Các đảng ở Đức muốn tham gia tranh cử đã và đang lần lượt công khai chương trình tranh cử, giới thiệu chính thức các ứng cử viên xuất sắc nhất của mình.
Truyền thông Đức mở rộng diễn đàn cho các đảng, các ứng cử viên giới thiệu các ý tưởng và kế hoạch hành động của họ nếu được bầu, giúp cử tri hiểu rõ hơn về những khả năng lựa chọn
Cử tri Đức và bầu cử Đức
Là cử tri Đức, tôi thấy mình thực sự có quyền, bằng lá phiếu góp phần bầu ra những người đại diện cho quyền lợi của bản thân mình.Tôi cảm thấy mình là chủ nhân thực sự của đất nước, có quyền cho các đảng, các ứng cử viên tôi ưa thích cơ hội phục vụ đất nước, trong đó gồm cả gia đình tôi, thời gian cống hiến 4 năm. Làm tốt, họ sẽ được bầu lại, được gia hạn thêm 4 năm nữa. Làm tồi, họ sẽ bị phế truất, bị thay thế bởi những người khác, đảng khác tốt hơn.
Các chính trị gia, quan chức nhà nước Đức được tôi coi như những người làm công ăn lương, bị chịu sự giám sát chặt chẽ của các công dân như tôi, thông qua báo chí độc lập, tự do.
Như mọi lần trước, cuộc tranh luận về bầu cử trong gia đình tôi cũng nóng dần.
Vợ tôi bức xúc về giá cả leo thang, thành tích chống dịch không thuyết phục của chính phủ hiện nay, việc khách đến nhà chơi bị buộc phải trả phí đỗ xe bên đường và vấn đề môi trường v.v... "Thời gian cầm quyền của bà Merkel và đảng CDU của bà ấy kéo dài quá lâu, tạo ra sức ỳ" - vợ tôi nói thế và tôi đoán chừng, cô ấy sẽ bầu cho Đảng Xanh.
Tôi quan tâm nhiều đến số phận của EU, đến vai trò của Đức trên trường quốc tế. Cần phải có sự mạnh dạn thay đổi. Thế giới nay đã khác xa trước đây 20 năm, quan hệ quốc tế của Đức vì thế cần phải thay đổi. Đảng nào quan tâm nhiều nhất đến những vấn đề tôi quan tâm, sẽ nhận được lá phiếu bầu của tôi.
Các con của chúng tôi đã trưởng thành, chúng sốt ruột vì tốc độ số hóa của Đức quá chậm, vấn đề kỳ thị chủng tộc, chính sách di dân của Đức quá nhiều bất cập..., chúng lại tìm cách thăm dò xem bố mẹ định bầu ai, đảng nào và luôn có vẻ muốn thuyết phục chúng tôi ngả theo ý chúng, bầu chọn các đảng, các ứng viên mà chúng cho là thích hợp.
Cả nhà chúng tôi hễ có cơ hội và càng sát ngày bầu cử càng tranh luận sôi nổi.
Các đảng tổ chức vận động tranh cử cũng tích cực lắm. Pa nô, áp phích, hình ảnh các ứng cử viên tới một thời điểm nào đó cùng lúc xuất hiện đầy trên đường phố, trên các cột điện, nhưng chúng phải tuân theo các qui định rất chặt chẽ về kích thước, cự ly, cách thức và vị trí treo.
Một hình ảnh cũng khá quen thuộc là các bàn thông tin ở các nơi đông người, các khu đi bộ, các bến tàu điện ngầm. Các đảng cho các đảng viên của mình đi vận động, lấy lòng cử tri bằng cách tặng hoa, các món quà nho nhỏ như cục tẩy, cái bút bi, túi đi chợ...
Tôi từng chứng kiến dân chúng gọi cảnh sát Đức tới, đề nghị các bàn thông tin vặn máy tăng âm nhỏ xuống theo mức qui định, tránh làm ồn ào khu phố xung quanh.
Có lần các phụ huynh đi đón con đã yêu cầu cảnh sát tới xua đuổi một nhóm vận động bầu cử đi chỗ khác vì đã để quầy thông tin quá gần cổng trường học, tặng quà cả các cháu học sinh nhỏ tuổi. Điều đó không được phép.
Chúng tôi không bỏ sót kỳ bầu cử nào từ ngày chúng tôi có quốc tịch Đức.
Ngày đi bầu không hề giống một ngày hội. Như người dân Đức khác, chúng tôi lặng lẽ và khẩn trương thu xếp đi bầu, coi như đó là việc làm cần thiết của gia đình, cần tranh thủ thực hiện vào cuối tuần.
Chúng tôi sẽ có ngay cảm giác mất mát, mắc lỗi không quan tâm đến lợi ích của chính mình, gia đình mình, nếu không đi bầu.
Chúng tôi cũng không hề gặp trở ngại gì, không cảm thấy ai thúc giục hay sẽ trừng phạt mình nếu mình không đi bầu cử. Đó là quyền lợi của chúng tôi mà, không phải là nghĩa vụ.
Chính những khóa học tiếng Đức ban đầu, cuộc thi vào quốc tịch Đức, việc tìm hiểu về nơi mình đang sống đã tạo ra cho chúng tôi cách suy nghĩ và việc thực hiện quyền công dân của mình như vậy.
Cử tri Việt và bầu cử Việt
Rời Việt Nam khi tuổi xấp xỉ 30, tôi đã quan sát và trực tiếp trải qua một số cuộc bầu cử quốc hội của Việt Nam xưa kia.Sau hơn 30 năm sống ở nước ngoài, nay theo dõi quá trình tiến tới bầu cử quốc hội Việt Nam 2021, tôi rất ngạc nhiên và thất vọng, bởi vì không thấy có sự thay đổi gì về bản chất.
Tôi tin có rất nhiều người Việt Nam có chung suy nghĩ như tôi.
Làm sao cử tri Việt có thể có được tâm trạng hăng hái đi bầu, một khi họ biết rằng lá phiếu đâu có mang lại thay đổi gì. Đọc nhiều chia sẻ trên mạng xã hội những ngày này tôi nhận thấy rõ điều đó.
Có hai điều đặc biệt của năm 2021 này chắn hẳn khiến tâm trạng của cử tri Việt càng chẳng mấy vui.
Điều thứ nhất, quốc hội Việt Nam chưa được bầu mới mà chủ tịch quốc hội mới, chủ tịch nước mới, chính phủ mới với thủ tướng mới và đầy đủ nội các mới đã được hình thành đâu vào đấy mất rồi, thông qua kỳ đại hội đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua, đảng duy nhất được quyền lãnh đạo đất nước.
Nhiều người Việt than rằng: "Ôi, vậy thì còn bầu cử quốc hội mới làm gì nữa cho tốn kém?"
Điều thứ hai, tình hình đại dịch Covid-19 hơn bao giờ hết đang đe dọa tính mạng con người trên cả nước.
Hai hình ảnh trái ngược nhau, một bên là lực lượng đi truy dịch, dập dịch đang bị dàn trải vì mức độ lây lan nhanh chóng mặt của Covid-19 khiến họ kiệt sức, nằm lăn cả ra đất với nhau. Có các bệnh viện, các trung tâm cách ly đang lo thiếu cả trang bị vệ sinh dịch tễ. Họ cần phải được hỗ trợ cấp bách về sức người, về vật chất, trang thiết bị như có thể. Vấn đề đối phó với Covid-19 đang phải là ưu tiên số một hiện nay đối với Việt Nam.
Trong khi tình hình đang nước sôi lửa bỏng như vậy, việc đầu tư cho một hoạt động chính trị kềnh càng, tổn phí rất lớn về nhân lực và tài chính của cuộc bầu cử quốc hội Việt Nam lần này, tôi thấy thật sự phản cảm.
Tôi cứ thầm nghĩ, giá như những tốn kém đó được chuyển qua lo cho công tác chống dịch, mua vaccine để cứu người.
Đó là những quan sát, suy tư của cá nhân tôi, một Việt Kiều còn quan tâm đến quê hương, đất nước.
Tôi không thuộc về bất cứ một hội nhóm chính trị nào đối lập với nhà nước Việt Nam và vì vậy tôi cũng sẽ không vui, nếu ý kiến của tôi bị coi là có dụng ý cản trở hay phá hoại kỳ bầu cử quốc hội lần này của Việt Nam.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng hiện đang sống tại Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức.
© Lê Mạnh Hùng
Bài gửi từ Berlin
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét