Đại chiến Việt - Xiêm: Cuộc chiến tranh vệ quốc huy hoàng dài nhất lịch sử Việt Nam. Phần 7 (HẾT) - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

Đại chiến Việt - Xiêm: Cuộc chiến tranh vệ quốc huy hoàng dài nhất lịch sử Việt Nam. Phần 7 (HẾT)


×

Phần 1: Chiến tranh Việt Xiêm lần 1

Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý miền Nam, khiến lãnh thổ nước nhà mở rộng chưa từng thấy. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)




Miền Nam hai tiếng thân thương là địa danh chỉ phần đất màu mỡ, trù phú nhất của Tổ quốc. So với niên đại hàng mấy nghìn năm của miền Bắc thì miền Nam còn rất trẻ trung - khi mới có hơn 300 năm tuổi đời. Lịch sử miền Nam chủ yếu gắn liền với chế độ phong kiến cuối cùng của nước ta, nhà Nguyễn...

Đây chính là triều đại có công lớn nhất trong việc khai phá, mở rộng lãnh thổ Việt Nam trong suốt mấy trăm năm. Nhưng vì họ thất bại trước cuộc chiến tranh xâm lược của người Pháp vào thế kỷ 19 mà cho đến nay đa phần người Việt vẫn có cái nhìn khá thành kiến với triều đại phong kiến này. Tuy nhiên, lịch sử vẫn ghi nhận công lao của Nhà Nguyễn với một quá trình mở cõi và bảo vệ quốc gia thành công suốt hơn một thế kỷ, mà chiến tích huy hoàng nhất chính là cuộc chiến 5 lần chống lại đế quốc Xiêm La trong suốt 140 năm (1705-1845), dài hơn bất kỳ cuộc chiến tranh chống ngoại xâm nào trong lịch sử dân tộc.


Phần 1: Chiến tranh Việt Xiêm lần 1 (1705)

Thành hầu kinh lý đất Phiên An; Quân Xiêm đại bại trận Sầm Khê

Nước Quảng Nam hùng mạnh

Kể từ khi Tiên chúa Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp, đến thời vị Chúa thứ 6 là Minh Vương Nguyễn Phúc Chu, thì Nam Hà (lúc đó còn gọi là nước Quảng Nam) đã trở thành một thế lực cường thịnh trong khu vực. Bấy giờ, phía Nam nước ta lãnh thổ được mở mang đến tận biên giới Chân Lạp. Trong nước việc nội trị, võ bị, giáo dục được phát triển khá mạnh. Đến nỗi năm 1702, khi sứ Nam Hà sang cầu phong, triều thần nhà Thanh từng nhận xét rằng: “Nước Quảng Nam hùng trị một phương, Chiêm Thành, Chân Lạp đều bị thôn tính, sau tất sẽ lớn. Tuy nhiên nước An Nam còn có nhà Lê ở đó, chưa thể phong riêng được”.

Năm Mậu Dần 1698, lãnh thổ Nam Hà đã vươn lên một bước rất dài trên bản đồ Đại Việt.

Sử chép:
“Năm Mậu Dần (1698) mùa xuân, chúa sai Hữu Cảnh làm Thống suất, đem quân đi kinh lược Chân Lạp, lấy đất Đồng Phố, đặt làm phủ Gia Định phân chia đất ấy, lấy Đồng Nai làm huyện Phước Long, đặt doanh Trấn Biên, lấy Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng doanh Phiên Trấn. Mở đất nghìn dặm, dân được hơn 4 vạn hộ, bèn chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chính trở vào nam cho ở đất ấy. Đặt xã, thôn, phường ấp, khai khẩn ruộng đất, định ngạch tô thuế, làm sổ đinh. Đến lúc về, Hữu Cảnh lại lĩnh trấn như cũ”.

Bản đồ Nam Kỳ với các địa danh giữa thế kỷ 19. (Ảnh: Wikipedia)

Binh uy bình Chân Lạp

Lẽ dĩ nhiên là vương quốc Chân Lạp sẽ không thần phục dễ dàng, và vùng đất mới sẽ luôn phải tổn hao xương máu mới giữ vững được. Nhưng may là chúng ta có tướng quân Nguyễn Hữu Cảnh, một vị tướng giỏi nên đã nhanh chóng dẹp yên biên cảnh. Sử chép:

“Kỷ mão, năm thứ 8 (1699), mùa thu, tháng 7, Nặc Thu nước Chân Lạp làm phản, đắp các lũy Bích Đôi, Nam Vang và Cầu Nam, cướp bóc dân buôn. Tướng Long Môn là Trần Thượng Xuyên đóng giữ Doanh Châu (nay thuộc Vĩnh Long) đem việc báo lên. Mùa đông, tháng 10, lại sai Nguyễn Hữu Kính (Tức Nguyễn Hữu Cảnh) làm Thống suất, Cai bạ Phạm Cảm Long làm Tham mưu, Lưu thủ Trấn Biên là Nguyễn Hữu Khánh làm tiên phong, lãnh quân hai dinh Bình Khang, Trấn Biên, và thuộc binh 7 thuyền dinh Quảng Nam, cùng với tướng sĩ Long Môn đi đánh.



Tháng 2, Nguyễn Hữu Kính đem quân các đạo tiến vào nước Chân Lạp, đóng ở Ngư Khê (Rạch Cá), sai người dò xét thực hư, chia đường tiến quân.

Tháng 3, Thống binh Trần Thượng Xuyên cùng quân giặc đánh liên tiếp nhiều trận đều được. Khi quân ta đến lũy Bích Đôi và Nam Vang, Nặc Thu đem quân đón đánh. Nguyễn Hữu Kính mặc nhung phục đứng trên đầu thuyền, vung gươm vẫy cờ, đốc thúc các quân đánh gấp, tiếng súng vang như sấm. Nặc Thu cả sợ, bỏ thành chạy. Nặc Yêm (con vua thứ hai của Nặc Nộn) ra hàng, Hữu Kính vào thành, vỗ yên dân chúng. Mùa hè, tháng 4, Nặc Thu đến cửa quân đầu hàng, xin nộp cống. Nguyễn Hữu Kính báo tin thắng trận rồi lùi quân đóng đồn ở Lao Đôi, kinh lý việc biên giới”.
(Đại Nam Thực Lục tiền biên - quyển VII).

Tượng Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh trong đình Bình Kính, xã Hiệp Hòa, Biên Hòa. (Ảnh: Wikipedia)

Xiêm La bại trận Sầm Khê

Chuyện phải đến đã đến, thế lực của Nam Hà vươn dài vào phương Nam rồi cũng sẽ đụng phải Xiêm La - hay còn gọi là đế quốc Ayutthaya, một lực lượng có thể nói là mạnh mẽ nhất khu vực Đông Nam Á khi đó. Vì để ngăn quân chúa Nguyễn ảnh hưởng đến Chân Lạp mà hai bên Việt Xiêm đã nổ ra trận chiến đầu tiên vào năm 1705 tại Sầm Khê. Sử chép:

“Ất Dậu, năm thứ 14 [1705 - tức thời Lê Vĩnh Thịnh năm 1, Thanh Khang Hy năm 44], Sai Chánh thống cai cơ Nguyễn Cửu Vân (con Nguyễn Cửu Dực) đánh Chân Lạp và đưa Nặc Yêm về nước. Yêm là con Nặc Nộn. Trước là Nặc Nộn chết, Nặc Thu phong Yêm làm chức Tham Đích Sá Giao Chùy, đem con gái gả cho. Sau Thu vì tuổi già, truyền ngôi cho con là Nặc Thâm. Thâm ngờ Yêm có chí hướng khác, nổi binh đánh nhau, lại nhờ Xiêm La giúp. Yêm chạy sang Gia Định cầu cứu với triều đình. Chúa bèn sai Vân lãnh quân thủy bộ Gia Định tiến đánh Nặc Thâm. Vân đến Sầm Khê gặp quân Xiêm, đánh vỡ tan. Thâm cùng em là Nặc Tân chạy sang Xiêm. Nặc Yêm lại trở về thành La Bích. Bấy giờ Xá sai ty Phiên Trấn là Mai Công Hương làm tào vận tới sau, bị quân giặc chặn lại, lính vận tải sợ chạy. Hương bèn đục thủng thuyền làm đắm lương thực, rồi nhảy xuống sông chết. Giặc không được gì hết. Chúa nghe tin, sai phong Hương làm thần “Vị quốc tử nghĩa”, dựng đền để thờ. Chân Lạp dẹp xong, Vân nhân khẩn ruộng ở Cù Ao (thuộc tỉnh Định Tường), làm gương cho quân dân noi theo. Lại vì giặc thường đến đất này quấy rối sau lưng quân ta, bèn đắp lũy dài để vững phòng ngự.” (Đại Nam thực lục).


Lời bàn:

Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý miền Nam, khiến lãnh thổ nước nhà mở rộng chưa từng thấy. Các tướng lãnh nhà Chúa còn dùng binh thần tốc mà vỗ yên Chân Lạp, đánh tan Xiêm La trong vòng vài năm ngắn ngủi khiến cho biên cương được yên bình. Công lao của quân dân và ý chí sáng suốt của nhà Chúa quả đáng phục thay, nhờ đó mà hàng triệu con dân Việt có thêm nơi để mà sinh sống lập nghiệp, nước ta cũng có cơ trở nên cường thịnh. Nhưng vẫn còn đó kẻ địch mạnh dẫu thua nhưng lúc nào cũng lăm le tìm cơ phục hận. Chiến thắng Sầm Khê chỉ là khởi đầu cho chuỗi chiến công gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt để bảo vệ vùng biên cương mới của tổ quốc mà thôi, bánh xe lịch sử sẽ xoay vần ra sao, hãy chờ xem phần sau.

(còn tiếp...)

   Mời xem thêm »


© Minh Bảo
    NTDVN
×

Phần 2: Chiến tranh Việt Xiêm lần 2 (1718)

Sau khi Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý miền Nam, lãnh thổ do chúa Nguyễn cai quản tiếp tục được mở rộng vào tới Thủy Chân Lạp (Nam Bộ hiện nay). Nhà chúa không ngừng gây ảnh hưởng sang vùng Lục Chân Lạp phía Tây nên phải xung đột với đế quốc Ayutthaya - nước láng giềng cận kề phía Tây Chân Lạp cũng đang muốn gây ảnh hưởng tại đây...

Và đất Hà Tiên phải trải qua nhiều năm binh lửa tôi rèn nữa mới có thể nằm vững trong lãnh thổ Đại Nam. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)




Phần 2: Chiến tranh Việt Xiêm lần 2 (1718)

Chân Lạp nhị vương tranh nhất quốc
Quân Xiêm thừa dịp cướp Hà Tiên


Chân Lạp nội loạn, quân ta vây La Bích

Bản thân nước Chân Lạp cũng trong tình trạng loạn lạc vì tranh chấp nội bộ. Từ năm 1700, chúa Nguyễn đưa một hoàng tử Chân Lạp là Nặc Yêm lên làm vua Chân Lạp (quản lý phần lãnh thổ phía Đông). Một hoàng thân khác là Nặc Thu cũng xưng vương và quản lý phần phía Tây Chân Lạp. Hai thế lực liên tục gây chiến để tìm cách giành quyền quản lý toàn đất nước.



Nặc Thâm con Nặc Thu vốn trẻ tuổi hiếu chiến, được hậu thuẫn của Xiêm La nên không chấp nhận chia quyền trị nước với Nặc Yêm, rốt cục đã chủ động gây chiến:

“Tân Mão, năm thứ 20 [1711]. Mùa đông, tháng 10, Nặc Thâm nước Chân Lạp (con Nặc Thu) từ nước Xiêm về, cùng với ốc Nha Cao La Hâm mưu hại Nặc Yêm. Nặc Yêm sai người Ai Lao là Nặc Xuy Bồn Bột chạy báo hai dinh Trấn Biên, Phiên Trấn xin quân cứu viện. Phó tướng Nguyễn Cửu Vân và Tổng binh Trần Thượng Xuyên đem việc báo lên...

Giáp Ngọ, năm thứ 23 [1714] Mùa đông, tháng 10, Nặc Thâm nước Chân Lạp cùng bầy tôi là Cao La Hâm dấy binh vây Nặc Yêm rất gấp. Nặc Yêm cầu Xuy Bồn Bột ứng tiếp. Xuy Bồn Bột chọn trong quân của mình 2.000 người kéo về theo đường bộ. Bấy giờ số quân của Nặc Thâm có 4 vạn, mà số quân của Nặc Yêm và Xuy Bồn Bột không đầy 1 vạn, Nặc Yêm lo quân ít, phải cầu viện với hai dinh Phiên Trấn, Trấn Biên. Đô đốc Phiên Trấn là Trần Thượng Xuyên phát binh qua Sài Gòn, phó tướng Trấn Biên là Nguyễn Cửu Phú phát binh đóng ở Lôi Lạp, thủy quân thì đóng ở Mỹ Tho, để làm thanh viện ở xa. Sai người đem việc báo lên. Chúa trả lời rằng: “Việc ở ngoài biên ải, ủy thác cả cho hai khanh, phải xét nên đánh hay nên giữ, sao cho yên nơi phiên phục”. Nhân sai Cai cơ Tả bộ dinh Bình Khang là Nguyễn Cửu Triêm lãnh 26 thuyền quân thủy bộ của dinh Bình Khang để ứng tiếp, lấy quân 4 thuyền cơ Tả thủy dinh Quảng Nam để tiếp giữ dinh Bình Khang. Lại sai chọn các dân thuộc Nội phủ ở dinh Trấn Biên để sung binh số và dụ rằng khi xong việc lại vẫn y lệ cũ.
(Đại Nam thực lục).

Nhân sai Cai cơ Tả bộ dinh Bình Khang là Nguyễn Cửu Triêm lãnh 26 thuyền quân thủy bộ của dinh Bình Khang để ứng tiếp. (Ảnh: Shutterstock)

Quân Nam Hà tinh nhuệ với ưu thế về binh lực và hỏa lực đã dễ dàng dập tắt cuộc phản loạn của các hoàng thân Chân Lạp:

“Tháng 11, lấy Cai cơ Trương Văn Dực làm Chưởng cơ, Ký lục Chính dinh là Lê Quang Hiến làm Nha úy, Ký lục Quảng Bình là Thanh Minh làm Ký lục Chính dinh. Tướng sĩ hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn cùng với Xuy Bồn Bột và Nặc Yêm hợp quân vây Nặc Thâm ở thành La Bích. Cao La Hâm đã trốn đi trước. Nặc Thu đưa thư xin chịu tội, nói vì Nặc Thâm tin dùng nịnh thần Cao La Hâm mà thành anh em không hòa, gây nên mối loạn. Nay xin lập vua mới lên giữ nước, để khỏi giết hại nhân dân.

Ất Mùi năm thứ 24 [1715], mùa xuân, tháng giêng, Nặc Thâm nước Chân Lạp ở thành La Bích, ngày thêm cùng quẫn, bèn phóng lửa đốt nhà cửa trong thành, rồi ra cửa Nam trốn đi. Nặc Thu nghe tin cũng trốn. Trần Thượng Xuyên và Nguyễn Cửu Phú đốc quân vào thành, thu hết các đồ khí giới, dò xét biết Nặc Thu sợ không dám ra, xin nhường ngôi cho Nặc Yêm. Hai tướng đem sự trạng báo lên. Chúa sai phong Nặc Yêm (lại tên là Kiều Hoa) làm vua nước Chân Lạp… Lại thấy rằng Nặc Thâm và Cao La Hâm nhất thời trốn loạn, hoặc còn quấy rối, mật dụ cho Nặc Yêm an tập nhân dân để phòng bị”
... (Đại Nam thực lục).


Giành ảnh hưởng, Xiêm La thừa cơ cướp Hà Tiên

Vì quân nhà chúa Nguyễn đã trợ giúp cho Nặc Yêm lên ngôi, tranh giành ảnh hưởng ở Chân Lạp với người Xiêm nên đế quốc Ayutthaya đã điều quân tấn công vào Hà Tiên để trả đũa. Thời điểm này Hà Tiên dưới quyền quản trị của Mạc Cửu. Sử chép:

Tuy không phải người Việt, nhưng họ Mạc đã đóng góp công sức vô cùng lớn mở cõi và bảo vệ biên cương cùng với quân dân nhà Chúa. (Ảnh: NTD Việt Nam Tổng Hợp)

“Mùa đông năm Ất Mùi (1715), vua Xiêm sai bọn Phi nhã Bồ Diệt đem 1500 quân đưa Thâm về Cao Miên xin giảng hòa. Yêm không chịu, đem quân chống lại ở phủ Tầm Bôn.

Mùa xuân năm Bính Thân (1716), bọn Bồ Diệt kéo nhau về Xiêm, Thâm xin vua Xiêm sai em của y là Tân (Tôn) về trước để chiêu tập binh 2 phủ Tầm Bôn và Vô Lật. Yêm dò biết bèn cùng với quân ta tiến đánh tên Tân ở phủ Vô Lật; vua Yêm bắn trúng vai của Tân. Tân chạy về núi Sư Sinh dưỡng bệnh.

Mùa đông năm Đinh Dậu (1717), Phi nhã Chất Tri ở Xiêm đem 10.000 quân bộ đến đồn trú ở Tầm Bôn.

Tháng 2 năm Mậu Tuất (1718), Phi nhã Cù Sa đem 5.000 thủy binh hợp đồng với quân Thâm cướp đường kéo xuống Hà Tiên cướp phá. Mạc Thống binh (Mạc Cửu) không địch nổi phải tạm xuống Lũng Kỳ, gặp khi có cơn gió lớn thổi mạnh, thuyền bè của quân Xiêm bị chìm, người chết rất đông, Cù Sa bèn thu tàn quân trở về Xiêm La, chỉ còn Thâm thì chạy đến chỗ binh thứ của Tân ở thủ phủ Bô Bô. Khi ấy một mình Yêm chống với Thâm và lén sai sứ nạp lễ cống cho vua Xiêm. Quân của Chất Tri ở lâu mà không làm được gì, nhân đó mới đem bọn Thâm, Tân cùng về Xiêm La, từ đấy nơi biên cảnh mới yên tĩnh”...
(Gia Định thành thông chí-Trịnh Hoài Đức).

Lời bàn:

Lần này lãnh thổ của nước ta mở rộng đến tận Hà Tiên hoàn toàn nhờ vào công khai phá và kinh doanh của nhà họ Mạc. Tuy không phải người Việt, nhưng họ Mạc đã đóng góp công sức vô cùng lớn mở cõi và bảo vệ biên cương cùng với quân dân nhà Chúa. Và đất Hà Tiên phải trải qua nhiều năm binh lửa tôi rèn nữa mới có thể nằm vững trong lãnh thổ Đại Nam. Cục diện lịch sử tại dải đất phương Nam sẽ ra sao? Hãy chờ xem phần sau vậy.

(còn tiếp...)

   Mời xem thêm »


© Minh Bảo
    NTDVN
×

Phần 3: Chiến tranh Việt Xiêm lần 3 (1771-1772)

Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ đều xứng đáng trở thành những danh nhân mở cõi, khai phá phương Nam được dân ta đời đời tưởng nhớ. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)




Năm 1771, Taksin biết được tin thái tử tiền triều là Chiêu Thúy đang trốn tại Hà Tiên, sợ ảnh hưởng đến ngai vàng và cũng đã nhòm ngó Hà Tiên từ lâu nên tháng 10 năm đó ông ta đem quân tiến đánh Hà Tiên. Đây là cuộc chiến Việt - Xiêm lần thứ ba (1771-1772)...

Tông Đức bại trận lui Long Hồ
Quân Xiêm san bằng Hà Tiên trấn

Taksin đại đế lấy cớ diệt Hà Tiên

Năm 1767, quân Miến Điện đánh vào kinh đô người Thái, kết liễu Ayutthaya, một đế quốc hùng cường khét tiếng có lịch sử hơn 400 năm. Sau đó, một viên tướng gốc Hoa tên là Taksin (Trịnh Quốc Anh) lãnh đạo kháng chiến thành công, lên ngôi vua lập ra vương triều Thonburi, sử Xiêm La gọi là Taksin Đại đế.

Không như Miến Điện vốn ở xa, Xiêm La là nước lớn mạnh nhất khu vực lại gần với nước ta nhất, chỉ cách có một đường bờ biển là vịnh Thái Lan và đường bộ tiếp giáp với Chân Lạp. Trong thời kỳ phát triển của mình, đế quốc Xiêm La luôn nhòm ngó vùng đất đồng bằng màu mỡ Gia Định và đã nhiều lần tiến binh nhưng đều thất bại. Khi nhà họ Mạc thành công xây dựng Hà Tiên thành một trọng trấn phồn vinh với vị trí đắc địa tiếp giáp vịnh Thái Lan thì lòng tham của Xiêm La càng dâng cao hơn nữa, chúng quyết phải chiếm được vùng đất này. Do đó Mạc Thiên Tứ cùng quân dân trấn Hà Tiên non trẻ của nước ta đã phải đối đầu với lực lượng xâm lược hùng mạnh hơn nhiều lần do đích thân vua Xiêm Taksin đại đế chỉ huy.

Năm 1771, Taksin biết được tin thái tử tiền triều là Chiêu Thúy đang trốn tại Hà Tiên, sợ ảnh hưởng đến ngai vàng và cũng đã nhòm ngó Hà Tiên từ lâu nên tháng 10 năm đó ông ta đem quân tiến đánh Hà Tiên. Đây là cuộc chiến Việt - Xiêm lần thứ ba (1771-1772).

Tháng 10 năm đó Taksin đem quân tiến đánh Hà Tiên. (Ảnh: Wikipedia)

Tông Đức hầu kịch chiến Hà Tiên trấn

Sách "Gia Định thành thông chí" ghi rất chi tiết cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt của quân dân Hà Tiên do Mạc Thiên Tứ lãnh đạo như sau:

“Tháng 9 (1771), Phi Nhã Tân (tức Trịnh Quốc Anh-Taksin) thấy Chiêu Thúy (thái tử triều trước của Thái Lan) hiện đang trú ở Hà Tiên, lo rằng việc ấy khó chịu... [Nhân] thừa nhuệ khí vừa mới phá giặc ở Lục Côn (thuộc nước Miến Điện) nên mới thân điều 2 vạn lính thủy lục, dùng tên cướp Trần Thái ở núi Bạch Mã làm người dẫn đường…

Ngày mùng 3 tháng 10, chúng tiến đến Hà Tiên, vây chặt trấn thành (thành có 3 mặt chắn bằng ván gỗ, không phải xây bằng đất đá). Lúc ấy quân giữ Hà Tiên rất ít ỏi, nên họ phải đóng chặt cửa thành để chống cự, mặt khác lo cấp báo với đồn dinh Long Hồ.

Thủy quân của Xiêm chiếm được núi Tô Châu rồi dùng súng lớn bắn vào thành, tình thế rất nguy cấp. Đêm mùng 10, kho thuốc súng ở núi Ngũ Hổ bốc cháy khiến cả thành đều chấn động. Qua đêm 13, quân Xiêm từ cửa sau của thành do chỗ cửa sông nhỏ không được đắp thành phá cửa xông vào phóng lửa đốt dinh, ánh lửa rực cả núi rừng, quân Xiêm trong ngoài giáp công, chúng vừa đánh trống vừa hò reo huyên náo, tiếng súng đại bác vang như sấm. Tông Đức hầu (Mạc Thiên Tứ) thân dẫn quân đánh với chúng trên đường phố, một lúc sau, quân dân trong thành tan vỡ chạy tán loạn, qua canh ba thành vỡ, Tông Đức hầu quyết tử chiến với địch thì Cai đội Đức Nghiệp hầu đến ôm nách đưa Tông Đức hầu lên thuyền rồi chèo theo đường sông hướng về Giang Thành (tên một thủ sở) mà chạy.


Qua đêm 13, quân Xiêm từ cửa sau của thành do chỗ cửa sông nhỏ không được đắp thành phá cửa xông vào phóng lửa đốt dinh, ánh lửa rực cả núi rừng. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Hiệp trấn Mạc Tử Hoàng, Thắng Thủy hầu Mạc Tử Thảng và Tham tướng Mạc Tử Dung đem thủy quân phá vòng vây rồi theo đường biển chạy xuống Kiên Giang, sau đó qua Trấn Giang đóng lại.

Ngày 15, thuyền của Tông Đức hầu đến Châu Đốc, tướng Xiêm là Chiêu khoa Liên cho truy binh đuổi theo, Tông Đức hầu sai Cai đội Đồ Bà (Chà Và) là Sa Ra chặn đánh nhưng cũng thua, bèn rút ra đạo Tân Châu Tiền Giang, ở đó ông gặp Lưu thủ dinh Long Hồ là Cai cơ Kính Thận hầu Tống Phước Hiệp đang thân dẫn binh của dinh đến tiếp ứng, họ vội giục gấp quân tiến vào sông Châu Đốc đánh giết đẩy lui quân giặc. Quân giặc Xiêm vì không biết đường nên đi lầm vào sông cụt, bị đại binh đuổi kịp chém đầu được hơn 300 tên. Chiêu khoa Liên bỏ thuyền chạy lên bờ rồi suốt đêm theo đường Chơn Giùm (Chan Sum) chạy về Hà Tiên. Quân dinh Long Hồ thu được 5 chiếc thuyền chiến, súng ống và vật dụng của quân Xiêm và ghe sai của Hà Tiên không kể xiết, rồi để quân ở lại giữ đạo Châu Đốc, còn đại binh lui về Tân Châu cùng Tông Đức hầu hỏi han, an ủi cơ sự, sau đó sai thuyền bè đưa Tông Đức hầu về nghỉ tại dinh Long Hồ.”


Cửu Đàm dẹp quân Xiêm, thu phục Chân Lạp

Chúa Nguyễn nhận thấy tình hình trở nên nghiêm trọng nên đặc biệt điều quân chủ lực tinh nhuệ vào cứu viện cho Hà Tiên và đánh bại quân Xiêm:

“Sai Chưởng cơ Nguyễn Cửu Đàm (con Nguyễn Cửu Vân) làm Khâm sai Chánh thống suất đốc chiến, Cai bạ dinh Quảng Nam là Trần Phước Thành làm Khâm sai tham tán, lĩnh 10.000 quân thủy và bộ thuộc hai dinh Bình Khang và Bình Thuận và 20 chiếc thuyền chiến để hành việc điều khiển.

Mùa hạ, tháng 6, Nguyễn Cửu Đàm tiến quân theo đường Tiền Giang, cùng với Cai bạ dinh Long Hồ là Nguyễn Khoa Thuyên lĩnh quan quân đạo Đông Khẩu tiến theo đường Kiên Giang; Lưu thủ Tống Phước Hiệp theo đường Hậu Giang tiến đóng giữ Châu Đốc để tiếp ứng cho hai cánh quân trên. Bấy giờ Cai đội đạo Đông Khẩu là Nguyễn Hữu Nhân ốm, một mình Khoa Thuyên đem 3.000 quân và 50 thuyền, đánh nhau với quân Xiêm không được, lui về đầm Kiên Giang, rồi dùng người Chân Lạp là Nhẫm Lạch (chức quan) Tối (tên người) làm tiên phong, tiến đến Nam Vang đánh phá được quân Xiêm. Vua Xiêm chạy sang Hà Tiên. Nặc Nộn chạy đến Cầu Vọt [Quân ta] bèn thu phục các phủ Nam Vang, La Bích. Nặc Tôn trở về nước. Chân Lạp được dẹp yên. Đàm thu quân về dinh, đắp lũy Tân Hoa kéo dài 15 dặm bao quanh đồn dinh, chắn ngang đường bộ đề phòng bất trắc”... (Đại Nam thực lục).

Vua Xiêm chạy sang Hà Tiên. Nặc Nộn chạy đến Cầu Vọt [Quân ta] bèn thu phục các phủ Nam Vang, La Bích. Nặc Tôn trở về nước. Chân Lạp được dẹp yên. (Ảnh: Shutterstock)

Hà Tiên hứng chịu cơn binh lửa

Sau trận kịch chiến làm thất thủ Hà Tiên, quân đội chúa Nguyễn ở miền Nam đã đánh bại quân Xiêm, nhưng cũng phải trải qua nhiều trận chiến khốc liệt và hậu quả là Hà Tiên thành trấn bị quân Xiêm đốt phá tan hoang, thành quả mấy chục năm gây dựng bỗng chốc trở thành tro bụi:

“Năm Quý Tỵ (1773), mùa xuân, Thiên Tứ sai người nhà là Mạc Tú mang thư sang Xiêm giảng hòa. Vua Xiêm mừng quá đưa trả con trai con gái Thiên Tứ mà mình đã bắt, và triệu Trần Liên về. Thành lũy nhà cửa Hà Tiên đều bị quân Xiêm tàn phá. Thiên Tứ bèn lưu lại Trấn Giang, sai con là Hoàng về Hà Tiên, tu sửa lại”... (Đại Nam liệt truyện).

“Khi quân Xiêm qua xâm chiếm, chúng đã phá hết thành lũy Hà Tiên, phá tan nhà cửa, cướp hết của cải, nhân dân đều bỏ trốn chỉ còn lại gò đất hoang mà thôi. Tông Đức hầu khôn xiết bùi ngùi trước cảnh hoang tàn như thơ Thử Ly miêu tả, rồi tạm trú ở Trấn Giang, sau sai Hiệp trấn Mạc Tử Hoàng trở về để sửa sang lại dinh lũy”... (Gia Định Thành thông chí- Trịnh Hoài Đức).

Lời bàn:

Sau trận kịch chiến khiến cho Hà Tiên trấn bị quân Xiêm san bằng, có lẽ đủ chứng minh lòng trung thành và tận tâm của nhà họ Mạc với nước ta. Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ đều xứng đáng trở thành những danh nhân mở cõi, khai phá phương Nam được dân ta đời đời tưởng nhớ vậy. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc, khi mà quân Xiêm sau ba lần đại bại vẫn ngày càng điên cuồng và chờ một cơ hội mới. Hãy xem phần sau sẽ rõ.

(còn tiếp...)

   Mời xem thêm »


© Minh Bảo
    NTDVN
×

Phần 4: Chiến tranh Việt Xiêm lần 4 (1833-1834)

Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ đều xứng đáng trở thành những danh nhân mở cõi, khai phá phương Nam được dân ta đời đời tưởng nhớ. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)




Cuối năm Quý Tỵ (1833), theo lời cầu viện của Lê Văn Khôi, vua Xiêm La sai tướng Chiêu Phi Nhã Chất Tri (Chao Phraya Bodin Decha) và Chiêu Phi Nhã Phật Lăng (Phra Klang) đem 4 vạn quân cùng với 350 chiến thuyền, chia làm 5 đạo, bằng nhiều hướng đánh vào một số tỉnh ở miền Trung, Châu Đốc và Hà Tiên...

Vàm Nao diệt 4 vạn quân Xiêm
Lừng lẫy uy danh Đốc Binh Vàng


Xiêm vương quyết tâm cao, Phi Nhã Chất Tri tham chiến,

Cũng cần nói thêm rằng Phi Nhã Chất Tri có thể được xem là danh tướng số một của Xiêm La lúc đó, người này vừa mới tiêu diệt vương quốc Viêng Chăn, tiếng tăm lừng lẫy.



Tuy rằng cả 5 đạo quân cùng tiến, nhưng chủ đích của quân Xiêm La là cốt đánh Chân Lạp và Nam Kỳ, còn các đạo khác chỉ là để phân chia quân lực của nước Việt mà thôi. Vua Minh Mệnh hay tin phong cho Trần Văn Năng làm Bình khấu Tướng quân cùng Hiệp biện đại học sĩ Lê Đăng Doanh và Vũ lâm dinh Tả dực Thống chế Nguyễn Văn Trọng làm Tham tán đại thần cùng với các tướng tá khác như Trương Minh Giảng, Nguyễn Văn Xuân… đi dẹp giặc.

Xiêm quân hạ Châu Đốc Hà Tiên, miền Nam gặp nguy hiểm

Tháng 11 (âm lịch) năm đó, hơn 100 thuyền chiến của nước Xiêm La đánh chiếm Hà Tiên, rồi chia thành hai đạo đánh hạ luôn đồn Châu Đốc (An Giang). Cả hai tỉnh ấy đều thất thủ. Trước tình hình nguy cấp này, quan quân nhà Nguyễn tức tốc lập phòng tuyến ở Vàm Nao. Từ Châu Đốc, sau khi chuẩn bị xong, thủy quân Xiêm La theo ngả sông Tiền tiến xuống Vàm Nao. Nơi đây trở thành địa điểm then chốt của trận thư hùng chiến lược, nếu không chiến thắng ở đây thì nhà Nguyễn nhiều khả năng sẽ vỡ trận và mất miền Nam. Nhà văn Sơn Nam cũng viết về cuộc chiến này như sau:

“Trận thủy chiến trên Vàm Nao là trận ác chiến, mang tầm chiến lược quan trọng. Quân Xiêm dùng hỏa công, thả bè lửa, theo nước ròng (thủy triều rút ra biển) chảy xiết để đốt chiến thuyền quân Việt. Trận chiến kéo dài từ khoảng 3 giờ khuya đến 10 giờ trưa mới dứt. Nếu quân Việt không ngăn được, quân Xiêm sẽ xuống Sa Đéc rồi Rạch Gầm, Mỹ Tho…”.

Quân Xiêm dùng hỏa công, thả bè lửa, theo nước ròng (thủy triều rút ra biển) chảy xiết để đốt chiến thuyền quân Việt. (Ảnh: NTD Việt Nam)

Vàm Nao diệt quân Xiêm, chém chết đại tướng

Sau khi hai tỉnh An Giang và Hà Tiên bị thất thủ, đồn Châu Đốc bị giặc uy hiếp. Trải qua nhiều trận giằng co, Bình Khấu tướng quân Trần Văn Năng cùng các tham tán Trương Minh Giảng, Nguyễn Xuân, Hồ Văn Khuê… đã bàn bạc cùng nhau để dàn trận giáng cho giặc một đòn nặng ở trận quyết chiến Cổ Hủ và Vàm Nao nhằm thay đổi cục diện cuộc chiến.

Do đoán được quân Xiêm sẽ dùng hỏa công, quân ta liền thu hết các chiến thuyền về đậu ở hai bên bờ sông. Quản vệ Phạm Hữu Tâm đốc quân đánh bắn, từ giờ Dần đến giờ Tỵ, quân giặc chết nhiều. Thủy quân ta thuyền chiến nối nhau, lửa ở giữa sông không cháy lan lên được hai bên bờ. Khi bè lửa trôi qua rồi, quân ta thủy bộ đánh giáp lá cà. Quân Xiêm thua to. Chết mất một vị đại tướng chỉ huy là Phi Nhã Phật Lăng (còn gọi là PhraKlang Prayurawongse).



Sách “Minh Mệnh chính yếu” còn chép như sau:

“Giặc Xiêm dẫn binh thuyền hơn trăm chiếc, từ Thuận Cảng xuôi xuống, bày ngang giữa dòng sông để chống lại thuyền của quân ta, lại đánh đồn của ta đóng bên tả ngạn. Quản vệ giữ đồn là Phạm Hữu Tâm chống đánh, chém kẻ cầm đầu của giặc là Phi Nhã Khổ Lặc. Giặc dựng trại ngang đồn, ngày đêm dùng đại bác bắn phá. Ta chờ quân chi viện, nhưng giặc ở phía thượng nguồn bèn nhân đêm tối, thừa lúc nước ròng, noi theo hai bên tả hữu bờ sông, phóng lửa đốt thuyền quân ta, rồi giặc đem quân đến đồn phía tả ngạn mà đánh từ giờ Dần đến giờ Tỵ, quân giặc chết nhiều, thây chồng lên nhau. Giặc liền lui…”.


Quản vệ giữ đồn là Phạm Hữu Tâm chống đánh, chém kẻ cầm đầu của giặc là Phi Nhã Khổ Lặc. (Ảnh: NTD Việt Nam)

Thu hồi lãnh thổ, tiến quân Cao Miên

Sau nhiều trận giao tranh dữ dội, quan quân Việt thu phục được đồn Châu Đốc, thành Hà Tiên… rồi vượt sang biên giới đánh đuổi quân Xiêm La ra khỏi thành Nam Vang (nay là kinh đô vương quốc Campuchia). Phần vì tuổi già, phần vì chinh chiến gian khổ, Trần Văn Năng lâm trọng bệnh phải giao binh quyền lại cho tướng Trương Minh Giảng để về nước trị bệnh. Thuyền chở Trần Văn Năng đến Bến Siêu (thuộc Cù Lao Tây, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) thì ông qua đời (năm 1835), thọ 72 tuổi. Nghe tin ông mất, vua Minh Mệnh ra lệnh phải mang thi hài ông về kinh an táng. Sau đó, truy tặng ông chức Thái phó tước Tân Thành quận công, cho bãi triều ba ngày và ông được nhà vua ban cho một bài thơ ngự chế. Đến nay vẫn còn đền thờ của ông ở miền Tây, nơi mà người dân gọi ông bằng cái tên thân thuộc: Đốc Binh Vàng.

Đến nay vẫn còn đền thờ của ông ở miền Tây, nơi mà người dân gọi ông bằng cái tên thân thuộc: Đốc Binh Vàng. (Ảnh chụp màn hình Kênh Youtube Truyền Hình Đồng Tháp)

Lời bàn:

Mỗi tấc đất, mỗi ngọn cỏ của miền Nam chính là đánh đổi bằng máu xương của bao quân dân và các vị danh tướng, danh thần suốt mấy trăm năm qua. Từ Nguyễn Hữu Cảnh cho đến Trần Văn Năng, các ông đều vì nước mà xả thân, ghi dấu trong sử xanh với những chiến công nức lòng dân tộc. Ấy thế mà dải đất phương Nam này vẫn phải bị tẩy lễ chiến tranh một lần khốc liệt nữa mới thấy được nền thái bình vững bền. Xin hãy xem hồi sau sẽ rõ.

(còn tiếp...)

   Mời xem thêm »


© Minh Bảo
    NTDVN
×

Phần 5: Chiến tranh Việt Xiêm lần 5 (1841-1845)

Cuối cùng vua Thiệu Trị đã quyết định rút quân, bỏ Trấn Tây thành (tức Phnom Penh ngày nay) và toàn bộ Trấn Tây, phục hồi vương quốc Cao Miên. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)




Vương triều nhà Nguyễn đến thời Minh Mạng đã đạt đến cực thịnh. Đặc biệt sau chiến thắng Xiêm La năm 1833-1834 thì uy danh của Đại Nam đã vang khắp khu vực. Nước nhỏ nể phục, nước lớn tôn trọng. Năm 1836, vua Minh Mạng quyết định sáp nhập Chân Lạp vào lãnh thổ Đại Nam gọi là Trấn Tây Thành...

Tướng sĩ triệt thoái khỏi Trấn Tây
Quân Xiêm mưu đồ sang xâm lấn



Uy chấn hải nội, lập Trấn Tây Thành

Mọi chuyện lẽ ra vẫn tốt đẹp, nếu nhà Nguyễn ra chính sách đúng và các quan lại cai trị Chân Lạp là những người đạo đức nhân nghĩa biết cảm phục lòng dân. Tuy nhiên một loạt quyết định sai lầm về ngoại giao và cai trị tại Chân Lạp đã khiến cho quân Xiêm La một lần nữa can thiệp vào khu vực này kết hợp với nhiều cuộc nổi dậy của dân bản địa làm tình hình thêm rối ren.

Quyết sách sai lầm, Xiêm La lợi dụng

Loạt quyết định trị quốc đối nội sai lầm, không lấy dân làm gốc của nhà Nguyễn đã bị người Xiêm lợi dụng. Sử chép:

“Vua Minh Mạng mất, để lại gánh nặng ở phía biên giới Việt Miên. Loạn lạc đã phát khởi ngay từ khi cuộc chinh phạt của tướng Trương Minh Giảng đang diễn ra tại phía Biển Hồ, tuy rằng về hình thức là dẹp xong nhưng mầm mống còn đó. Người Miên cư ngụ trên lãnh thổ Việt Nam dường như sẵn sàng hưởng ứng, chống đối quan lại địa phương khi ở Cao Miên phong trào lên cao. Quân Xiêm lại khéo phao tin tuyên truyền. Người Cao Miên lúc bấy giờ ở Nam kỳ lại bực dọc với chính sách “nhứt thị đồng nhơn” của vua Minh Mạng, bắt buộc họ phải lấy tên, lấy họ như người Việt để đồng hóa. Lại còn chủ trương cải cách tổ chức nông thôn cổ truyền của sóc Miên khiến họ mất quyền tự trị.

Người Cao Miên lúc bấy giờ ở Nam kỳ lại bực dọc với chính sách “nhứt thị đồng nhơn” của vua Minh Mạng, bắt buộc họ phải lấy tên, lấy họ như người Việt để đồng hóa. (Ảnh: Wikipedia)

Vùng biên giới Hà Tiên, An Giang bắt đầu xáo trộn khi vào năm 1838, một người tên Gi - làm chức An phủ cho ta - cấu kết với người Xiêm. Năm sau, viên quản cơ người Miên ở An Giang là Hàn Biện cùng đồng bọn làm phản rồi bỏ đi, một số đông lính Miên cũng chạy theo chúng nhưng rồi một số quay trở lại. Vua truyền lịnh tha tội những người biết hối cải. Năm 1840, tình hình thêm bi đát: người Miên ở Tịnh Biên (An Giang) nổi loạn khiến quan tri phủ bỏ trốn, loạn quân kéo về phía biên giới Hà Tiên đánh đồn Châu Nham (Đá Dựng), quan binh nhiều kẻ bị hại. Tháng 10 năm ấy, giặc từ Thất Sơn gồm hơn 2000 người kéo qua tận Kiên Giang, phá chợ Rạch Giá, đắp đồn ở hai bên bờ rạch này; vùng Xà Tón (Tri Tôn) cũng bị khuấy động. Năm Thiệu Trị nguyên niên, tất cả các vùng người Miên sống đông đúc đều nổi loạn, quan quân vô cùng vất vả” (Lịch sử khẩn hoang miền Nam-Sơn Nam).

Chính sách đối ngoại thiếu hiểu biết gây mất lòng dân:

“Năm Minh Mạng 19 (1839) Nặc Ong Yêm (Ang Em, em của Ang Chan II và Ang Duong) đem 9.000 dân Khmer cùng 70 chiếc thuyền từ Battambang (vùng Thái Lan chiếm đóng) về Trấn Tây (vùng Việt Nam cai quản), định xin triều đình nhà Nguyễn cho được làm vua kế vị Ang Chan II, đã mất mà không có con trai nối ngôi. Trương Minh Giảng muốn giết đi, nhưng Minh Mạng chỉ cho phép bắt Ang Em về Gia Định xét hỏi rồi đưa ra Huế giam.



Đến năm Minh Mạng thứ 21 (1841), Trà Long (Chakrey Long), Nhân Vu (Yumreach Hu) và La Kiên đến Huế mừng thọ, thì Minh Mạng lại kể tội và đày ra Hà Nội. Rồi tham tán Trấn Tây là Dưỡng Văn Phong khép cho Ngọc Biện, em gái Ngọc Vân, tội mưu phản muốn trốn sang Xiêm, phải xử tử. Trương Minh Giảng đưa Ngọc Vân, Ngọc Thu và Ngọc Nguyên, các con gái Ang Chan II về Gia Định an trí. Nên người Cao Miên thất vọng oán ghét quân Nam.”
(Đại Việt địa dư toàn biên - Nguyễn Văn Siêu).

Chân dung hoàng đế Minh Mạng. (Ảnh: Wikipedia)

Hoàng đế băng hà, Xiêm La thừa cơ

Năm 1840, mấy vạn quân Xiêm kéo vào đóng ở U Đông (Oudong), vua Minh Mạng sai tướng Phạm Văn Điển và Nguyễn Tiến Lâm mang quân sang đối phó nhưng không kết quả.

Năm 1841, Minh Mạng qua đời, Thiệu Trị lên nối ngôi. Ông không có nhiều tham vọng về lãnh thổ như tiên đế. Lúc bấy giờ, tình hình Trấn Tây thành đang rối ren vì quân Đại Nam chiếm đóng gặp phải sự chống đối mãnh liệt của người Chân Lạp. Tướng Trương Minh Giảng tỏ ra yếu kém về mặt bình định lãnh thổ và năng lực trị dân. Lại thêm các hoàng thân Chân Lạp dưới sự ủng hộ của quân Xiêm liên tục nổi dậy. Cuối cùng vua Thiệu Trị đã quyết định rút quân, bỏ Trấn Tây thành (tức Phnom Penh ngày nay) và toàn bộ Trấn Tây, phục hồi vương quốc Cao Miên. Trương Minh Giảng phải theo lệnh rút quân về trấn thủ An Giang.

Vùng đất Cao Miên do Đại Nam bảo hộ (tô màu hồng). Phần gạch chéo là phần đất lập trấn Tây Thành. (Ảnh: Wikipedia)

“Vua cho rằng từ khi Trấn Tây có việc binh đao đến giờ, sáu tỉnh Nam Kỳ, binh và dân đều nhọc mệt, triều đình cũng khó nhọc tổn phí không biết đâu mà kể, ý đã chán việc binh đao, vả lại sang năm sau có việc tuần du ra Bắc, hãy tạm xếp việc Trấn Tây lại không nghĩ đến, cũng chẳng hại gì, mới dụ rằng: “Sự thế hiện nay buộc phải như thế, chuẩn cho theo lời bàn mà làm. Các viên từ Kinh lược, Tướng quân cho đến Tán lý và Hiệp lý không làm được công trạng gì, đều giao cho bộ Hình nghiêm ngặt nghị tội từng viên có khác nhau” (Đại Nam thực lục).


Lời bàn:

Xưa có câu “vật cực tất phản”, “thịnh cực ắt suy”. Nhà Nguyễn đạt đến đỉnh cao của mình vào thời Minh Mạng rồi sẽ phải suy, đó là tất yếu. Khá khen cho Xiêm La trải trăm năm binh bại nhiều lần mà vẫn kiên trì xâm lấn nước ta, quả là một kẻ địch đáng nể. Cũng may lòng Trời vẫn còn thương dân ta, quân tướng nhà Nguyễn anh dũng nên tuy gian khó buổi đầu nhưng rốt cục cũng đánh lui ngoại xâm nội phản một cách vinh quang. Muốn biết chiến quả thế nào, xin xem hồi sau sẽ rõ.

(còn tiếp...)

   Mời xem thêm »


© Minh Bảo
    NTDVN
×

Phần 6: Chiến tranh Việt Xiêm lần 5 (1841-1845)

quân đội nhà Nguyễn vẫn đã làm rất tốt phận sự khi liên tiếp đập tan tất cả các cuộc nổi loạn và ngoại xâm trên toàn miền Nam mặc dù khá vất vả. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)




Người Xiêm tuy thất bại nhiều lần cả trăm năm qua, nhưng chưa hề nguôi dã tâm muốn chiếm lấy miền Nam. Họ rất kiên trì và cũng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để đạt mục đích. Lần này họ đã có một cơ hội hiếm có, khi vua Minh Mạng vừa mất và vua Thiệu Trị từ bỏ Trấn Tây Thành...

Chất Tri đem quân nhiễu Nam Kỳ
Chư tướng đồng tâm dẹp ngoại xâm



Chất Tri đem quân nhiễu Nam Kỳ

Tháng 9 năm 1841, toàn bộ quân đội nhà Nguyễn đã rút về An Giang. Ngay lập tức người Xiêm liền chớp thời cơ. Danh tướng số 1 Xiêm La bấy giờ là Phi Nhã Chất Tri (Chao Phraya Bodin Decha), kẻ thù cũ trong lần xâm lược 1833 đích thân chỉ huy chiến dịch lần này.

Để chuẩn bị cho chiến dịch, người Xiêm đã rất tích cực phá hoại từ những năm 1838 với đủ các thủ đoạn dân vận, lật đổ, cho đến cả chiêu bài chính trị cho lần xâm lược này. Có thể kể ra như sau:

Tượng Phi Nhã Chất Tri tại Wat Chakkrawat Ratchawat, Bangkok. (Ảnh: Wikipedia-CC BY-SA 4.0)

1-Mua chuộc quan lại bản địa, kích động dân Miên nổi dậy trong khắp các phum sóc cả miền Nam:

“Vùng biên giới Hà Tiên, An Giang bắt đầu xáo trộn khi vào năm 1838, tên Gi - làm chức An phủ cho ta - cấu kết với người Xiêm. Năm sau, viên quản cơ người Miên ở An Giang là Hàn Biện cùng đồng bọn làm phản rồi bỏ đi, một số đông lính Miên cũng chạy theo chúng nhưng rồi một số quay trở lại.”

2-Đóng đồn quân sát biên giới, hư trương thanh thế, tài trợ cho các nhóm phiến quân lớn nổi loạn ngay tại các địa phương quan trọng:

“Vùng Trà vinh (nay là Vĩnh Bình) bao gồm các khu vực rộng lớn từ Tiền Giang qua Hậu Giang (Trà Vinh, Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Chong), sử gọi là vùng Lạc Hóa. Cuộc khởi loạn dai dẳng và có quy mô kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1841, người cầm đầu là Lâm Sâm (còn đọc Lâm Sum, người địa phương gọi là Xà Na Xom hoặc Xà Xom, tức là viên tướng tên Xom). Thủ đoạn xách động là dùng bùa ngải, do các tên thầy bùa đưa ra rồi loan tin thất thiệt: Ai không theo chúng sẽ bị Trời Phật hại, ai theo thì được cứu thoát, võ khí là đao mác, chà gạc, phãng kéo cổ thẳng (trở thành cây mã tấu). Thoạt tiên loạn quân chiếm Trà Vinh (đồn Nguyệt Lãng của ta). Giặc lại lôi cuốn được mấy sóc Miên ở rạch Cần Chong (nay là Tiểu Cần) xuống đến Bắc Trang ra đến mé sông Hậu Giang, vùng Trà Điêu. Có lúc giặc thắng thế, chiếm giữ một vùng dài hơn 30 cây số, gồm toàn sóc Miên. Trận gay go nhất xảy ra ở vùng Trà Tử (nay gọi là Hiếu Tử), bố chánh Trần Tuyên và tri huyện Huỳnh Hữu Quang đều tử trận. Số loạn quân lên đến bảy tám ngàn, ngoài Lâm Sum còn tên tổng Cộng (chắc là cai tổng tên Cộng) và một tên tự xưng là phó mã Đội. Tham dự cuộc tảo thanh ở vùng Lạc Hóa, gồm có tổng đốc Bùi Công Huyên, tham tánh thành Trấn Tây là Nguyễn Tấn Lâm và Nguyễn Công Trứ cũng rút về nước hỗ trợ, ngoài ra còn có tướng Nguyễn Tri Phương. Nguyễn Tri Phương dời binh tiến đánh, tuy phá tan được luôn, nhưng chỗ này tan rã thì chỗ kia quy tụ, cứ đánh phía đông, giữ phía tây, không thể nào diệt hết được. Khi Trương Minh Giảng rút lui về An Giang, ta được thêm 3000 quân sĩ đến tiếp ứng ở mặt trận Lạc Hóa. Trong đám loạn quân đầu thú, có cả người Việt và người Tàu. Sở dĩ loạn quân dám kiêu ngạo vì bên kia biên giới, Phi Nhã Chất Tri “đem quân Xiêm đến dựng đồn lũy ở bờ sông Vĩnh Tế rồi qua lại gây sự với những đồn bảo của quân ta”. (Lịch sử khẩn hoang miền Nam - Sơn Nam).



Nghi vệ tượng binh nhà Nguyễn. (Ảnh: Wikimedia)

Chư tướng đồng tâm dẹp ngoại xâm

Dù Xiêm La đã dày công chuẩn bị và được dẫn dắt bởi danh tướng Chất Tri giàu kinh nghiệm, nhưng lần này quân đội nhà Nguyễn vẫn đã làm rất tốt phận sự khi liên tiếp đập tan tất cả các cuộc nổi loạn và ngoại xâm trên toàn miền Nam mặc dù khá vất vả:

“Vùng Sóc Trăng, trung tâm cuộc khởi loạn là Ba Xuyên, Trà Tâm, từ tháng ba cũng năm Tân sửu. Thoạt tiên giặc bị phân tán rồi tập trung tại Sóc Đâm đóng đồn mà chống cự. Tháng 11, quân của Nguyễn Tấn Lâm và Nguyễn Tri Phương đánh hai mặt giáp lại. Giặc tan, vua Thiệu Trị cho Nguyễn Tấn Lâm ở lại Ba Xuyên dẹp đám tàn quân và lập an ninh.

Quan binh bèn chia đường đi tiễu trừ, giết và làm bị thương rất đông, chiếm lấy được bảy đồn, hai bên bờ sông Vĩnh Tế một loạt được dẹp yên. Bọn giặc ở trong các đồn ở núi Cấm, núi Tượng nghe tin bèn chạy trốn. Quân Xiêm gặp sự thất bại tan rã ấy muốn tăng thêm binh và chiến thuyền để trở lại một lần nữa giúp dân Miên gây sự, vừa lúc ấy nước họ có việc nên ngưng”
. (Lịch sử khẩn hoang miền Nam - Sơn Nam).

Trang phục vũ khí quân đội nhà Nguyễn. (Ảnh: Wikimedia)

Lời bàn:

Bước đầu trong chiến lược xâm lấn Nam Kỳ của quân Xiêm đã hoàn toàn thất bại bất chấp việc họ đã chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng. Cũng là nhờ quân đội nhà Nguyễn tinh nhuệ đã kinh qua nhiều cuộc chiến tranh cùng với các tướng lãnh tài năng mà được như thế. Muốn biết người Xiêm sẽ đi bước tiếp theo thế nào hãy đợi xem phần sau sẽ rõ.

(còn tiếp...)

   Mời xem thêm »


© Minh Bảo
    NTDVN
×

Phần 7: Chiến tranh Việt Xiêm lần 5 (1841-1845)

Không có triều Nguyễn, sẽ không thể có miền Nam, một phần quan trọng nhất của nước ta. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Nếu năm 1841 chỉ mới là phiến loạn nội địa thì sang năm 1842 là năm quân Xiêm chính thức xâm lăng nước ta...

Chất Tri đại bại phải cầu hòa
Ang Duong thành công lên ngôi báu


1842 liên quân Xiêm Miên đại bại, rút về Trấn Tây

Đầu tiên họ tụ tập một nhóm người vốn là tù nhân tội phạm lưu vong ở Cao Miên sau cuộc nổi loạn Lê Văn Khôi 1833, rồi cùng tôn một người thanh niên - nói là con hoàng tử Cảnh, tự xưng là Hoàng tôn (cháu nội vua Gia Long) về nước làm chiêu bài chính trị, dọn đường cho việc đưa quân Xiêm sang xâm lược Miền Nam. Điều này chứng tỏ đại tướng thống lãnh quân Xiêm là Phi Nhã Chất Tri (Chao Phraya Bodin Decha) thực sự là một kẻ lắm thủ đoạn, đa mưu túc trí. Sử sách ghi chép:

“Năm thứ 2 mùa xuân, bọn Man phỉ liên kết với giặc Xiêm, phái thêm rất nhiều viện binh, quân thuỷ bộ cả nước chia đường vào cướp, tướng của giặc ở đường thuỷ tên là Ô Thiệt, quản suất binh thuyền hướng vào cửa biển Hà Tiên mà bắn. Giặc ở đường bộ liên kết với bọn thổ phỉ, từ Chu Nham đến núi Lộc Giác, thiết lập đồn sách, ba mặt súng lớn giao nhau bắn ra, ngoài đài luỹ, tên đạn rơi xuống như mưa…” (Đại Nam liệt truyện).



Rút kinh nghiệm từ thất bại trước, lần tiến quân này Bodin Decha thay đổi cả đường hành quân tiến sang nước ta với tiêu chí là nhanh gọn, bí mật với yếu tố đánh úp bất ngờ:

“Tháng 2 quân Xiêm lại tăng cường hải quân, đến gần Cần Vọt (Quảng Biên, Kampot), ta bố trí giữ tại cửa Hà Tiên (Kim Dữ). Rồi binh thuyền của Xiêm kéo tới Bạch Mã (Kép) đông đảo hơn với ý định chiếm Lư Khê (Rạch Vược, phía nam Hà Tiên, bờ biển) và chiếm Tô Môn (cửa Đông Hồ, bên cạnh núi Tô Châu) để bao vây Hà Tiên. Xiêm kéo mấy vạn binh tràn vùng kinh Vĩnh Tế, ta chống đỡ không kịp. Cánh quân chánh của Xiêm đánh từ bờ biển vịnh Xiêm La qua theo đường Hà Tiên, chớ không từ Nam Vang mà thọc xuống theo sông Tiền giang như mấy lần trước”. (Lịch sử khẩn hoang miền Nam - Sơn Nam).

Rồi binh thuyền của Xiêm kéo tới Bạch Mã (Kép) đông đảo hơn với ý định chiếm Lư Khê (Rạch Vược, phía nam Hà Tiên, bờ biển) và chiếm Tô Môn (cửa Đông Hồ, bên cạnh núi Tô Châu) để bao vây Hà Tiên. (Ảnh: Shutterstock)

Trước tình hình nguy cấp, vua Thiệu Trị đã điều động binh lính chủ lực cùng các danh tướng vào Nam dẹp loạn:

“Tỉnh Hà Tiên báo tin nguy cấp. Vua lập tức sai bọn Đoàn Văn Sách mang quân ngăn chống, đốc thúc binh thuyền đi tắt ngoài biển thuộc địa phận Hà Tiên để viện trợ đánh giết. Lại sai Phạm Văn Điển, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Công Nhàn chia đường tiến đánh. Cho Lê Văn Đức làm Tổng thống tiễu bộ quân vụ, Lê Văn Phú làm Tham tán đại thần, quản lĩnh binh thuyền đi mau đến đánh giết. Đại binh chưa đến, Đoàn Văn Sách đóng giữ đài Kim Dữ. Tuần phủ Hà Tiên là Lương Văn Liễu giữ luỹ đều thân đốc biền binh ngày đêm luôn luôn phát súng lớn chống đánh. Thuyền giặc lui trước, bọn Chất Tri chưa biết, cùng nhau đem quân Xiêm, quân giặc liên kết với nhau, lập đồn luỹ ở sông Vĩnh Tế để chống cự, lại đến đồn bảo quân ta đi lại quấy nhiễu. Bọn Phạm Văn Điển, Nguyễn Công Nhàn chia đường tiến đánh, giết hại rất nhiều, đốt phá hết trại sách của giặc...”. (Đại Nam liệt truyện).



Với kinh nghiệm chiến đấu phong phú và hỏa lực hùng mạnh trong suốt mấy chục năm chinh phạt từ lúc lập quốc, quân nhà Nguyễn dù chỉ có 5000 quân nhưng đã nhanh chóng đánh bại triệt để quân Xiêm, dù họ có quân số đông hơn gấp nhiều lần. Phi Nhã Chất Tri (Phraya Bodin Decha) cùng Nặc Ông Đôn phải nhanh chóng triệt thoái về Cao Miên:

“Trận đánh này, quân ta không quá vài ngàn người mà giết lui được hơn 2 vạn bè lũ của giặc; không đến ba khắc, lấy được 7 đồn, chém giết không biết đâu mà kể, bên tả bên hữu sông Vĩnh Tế dẹp hết một loạt. Lại di quân chuyển đến núi Thất Sơn cùng Lê Văn Đức hội quân lần lượt tiến đánh các đồn thổ phỉ ở núi Cẩm Sơn, Tượng Sơn, quân giặc nghe thấy bóng gió chạy trốn cả, lại vào núi Trà Biệt giữ chỗ hiểm để chống cự. Quan quân tiến đánh, chém và bắt được nhiều. Kịp đến 2 xứ Sà Tốn, Tô Sơn, rất nhiều hiểm trở, bọn giặc ấy chia từng đoạn thiết lập đồn sách, ước hơn 10 chỗ. Quan quân chia làm 5 đạo, lấy thuyền nhỏ nhân đêm lẻn tiến đi, đến mờ sáng đến bờ cả một loạt. Đốc quân lên luỹ, bọn giặc cùng quẫn, cùng đem nhau đến thú, kể có hàng ngàn. Thất Sơn đều dẹp yên hết cả, bèn ra lệnh kéo quân về. Triệu Lê Văn Đức về Kinh, những viên biền các tỉnh chia phái đi hợp đánh, đều về nhận chức cũ. Người nước Xiêm bị thua đau lần này, thường muốn phái thêm binh thuyền lại đến lần nữa, để giúp giặc Man sinh sự. Vừa gặp nước ấy có việc, vội dừng lại”. (Đại Nam liệt truyện).

Quan quân chia làm 5 đạo, lấy thuyền nhỏ nhân đêm lẻn tiến đi, đến mờ sáng đến bờ cả một loạt. Đốc quân lên luỹ, bọn giặc cùng quẫn, cùng đem nhau đến thú, kể có hàng ngàn. (Ảnh: Shutterstock)

1845, quân Việt phản công trên đất Cao Miên

Nặc Ông Đôn dựa hơi quân Xiêm mà lên ngôi vua Cao Miên. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, khi vừa thua đau tại Đại Nam, lại phải chịu thêm cảnh quân Xiêm La tàn bạo quấy nhiễu, làm dân chúng ca thán khắp nơi. Nhiều lưu dân bỏ xứ sang xin quy thuận Đại Nam.

Vua Thiệu Trị nhân đó sai tướng đi kinh lý đất Cao Miên. 1845, Quân ta đại phá quân Xiêm Miên ở Oudong, khiến cho Phi Nhã Chất Tri phải cầu hòa:

“Mùa đông năm ấy, bọn tên Sô, tên Mẫn mang gia quyến chạy sang ta xin viện trợ. Liêm Đạt thân đến An Giang xin quân. Bèn sai Doãn Uẩn, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Công Nhàn chia đường tiến sang viện trợ đánh dẹp. Lại phái đại thần là Vũ Văn Giải, Tôn Thất Bạch đến Gia Định tuỳ cơ điều khiển. Nguyễn Ương, Doãn Uẩn, Nguyễn Hoàng tiến đánh Sách Sô, phá luỹ Bình Thiết, Chất Tri bị thua mới bỏ Trấn Tây đem tên Dun chạy về Ô Đông ẩn nấp, đắp luỹ cố giữ. Tức thì sai bọn Vũ Văn Giải đi mau đến An Giang, nhân cơ hội đánh dẹp và vỗ yên, quan quân nhân thế thắng tiến đến dẹp yên được Trấn Tây, chia đặt thổ quan chiêu dụ và coi quán dân thổ; rồi tức thì tiến quân đến Vĩnh Long, vây chặn Ô Đông, đắp núi đất, vận đại bác lên để bắn, Chất Tri thế đến cùng quẫn. Rồi sau trận đánh ở Liên Kiên, Hồ Đúc Tú khinh suất tiến lên, gặp quân phục bị thua. Chất Tri bèn nhân cai đội bị bắt được là Lê Văn Ân yên ủi cho về, mang thư cầu hoà, Vũ Văn Giải cứ tình thực đề đạt lên. Triều đình nghĩ đến quân dân, chuẩn y lời xin”. (Đại Nam liệt truyện).

“Tháng sáu năm Ất Tỵ (1845), là năm Thiệu Trị thứ năm, Võ Văn Giải vào đến Gia Định, cùng với Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn, Tôn Thất Nghị, tiến binh sang đánh Chân Lạp, phá được đồn Dây Sắt, lấy lại thành Nam Vang, người Chân Lạp về hàng kể hơn 23,000 người. Đoạn rồi, Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn đem binh đuổi đánh quân Tiêm La và quân Chân Lạp, vây Nặc Ông Đôn và tướng Tiêm La là Chất Tri ở Ô-Đông (Oudong).” (Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim).

"...Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn đem binh đuổi đánh quân Tiêm La và quân Chân Lạp, vây Nặc Ông Đôn và tướng Tiêm La là Chất Tri ở Ô-Đông (Oudong).” (Ảnh: Shuttersrock)

Sau chiến thắng của ta, Phi Nhã Chất Tri phải cùng các tướng lãnh nhà Nguyễn ký hòa ước, lập lại vua Cao Miên dưới sự bảo hộ của cả hai nước. Từ đó trở đi hòa bình đã được lập lại ở miền Nam. Sử chép:

“Tháng chín năm ấy, Chất Tri sai người sang xin hòa. Qua tháng mười thì Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn và Chất Tri ký tờ hòa ước ở nhà hội quán, hai nước đều giải binh. Nguyễn Tri Phương rút quân về đóng ở Trấn Tây, đợi quân Xiêm thi hành những điều ước đã định. Tháng chạp năm Bính Ngọ (1846), Nặc Ông Đôn dâng biểu tạ tội và sai sứ đem phẩm vật sang triều cống. Tháng hai năm Đinh Mùi (1847) - là năm Thiệu Trị thứ bảy, Triều đình phong cho Nặc Ông Đôn làm Cao Miên Quốc Vương và phong cho Mỹ Lâm Quận Chúa làm Cao Miên Quận Chúa. Lại xuống chiếu truyền cho quân thứ ở Trấn Tây rút về An Giang. Từ đó nước Chân Lạp lại có vua, và việc ở phía nam mới được yên vậy”. (Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim).

Bại tướng 2 lần Chao Phraya Bodin Decha là ai?

Trong vòng trăm năm mà người Xiêm đã năm lần xâm lấn nước ta. Trong đó 2 lần có cùng 1 tướng chỉ huy là Phi Nhã Chất Tri (Chao Phraya Bodin Decha) một kẻ địch lợi hại và nham hiểm. Người viết cảm thấy cũng cần nói thêm về viên tướng chỉ huy người Xiêm này để nêu bật lên chiến công anh dũng của quân tướng nhà Nguyễn: từ Trương Minh Giảng đến Trần Văn Năng, Doãn Uẩn, Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương... đã vô cùng xuất sắc đánh bại triệt để đội quân của tướng Phi Nhã Chất Tri, đem lại một vết nhơ không bao giờ rửa trôi trong cuộc đời binh nghiệp huy hoàng của vị đệ nhất danh tướng Xiêm La triều Chakri này.



Tướng Phi Nhã Chất Tri là tướng lĩnh cao cấp nhất của vương triều Chakri Xiêm La. Ông ta từng giữ các chức Bộ trưởng Phòng vệ, Bộ trưởng Nội vụ, Thống lĩnh quân đội (แม่ทัพใหญ่) và Thái sư nhiếp chính Akkhra Maha Senabodi (อัครมหาเสนาบดี) của vua Rama III. Ông được xem là một trong những vị tướng quyền lực nhất trong giai đoạn đầu của vương triều Chakri.

Ông là người thờ 2 đời vua Xiêm là Rama II và Rama III, cũng là người đã dẫn quân tiêu diệt vương quốc Viêng Chăn, đốt trụi thủ đô nước này và dời dân sang bờ bên kia sông Mekong (vùng Đông Bắc Thái Lan ngày nay).

Ông cũng là người trực tiếp dẫn quân xâm lược Đại Nam 2 lần vào năm 1833 và 1842. Lần thứ hai vào năm 1842, tuy bị thua về quân sự nhưng về mặt chính trị ông lại thành công khi giúp nước Cao Miên từ chỗ là một phần lãnh thổ của Việt Nam mà được khôi phục lại ngôi vua, chịu sự bảo hộ của cả Xiêm và Việt. Người lên ngôi vua cũng là người do ông ta bảo hộ. Nên biết rằng khi dẫn quân sang đánh Đại Nam ông ta đã hơn 70 tuổi mà vẫn còn tinh lực như thế, quả thật là một đối thủ đáng gờm của nước ta vậy.

Tướng Phi Nhã Chất Tri là tướng lĩnh cao cấp nhất của vương triều Chakri Xiêm La.

Tướng Doãn Uẩn nhà Nguyễn nhận xét về Phi Nhã Chất Tri [Bodin Decha] như sau:

"Phi Nhã Chất Tri là đại tướng của Xiêm. Từ thời Minh Mạng đã công phá Viêng Chăn. Người Xiêm bỏ hòa hiếu tìm thù địch. Y tự chuyên việc biên giới. Nhiều lần đến xâm lược đều là do y gây sự. Bị quan binh ta đánh bại, không biết đã mấy lần rồi. Lần này bại ở Thiết Thằng (đồn dây sắt), bỏ Nam Vang (Phnom Penh), thoái thủ U Đon (Oudong), thế lực đã quẫn, bất đắc dĩ đem cái mặt dày tự đến thuyết hòa, là chúng đã hết trò rồi. Trong khi ngồi, ta (Doãn Uẩn) nhìn y tuổi đã ngoài bảy mươi mà sức vóc khỏe mạnh, nói năng trôi chảy, cử chỉ giao tiếp rất thành thạo. Người xưa nói: "Kỳ tài anh khí bất tất trung hạ, cao kiến mẫu thức bất tất độc thư" (khí phách kỳ tài không cứ phải trung hạ, trông xa biết rộng không cứ phải đọc sách) quả có như vậy".

Lời kết:

Từ sông Bạch Đằng, nơi ghi dấu ấn của Tiền Ngô Vương diệt quân Nam Hán, Lê Hoàn khiến nhà Tống ôm hận, rồi Trần Hưng Đạo bắt Ô Mã Nhi, đến chiến tuyến sông Như Nguyệt ghi dấu Thái úy Lý Thường Kiệt vang danh với bài thơ Nam Quốc Sơn Hà… Thế sự chầm chậm trôi, từng triều đại nối nhau qua đi, dòng thời gian vẫn vô tình phủ mờ đi công tích của các bậc tiền nhân, khiến cho hậu thế mỗi lần giở trang sử sách vẫn không khỏi bồi hồi.

Mỗi triều đại dù ít hay nhiều đều góp một phần to lớn vào sự hình thành của đất nước này, cái gọi là Tổ Quốc mà mỗi người dân Việt vẫn luôn tự hào. Và nhà Nguyễn cũng lại giống như vậy - cũng hoàn thành tốt hết mức có thể vai trò lịch sử của họ.



Triều Nguyễn trong suốt mấy trăm năm, từ thời chúa Nguyễn với 9 chúa và 13 đời vua, trải qua không ít thăng trầm nhưng đã hoàn thành trách nhiệm lịch sử. Và dẫu cho các sử gia sau này có đánh giá họ là “bán nước” hay “đầu hàng Pháp” gì đi nữa thì cũng không thể phủ nhận một điều là: triều đại này [triều Nguyễn] đã mở mang bờ cõi rộng nhất trong suốt mấy ngàn năm qua.

Chính nhà Nguyễn đã đưa miền Nam vào bản đồ quốc gia và đã đổ máu chinh chiến vô số lần, chiến thắng nhiều kẻ thù sừng sỏ cỡ như Hà Lan (thời chúa Nguyễn Phúc Tần) và chiến thắng chung cuộc trước đế quốc Xiêm La trong cuộc chiến chống ngoại xâm 140 năm - dài nhất trong lịch sử. Không có triều Nguyễn, sẽ không thể có miền Nam, một phần quan trọng nhất của nước ta. Vậy nên với vai trò là một triều đại mở cõi, cùng với những danh tướng vì nước quên thân như Trần Văn Năng, Doãn Uẩn, Nguyễn Công Trứ... và các trận chiến đi vào sử sách như trận Vàm Nao, U Đông, Sầm Khê, thì công lao và danh tiếng của nhà Nguyễn sẽ luôn tồn tại trong lòng nhân dân mãi mãi về sau và làm nức lòng bao thế hệ hậu nhân bất kể mọi lời khen chê, công tội...

   Mời xem thêm »


© Minh Bảo
    NTDVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages