Cập nhật tình hình Biển Đông ngày 22 tháng 5 năm 2021 - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

Cập nhật tình hình Biển Đông ngày 22 tháng 5 năm 2021


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (phải), Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng (trái). Ảnh: BELT&ROAD NEWS

The Financial Times ngày 21.5 tiết lộ Trung Quốc đã ba lần từ chối đề nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin về việc trao đổi với Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng…

I. Biển Đông

1. Tàu chiến Mỹ thực hiện FONOP ở Hoàng Sa

Ngày 20.5, khu trục hạm Mỹ USS Curtis Wilbur tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở quần đảo Hoàng Sa. Thông tin này được một phát ngôn viên của Chiến khu Nam bộ tiết lộ đầu tiên trong một tuyên bố phản đối.



Ngay sau đó, Hạm đội 7 cũng đưa ra một thông báo về hoạt động của tàu USS Curtis Wilbur, trong đó bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng tàu nước này đã “trục xuất” chiến hạm Mỹ. Đây là FONOP đầu tiên ở Biển Đông được công khai trong hơn 3 tháng qua, sau đợt FONOP ở Trường Sa vào ngày 16.2 của tàu USS Russell.

Thông báo của phía Mỹ cho hay tàu Curtis Wilbur đã thách thức đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc đơn phương vạch ra ở Hoàng Sa, đồng thời thách thức các hạn chế đối với quyền qua lại vô hại. Có hai điểm đáng chú ý trong đợt FONOP lần này. Đầu tiên, thông báo của phía Mỹ khá dài và chi tiết so với các thông báo tương tự trước đây. Một điểm đáng chú ý khác là phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng đưa ra một tuyên bố riêng phản đối hoạt động của Mỹ. Trước đó, Trung Quốc thường chỉ thể hiện sự phản đối thông qua Chiến khu Nam bộ.

Dựa vào hai điểm bất thường này, không loại trừ khả năng đợt FONOP mới nhất của Mỹ căng thẳng hơn thường lệ trên thực địa.

2. Chuyển động quân sự khác

Tàu sân bay USS Ronald Reagan đã chính thức bắt đầu chuyến tuần tra ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo thông báo của Hải quân Mỹ ngày 19.5. Hộ tống tàu này là khu trục hạm USS Hasley (DDG-97) và tuần dương hạm USS Shiloh (CG-67).

Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh cùng với các tàu chiến Mỹ, Hà Lan trong đội hình hộ tống sẽ lên đường bắt đầu chuyến triển khai đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong hôm nay 22.5.

Ngày 21.5, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đến thăm chiếc tàu và phát biểu về chuyến triển khai, theo Reuters.

"Một trong những điều chúng tôi sẽ làm rõ là chứng minh cho những người bạn của chúng tôi ở Trung Quốc rằng chúng tôi tin tưởng vào luật biển quốc tế và theo một cách tự tin nhưng không đối đầu, chúng tôi sẽ chứng minh quan điểm đó".

Chúng tôi không muốn gây sự với bất kỳ ai, nhưng chúng tôi nghĩ rằng Vương quốc Anh đóng một vai trò rất quan trọng, với bạn bè và đối tác, người Mỹ, người Hà Lan, người Úc, người Ấn Độ và nhiều người khác, trong việc duy trì sự thượng tôn pháp luật, hệ thống dựa trên quy tắc quốc tế mà tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào".

Sau một thời gian ngắt quãng khoảng 3 tuần, chiến đấu cơ Trung Quốc lại tiếp tục bay vào Vùng nhận diện phòng không Đài Loan trong 2 ngày 20 và 21.5.

Ngày 20.5, hai tiêm kích bom JH-7 bay vào khu vực cùng với một máy bay cảnh báo sớm Y-8 và một máy bay săn ngầm Y-8.



Ngày 21.5, hai chiến đấu cơ J-16 bay vào khu vực cùng với một máy bay cảnh báo sớm Y-8 và một máy bay săn ngầm Y-8.

Lần gần nhất trước đó chiến đấu cơ Trung Quốc bay vào ADIZ Đài Loan là ngày 30.4. Trong thời gian ngắt quãng vừa qua, chỉ có máy bay Y-8.

Việc chiến đấu cơ Trung Quốc tiếp tục bay vào ADIZ Đài Loan có thể là phản ứng trước việc tàu Curtis Wilbur mới băng qua eo biển Đài Loan và tiến hành FONOP ở Hoàng Sa.

Tổ chức nghiên cứu được Bắc Kinh hậu thuẫn: Rủi ro xung đột eo biển Đài Loan 'cao nhất từ trước đến nay' - SCMP

3. Philippines - Trung Quốc

Trong một bài bình luận trên website của tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), chuyên gia Renato Cruz De Castro ở Đại học De La Salle cho rằng Tổng thống Duterte đã từ chối sự hỗ trợ từ Mỹ trong vụ đối đầu xuất phát từ sự hiện diện của tàu dân binh Trung Quốc ở Ba Đầu.

Vào ngày 9 tháng 4, Ngoại trưởng Antony Blinken đã gọi điện cho Ngoại trưởng Locsin để bày tỏ quan ngại của Washington về sự tập trung của tàu dân quân biển Trung Quốc ở Biển Đông, và quan trọng hơn là để tái khẳng định khả năng áp dụng của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines 1951 (MDT) ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã gọi điện cho Bộ trưởng Lorenza để bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ với đồng minh của mình và thông báo cho người đồng cấp Philippines rằng tàu USS Theodore Roosevelt và các tàu hộ tống đang hoạt động ở Biển Đông.

Sau đó, NTF-WPS đã đưa ra một tuyên bố rằng Philippines đánh giá cao những tuyên bố hỗ trợ từ các đối tác quốc tế có chung sự tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc phù hợp với luật pháp quốc tế. Bộ Ngoại giao Philippines cũng đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh rằng MDT đã “đứng vững trong gần 70 năm, trước những thách thức và diễn biến địa chính trị gần đây ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Tây Philippines.” Bộ Quốc phòng thậm chí còn nêu ra triển vọng tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ khi một người phát ngôn của bộ thông báo: “Khi tình hình ở Biển Tây Philippines tiến triển, chúng tôi luôn để ngỏ mọi lựa chọn của mình trong việc quản lý tình hình, bao gồm cả việc viện đến quan hệ đối tác của chúng tôi với các quốc gia khác như Mỹ”

Tuy nhiên, Tổng thống Duterte đã nhanh chóng bác bỏ ý tưởng tìm kiếm sự trợ giúp của Mỹ. Người phát ngôn của Tổng thống Harry Roque đã lên tiếng chỉ trích Mỹ, bày tỏ nghi ngờ về việc liệu Philippines có thể trông cậy đồng minh của mình trong trường hợp xảy ra xung đột toàn diện ở Biển Đông hay không. Tuyên bố được đưa ra ngay sau khi Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez tiết lộ rằng Mỹ chỉ đợi một cuộc gọi của Philippines nếu Philippines cần sự hỗ trợ từ đồng minh của mình. Tổng thống Duterte sau đó xuất hiện trên truyền hình bày tỏ sự bất bình đối với Mỹ, tuyên bố Philippines không nên trông cậy vào sự giúp đỡ từ đồng minh lâu đời nhất của mình đối với tranh chấp lãnh thổ kéo dài với Trung Quốc.



Liên quan đến quan hệ Mỹ - Philippines, tờ Foreign Policy tiết lộ các nhà đàm phán hai nước đã kết thúc quá trình đàm phán về việc gia hạn Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) giữa hai nước.

Hiện thỏa thuận đã được trình lên Tổng thống Duterte và chỉ còn chờ chữ ký của ông này.

Tổng thống Duterte cân nhắc mời các cựu tổng thống họp bàn để tham vấn về Biển Đông - ABS CBN

Philippines - Trung Quốc tham vấn về Biển Đông - ABS CBN

II. Mỹ - Trung

Có một diễn biến đáng chú ý trong quan hệ Mỹ - Trung là tờ The Financial Times ngày 21.5 tiết lộ Trung Quốc đã ba lần từ chối đề nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin về việc trao đổi với Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng.

Lý do của việc Mỹ khăng khăng làm việc với ông Hứa Kỳ Lượng là vì theo một số ý kiến của giới chức quốc phòng Mỹ, ông Hứa, sĩ quan cấp cao nhất trong hệ thống lãnh đạo quân đội Trung Quốc đồng thời là một Ủy viên Bộ Chính trị, mới là người ngang cấp với ông Austin, chứ không phải Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa.

Bình luận:

Việc phía Mỹ chọn làm việc với phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc gợi ý phía Mỹ muốn thay đổi cách đối thoại quân sự với Trung Quốc, muốn xử lý trực tiếp, nhanh chóng và có hiệu quả căng thẳng giữa quân đội hai nước thời gian gần đây.

Tuy nhiên, về phía Trung Quốc, với cơ chế lãnh đạo tập thể, vị trí phó chủ tịch Quân ủy Trung ương tuy trên danh nghĩa là sĩ quan lãnh đạo cấp cao nhất của quân đội, cũng không phải là người đưa ra quyết định. Vì những vấn đề liên quan hệ quan hệ Mỹ - Trung được quyết định ở cấp cao nhất, nên tiếp xúc giữa với ông Hứa hay ông Ngụy chỉ là khác biệt mang tính hình thức hay thể diện.

Ngoài tiếp xã giao các vị khách đến thăm, vị trí Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc thường chỉ được cử đi thăm các đồng minh, đối tác thân thiện nhằm thúc đẩy quan hệ, thể hiện sự tin cậy song phương.



Trong một số trường hợp, đối với các nước không mấy thân thiện, vị trí này được cử làm phái viên để giải quyết những vấn đề mà Bắc Kinh đánh giá là nghiêm trọng hoặc khẩn cấp.

Chẳng hạn, trường hợp chuyến đi của ông Phạm Trường Long đến Việt Nam vào tháng 7.2017, với cuộc khủng hoảng quanh vụ Repsol khi ấy. Ngay trước đó, ông Phạm Trường Long cũng có chuyến đi bất thường đến Tây Ban Nha.

Một chuyến đi khác cũng đáng chú ý là chuyến đi của ông Quách Bá Hùng đến Hà Nội vào tháng 4.2011. Tháng 5 năm đó, Trung Quốc ngang ngược cắt cáp tàu Bình Minh 02.

Theo ý kiến của tôi, việc Trung Quốc từ chối tiếp xúc giữa ông Hứa Kỳ Lượng và ông Austin ngoài mục đích thể hiện sự bất mãn đối với Mỹ, đặc biệt trong vấn đề Đài Loan, còn có thể vì Bắc Kinh cho rằng căng thẳng giữa quân đội hai nước chưa đến mức phải viện đến vị trí phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, vốn được để dành cho những trường hợp nghiêm trọng và khẩn bách nhất hoặc khi cần đưa ra tối hậu thư. Nghĩa là Trung Quốc vẫn tự tin rằng căng thẳng và đối đầu giữa quân đội hai nước vẫn trong tầm kiểm soát.


   Mời xem thêm »


© Trung Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages