Thái độ vô cảm của nhân viên công lực và mức kỷ luật cảnh cáo bị phản đối - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

Thái độ vô cảm của nhân viên công lực và mức kỷ luật cảnh cáo bị phản đối


Đại úy Nguyễn Văn Lâm (mặc quần xanh) đứng nhìn, không tham gia hỗ trợ anh Minh dù bị thương vẫn bắt cướp.




Đại úy Nguyễn Văn Lâm, cán bộ Công an thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội, người chỉ đứng nhìn dân bắt cướp, vừa bị kỷ luật cảnh cáo, thuyên chuyển công tác lên huyện làm cán bộ hỗ trợ tư pháp. Nhiều ý kiến dư luận cho rằng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối ông Lâm là quá nhẹ.

Trao đổi với RFA vào tối ngày 19/5 từ Việt Nam, cựu đại úy Võ Minh Đức, thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhận định:

“Kỷ luật cảnh cáo rồi đưa lên làm nhân viên hỗ trợ tư pháp trên công an huyện thì tôi thấy nó chưa xứng đáng với cái lỗi của anh ta. Đúng ra một cán bộ chuyên trách an ninh trật tự bảo vệ người dân thì thấy như thế phải nhảy vào can thiệp, để ngưng ngay chuyện vật lộn... và rõ ràng anh tài xế taxi bị đâm máu tuôn hết ra. Chưa nói đến tình người, ở đây là trách nhiệm của người mang tiếng là công an nhân dân. Chức năng cảnh sát là bảo vệ tính mạng tài sản cho người dân, giữ gìn trật tự an ninh, mà lại không thực hiện được việc đó, mặc dù có thể anh đang đi trên đường và đây không phải là nhiệm vụ chính của anh.”



Nếu mà tương xứng thì dứt khoát về phải lột sao, lột gạch (tước quân hàm), tước danh hiệu, tước quân tịch... Và thậm chí nếu xét về mặt luật hình sự thì phải đem ra nằm ở khung nào để truy tố. -Ông Võ Minh Đức


Theo ông Võ Minh Đức, rõ ràng hành động đứng nhìn bấm điện thoại để nhờ hỗ trợ là không thể chấp nhận và hành động kỷ luật của cơ quan chủ quản địa phương là không tương xứng. Ông Đức nói tiếp:

“Nếu mà tương xứng thì dứt khoát về phải lột sao, lột gạch (tước quân hàm), tước danh hiệu, tước quân tịch... Và thậm chí nếu xét về mặt luật hình sự thì phải đem ra nằm ở khung nào để truy tố. Là một người dân bình thường nếu bỏ mặt người bị tai nạn là cũng có thể bị xem xét truy tố hình sự rồi, chứ chưa nói đến chức trách nhiệm vụ của một người công an nhân dân, một người cảnh sát. Về cá nhân anh ta, tôi nghĩ được học hành đào tạo bài bản, cũng như có kiến thức nghiệp vụ thì không thể thờ ơ như thế được.”

Vụ việc xảy ra vào chiều ngày 16/5 khi Đặng Phạm Sáu - một tội phạm đang bị truy nã, đón taxi của anh Minh tại khu vực cầu Chương Dương để di Thanh Hóa. Nhưng khi đi đến đoạn đường Cienco 5 thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, anh Minh nghi ngờ ông Sáu không có tiền trả nên dừng xe không đồng ý đi nữa. Khi tranh cãi, ông Sáu đã dùng dao mang theo đâm vào vùng ngực trái anh Minh. Bị đâm bất ngờ vào chỗ hiểm nhưng anh Minh vẫn giằng co, vật lộn với Sáu và hô hoán bị cướp nên được người dân hỗ trợ.

Khi hình ảnh anh Minh bắt cướp được đăng tải thì dư luận mạng xã hội phát hiện có một người mặc áo thường phục, nhưng quần công an, chỉ đứng nhìn và không giúp anh Minh. Cơ quan chức năng sau đó xác minh người này là đại uý công an xã Nguyễn Văn Lâm như vừa nêu.

Trả lời RFA hôm 19/5 từ Sài Gòn, ông Trần Bang - một người bất đồng chính kiến, cho biết ý kiến của mình:

“Cái này theo tôi không phải là mới, từ trước đến nay đã nhiều vụ như vậy rồi, nên mới sinh ra hiệp sĩ đường phố vì thế. Mà đúng ra nhiệm vụ bảo vệ an ninh chống trộm cướp hình sự là nhiệm vụ chính của người công an mới đúng. Chứ không phải nhiệm vụ công an là đi bắt nhà báo như Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tường Thụy, hay Phạm Chí Dũng... thế nhưng ở Việt Nam là như vậy. Ngay ở Sài Gòn khi có trộm cướp, đánh nhau... gặp công an báo thì họ nói thuộc địa bàn bên kia, chỉ cách nhau mấy mét mà họ nói không thuộc địa bàn phường họ và người công an trốn tránh trách nhiệm.”



Theo ông Trần Bang, rất nhiều vụ như vậy nhưng không ai bị kỷ luật cả. Chỉ khi nào có lệnh cấp trên thì họ mới mở chuyên án, làm rùm beng, báo chí vào cuộc... phải có người quay phim chụp hình thì họ mới làm. Việc công an thờ ơ không hành động bắt cướp, theo ông Bang, là đã xảy ra nhiều. Ông Bang nói tiếp về trường hợp mới đây:

“Vụ vừa rồi họ lỷ luật thuyên chuyển người công an từ xã lên huyện là do dân người ta quay phim được... và nói ngay trực tiếp ‘công an mặc sắc phục mà không vào bắt cướp’... Người ta tố cáo và truyền thông mạng xã hội làm rùm bang lên... lúc đấy có lẽ họ không thể dừng được thì mới kỷ luật, mà kỷ luật thuyên chuyển công tác đấy thì cũng không có ý nghĩa gì nhiều lắm. Nó chỉ có ý nghĩa khi có sự đấu đá nội bộ, cần phải loại nhau, thì có tác dụng.”

Đại úy Nguyễn Văn Lâm (mặc quần xanh) đứng nhìn, không tham gia hỗ trợ anh Minh dù bị thương vẫn bắt cướp. Screen capture from video.

Một số ý kiến chuyên gia khi trả lời báo chí nhà nước cho rằng, hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với đại uý Nguyễn Văn Lâm là quá nhẹ. Trước ý kiến này, Giám đốc Công an Hà Nội - Trung tướng Nguyễn Hải Trung khi trả lời báo chí hôm 19/5 cho rằng phải thực hiện theo đúng trình tự, quy định.

Trong khi đó, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học thuộc Bộ Công an lại cho rằng, công an phải là hiệp sĩ bảo vệ người dân, phải chấp nhận tất cả nhiệm vụ... còn sợ thì hãy xin ra khỏi ngành.

Với trách nhiệm nghể nghiệp đòi hỏi phải giúp nạn nhân, mà không giúp thì có thể bị xử lý đến năm năm tù, theo quy định của điều 132 về tội ‘không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng’. -Luật sư Nguyễn Văn Hậu


Để tìm hiểu về mặt luật pháp liên quan vấn đề này, RFA hôm 19/5 liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, và được ông cho biết:

“Pháp luật Việt Nam có quy định người nào thấy người khác đang trong tình trạnh nguy hiểm đến tính mạng bản thân, mà mình đang có điều kiện giúp đỡ mà không giúp... dẫn đến nạn nhân đó thiệt hại... thì người không cứu giúp trong tình huống này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể hình phạt lên đến hai năm tù. Với trách nhiệm nghể nghiệp đòi hỏi phải giúp nạn nhân, mà không giúp thì có thể bị xử lý đến năm năm tù, theo quy định của điều 132 về tội ‘không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng’. Nếu người vi phạm là cán bộ thì ngoài việc xem xét xử lý hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cán bộ đó còn phải chịu kỷ luật về mặt chính quyền.”



Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng hình thức cảnh cáo người công an đó là vội vàng, chưa tương xứng tính chất của vụ việc, nạn nhân không chết nhưng cũng cần kỷ luật ở mức cao nhất là tước danh hiệu công an, nếu người này không tự viết đơn xin ra khỏi ngành. Mức án này, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, thì pháp luật Việt Nam đã quy định rõ, cho nên ông đề nghị phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Còn nếu xét về tình người, ông Võ Minh Đức cho biết, không hiểu người công an đó được giáo dục kiểu gì, mà hành động quá phản cảm như thế, mất tính người - tính nhân văn nhiều quá. Ông Đức đề nghị nhà chức trách xử lý thật nặng, để nghiêm khắc và làm gương cho những nhân viên công lực khác.

Xem video clip

   Mời xem thêm »


© RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages