkok. Đây là thứ được du nhập từ Hồng Kông.
Để báo hiệu cần mũ bảo hiểm, các nhà hoạt động giơ tay thành hình tam giác trên đầu. Bằng cách bắt chéo ngón tay, họ ám chỉ có người bị thương. Xoay ngón trỏ ngược chiều kim đồng hồ là một cảnh báo giải tán.
Người ta chứng kiến việc sử dụng thành thạo các tín hiệu tay kiểu này lần đầu tiên là ở Hồng Kông, nơi chúng trở thành thứ không thể thiếu đối với những người biểu tình khi muốn giao tiếp giữa đám đông rộng lớn. Những nhà hoạt động người Thái đã kết hợp ngôn ngữ ký hiệu này với các ký hiệu đặc trưng của họ và chia sẻ rộng rãi chúng thông qua những áp-phích trên mạng xã hội.
Wasana Wongsurawat, phó giáo sư sử học tại Đại học Chulalongkorn, cho biết kể từ khi các loa phóng thanh bị tịch thu, các nhà hoạt động phải sử dụng những phương pháp giao tiếp sáng tạo khác.
Trong một cuộc biểu tình ở Bangkok hôm thứ Bảy, bà đã chứng kiến các nhà hoạt động triển khai cái mà bà mô tả là “rừng truyền thông- a jungle telephone” để báo hiệu việc có cảnh sát đến hoặc yêu cầu các dụng cụ như ô cho những người biểu tình ở tuyến đầu.
“Ai đó sẽ hét lên ‘vòi rồng đang đến’. Tiếp đến, những người trong đám đông bắt đầu lặp lại cụm từ đó. Trong vòng hai phút, thông điệp được truyền từ đầu này sang đầu kia của đám đông,” Tiến sĩ Wasana cho BBC biết và nói thêm rằng cuộc biểu tình đã giải tán trước khi vòi rồng đến.
Vượt ra ngoài biên giới: #StandWithThailand (Đoàn kết với Thái Lan)
Các cuộc biểu tình ở Thái Lan và Hồng Kông đều bắt nguồn từ những nỗi bất bình riêng ở mỗi nơi, tuy vậy các nhà hoạt động vẫn nhìn thấy những điểm chung trong hoàn cảnh của họ.
Tại Thái Lan, những người biểu tình đang yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức. Ông là cựu lãnh đạo của cuộc đảo chính quân sự và đã trở thành Thủ tướng vào năm ngoái sau cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi. Những người biểu tình cũng đang thúc đẩy cải cách chế độ quân chủ đầy quyền lực ở Thái Lan. Đây là thách thức chưa từng có đối với một thể chế mà luật pháp không cho phép ‘bất kính’.
Tại Hồng Kông, các nhà hoạt động yêu cầu Trưởng đặc khu Carrie Lam từ chức và tổ chức bầu cử theo phương thức phổ thông đầu phiếu. Họ cũng phản đối ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong các vấn đề nội bộ của vùng lãnh thổ bán tự trị này.
Ở cả hai nơi, các nhà vận động dân chủ đều thấy những cuộc đấu tranh chính trị của họ có những điểm tương đồng trong một thời đại mới của các phong trào biểu tình.
Đầu năm nay, họ tự xưng là Liên minh Trà sữa (Milk Tea Alliance), một liên minh trực tuyến khá lỏng lẻo của các nhà hoạt động từ Thái Lan, Hồng Kông và Đài Loan. Tên gọi Trà sữa đề cập đến thức uống truyền thống phổ biến ở cả ba nơi.
Các nhà lãnh đạo biểu tình ở Thái Lan thường nói rằng phong trào tại Hồng Kông đã truyền cảm hứng cho họ. Và các nhà hoạt động Hồng Kông cũng bày tỏ sự đoàn kết với phong trào ở Thái Lan, đưa ra những lời khuyên về trang phục bảo hộ, vấn đề an ninh mạng và cách thức sơ cứu.
Nhà hoạt động nổi tiếng người Hồng Kông Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) thường xuyên đăng bài trên Twitter ủng hộ phong trào biểu tình ở Thái Lan với hashtag #StandWithThailand (Đoàn kết với Thái Lan). Tuần trước, anh viết: “Người dân không nên sợ chính phủ. Chính các chính phủ mới là bên phải dè chừng người dân của mình”.
Những người biểu tình thuộc thế hệ mới ở Thái Lan và Hồng Kông nổi bật về cả sức trẻ cũng như kỹ năng khai thác công nghệ hiện đại của họ.
Tiến sĩ Wasana chỉ ra sự thành thạo của các nhà hoạt động trong việc truyền bá thông điệp trên mạng xã hội “Văn hóa biểu tình ở Thái Lan năm 2020 là văn hóa biểu tình của những người sử dụng thành thạo Internet”.
Bằng cách học hỏi chiến thuật từ cuộc biểu tình ở Hồng Kông, các nhà hoạt động Thái Lan hy vọng sẽ giữ vững phong trào của mình.
“Không có trường hợp nào như trường hợp này, những đứa trẻ học sinh trung học và sinh viên đại học chiến đấu với vòi rồng và hơi cay trong một khoảng thời gian dài như vậy”, nhà sử học nói thêm.
Bridget Welsh, một cộng tác viên nghiên cứu tại Đại học Nottingham ở Malaysia cho biết bản chất của các cuộc biểu tình đang thay đổi khắp Đông Nam Á.
Các nhà hoạt động dân chủ ở Thái Lan và Hồng Kông, cũng như các quốc gia như Indonesia và Malaysia, đang “thích ứng với việc chủ nghĩa độc tài ngày càng gia tăng trong một thế giới toàn cầu hóa” bằng các chiến thuật thay đổi linh hoạt tận dụng sức mạnh của công nghệ và biểu đạt thị giác.
Bài viết có sự cộng tác của Thanyarat Doksone và Grace Tsoi.
© Preeti Jha
Nguyễn Thanh Hải biên dịch
Nghiên Cứu Quốc Tế
Nguồn: Preeti Jha, “Thailand protest: Why young activists are embracing Hong Kong’s tactics”, BBC, 21/10/2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét