“Sự trở lại của văn học đô thị miền nam”: Đi đâu mà trở lại? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

“Sự trở lại của văn học đô thị miền nam”: Đi đâu mà trở lại?


Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng. Ảnh Tuấn Khanh


Hơn một năm trước, thật may mắn được chứng kiến buổi ngỏ ý của một nhà xuất bản, muốn tái bản lại cuốn Vòng tay học trò của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, một cây viết quen thuộc của độc giả miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Với Nguyễn Thị Hoàng, thì đó rõ là điểm sáng đáng quý trên bầu trời lấp lánh của văn chương tự do miền Nam Việt Nam trước năm 1975.


Thoáng thấy trên Facebook, báo điện tử… những lời chia sẻ với nhà văn Nguyễn Thị Hoàng với cuốn sách Vòng tay học trò được tái bản, cùng sự hào hứng quen gọi tên là tác phẩm thuộc “dòng văn học đô thị miền Nam”.


Nghe đột nhiên chạnh lòng. Nghe “đô thị”, có vẻ như co cụm và không thuộc về nhân dân. Nói như nhà văn Nguyễn Hưng Quốc, nói văn chương “đô thị” miền Nam, thì không sai nhưng thừa. Bởi sự nhấn nhá riêng “đô thị” của miệng lưỡi tuyên truyền là thừa ác ý. Có nơi còn gọi là sự “trở lại”!


Thế nhưng văn chương miền Nam đi đâu mà trở lại?



Toàn bộ chữ nghĩa đã được hình thành, nuôi dưỡng và tồn tại suốt trong hai nền cộng hòa ở miền Nam Việt Nam chỉ có một hành trình duy nhất là đi xuyên qua sự thù hận, chà đạp và hủy diệt… mà dù có đau đớn hay rách nát thế nào, nền văn chương (hay nền văn hóa Cộng hòa miền Nam Việt Nam nói chung) vẫn tiếp tục tồn tại trong một thời đại mới và tỏa sáng với những tư tưởng tự do không kiểm duyệt.


Văn chương miền Nam Việt Nam, tự nó cũng giống như số phận của ông Khai Trí, một người ước mơ đem sách và chữ đến cho dân tộc mình, rồi chính quyền mới, nói tiếng Việt, tịch thu. Gia sản tri thức bị đốt và bản thân ông cũng bị cầm tù. Nhưng câu chuyện Khai Trí và những ấn phẩm của ông vẫn tiếp tục lưu truyền một cách im lặng trong lòng người dân Việt Nam, mà có những giai đoạn phải thầm kín và gìn giữ trong nơm nớp sợ hãi không khác gì những tờ truyền đơn của người Do Thái trong thời Phát xít Đức.


46 năm, suốt thời thống nhất địa lý, văn chương miền Nam Việt Nam (chứ cũng không phải là đô-thị-miền-Nam), trở thành một di sản quý được tìm mua với những giá ngày càng đắt. Hãy thử nghĩ xem, vì sao một tổng tập của nhà thơ Tố Hữu có thể được in ấn tuyệt đẹp, trợ giá bán rẻ vẫn không có sức thu hút bằng một tập thơ mỏng, cũ rách của Nguyên Sa hay Thanh Tâm Tuyền?


“Văn học đô thị miền Nam” – cách gọi bị ám ảnh từ lối tuyên truyền văn hóa của chính quyền mới sau năm 1975 cho đến nay – vẫn ngầm chứa trong đó một sự khinh thị, chỉ để góp vào cái nhìn toàn cảnh cố không công nhận miền Nam Việt Nam là một chính thể. Rất nhiều những tham luận, những nghiên cứu, và cả cuốn sách dày cộp của tác giả Trần Trọng Đăng Đàn “Văn hóa văn nghệ Việt Nam từ 54 đến 75” đều coi văn chương miền Nam là một thứ hỗn độn hình thành từ sự phồn vinh giả tạo của Mỹ-Ngụy.


Báo Nhân Dân số ra ngày 13-9-2016, với bài viết “Ứng xử với văn học miền Nam trước năm 1975” của tác giả Hạnh Nguyễn, còn nói với giọng trịch thượng rằng “bằng sự gạn đục khơi trong, chính quyền cách mạng đã cho phép lưu hành 1.067 cuốn sách tiếng Việt, 562 cuốn sách tiếng Anh, 359 cuốn từ điển bằng tiếng nước ngoài”.


Sự cho phép nó chỉ là một giả định trên đời sống thật. Không có phép thì suốt vài thập niên nay, người miền Nam vẫn ca hát những bài hát không được duyệt, thậm chí còn làm cho nó lan ra đến cả nước. Sách vở không được in, không có phép thì vẫn được chuyền tay nhau, và vẫn được thế hệ mới ngày hôm nay tìm đọc với một sự thích thú về khung trời tự do trong tư tưởng. Cho phép và không cho phép, chỉ là màn trình diễn giả định về luật pháp giữa người dân và chính quyền, nghiễm nhiên tồn tại suốt bấy lâu nay.



Vì vậy, cách nói rằng văn chương đô thị miền Nam “trở lại”, khi có dăm ba cuốn sách cũ tái bản, có vẻ khiên cưỡng trong sự thật lịch sử của một di sản văn hóa vĩ đại của Việt Nam Cộng Hòa.


Nói “trở lại” là giả tạo trong việc mô tả một chính quyền đủ tốt để dung nhận tất cả. Giả tạo như tất cả mọi thứ trong cuộc sống đang là một vòng quay đẹp đẽ theo tự nhiên, nhưng lờ hẳn phần xin lỗi về một giai đoạn mà những nhà văn, nhà thơ miền Nam đã từng bị tù đày, và tác phẩm của họ thì bị đấu tố như kẻ thù của dân tộc.


Trong tiểu luận “Văn học Miền Nam 1954 – 1975: những Khuynh hướng chủ yếu và thành tựu hiện đại hóa” của giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Như Phương, mô tả về căn nguyên quan trọng ra đời của nền văn hóa văn nghệ Miền Nam Việt Nam là bởi “nhờ đồng lương và các khoản thu nhập khác, nên một bộ phận công chức và giới trung lưu có thể chi tiêu những khoản tiền vào việc mua sắm theo ý muốn, ngoài các nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Chính đây là tiền đề dẫn đến sự hình thành một thị trường văn nghệ ở miền Nam những năm 1954 – 1975”.


Có vẻ sự căn bản hình thành của văn chương miền Nam Việt Nam thực dụng và không được cao quý, theo cách mô tả của tất cả những ngôn luận nhận định từ bên thắng cuộc. Nhưng lại không hiểu vì sao hàng chục năm xây dựng xã hội chủ nghĩa, với những thành tựu xuất chúng, như trên báo chí vẫn nói, xã hội cách mạng hôm nay vẫn reo mừng khi những thứ bị chà đạp ấy quay “trở lại”, như Vòng tay học trò của nữ sĩ Nguyễn Thị Hoàng, và của nhiều trí thức từng bị phủ nhận khác.


   Mời xem thêm »



© Tuấn Khanh
    Tuấn Khanh Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages