Toàn cảnh cuộc đấu kinh tế, an ninh quốc gia giữa Mỹ và Trung Quốc - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021

Toàn cảnh cuộc đấu kinh tế, an ninh quốc gia giữa Mỹ và Trung Quốc


Cộng hòa nhân dân Trung Hoa siêu cường toàn cầu mới nổi cạnh tranh giành quyền lực tối cao giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, công nghiệp, tội phạm mạng, gián điệp công nghiệp, v.v ... (Ảnh của Ulrich Baumgarten/ Getty Images)


Ngoài cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch Covid-19, thế giới hiện còn phải đối mặt với một cú sốc hiện sinh thứ ba, đó là màn kịch lớn trong đầu thế kỷ 21 này: một Trung Quốc gian manh và quyết đoán hơn.


Các nền dân chủ theo khuynh hướng tự do chỉ đơn giản là xem Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh tiêu dùng và hiếu chiến, nhưng trong thập kỷ qua, Bắc Kinh đã phát triển và thay đổi để trở thành một đối thủ về kinh tế và an ninh quốc gia mà Hoa Kỳ phải dè chừng trong cuộc cạnh tranh về ý thức hệ và chiến lược.


Sự cạnh tranh kinh tế và tài chính giữa Bắc Kinh và Washington hiện đang trở nên phổ biến trong lĩnh vực công nghiệp, đầu tư, hệ thống thông tin và đổi mới; ngoài ra còn có vấn đề về những lỗ hổng bảo mật - làm dấy lên lo ngại về việc củng cố hệ thống kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ. Vở diễn lớn của Trung Quốc - với bản chất độc đoán và cứng nhắc của hệ thống quản trị - vốn không có đối thủ của Chủ tịch Tập Cận Bình - là mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự toàn cầu.


Nước Mỹ hiện nay do Tổng thống Biden cầm quyền - cần nhận thức rõ và đáp trả kịp thời - đặt mục tiêu cạnh tranh địa chính trị với Bắc Kinh vào vị trí hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ .



Hai mặt của một đồng xu


Theo cách thức lưỡng đảng, Hoa Kỳ hiện đã chấp nhận mối quan hệ giữa kinh tế và an ninh quốc gia - trong mối quan hệ song phương với Trung Quốc. Ví dụ, chính quyền Biden đã tiếp tục các quy tắc từ thời Trump nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc - vốn được coi là mối đe dọa đối với an ninh chuỗi cung ứng của Mỹ. Chiến lược an ninh quốc gia năm 2017 của chính quyền Trump rất quan trọng, đặc biệt là phần “An ninh kinh tế là an ninh quốc gia”.


Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiết lộ vào cuối năm ngoái rằng Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) của họ - tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc bắt đầu từ ngày 5/3/2021 - sẽ không chỉ bao gồm quân sự, mà còn cả kinh tế, tài chính và an ninh công nghệ.


Đối với ĐCSTQ, an ninh quốc gia nghĩa là an ninh dưới sự kiểm soát và cai trị của chính quyền Trung Quốc. Tất cả các hình thức an ninh, bao gồm lương thực, việc làm, công nghệ, khả năng tự lực, nền kinh tế trong nước, sự ổn định xã hội và môi trường… đều gắn liền với các mục tiêu chính trị lớn hơn. Ngoài ra, sự toàn vẹn lãnh thổ - bao gồm Hong Kong, Tây Tạng, Tân Cương và Đài Loan (vốn được ĐCSTQ xem như một "tỉnh nổi loạn" của mình) - là lợi ích cốt lõi của ĐCSTQ.


   Mời xem thêm »


Sự kết hợp giữa kinh tế và an ninh quốc gia


Quy mô và tầm quan trọng kinh tế của Trung Quốc vượt xa Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh - vốn chỉ bằng 1/4 quy mô của Hoa Kỳ. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Trung Quốc đã vào khoảng 4 nghìn tỷ USD tính theo sức mua tương đương so với của Mỹ.


Về mặt thị trường, GDP của Trung Quốc bằng 2/3 của Hoa Kỳ, và một số nhà kinh tế kỳ vọng nó sẽ vượt qua Hoa Kỳ vào cuối thập kỷ này. Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc chắc chắn là nền tảng cho tham vọng toàn cầu của chính quyền nước này.


Trung Quốc là quốc gia mới nổi duy nhất đã nâng tỷ trọng đáng kể trong sản lượng thế giới - từ khoảng 3,5% năm 2000 lên gần 18% vào năm 2020 (khoảng 14,8 nghìn tỷ đô la Mỹ). Mức GDP tăng có nghĩa là chi tiêu quân sự hiện tại của Trung Quốc chỉ dưới 2% GDP.


Hiện tại, sức nặng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới - đã thúc đẩy các vấn đề kinh tế trở thành trung tâm của địa chính trị. Nhà tư tưởng người Mỹ Edward Luttwak đã từng ám chỉ các tranh chấp thương mại của Mỹ với châu Âu và Nhật Bản vào những năm 1970 như là “logic của xung đột trong ngôn ngữ thương mại”.


Tất cả mọi "chuyển động" của nền kinh tế Trung Quốc đều do ĐCSTQ kiểm soát, đã đến lúc thế giới cần đặt ra câu hỏi: "Làm sao thoát khỏi ĐCSTQ) (Ảnh: Feng Li/Getty Images)


"Ngôn ngữ thương mại" này ngày nay đã quá rộng và bao trùm mọi thứ, từ kiểm soát xuất khẩu và giám sát chặt chẽ đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, đến danh sách thực thể - cấm các công ty mua bán một số sản phẩm nhất định. Hơn nữa, các tranh chấp về các chính sách công nghiệp và quản trị doanh nghiệp; các tiêu chuẩn và giao thức khác nhau cho công nghệ và hệ thống truyền thông tiên tiến; việc truy cập internet; thu thập dữ liệu và an ninh mạng... đều là những vấn đề nổi cộm trong cuộc cạnh tranh kinh tế Mỹ-Trung hiện nay.


Chính phủ Hoa Kỳ đã sử dụng danh sách thực thể hơn 300 tổ chức Trung Quốc - để hạn chế hoặc cấm bán cho các công ty này một số loại chất bán dẫn (nếu không có giấy phép), đặc biệt đối với những công ty có mối liên hệ với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) hoặc liên quan đến vấn đề đàn áp nhân quyền ở Tân Cương. Nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất và tiên tiến nhất của Trung Quốc SMIC, nhà sản xuất máy bay không người lái DJI, và hàng chục công ty và trường đại học khác của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng, bao gồm cả các công ty xây dựng quân sự hóa ở các đảo tranh chấp ở Biển Đông.



Hơn nữa, gần đây có báo cáo rằng Trung Quốc đang xem xét kiểm soát xuất khẩu đối với kim loại đất hiếm - nước này kiểm soát 80% nguồn cung của thế giới. Các quan chức Mỹ đang xem xét liệu các hạn chế như vậy có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ ra sao, đặc biệt đối với việc sản xuất và bảo dưỡng máy bay chiến đấu F-35 và các loại vũ khí tinh vi khác.


Tuy nhiên, Trung Quốc có thể chiếm phần lớn sản lượng kim loại đất hiếm, nhưng nước này chỉ chiếm 37% trữ lượng toàn cầu. Hoa Kỳ có trữ lượng đất hiếm của riêng mình, cũng như Canada, Ấn Độ, Nam Phi, Nhật Bản và Brazil. Nhưng vì chi phí môi trường để xử lý chúng là rất đắt đỏ, do đó nhiều quốc gia thích mua rẻ hơn ở Trung Quốc.


Trung Quốc đã cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2010 vì liên quan đến các đảo tranh chấp, nhưng Tokyo đã có thể nhanh chóng thiết lập lại chuỗi cung ứng mới, vô hiệu hóa lệnh cấm.


Đồng đô la Mỹ 'quyền lực'


Hệ thống tài chính đô la Mỹ là một vấn đề lớn trong địa chính trị. Thật vậy, quyền lực tài chính và quyền lực chính trị gắn bó với nhau - có ý nghĩa quan trọng đối với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có lợi thế lớn khi có đồng đô la Mỹ là đồng tiền dự trữ chính trên thế giới, cho phép Washington sử dụng đồng USD như đòn bẩy kinh tế và áp dụng các biện pháp trừng phạt trong các giao dịch tài chính quốc tế.


Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Áo Joseph Schumpeter đã từng viết: “Hệ thống tiền tệ của một dân tộc phản ánh tất cả những gì mà dân chúng muốn, làm, chịu đựng và… có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh tế và vận mệnh của một dân tộc nói chung”.


Đồng USD được coi là cốt lõi trong hệ thống lưu chuyển tài chính toàn cầu, việc Mỹ nắm trong tay hệ thống thanh toán USD chính là công cụ trừng phạt khiến nhiều đối thủ phải e sợ. (Getty)


Do do, có thể hiểu tại sao Trung Quốc cũng nhìn nhận nó theo cách này, bởi vì một hệ thống dựa trên đồng nhân dân tệ sẽ mang lại vị thế và ảnh hưởng cho ĐCSTQ. Trung Quốc hiện không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng đồng đô la Mỹ cho phần lớn các giao dịch thương mại và đầu tư của mình, nhưng họ không muốn tuân theo một hệ thống tiền tệ do Mỹ kiểm soát. Vì thế, luận điệu của Bắc Kinh là tránh xa hệ thống lấy đồng đô la Mỹ làm trung tâm.


Dưới sự chỉ đạo của Quốc vụ viện, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, các ngân hàng Trung Quốc đã bắt tay vào một chiến dịch quan trọng để quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ - có nghĩa đen là “tiền của nhân dân”, hay nói một cách thông tục là “đồng bạc đỏ”. Đó là một tham vọng dữ dội nhưng không có nhiều thực chất.


Mặc dù Bắc Kinh đang mở cửa một cách có chọn lọc cho các công ty dịch vụ tài chính của Mỹ - để tiếp cận với đô la Mỹ và đánh cắp bí quyết của Mỹ, sự tách biệt tài chính đang diễn ra theo một số cách, trong khi sự hội nhập của thị trường vốn Mỹ và Trung Quốc đang được giám sát chặt chẽ.



Các biện pháp trừng phạt tài chính đã được Washington thực hiện đối với các quan chức và công ty Trung Quốc, các quỹ hưu trí liên bang bị cấm đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc. Chính quyền Trump đã ký một lệnh hành pháp cấm các nhà đầu tư của Hoa Kỳ bỏ vốn vào 31 công ty Trung Quốc có liên quan đến PLA, và hơn 200 công ty Trung Quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch Hoa Kỳ - buộc các công ty này phải tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán của Hoa Kỳ hoặc sẽ bị hủy niêm yết.


Washington thời Trump đã thiết lập một cơ sở hạ tầng để giám sát sự tách rời kinh tế với Bắc Kinh. Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại - cơ quan giám sát công nghệ và kiểm soát xuất khẩu - đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp trừng phạt, bao gồm với cả các cá nhân và tổ chức liên quan đến vấn đề đàn áp nhân quyền ở Tân Cương và đàn áp tự do ở Hong Kong.


Giờ đây, theo Đạo luật Hiện đại hóa Rà soát Rủi ro Đầu tư Nước ngoài, Washington sẽ xem xét một loạt các thương vụ, đặc biệt là liên quan đến công nghệ cao. Cuối cùng, Bộ phận An ninh Quốc gia của Bộ Tư pháp cho phép truy tố hình sự trong trường hợp trộm cắp bí mật thương mại và sở hữu trí tuệ.


Cựu Tổng thống Trump từng khẳng định rằng ông đã sẵn sàng để tách hoàn toàn nền kinh tế của Mỹ khỏi Trung Quốc. (Getty)


Chính phủ Trung Quốc vẫn nắm giữ ít nhất 1 nghìn tỷ USD tài sản tài chính của Mỹ, và có thể có nhiều tài sản hơn không được ghi nhận chính thức và được nắm giữ tại các trung tâm tài chính nước ngoài. Rất may, đây sẽ là một vũ khí - mà nếu Bắc Kinh sử dụng thì thật là ngu ngốc. Việc bán các tài sản này ở Mỹ sẽ gây ra những tổn thất đáng kinh ngạc, ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Quốc và gây phản cảm với Washington.


Mặc dù đôi khi người ta cho rằng Trung Quốc nắm giữ đòn bẩy đối với Hoa Kỳ nhờ quyền sở hữu chứng khoán của Hoa Kỳ, thực tế là Trung Quốc đã phải tăng việc nắm giữ chứng khoán Kho bạc của mình để có thặng dư cán cân thanh toán - dấu hiệu này sẽ không tồn tại lâu được.


Bắc Kinh không thể quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ một cách nghiêm túc hoặc thúc đẩy việc trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu, bởi vì nó không cho phép hai cơ chế duy nhất có thể mang lại điều này: điều hành thâm hụt cán cân thanh toán, hoặc cho phép dịch chuyển vốn ra bên ngoài một cách cởi mở và tự do.


Hơn nữa, Trung Quốc cũng là một phần của tổ chức tài chính có trụ sở tại Bỉ có tên là Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) - với 11.000 công ty tài chính tại hơn 200 quốc gia nhận thanh toán để giải quyết khoảng 5 nghìn tỷ USD giao dịch mỗi ngày. Trong đó, 3/4 các khoản thanh toán được giải quyết bằng đồng đô la Mỹ và euro, trong khi đồng nhân dân tệ chiếm khoảng 1,5% đến 2%.


Hoa Kỳ có quyền loại trừ những người tham gia khỏi hệ thống này, chỉ bằng cách từ chối quyền truy cập vào thanh toán bù trừ đô la Mỹ trong các ngân hàng của Hoa Kỳ. Trung Quốc đang cố gắng phát triển phiên bản riêng của sàn giao dịch này, nhưng ít có hiệu quả.


Họ cũng mong đợi sự tiến bộ trong việc phát triển một loại tiền kỹ thuật số để có thể gạt đồng đô la Mỹ sang một bên, nhưng điều này cũng khó xảy ra, vì các đồng tiền dự trữ không phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, mà là sự cởi mở, khả năng chuyển đổi, tính minh bạch, pháp quyền và quy định đáng tin cậy.


Hệ thống tài chính toàn cầu dựa trên đồng đô la Mỹ sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong tương lai gần.



Vũ Hán không phải là Chernobyl của Trung Quốc


Cách đây hơn một năm, một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang trải qua thời khắc "Chernobyl" (vụ tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân) - với đại dịch Covid-19 kinh hoàng ở Trung Quốc. Theo ước tính của các nhà dự báo khu vực tư nhân, khi hoạt động kinh tế sụp đổ và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên hơn 20%, ông Tập được cho là đang đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, gây nguy hiểm cho quyền lực của ông, tính hợp pháp và tham vọng dẫn đầu toàn cầu của chính quyền này. Tuy nhiên, Chernobyl Trung Quốc không xảy ra.


Chính quyền Trung Quốc đã cố gắng kiểm soát đại dịch, cho phép nền kinh tế quay trở lại bằng sự “bất đối xứng” - phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng và chi tiêu cơ sở hạ tầng, nhưng chi tiêu tiêu dùng lại rất yếu. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế trở lại đã giúp Trung Quốc “tự hào” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, và cung cấp một bối cảnh thuận lợi cho lễ kỷ niệm 100 năm của ĐCSTQ.


Năm nay thực sự sẽ là một năm bận rộn đối với ông Tập. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 đến 2025) của ĐCSTQ sẽ ưu tiên hàng đầu chiến lược về khoa học và công nghệ do nhà nước lãnh đạo - dự kiến sẽ được trao cho 1,4 nghìn tỷ USD - được thiết kế để Trung Quốc tự chủ và dẫn đầu toàn cầu về công nghệ tiên tiến.


Theo các nhà hoạch định Trung Quốc, nước này sẽ trở thành một “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở trình độ cao” vào giữa thế kỷ này, hay nói cách khác là để cạnh tranh hoặc vượt qua Hoa Kỳ với tư cách là cường quốc thống trị toàn cầu.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (L) được Chủ tịch tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi cho xem các văn phòng của hãng công nghệ Trung Quốc Huawei tại London trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông vào ngày 21 tháng 10 năm 2015.(Getty Images)


Các mục tiêu kinh tế và công nghệ của Trung Quốc là đầy tham vọng, nhưng không có nghĩa là tất cả đều có thể thành hiện thực. Như Yogi Berra đã có câu châm biếm nổi tiếng: "Tương lai không như trước đây". Nói cách khác, những điều đã làm trong quá khứ, như chuyển công nhân từ trang trại đến nhà máy, hoặc việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, sẽ không thể lặp lại.


Dưới thời ông Tập, sự “nhấn mạnh” trở lại đối với các doanh nghiệp nhà nước và vai trò của các tổ chức ĐCSTQ trong nền kinh tế và trong các công ty - đã gạt các doanh nghiệp tư nhân sang một bên - vốn là xương sống của sự bùng nổ kinh tế Trung Quốc.


Như ông Tập đã tuyên bố: "Chính phủ, quân đội, xã hội và trường học, bắc, nam, đông và tây - ĐCSTQ lãnh đạo tất cả".


Hơn nữa, đã rất lâu Trung Quốc mới phải đối mặt với một môi trường bên ngoài thù địch như bây giờ. Trung Quốc là nước hưởng lợi lớn từ quá trình toàn cầu hóa, nhưng nó sẽ hoạt động như thế nào khi một phần của môi trường này trở nên bất lợi?


Triển vọng kinh tế không sáng như quảng bá


Nhà phân tích Andrew Scobell lập luận rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc giỏi chỉ ra các cuộc khủng hoảng, tuy nhiên ít có khả năng thực sự giải quyết chúng. Ông cho rằng cần phải phân tích rõ ràng về Trung Quốc để tránh bị lôi kéo vào một loại tâm lý “vây hãm một mặt”.


Ví dụ, đằng sau bề mặt “đôi bên cùng có lợi” và “sự trỗi dậy không thể tránh khỏi” của Trung Quốc - những thuật ngữ xuất hiện thường xuyên trong cách nói của các nhà lãnh đạo Trung Quốc - ông nhận thấy sự bất an, bất ổn về chính trị; thậm chí là những câu hỏi quan trọng về tuổi thọ và sự kế vị của ông Tập.



Đại dịch và hành vi của Trung Quốc từ khi phát hiện ra những trường hợp đầu tiên của COVID-19 vào tháng 11 năm 2019 đến thời điểm hiện tại, cho thấy một mâu thuẫn thú vị. Sự kiểm soát độc đoán, yêu cầu tuân thủ và ngăn chặn tranh luận - chắc chắn đã giúp Trung Quốc quản lý một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Nhưng chúng cũng tạo thành những lỗ hổng đáng kể trong bánh răng phát triển kinh tế cho quốc gia này.


Trong vòng một thế kỷ qua, đã có ba trường hợp đáng lưu ý: Đức từ những năm 1930 đến 1941, Liên Xô vào cuối những năm 1950 và 1960, và Nhật Bản vào những năm 1980. Mặc dù hoàn cảnh khác nhau đáng kể, nhưng mỗi quốc gia được đặc trưng bởi một mô hình phát triển kinh tế thiếu sót - với sự kết hợp của một số chính phủ độc tài, sự thống trị của một đảng độc tôn và các thể chế kinh tế, xã hội và luật pháp yếu kém.


Như nhà kinh tế hàng đầu Trung Quốc Michael Pettis đã chỉ ra rằng, các chính phủ độc tài rất giỏi trong việc xây dựng các nhà vô địch quốc gia để ngăn chặn sự cạnh tranh ở nước ngoài, nhưng không thúc đẩy sự cạnh tranh và năng động ở trong nước. Họ rất giỏi trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng không chú ý đến chất lượng hoặc hiệu quả kinh tế thương mại. Họ nhấn mạnh đến thành tựu khoa học và công nghệ, nhưng lại bỏ qua điều quan trọng là ứng dụng thương mại, xây dựng thương hiệu và sự lan tỏa của chúng vào nền kinh tế. Điều đó đòi hỏi một hệ thống tài chính hiệu quả và việc phân bổ vốn tốt.


Ngay cả "ông lớn" Alibaba của Trung Quốc từ lâu cũng đã chịu sự chỉ đạo của ĐCSTQ, với nhà sáng lập Jack Ma là Đảng viên ĐCSTQ, tập đoàn này “đương nhiên” đi theo các đường lối “đạo đức” mà ĐCSTQ yêu cầu (Ảnh: Andrew Burton/Getty Images)


Tất cả những điều này cần các thể chế mạnh mẽ, bao trùm và thích ứng (pháp lý, cạnh tranh, quy định, giáo dục...) cho phép xã hội khai thác giá trị từ đầu tư và người lao động - để hoạt động ở mức hiệu quả và tăng năng suất cao hơn.


Trong khi các mục tiêu của Trung Quốc là tăng trưởng khoảng 5% trong 20 đến 30 năm tới, tôi nghĩ sẽ may mắn nếu đạt được hơn một nửa trong số đó, và điều này gây rủi ro cho nội bộ nền kinh tế cũng như trong việc tạo việc làm - cả hai điều này là quan trọng về mặt chính trị. Ngoài ra, điều này sẽ có tác động rất lớn đến ngân sách quốc phòng và thế trận quân sự của Trung Quốc.


Như Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã chỉ ra, Trung Quốc đặt mục tiêu có một quân đội ngang bằng hoặc tốt hơn Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ này, bất chấp nhiều lỗ hổng và thiếu sót có thể được chỉ ra. Mục tiêu đó trở nên khó đạt được với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn, nhưng cũng dễ hình dung tại sao Trung Quốc đang đấu tranh giành nguồn tài nguyên “một cách tàn nhẫn hơn nhiều” nếu miếng bánh kinh tế tăng trưởng chậm hơn.


Trung Quốc đang phải đối mặt với một núi nợ đáng kể, mà việc phụ thuộc vào tạo tín dụng đang kéo dài và điều này sẽ dẫn đến tăng trưởng thấp hơn trong nhiều năm, trong khi nước này cố gắng thu hồi vốn phân bổ sai. Định nghĩa rộng hơn, nợ/GDP hiện đã hơn 300%, phần lớn do các doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương gánh chịu, nhưng nợ hộ gia đình đang tăng lên, hiện đang cao hơn tỷ trọng thu nhập khả dụng so với ở Hoa Kỳ - điều này nhanh chóng cũng trở thành một hạn chế đối với nền kinh tế.


Nợ xấu, đầu tư phi thương mại và đầu tư "vô độ" vào cơ sở hạ tầng, các ngân hàng dễ bị tổn thương - tất cả sẽ không biến mất, và sẽ phải trả bằng cách nào đó trong những năm tới.


Một hạn chế tăng trưởng nữa là tốc độ già hóa nhanh chóng, Trung Quốc là quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Theo dữ liệu của Ban Dân số Liên Hợp Quốc, Trung Quốc sẽ phải phụ thuộc nhiều vào công dân lớn tuổi; dân số trong độ tuổi lao động giảm vào năm 2050 và một hệ thống an sinh xã hội sơ sài không đáp ứng được nhiệm vụ chăm sóc dân số già.


Trung Quốc cũng phải đối mặt với viễn cảnh mà các nhà kinh tế gọi là "bẫy thu nhập trung bình". Điều đó có nghĩa là trong khi GDP vẫn có thể tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người có thể bị mắc kẹt ở mức thấp hơn nhiều so với mức đạt được của một nhóm các nền kinh tế tiên tiến.


Đây là hiện tượng mà đa số các nước mới nổi và đang phát triển phải trải qua kể từ những năm 1960, trong đó tốc độ tăng trưởng nhanh chóng giảm dần khi các nước trở thành “nước có thu nhập trung bình” - phần lớn là do không phát triển được các thể chế mạnh mẽ cần thiết để duy trì sự phát triển, một khi việc khai thác lao động thể chất và vốn đã cạn kiệt. Trung Quốc hiện đang ở thời điểm này.


Không ai biết chắc liệu một nhà nước độc tài - chuyên theo dõi và giám sát dữ liệu - có thể thực hiện các mục tiêu công nghệ của mình hay không, nhưng chúng ta biết Trung Quốc đang tập trung vào công nghệ tiên tiến như thể đó là việc phát triển bom nguyên tử. Điều đó nói lên rằng, kinh nghiệm còn yếu kém của Trung Quốc với chất bán dẫn - trung tâm của công nghệ tiên tiến; và việc nước này tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu, với giá trị nhập khẩu vượt quá giá trị của dầu thô - những điều này là rất nghiêm trọng.


Hơn 50 tỷ USD trợ cấp cho phát triển công nghệ - vẫn chưa cho phép Trung Quốc có thể sánh ngang với kinh nghiệm, tài năng và bí quyết mà Hoa Kỳ, Đài Loan, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn vượt trội.



Phần kết luận


Trong nhiều năm, Trung Quốc đã sử dụng kết hợp các chính sách do nhà nước chỉ đạo và các cơ chế thị trường được lựa chọn - để xây dựng một nền tảng kinh tế cho phép nước này củng cố an ninh quốc gia trong nước; và mở rộng địa chính trị ra nước ngoài trong thập kỷ qua. Các quan chức ở Washington ngày càng coi đây là mối đe dọa đối với các lợi ích sống còn của Mỹ.


Các chính sách kinh tế, công nghiệp và công nghệ của Trung Quốc luôn thuộc loại “Trung Quốc trên hết”, được thiết kế để hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà sản xuất trong nước. Tuy nhiên, phát triển kinh tế không phải là một con đường tuyến tính, và cấu trúc quyền lực tập trung cao độ của Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những cơn bão kinh tế ngày càng gia tăng.


Sự phụ thuộc quá mức vào các cá nhân chủ chốt và việc ra quyết định từ trên xuống, thay vì cấu trúc thể chế và thị trường - đang đe dọa nền kinh tế này. Nói tóm lại, an ninh kinh tế của Trung Quốc không được đảm bảo.


Hơn nữa, như chuyên gia Trung Quốc Rana Mitter đã chỉ ra, sự hiện diện an ninh ngày càng tăng của Trung Quốc ở nước ngoài, được thúc đẩy bởi hoạt động hậu cần kinh tế, thương mại, vận chuyển và chuỗi cung ứng... cũng đang có những tác động tiêu cực. Thật vậy, chủ nghĩa độc tài, chính sách đàn áp và ngoại giao cưỡng bức của Trung Quốc sau đại dịch - đã góp phần gây ra phản ứng dữ dội ngày càng tăng về sự phẫn nộ và nghi ngờ - không chỉ giữa các nền kinh tế thị trường phát triển mà còn cả các quốc gia trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.


Hoa Kỳ nên lưu ý vì nhiều quốc gia sẽ cố gắng lôi kéo chính quyền Biden theo những cách khác nhau - có thể vô tình gây phương hại đến kinh tế hoặc an ninh quốc gia. Tăng cường các thỏa thuận kinh tế và thương mại với các nước khác, đặc biệt là ở châu Á, được coi là một mục tiêu quan trọng.


Washington nên cẩn thận để không làm tổn hại quá nhiều đến các lợi ích kinh tế trong nước, vì về lâu dài, những lợi ích này là cốt lõi của an ninh quốc gia Mỹ và với vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. An ninh kinh tế của Mỹ bắt nguồn từ sức mạnh, cấu trúc của nền kinh tế và hệ thống tài chính của chính nó, cũng như sự năng động của các doanh nghiệp và văn hóa của Mỹ.


Nói một cách khác, về sự cạnh tranh với Trung Quốc, Bộ Quốc phòng, và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cần tập trung vào sức mạnh của Detroit (công nghiệp Mỹ), Disney (văn hóa Mỹ), và đồng Đô la Mỹ (tài chính Mỹ).


Tác giả: George Magnus, trước đây là nhà kinh tế trưởng của UBS, là cộng sự nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford và tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi ở London. Ông là tác giả của “Cờ Đỏ: Tại sao chính quyền Trung Quốc của ông Tập Cận Bình đang trong cảnh hiểm nguy”.


   Mời xem thêm »



© Lê Minh - Tâm An
    NTDVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages