Một tháng kinh hoàng ở Myanmar: Chuyện gì đã xảy ra, tương lai sẽ thế nào? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

Một tháng kinh hoàng ở Myanmar: Chuyện gì đã xảy ra, tương lai sẽ thế nào?


Một người dân bỏ chạy trong khi một binh lính nhảy xuống từ xe quân đội, trong một cuộc đụng độ giữa người biểu tình và quân đội hôm 15/2. Ảnh: AFP


Sáng ngày 01/02/2021, quân đội Myanmar (Tatmadaw) đảo chính. Họ bắt giữ bà Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các lãnh đạo khác của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy – NLD) trong một loạt các cuộc truy quét.


Quân đội sau đó thông báo sẽ thay thế nội các của bà Aung San Suu Kyi, bãi chức 24 bộ trưởng và thứ trưởng. Họ ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng một năm.


Các ngân hàng bị đóng cửa. Lệnh giới nghiêm vào ban đêm được áp dụng. Sóng điện thoại và mạng Internet bị gián đoạn.


Myanmar một lần nữa bị đặt dưới sự cai trị của quân đội, sau khoảng bảy thập niên dân chủ hóa nhiều bấp bênh.


Hơn một tháng đã trôi qua. Cuộc chính biến đã trở thành thảm sát đẫm máu.



Vì sao Tatmadaw đảo chính?


Tin đồn về một cuộc đảo chính đã bắt đầu lan truyền từ nhiều tuần trước đó, khi căng thẳng gia tăng giữa chính phủ dân sự và giới quân sự. Vào ngày 26/01/2021, người phát ngôn của quân đội, Thiếu tướng Zaw Min Tun đã cảnh báo rằng họ sẽ “hành động” nếu tranh chấp bầu cử không được giải quyết.


Trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2020, Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi đã giành chiến thắng áp đảo so với Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (Union Solidarity and Development Party – USDP) do quân đội hậu thuẫn. NLD giành được 396/498 ghế có thể cạnh tranh trong lưỡng viện Quốc hội, vượt xa so với chỉ tiêu 322 ghế cần đạt để có thể thành lập nội các. Trong khi đó, USDP chỉ giành được 33 ghế, ít hơn 8 ghế so với bầu cử năm 2015.


Nhưng USDP cáo buộc cuộc bầu cử xảy ra “gian lận trên diện rộng”, mặc dù họ không đưa ra được bằng chứng. Trong cuộc họp báo ngày 11/11/2020, USDP cho biết họ không công nhận kết quả bầu cử và yêu cầu phải có một “cuộc bầu cử tự do, công bằng, không thiên vị và không có vận động tranh cử gian lận”.


Đọc thêm »


Ủy ban Bầu cử Liên minh (Union Election Commission) của nước này bác bỏ các cáo buộc của quân đội, từ chối yêu cầu bầu cử lại. Họ khẳng định cuộc bầu cử đã được tổ chức “một cách công bằng, tự do”, và “không thể minh bạch hơn”.


Một thông tin đáng lưu ý là Tổng tư lệnh quân đội, Thống tướng Min Aung Hlaing sẽ đến tuổi nghỉ hưu vào tháng 6/2021, và theo quy định, phải rời khỏi vị trí của mình. Tài sản khổng lồ cũng như các công ty gia đình của ông có thể bị tổn hại khi ông không còn nắm quyền.


Việc đảo chính vì vậy được các nhà quan sát cho là một nỗ lực của Min Aung Hlaing để níu kéo quyền lực. Theo dự đoán, với việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng một năm, ông có thể sẽ tìm ra giải pháp để kéo dài nhiệm kỳ.


Ai đang nắm quyền lực?


Thống tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar hiện đã lên nắm quyền.


Min Aung Hlaing, viên tướng 64 tuổi đang nắm quyền cai quản Myanmar. Ảnh: Reuters.


Min Aung Hlaing, 64 tuổi, từng theo học ngành luật tại Đại học Yangon (Yangon University) và sau đó gia nhập Học viện Dịch vụ Quốc phòng (Defence Services Academy – DSA) – trường đại học quân sự hàng đầu của đất nước.


Min Aung Hlaing tiếp quản quân đội Myanmar vào năm 2011, khi đất nước bắt đầu quá trình dân chủ hóa. Các nhà ngoại giao ở Yangon cho biết, kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của bà Suu Kyi vào năm 2016, Min Aung Hlaing đã chuyển từ một người lính lầm lì thành một chính trị gia của công chúng.


Ông sử dụng Facebook để công khai các hoạt động chính trị, các cuộc gặp với các chức sắc tôn giáo và các chuyến viếng thăm tu viện. Min Aung Hlaing đã nghiên cứu quá trình chuyển đổi chính trị ở các nước. Ông nhận thấy cần phải tránh sự hỗn loạn như ở Libya và các nước Trung Đông sau khi Myanmar thay đổi chế độ vào năm 2011.



Trong những bình luận công khai đầu tiên sau cuộc đảo chính, Tướng Hlaing đã tìm cách biện minh cho việc tiếp quản quyền lực. Ông nói rằng quân đội đứng về phía người dân và sẽ xây dựng một “nền dân chủ thực thụ và có kỷ luật”. Quân đội cũng cho biết họ sẽ tổ chức một cuộc bầu cử “tự do và công bằng” khi tình trạng khẩn cấp kết thúc.


Quân đội đã luôn có một vị trí quan trọng ở Myanmar, bất kể họ có nắm quyền chính thức hay không. Họ là kiến trúc sư của bản Hiến pháp năm 2008, trong đó thừa nhận vai trò và quyền lực của giới quân đội trong hệ thống chính trị Myanmar.


Tatmadaw được Hiến pháp trao cho một hạn ngạch (không qua bầu cử) 25% số ghế trong lưỡng viện Quốc hội. Tổng tư lệnh của quân đội còn có quyền bổ nhiệm ba vị trí bộ trưởng trong chính phủ, phụ trách các vấn đề quốc phòng, nội vụ và biên giới.


Aung San Suu Kyi giờ ra sao?


Bà Aung San Suu Kyi bị đưa ra xét xử trong một phiên tòa bí mật vào ngày 16/2. Luật sư của bà không được thông báo. Ông Win Myint, vị tổng thống bị phế truất của Myanmar cũng bị xét xử trong phiên tòa này. Họ đối mặt với các bản án lần lượt là sáu năm và ba năm tù giam.


Các tội danh không liên quan đến gian lận bầu cử. Bà Suu Kyi bị khép vào tội nhập khẩu bộ đàm – một mặt hàng nằm trong danh sách cấm nhập khẩu ở Myanmar. Bằng chứng buộc tội được đưa ra là ít nhất 10 chiếc bộ đàm cùng các thiết bị ngoại quốc khác mà cảnh sát tìm thấy trong dinh thự của bà.


Người biểu tình tuần hành đòi trả tự do Aung San Suu Kyi, người được xem là lãnh tụ của phong trào dân chủ ở Myanmar. Ảnh: EPA-EFE


Ngoài ra, bà cũng bị kết tội vi phạm luật về quản lý xã hội trong tình trạng thiên tai, khi đã tiếp xúc với một đám đông trong đại dịch COVID-19. Ông Win Myint cũng bị khép vào tội danh này.


Theo nhận định của New York Times, phiên tòa có thể kéo dài đến một năm. Đây là cái cớ để quân đội tiếp tục giam giữ bà Suu Kyi – người lãnh đạo phong trào dân quyền ở Myanmar.


Vấn đề người Rohingya thì thế nào?


Bà Aung San Suu Kyi là một biểu tượng dân chủ ở Myanmar. Tuy vậy, hình tượng người hùng đổ sập vào năm 2017 khi bà bảo vệ các chiến dịch đẫm máu của quân đội ở bang Rakhine. Cuộc đàn áp đó đã khiến 700.000 người Rohingya phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh.


Những người Rohingya tị nạn ở Bangladesh đã lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, nhưng nói rằng họ không “cảm thấy tiếc” về việc nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi bị tước đi quyền lực.


Bà Christina Fink, một giáo sư tại Đại học George Washington (Mỹ), người nghiên cứu về Myanmar cũng cho biết, bà Suu Kyi và NLD đã đối xử bất bình đẳng với các sắc tộc thiểu số ở đất nước.


Chẳng hạn, ở tiểu bang Rakhine, NLD đã bổ nhiệm người của mình làm thủ hiến, mặc dù một đảng địa phương đại diện cho sắc tộc Arakan sống ở đó chiếm đa số trong cơ quan lập pháp của bang.



Bà Suu Kyi và NLD cũng đã để quân đội đặt ra phần lớn chương trình nghị sự trong các cuộc đàm phán hòa bình với các phiến quân và thậm chí tán thành cuộc chiến giữa Tatmadaw với quân đội Arakan. Fink nói: “Rất nhiều đảng phái sắc tộc cảm thấy rằng họ bị gạt ra ngoài lề và NLD chỉ theo đuổi những thứ của riêng họ”.


Cho đến nay, nhiều người biểu tình chống quân đội cảm thấy hối hận vì đã im lặng trước các hành động diệt chủng của Tatmadaw đối với người Rohingya trên đất nước.


Trong nhiều thập niên qua, công chúng tin vào những lời tuyên truyền của quân đội, rằng những hành vi thanh trừng sắc tộc ở bang Rakhine chỉ là một cuộc phản kích chống lại các tay súng Rohingya.


Họ tin rằng người Rohingya là dân nhập cư đến từ Bangladesh. Họ gọi những người tị nạn Rohingya là “chuyên gia gây chú ý” (drama queens) và “kẻ nói dối”, cho rằng người Rohingya đã thêu dệt nên những câu chuyện kinh hoàng để nhận tiền và viện trợ quốc tế.


Sau cuộc đảo chính, nhiều người Myanmar đã bắt đầu nghi ngờ những lời tuyên truyền của quân đội và thay đổi định kiến cố hữu về người Rohingya.


Sự thay đổi này là một tín hiệu tích cực và có ý nghĩa sâu sắc ở một đất nước mà chỉ vài năm trước, việc nhắc đến từ “Rohingya” có thể gây ra phản ứng giận dữ từ đám đông.


Một số người Rohingya thậm chí còn đang tham gia các cuộc biểu tình ở Yangon, dù họ có nguy cơ bị bắt hoặc bị ngược đãi trong một xã hội phủ nhận các quyền công dân cơ bản của họ.


Các cuộc biểu tình đang diễn ra như thế nào?


Trong suốt nhiều tuần lễ, người dân Myanmar xuống đường biểu tình ủng hộ bà Aung San Suu Kyi và phản đối cuộc đảo chính của quân đội.


Người biểu tình trốn dưới tấm nhựa để tránh vòi phun nước của cảnh sát. Ảnh: VOA.


Những ngày sau cuộc đảo chính, không khí sợ hãi bao trùm đường phố Myanmar. Người dân biết quá rõ quân đội sẽ sử dụng vũ lực như thế nào, và lúc đầu họ đã do dự. Một nhà lãnh đạo của một tổ chức xã hội dân sự Hồi giáo có trụ sở tại Yangon nói trên tờ Southeast Asia Globe: “Nếu chúng tôi đáp trả bằng các cuộc biểu tình, [quân đội] sẽ bắt giữ rất nhiều người. Hiện giờ chúng tôi không làm gì cả, ngoại trừ đăng bài trên Facebook.”


Rất nhanh sau đó, những hội nhóm hình thành trên mạng xã hội. Cư dân mạng lên Facebook chuyển ảnh đại diện của họ thành màu đen trong sự phản đối lặng lẽ, trong khi các bác sĩ đeo ruy băng đen lên ngực áo của họ để thể hiện quan điểm phản kháng. Trong khi đó, một nhóm bác sĩ tại các bệnh viện quốc doanh bắt đầu đình công để phản đối cuộc đảo chính và yêu cầu trả tự do cho bà Suu Kyi.


Khi đêm đến, người dân bắt đầu đổ ra đường gõ xoong nồi như một hình thức phản kháng. Đây là một phong tục truyền thống của Myanmar để xua đuổi ma quỷ. Họ muốn dùng nó để xua đuổi những kẻ đeo bám quyền lực dai dẳng trên đất nước này. Các nhóm thanh niên và sinh viên cũng kêu gọi các chiến dịch bất tuân dân sự. Trang fanpage của chiến dịch trên Facebook có hơn 300.000 lượt yêu thích.



Các cuộc biểu tình ôn hòa bị quân đội đàn áp đẫm máu. Hai người biểu tình bị lực lượng an ninh giết chết ở Mandalay vào ngày 20/2.


Vào ngày 22/02, hàng triệu người trên khắp đất nước tổ chức một cuộc tổng đình công, với sự tham gia của công chức nhà nước, nhân viên ngân hàng, bác sĩ và những người lao động trong các ngành nghề khác. Cuộc tẩy chay trên toàn quốc đã thúc đẩy một phong trào bất tuân dân sự, làm tê liệt hệ thống ngân hàng và khiến quân đội gặp khó khăn.


Quân đội đã dựng các rào chắn, triển khai các đội lính bắn tỉa trên mái nhà, dùng đạn cao su, vòi rồng, hơi cay và đạn thật để chống người biểu tình. Tuần này qua tuần khác, các lực lượng vũ trang đã gia tăng các cuộc tấn công nhắm vào những người biểu tình. Cho đến tuần đầu tiên của tháng Ba, đã có hơn 60 người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 38 người bị giết chỉ trong ngày 3/3.


Người biểu tình ở Yangon hôm 20/2, sau khi Myat Thwet Thwet Khine, 19 tuổi, thiệt mạng vì trúng đạn của cảnh sát. Ảnh: AP.


Tương lai nào cho cuộc khủng hoảng?


Các nhà lãnh đạo trên thế giới đã nhanh chóng lên án cuộc đảo chính, yêu cầu thả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo khác, đồng thời kêu gọi quân đội tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử.


Tổng thống Mỹ Joe Biden đe dọa sẽ khôi phục các lệnh trừng phạt lên giới quân sự Myanmar. Ông nói rằng quân đội không nên “chống lại ý muốn của người dân”. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố các sự kiện ở Myanmar là một cuộc đảo chính.


Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết cuộc đảo chính “giáng một đòn nghiêm trọng vào các cải cách dân chủ ở Myanmar”. Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trong một bài đăng trên Twitter rằng “lá phiếu của người dân phải được tôn trọng và các nhà lãnh đạo dân sự nên được thả”.


Nhiều quốc gia phương Tây khác cũng đã thi hành hoặc đang cân nhắc các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, tổ chức quan trọng nhất trong khu vực ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), do Brunei làm chủ tịch nhiệm kỳ 2021, lại không đưa ra động thái nào. Trong khi đó, Trung Quốc phản ứng một cách thận trọng vì họ đang có quan hệ tốt với cả chính phủ của bà Aung San Suu Kyi và giới quân đội Myanmar.


Đọc thêm »



© Lee Nguyen
    Luật Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages