Israel-Gaza: Phân tích góc độ pháp lý trong chiến tranh - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

Israel-Gaza: Phân tích góc độ pháp lý trong chiến tranh


Nguồn: Guglielmo Verdirame, Israel-Gaza: What the law says about the fighting. | BBC - LONDON
Israel đã tiến hành các cuộc không kích ở Gaza/REUTERS

Luật pháp quốc tế quy định việc các quốc gia sử dụng vũ lực quân sự và tiến hành các hành vi thù địch.

Giống như trong hầu hết xung đột hiện đại, có một cuộc tranh luận gay gắt về tính hợp pháp của các hành động của hai bên liên quan chính ở đây - Israel và Hamas.

Như trong các hoạt động trước đây ở Gaza, Israel có thể lập luận rằng hành động của họ là hợp lý theo quyền tự vệ.



Được quy định tại Điều 51 của Hiến chương LHQ, quyền tự vệ là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Mặc dù các khía cạnh của nguyên tắc này còn bị tranh cãi, nhưng mọi người đều nhất trí rằng một quốc gia có thể tự bảo vệ họ trước một cuộc tấn công vũ trang.

Nguyên tắc tự vệ

Có tranh luận về cường độ của một cuộc tấn công vũ trang trước khi một quốc gia có thể sử dụng biện pháp tự vệ một cách hợp pháp. Hầu hết các luật sư quốc tế sẽ đồng ý rằng tên lửa được phóng vào dân thường làm gián đoạn đời sống xã hội của một quốc gia sẽ cấu thành một cuộc tấn công vũ trang theo Điều 51.

Tuy nhiên, những dữ kiện cơ bản về khả năng tự vệ thường bị tranh cãi. Các bên tham gia xung đột hiếm khi thống nhất được ai là kẻ tấn công và ai là người bảo vệ - và xung đột giữa Israel và Palestine cũng không phải là ngoại lệ. Trong trường hợp này, những người chỉ trích lập trường của Israel cũng đưa ra hai lập luận pháp lý.

Đầu tiên, họ cho rằng quyền tự vệ chỉ có để đánh một quốc gia khác, chứ không thể chống lại một tổ chức phi nhà nước như Gaza. Hành vi của nhà nước, đặc biệt là kể từ sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001, đã đi ngược lại cách giải thích này về quyền tự vệ, nhưng Tòa án Công lý Quốc tế thì lại chưa giải quyết được câu hỏi này.

Thứ hai, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế nói Gaza vẫn bị Israel chiếm đóng vì mức độ mà Israel kiểm soát. Israel khẳng định rằng họ đã không chiếm đóng Gaza kể từ khi rút quân vào năm 2005 và một vùng lãnh thổ không thể bị chiếm đóng nếu không có "lính trên mặt đất".

Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế nói Gaza vẫn bị Israel chiếm đóng vì mức độ mà Israel kiểm soát/REUTERS

Quyền tự vệ cũng có giới hạn. Luật pháp quốc tế cho phép các quốc gia tự vệ trong những trường hợp thích hợp, nhưng chỉ với vũ lực cần thiết và tương xứng.

Một nhận thức sai lầm phổ biến là tính tương xứng trong tự vệ có nghĩa là 'chơi nhau sát ván'. Điều này không phải như vậy: luật quốc tế không có chỗ cho việc sử dụng vũ lực để trả thù.

Trong một số trường hợp, một phản ứng cần thiết và tương xứng sẽ đòi hỏi việc sử dụng lực lượng quân sự lớn hơn so với cuộc tấn công ban đầu. Nhưng với những trường hợp khác, một quốc gia sẽ có thể tự vệ hiệu quả dù dùng ít vũ lực hơn.

Nguyên tắc tự vệ rơi vào nhóm luật quốc tế quy định việc sử dụng vũ lực hoặc "sắp xảy ra chiến tranh" (thường được gọi bằng thuật ngữ Latin jus ad bellum, tức là "luật chiến tranh").

Trong khi đó, còn có một loại luật quốc tế riêng khác lại quy định việc tiến hành các hành vi thù địch khi xung đột đã bắt đầu. Nó gọi là luật xung đột vũ trang (hay gọi là "luật trong chiến tranh"). Luật xung đột vũ trang chỉ áp dụng cho các tình huống có thể được xem là xung đột vũ trang, và nó có các bộ quy tắc khác nhau điều chỉnh các xung đột vũ trang quốc tế hoặc phi quốc tế.

Bắt đầu một cuộc chiến tranh từ "lẽ phải" không giúp một nhà nước nhiều quyền hơn trong việc đánh đấm so với kẻ thù/REUTERS

Luật xung đột vũ trang

Luật xung đột vũ trang được áp dụng bất kể lý do gì mà đã khiến một bên phải dùng đến vũ lực.

Bắt đầu một cuộc chiến tranh từ "lẽ phải" không giúp một nhà nước nhiều quyền hơn trong việc đánh đấm so với kẻ thù. Một quốc gia có khi sử dụng lực lượng hợp pháp nhưng chỉ để thực hiện các hành vi trái pháp luật trong quá trình xảy ra xung đột vũ trang - và ngược lại.

Luật xung đột vũ trang bao gồm các quy tắc chi tiết về các khía cạnh khác nhau của việc tiến hành các hành vi thù địch (bảo vệ dân thường, đối xử với tù nhân chiến tranh, lãnh thổ bị chiếm đóng, v.v.). Tất cả những quy tắc này đều dựa trên sự cân bằng của bốn nguyên tắc chính: tính nhân văn và sự cần thiết quân sự, phân biệt và tương xứng.

Nguyên tắc nhân văn đòi hỏi những kẻ hiếu chiến phải tránh đau khổ và tàn ác không cần thiết. Nhưng đối trọng với nó là sự cần thiết quân sự.



Sách hướng dẫn pháp lý của quân Anh nói rằng sự cần thiết quân sự cho phép một nhà nước sử dụng vũ lực, trừ khi bị cấm. Điều này "cần thiết để đạt được mục đích chính đáng của cuộc xung đột, cụ thể là sự khuất phục hoàn toàn hoặc một phần của kẻ thù trong thời điểm sớm nhất có thể và với chi phí tối thiểu về sinh mạng và tài nguyên ". Lập luận rằng các cuộc oanh tạc của Israel vào Gaza là không hiệu quả vì luôn không ngăn chặn được các cuộc tấn công bằng tên lửa, theo một nghĩa nào đó, có thể chứng minh sự vô ích của việc sử dụng vũ lực trong bối cảnh này. Tuy nhiên, từ góc độ cần thiết quân sự, nó có thể biện minh cho việc sử dụng vũ lực lớn hơn cần thiết để đạt được mục tiêu ngăn chặn các cuộc tấn công.

Tất nhiên, việc luật pháp cho phép một hành động nào đó không làm cho hành động đó trở nên khôn ngoan theo nghĩa chính trị, đạo đức hay chiến lược.

Trong bất kỳ trường hợp nào, sự cần thiết quân sự không thể biện minh cho các hành động bị cấm hoặc nói chung là dẫn đến việc "gây ra đau khổ vì đau đớn hoặc để trả thù".

Các chiến binh Palestine ở Gaza đã phóng loạt tên lửa về phía các trung tâm dân cư của Israel/REUTERS

Nguyên tắc phân biệt

Nền tảng trong luật xung đột vũ trang là nguyên tắc phân biệt: các bên tham gia xung đột luôn phải phân biệt giữa chiến binh và dân thường.

Các cuộc tấn công vào dân thường và các đối tượng dân sự luôn bị cấm.

Nguyên tắc phân biệt cũng nghiêm cấm đe dọa bạo lực nhằm mục đích gieo rắc nỗi kinh hoàng trong dân thường, cũng như các cuộc tấn công mà về bản chất, không thể nhắm vào một mục tiêu quân sự cụ thể. Chẳng hạn, việc phóng tên lửa vào miền nam Israel được cho là vi phạm sự phân biệt vì bản chất bừa bãi.

Nhưng khi nào thì một đối tượng trở thành mục tiêu quân sự hợp pháp?

Luật pháp quốc tế xác định các mục tiêu quân sự là "các vật thể ... đóng góp hiệu quả vào hoạt động quân sự ... và nếu bị phá hủy toàn bộ hoặc một phần thì mang lại lợi thế quân sự nhất định".

Xe tăng của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) hoặc bệ phóng tên lửa Hamas nằm trong danh mục này.



Các vấn đề nảy sinh khi có cái gọi là mục tiêu lưỡng dụng, chẳng hạn như đài truyền hình Serbia bị Nato đánh bom trong Chiến tranh Kosovo 1999.

Nhưng khó khăn nảy sinh khi một mục tiêu quân sự được phép, chẳng hạn như một bệ phóng tên lửa hoặc một kho đạn dược, nằm ở vị trí gần dân thường hoặc các đối tượng dân sự. Hầu như mọi quyết định nhắm mục tiêu ở một khu vực đông dân cư như Gaza sẽ liên quan đến những tình huống như vậy.

Không dễ để xác định các dữ kiện trong hoặc sau một cuộc xung đột vũ trang/EPA

Tương xứng

Đây là lúc mà nguyên tắc tương xứng phát huy tác dụng.

Bất cứ khi nào có nguy cơ thiệt hại về tính mạng dân sự hoặc thiệt hại về tài sản dân sự, những người tham chiến phải cân bằng giữa lợi thế quân sự đã dự đoán trước với rủi ro gây ra cho dân thường và tài sản.

Trong một số trường hợp, điều này có nghĩa - như cựu chủ tịch Tòa án Công lý Quốc tế, Thẩm phán Rosalyn Higgins, đã viết - rằng "ngay cả một mục tiêu hợp pháp cũng có thể không bị tấn công nếu thương vong dân sự xảy ra không tương xứng với lợi thế quân đội cụ thể thu được từ cuộc tấn công".

Kẻ tấn công cũng có nhiệm vụ ngừng một cuộc tấn công ngay lập tức nếu trong quá trình đó, nhận ra rằng dân thường sẽ phải đối mặt với rủi ro quá lớn.

Nhắm vào các mục tiêu quân sự ở các khu vực đông dân cư thì ai cũng sẽ phải làm mọi thứ để xác minh bản chất của các mục tiêu và tránh sai sót.

Việc thực hành thả tờ rơi hoặc gọi điện cho người dân trước khi xảy ra vụ đánh bom được Israel đưa ra như một bằng chứng về nỗ lực tuân thủ quy tắc này.



Nhưng các nhà phê bình trả lời rằng những phương pháp này không phải lúc nào cũng hiệu quả trong việc ngăn ngừa thiệt hại về người và rằng, ngay cả khi chúng xảy ra, không thể tránh khỏi sự hủy hoại tài sản dân sự cũng như gây đau khổ cho dân thường.

Ngược lại, một cáo buộc thường xuyên được đưa ra nhằm vào Hamas là nhóm này cố tình gây nguy hiểm cho dân thường của mình bằng cách đặt các mục tiêu quân sự vào chỗ dân cư.

Nếu đúng, điều này chắc chắn sẽ là một hành vi vi phạm nghiêm trọng luật xung đột vũ trang, nhưng nó không làm giảm nhẹ nghĩa vụ của Israel trong việc tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết để giảm thiểu thiệt hại về nhân mạng.

Tính hợp pháp của một quyết định nhắm mục tiêu cụ thể thường sẽ phụ thuộc vào thực tế. Có một mục tiêu quân sự thực sự không? Có thể bắn trúng mục tiêu đó mà vẫn tránh được thiệt hại nào về nhân mạng không?

Hàng chục dân thường đã thiệt mạng trong khi hàng trăm người khác bị thương trong những ngày gần đây/REUTERS

Nhân quyền

Tòa án Công lý Quốc tế đã nhiều lần ra phán quyết rằng việc áp dụng luật nhân quyền vẫn còn trong thời kỳ chiến tranh.

Họ đồng thời khẳng định rằng luật xung đột vũ trang là luật đặc biệt áp dụng trong lĩnh vực này vì nó được phát triển đặc biệt để giải quyết những thách thức đặc biệt của chiến tranh.

Điều này có nghĩa gì trong thực tế không phải lúc nào cũng rõ ràng, đặc biệt là đối với các quyết định nhắm mục tiêu.

Tuy nhiên, khi nói đến các cuộc đụng độ tại các làng Ả Rập ở Israel, hiện nay không có sự áp dụng luật xung đột vũ trang: liệu phản ứng của Israel có phù hợp với luật pháp quốc tế trong những trường hợp đó hay không sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào áp dụng luật nhân quyền.



Đông Jerusalem là một tình huống phức tạp hơn bởi vì, tuy Israel sáp nhập nơi này vào lãnh thổ của mình, thành phố vẫn được đa số các bên coi là một phần của lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.

Cuối cùng, phải nhớ rằng luật xung đột vũ trang cũng chỉ có thể giảm bớt sự khủng khiếp của chiến tranh. Một cuộc chiến tranh, dù có tuân thủ cẩn thận tất cả các quy tắc, sẽ vẫn là tai họa.

Guglielmo Verdirame là giáo sư Luật Quốc tế tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh và Trường Luật Dickson Poon, Đại học King's College London.

   Mời xem thêm »


© Guglielmo Verdirame
    Department of War Studies, King's College London
    BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages