Vì sao các cuộc tẩy chay của chúng ta thường không đi đến đâu? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 7 tháng 4, 2021

Vì sao các cuộc tẩy chay của chúng ta thường không đi đến đâu?


Giải pháp bền vững hơn đòi hỏi kiến thức và trách nhiệm, và nó bắt nguồn từ chính mỗi người.
Xếp hàng chờ H&M khai trương một cửa hàng mới tại TP. Hồ Chí Minh năm 2019. Ảnh: Người đô thị.


H&M có lẽ là thương hiệu được nhắc đến nhiều nhất ở cả Trung Quốc và Việt Nam trong những ngày qua.


Được nhắc đến nhiều như vậy không phải là vì quần áo của hãng thời trang này đang trở thành “bestseller”. Ngược lại, họ đang là đối tượng của các cuộc tẩy chay.


Tuần vừa rồi, cư dân mạng Trung Quốc đã cùng kêu gọi tẩy chay H&M và một số công ty thời trang khác vì các doanh nghiệp này từ chối sử dụng bông Tân Cương. Nguồn bông từ Tân Cương có dấu hiệu của việc cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ.



Phong trào tẩy chay H&M ở Việt Nam cũng diễn ra sôi động không kém cạnh, nhưng lại không liên quan gì đến vấn đề nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ. Các cuộc tẩy chay tại Việt Nam xuất phát từ cáo buộc H&M chấp nhận yêu cầu của chính quyền Trung Quốc, sử dụng một tấm bản đồ có hình đường lưỡi bò. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy cáo buộc này là có cơ sở.


Trên thực tế, việc các tập đoàn đa quốc gia lớn đối mặt với các cuộc tẩy chay của người tiêu dùng không phải là điều hiếm gặp. H&M lại càng không phải là một ngoại lệ. Và tôi cũng nằm trong số những người quyết định sẽ không bao giờ mua các sản phẩm của H&M.


Nhưng đó là quyết định từ lâu, kể từ khi hãng thời trang này xuất hiện trên thế giới.


Lý do tôi chưa từng và sẽ không bao giờ sử dụng quần áo của H&M (cũng như một số hãng thời trang tương tự) là vì triết lý kinh doanh của họ: theo đuổi việc sản xuất thời trang nhanh (fast-fashion).


Thời trang nhanh, hay thời trang mì ăn liền, hiện là một xu hướng vô cùng thịnh hành trên thế giới. Tuy nhiên, xu hướng thời trang này lại đang mang đến những tác động cực kỳ tiêu cực đến môi trường.


Thay vì cho ra mắt những mẫu quần áo có chất liệu bền, thiết kế đơn giản để có thể sử dụng lâu dài, các công ty thời trang nhanh lại ưu tiên sản xuất những sản phẩm hợp thời, nhưng chóng lỗi mốt. Kết quả là khách hàng bỏ tiền ra mua những bộ trang phục mà họ chỉ khoác lên người một vài lần, rồi sau đó sẽ quăng chúng vào một góc tủ.


Không chỉ với vấn đề thời trang nhanh, tôi cũng áp dụng tiêu chuẩn này đối với những công ty có liên quan đến vấn đề cưỡng bức lao động hay thử nghiệm trên động vật.


Là người tiêu dùng, mỗi người trong chúng ta đều nắm giữ một thanh “thượng phương bảo kiếm” đầy quyền uy trong tay, đó chính là quyền được lựa chọn. Chúng ta có quyền chọn mua, cũng như có quyền tẩy chay những sản phẩm hoặc thương hiệu không phù hợp với triết lý sống của mình.



Tuy nhiên, đa số các vụ tẩy chay của người Việt Nam thường chỉ dừng lại ở phần ngọn.


Quay lại chuyện tẩy chay H&M, giả sử hãng thời trang Thụy Điển thật sự công khai sử dụng tấm bản đồ như thế, việc tẩy chay công ty này cũng không là một giải pháp mang lại hiệu quả bền vững.


Vào năm 2016, người tiêu dùng Việt Nam rầm rộ kêu gọi tẩy chay sản phẩm nước mắm công nghiệp của Masan, một doanh nghiệp trong nước. Trước đó, doanh nghiệp này được cho là đã triển khai chiến dịch truyền thông bẩn nhằm hạ thấp uy tín các sản phẩm nước mắm thủ công truyền thống. Kết quả của phong trào tẩy chay trên khá ấn tượng. Giá cổ phiếu của Masan sau hơn hai phiên giao dịch giảm từ 90.000 xuống còn 89.000/ cổ phiếu, khiến vốn hóa thị trường của họ bốc hơi hơn một nghìn tỷ đồng.


Tẩy chay xong, chuyện lại đâu vào đấy. Minh họa: DAD/ Tuổi Trẻ.


Thế nhưng bẵng đi ba năm, mọi chuyện rồi đâu lại vào đấy. Trong số liệu công bố vào năm 2019, nước mắm công nghiệp chiếm đến 75% thị phần trong nước. Thị trường dành cho nước mắm truyền thống thì vẫn đang ngày một teo tóp lại. Vào thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu của Masan ổn định trên mức 92.000/ cổ phiếu.


Nếu chịu khó nhìn nhận kỹ lưỡng, bản chất của vấn đề trên thật ra không nằm ở chai nước mắm truyền thống hay công nghiệp, nó nằm ở chính nhu cầu của chúng ta. Nước mắm công nghiệp có ưu điểm là rẻ, tiện lợi, có thể tìm thấy ở bất cứ đâu.


Người tiêu dùng Việt Nam nói chung ưa thích sự tiện lợi và đặt giá thành sản phẩm lên hàng đầu. Ngoài những điều đó ra, những khía cạnh khác như vấn đề an toàn thực phẩm hay triết lý kinh doanh của doanh nghiệp không phải là những điều làm chúng ta bận tâm. Các cuộc tẩy chay chỉ kéo dài được trong một thời gian ngắn, sau đó ai cũng lại quay về với sự tiện nghi mà những sản phẩm kia mang lại.


Vậy thì chúng ta phải tẩy chay như thế nào mới bền vững?


Câu trả lời là trước tiên, mỗi người hãy tập làm những người tiêu dùng có kiến thức và có trách nhiệm.


Để làm một người tiêu dùng có kiến thức, cụ thể là trong vấn đề chủ quyền biển đảo, mỗi người Việt Nam có thể bắt đầu bằng việc quan tâm và tìm hiểu thêm về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với kiến thức thu thập được từ đó, chúng ta có thể cùng nhau đề ra những giải pháp bền vững hơn để luôn giữ hai quần đảo này thật gần. Tất nhiên quá trình này sẽ mất nhiều thời gian và công sức, nhưng lại quan trọng và thiết thực hơn nhiều so với việc đi tẩy chay một doanh nghiệp nước ngoài chỉ dựa trên những thông tin mơ hồ chưa xác thực.


Không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển đảo, mỗi người tiêu dùng cũng nên đặt vấn đề với cả những doanh nghiệp trong nước có dấu hiệu phá hoại tài nguyên rừng, lấn biển xây đô thị bất chấp các rủi ro về môi trường, hay tiếp tay cho quân đội nước ngoài thực hiện các hành vi tội ác.



Và để làm một người tiêu dùng có trách nhiệm, chúng ta hãy thử tìm hiểu thêm về những vấn đề mà mình quan tâm và đặt ra một số chuẩn mực nhất định cho lựa chọn đó. Các tiêu chí trên có thể liên quan đến việc bảo vệ môi trường, bảo đảm phúc lợi của động vật, theo đuổi sản xuất bền vững hay tôn trọng chủ quyền quốc gia.


Điều này sẽ buộc các doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn đối với những sản phẩm và dịch vụ của mình ngay từ ban đầu.


Người biểu tình Myanmar đã và đang làm những công dân có cả kiến thức lẫn trách nhiệm như thế. Họ tẩy chay các dịch vụ có liên quan đến quân đội bằng cách bẻ SIM Mytel, ngưng dự trữ các sản phẩm do quân đội sản xuất, đồng thời dõng dạc tuyên bố: “chúng tôi không muốn đồng lõa với một chế độ giết người”.


Còn đối với người Việt Nam, nếu vẫn cứ mãi lười biếng không chịu tìm hiểu rõ ngọn ngành của vấn đề, hay tìm cách thoái thác trách nhiệm chỉ để đáp ứng nhu cầu tiện nghi nhất thời cho bản thân, chúng ta sẽ vẫn mãi là những đối tượng bị ai đó dắt mũi, thay vì trở thành những khách hàng thông thái nắm giữ một quyền năng vô hạn.


Lựa chọn thay đổi nằm trong tay của mỗi người.


   Mời xem thêm »



© Giang Sơn
    Luật Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages