Dịch COVID-19 bùng phát mạnh tác động đến cuộc bầu cử Quốc hội 15 và tăng trưởng thế nào? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

Dịch COVID-19 bùng phát mạnh tác động đến cuộc bầu cử Quốc hội 15 và tăng trưởng thế nào?


Hình minh họa: Người dân đi qua tấm biển kêu gọi mọi người phòng chống dịch COVID-19 trên đường phố Hà Nội hôm 28/1/2021.AFP

Theo phương thức “đảng cử dân bầu” kết quả bầu cử Quốc hội khoá XV được “xác định trước” và không thể thay đổi, nhưng tăng trưởng kinh tế sẽ giảm sút bởi tác động của dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh. Ứng phó với dịch và điều hành kinh tế bộc lộ năng lực của chính quyền trong “thời chiến”, nhưng cần giải pháp chính sách chuẩn bị cho trạng thái “bình thường mới”

“Bùng phát mạnh”

Đợt bốn dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh và được truyền thông nhà nước mô tả là “phức tạp” và “nguy hiểm”. Dịch được cho là bùng phát từ ngày 27 tháng 4 năm 2021 từ nhiều “ổ dịch”, “bất ngờ” đối với chính quyền địa phương. Tính đến tối ngày 20 tháng 5 đã có 1.761 ca lây nhiễm, lây lan trong nước tại 29 tỉnh, thành phố; đã có thêm 2 ca tử vong và hơn 50 bệnh nhân nặng….



Theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế Việt Nam, bốn đợt dịch bệnh đã và đang bùng phát trong cộng đồng. Đợt 1 kéo dài 85 ngày, từ 23/1 đến 16/4/2020, lây lan trong 13 tỉnh thành với 100 ca nhiễm, trong đó ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại TP.HCM, là ca nhập cảnh từ Vũ Hán, Trung Quốc;

Đợt 2 kéo dài 129 ngày, từ 25/7 đến 1/12/2020, tại 15 tỉnh, thành phố với 554 ca nhiễm, 35 ca tử vong, cao điểm diễn ra tại Đà Nẵng trong hơn 1 tháng từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8, ca bệnh đầu tiên được cho là một bệnh nhân của Bệnh viện C Đà Nẵng, nhưng không rõ nguồn lây;

Đợt 3 kéo dài 57 ngày, từ 28/1 đến 25/3/2021, tại 15 tỉnh, thành phố với 910 ca nhiễm, bùng phát chủ yếu tại tỉnh Hải Dương, chiếm 80%, từ một người xuất khẩu lao động được phát hiện dương tính khi nhập cảnh Nhật Bản, cũng chưa rõ nguồn lây…. Và nay đang là đợt dịch thứ tư...

“Mua vaccine”

Các đợt dịch liên tiếp trong năm qua cho thấy nó sẽ còn kéo dài, ngày càng phức tạp và nguy hiểm. Chính phủ nhấn mạnh chiến lược “tấn công”, giải pháp ‘vaccine’ là căn cơ, bền vững, bởi vậy mới ký Nghị quyết số 9/NQ-CP ngày 18/5, trong đó xác định việc mua vaccine là “cấp bách”. Dù muộn mằn, nhưng nó đã bổ sung cần thiết cho cách điều hành với các chỉ thị 16, 15 và 19 mang nặng tính hành chính về mức độ phong toả và giãn cách xã hội.

Hình minh hoạ. Một người được tiêm vaccine chống COVID-19 ở Hà Nội hôm 17/5/2021. AFP

Sau mỗi đợt dịch, những bài học kinh nghiệm chống COVID-19 được đúc kết để ứng phó trước nguy cơ đại dịch kéo dài. Theo tôi, một bài học cần thiết là khắc phục bệnh thành tích. Thành công hay dẫn đến tự mãn và chủ quan. “Ưu thế” của chế độ trong “thời chiến: chống dịch như chống giặc” được ca ngợi quá mức kiểu như “sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị”, “quyết tâm chính trị”, “cách tiếp cận đúng đắn”, “sự đồng lòng” của người dân và chính quyền các cấp…. khiến cho lãnh đạo một số địa phương, cơ quan chuyên môn có biểu hiện “tự mãn” và người dân có tâm lý “chủ quan”. Cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng nguồn lực có hạn, hô hào quyết tâm, nhưng năng lực hạn chế, trạng thái thời chiến nhưng sức dân không nên phải và không thể kéo dài…. Đã có những quan chức địa phương “lơ là” để xảy ra sự cố lây lan dịch bị kỷ luật, nhiều người dân không chấp hành quy định đeo khẩu trang, tụ tập bị phạt tiền….



Câu hỏi đặt ra lúc này không phải là khi nào hết dịch, mà là khi nào xã hội bước sang “trạng thái bình thường mới”. Trước mắt là cuộc bầu cử Quốc hội khoá 15 và hội đồng nhân dân các cấp và tăng trưởng kinh tế chịu tác động của dịch COVID-19 như thế nào và sự điều hành của chính quyền ra sao?

“Không là thành tích”

Đợt dịch thứ tư này đang bao phủ cuộc bầu cử Quốc hội khoá 15 và Hội đồng nhân dân các cấp, sự kiện đang diễn ra với ngày được ấn định là 23 tháng 5 này. Theo phương thức “đảng cử dân bầu” kết quả bầu cử Quốc hội khoá XV được “xác định trước” và không thể thay đổi, nhưng không thể coi là “thành tích”. Mặc dù, các công việc chuẩn bị như tổ chức nhân lực, bảo vệ, các địa điểm, hòm phiếu, danh sách ứng viên, cử tri… đang hoàn tất để quảng bá rầm rộ như “ngày hội toàn dân”. Vì tác động của dịch nên vận động bầu cử nơi có dịch có thể đã chuyển sang hình thức trực tuyến hoặc hạn chế số người, đề nghị bầu cử sớm ở khu vực phong tỏa đang được cân nhắc…. Như vậy, sự ảnh hưởng của đợt dịch này đến cuộc bầu cử lần này chỉ có thể là nguy cơ lây nhiễm đối với những ai đi bầu. Các vị cử tri cần tự bảo vệ mình để tránh rủi ro.

Một người dân đi qua tấm biển cổ động cho Đại hội 13 Đảng Cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội hôm 22/1/2021. AFP

Bầu cử theo phương thức “đảng cử dân bầu”, không có cạnh tranh, các ứng viên thực chất đã được xác định trước. Việc “rà soát” nhân sự qua ba vòng “hiệp thương” của Mặt trận tổ quốc – cơ quan quan hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của độc Đảng Cộng sản đã “chốt” xong danh sách ứng viên. Tính đại diện các đại biểu chủ yếu vẫn theo tỷ lệ cơ cấu trung ương và địa phương. Sau Đại hội 13, Đảng đã “hoàn tất” nhân sự cấp cao, đặc biệt là các uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, ở Kỳ họp 11 Quốc hội khoá 14, nay được cử “tham gia” Quốc hội khoá 15. “Tam trụ”: Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội sẽ lại lần nữa, sau hơn hai tháng, tuyên thệ trung thành với Đảng….

“Điều hành khó khăn”

Chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19 bùng phát khiến cho tăng trưởng chắc sẽ sụt giảm và điều hành kinh tế của Chính phủ trở nên khó khăn. Tăng trưởng kinh tế không chỉ có ý nghĩa quan trọng với việc làm, thu nhập và sinh hoạt của người dân, mà còn thể hiện tính chính danh của Đảng và chế độ. Nếu tăng trưởng chậm lại có thể làm giảm niềm tin dân chúng vào năng lực chính quyền. Đại hội Đảng 13 đặt mục tiêu tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình năm trong nhiệm kỳ (2021-2026) là 6,5 đến 7%. Các nhà hoạch định chính sách “lạc quan về triển vọng”, mặc dù đã thận trọng với các phương án, nhưng mục tiêu kế hoạch sẽ không thể được thực hiện. Hơn thế, dường như họ có vẻ “lúng túng” trước sự tác động “phức tạp” và “khác thường” của các đợt dịch này.

Sự tác động “nhãn tiền” của dịch đang làm giảm nhịp độ tăng trưởng, số doanh nghiệp phá sản, tạm dừng sản xuất kinh doanh tăng nhanh, kéo theo số thất nghiệp, nghỉ việc “dồn dập”, thu nhập khó khăn, cuộc sống đảo lộn. Số các khu công nghiệp, chế xuất, nơi tạo ra doanh thu lớn cho tăng trưởng, tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương bị tạm dừng hoạt động tăng lên. Vụ đông trong dịp tết Nguyên đán vừa qua phải “giải cứu”, nhưng nông dân vẫn chịu thiệt hại nặng và, nay vụ mùa vải ở các tỉnh trên hứa hẹn bội thu, nhưng thu hoạch và tiêu thụ trong bối cảnh dịch căng thẳng đang là vấn đề nóng.



Tác động chung từ đại dịch vẫn đang rất nặng nề: đứt gãy chuỗi cung ứng khiến cho cung và cầu nội địa đều sụt giảm, vận tải hàng không, đường sắt bị gián đoạn, khó khăn về logistics, giá containers tăng vọt, thiếu làm hàng hoá tắc nghẽn, giá nhập các nguyên liệu như đồng, sắt, chip điện tử, đậu nành, thức ăn chăn nuôi… tăng đột biến, “bong bóng” bất động sản, “bóng ma” lạm phát cao, thực thi đầu tư công ì ạch, ách tắc giải ngân, … đang đe doạ tăng trưởng kinh tế không chỉ trước mắt, năm nay, mà cả giai đoạn sau. Sự ‘bùng nổ” chứng khoán và sự giầu lên của các tỷ phú, đại gia là những chỉ số phản ánh “méo mó” về dòng tiền dư dả và sự bất cập chính sách….

Có thể nói về một vài điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế, tuy nhiên chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng kinh tế do Đảng và Quốc hội đề ra chắc sẽ không thể đạt được và phải điều chỉnh, nhưng phải chờ… Quốc hội mới.

Sự phân tích trên cho thấy sự duy ý chí, đặc tính của chế độ, có thể cần trong “tình trạng thời chiến” và chỉ nên vận dụng điều hành kinh tế như giải pháp “cấp bách”. Chính sách cải cách cần hướng đến tạo dựng các nguyên tắc, như tư nhân hoá, mở rộng tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng…. để các quy luật kinh tế thị trường hoạt động thay vì mệnh lệnh hành chính. Đối với Quốc hội, đã đến lúc thay đổi tính đại diện và phương thức bầu cử sao cho các đại biểu thực sự có năng lực “chuyên” với nhiệm vụ chuyển đổi kinh tế và “hồng” mà không bị níu kéo bởi ý thức hệ xã hội chủ nghĩa giáo điều.

   Mời xem thêm »


© TS. Phạm Quý Thọ
    Blog RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages