Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung là cũ hay mới? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung là cũ hay mới?


Tổng thống Ronald Reagan phát biểu trước người dân Tây Berlin tại chân cổng Brandenburg vào ngày 12/6/1987. Những lời của Tổng thống cũng có thể được nghe thấy ở phía đông của bức tường. "Phá bỏ bức tường này!" ông nói với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Bài phát biểu của ông ngày hôm đó được nhiều người cho là đã khẳng định sự khởi đầu của Chiến tranh Lạnh và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản. (Mike Sargent / AFP qua Getty Images)

Trong hai năm qua, người ta đã nói nhiều về một “Cuộc chiến tranh Lạnh Mới” có thể nổ ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tuy nhiên, thật sự là nó không mới. Đó là cuộc chiến tranh lạnh cũ biểu hiện theo cách mới, ông Clyde Prestowitz, một chuyên gia về châu Á và toàn cầu hóa, một nhà đàm phán thương mại kỳ cựu của Hoa Kỳ và là Cố vấn Tổng thống nhận định.

Khái niệm về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới nảy sinh từ niềm tin rộng rãi rằng sự sụp đổ của Liên bang Xô viết năm 1991 đã kết thúc cuộc chiến tranh lạnh với chiến thắng của phe dân chủ. Quan điểm này được củng cố bởi việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Hoa Kỳ và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) năm 1979. Nó cũng được củng cố bởi chính sách kinh tế của Bắc Kinh thể hiện với thế giới bên ngoài là "chuyển sang con đường tư bản chủ nghĩa". Thật vậy, dưới chế độ Mao Trạch Đông, nhiều người Trung Quốc đã bị bỏ tù và thậm chí bị xử tử vì "đi theo chủ nghĩa tư bản”. Bây giờ có vẻ như toàn bộ chế độ đang "đi theo chủ nghĩa tư bản”. Ít nhất đó là ấn tượng của hầu hết các nhà quan sát dân chủ.



Những sự kiện này làm cho Mỹ và phần còn lại của thế giới tự do vô cùng phấn khích. Thật vậy, nhà triết học chính trị hàng đầu Francis Fukuyama đã viết một cuốn sách có tựa đề “Sự kết thúc của lịch sử và con người cuối cùng”. Trong cuốn sách này, ông đề cập đến triết lý Mác vốn tiên đoán sự thiết lập chế độ độc tài của giai cấp vô sản như là giai đoạn cuối cùng của phép biện chứng. Nhưng ông Fukuyama nói rằng, mục đích cuối cùng là nền dân chủ và nhân quyền chứ không phải là chế độ độc tài của bất kỳ giai cấp nào.

Tất cả điều này khiến nước Mỹ và phần còn lại của thế giới phương Tây "thở phào nhẹ nhõm". Thật vậy, khi Trung Quốc bắt đầu chào đón đầu tư nước ngoài và mở cửa thị trường cho hàng nhập khẩu từ nước ngoài, thế giới tự do tràn ngập sự phấn khích với kỳ vọng rằng, thương mại tự do và tác động của các lực lượng thị trường ở Trung Quốc chắc chắn sẽ đưa đất nước đến với nền dân chủ. Tổng thống Bill Clinton đã bật cười khi được báo cáo rằng, Trung Quốc đang cố gắng kiểm duyệt Internet. Ông nói, đó là điều ngốc nghếch và vô vọng. Tổng thống George W. Bush nói rằng thương mại tự do chắc chắn sẽ gieo mầm mống dân chủ vào Trung Quốc. Thật vậy, kỳ vọng rằng toàn cầu hóa sẽ tự do hóa và dân chủ hóa nền chính trị Trung Quốc đã thuyết phục các nước tư bản thừa nhận Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001.

Khung cảnh Khu tài chính Lujiazui ở quận Phố Đông, thành phố Thượng Hải vào ngày 14 tháng 8 năm 2015. (Julian Eisele/AFP/Getty Images)

Nhưng liệu nước Mỹ và phần còn lại của thế giới tự do có nhìn thấy bức tranh của thực tế hay họ đang bị lừa dối, hoặc tệ hơn, họ đang tự lừa dối mình?

Sau cái chết của Chủ tich Mao Trạch Đông, nền kinh tế Trung Quốc còn sơ khai và hầu như không đủ nuôi sống người dân. Chủ tịch Đặng Tiểu Bình và các lãnh đạo khác của ĐCSTQ đã thảo luận về những việc phải làm. Ông Đặng đã thúc đẩy mở cửa thị trường với câu nói nổi tiếng "làm giàu là điều tuyệt vời". Các nhà lãnh đạo khác như Lý Bằng phản đối sự ra đời của các lực lượng thị trường vì sợ rằng nó sẽ dẫn đến sự hồi sinh của các tầng lớp tư sản giàu có. Đáp lại, ông Đặng nói, "tất nhiên, nếu chúng ta mở cửa sổ, sẽ có ruồi nhặng bay vào". Nhưng ông tự tin rằng ĐCSTQ có thể kiểm soát lũ ruồi nhặng và cuối cùng sẽ giết chúng.

Trong bối cảnh này, cần phải nhớ rằng một động lực quan trọng thúc đẩy Trung Quốc trong một trăm năm mươi năm qua là để phục thù sau cuộc chiến tranh nha phiến với phương Tây và sự hồi sinh của Đế quốc Nhật Bản đầu thế kỷ 20. Ông Tôn Trung Sơn đã thể hiện cảm giác bất lực này khi nói rằng “Trung Quốc giờ thật kém cỏi”. Cả Quốc Dân Đảng dưới thời Tưởng Giới Thạch và ĐCSTQ dưới thời Mao Trạch Đông đều tìm cách khôi phục niềm tự hào và quyền lực xa xưa của Trung Quốc. Thật vậy, khi ông Mao có bài phát biểu nổi tiếng “Trung Quốc đã đứng dậy” vào năm 1949, người ta tự hỏi liệu có phải ông Tưởng Giới Thạch, khi đó đang sống lưu vong ở Đài Bắc, cũng đồng cảm với kẻ thù cũ của mình.



Người phương Tây khó có thể hiểu được cảm giác nhục nhã khủng khiếp này của người Trung Quốc. Rốt cuộc, hai trong số các triều đại vĩ đại nhất của Trung Quốc, nhà Nguyên và nhà Thanh đều không phải người Trung Quốc, mà là người Mông Cổ và người Mãn Châu. Các nước phương Tây chưa bao giờ chiếm đóng và trực tiếp cai trị Trung Quốc như người Mông Cổ và người Mãn Châu. Họ hỏi tại sao Trung Quốc lại nghiêng về cuộc chinh phục toàn bộ hơn là sự can thiệp từ bên ngoài không thường xuyên của phương Tây? Người phương Tây không nhận ra, trong khi người Mông Cổ và Mãn Châu chinh phục Trung Quốc, họ đã bị nền văn minh Trung Quốc chinh phục và cai trị thông qua cấu trúc quan liêu đã tồn tại từ trước dựa trên Khoa cử chế. Do đó, không giống như các dân tộc châu Á mà nền văn minh của Trung Quốc đã vượt trội hơn bao đời nay, người phương Tây xem Trung Quốc không chỉ kém cỏi mà còn lạc hậu về công nghệ và văn hóa. Đây là một sự xúc phạm quốc gia cần được đền bù.

Ngay từ đầu, mục đích của ĐCSTQ không chỉ là khôi phục hoàn toàn chủ quyền và độc lập của Trung Quốc mà còn đưa đất nước này trở lại vị trí Vương quốc Trung tâm với truyền thống bá chủ toàn cầu. Ông Đặng Tiểu Bình có thể linh hoạt hơn ông Mao Trạch Đông trong việc vận dụng các công cụ và chính sách kinh tế, nhưng mục tiêu của ông và ĐCSTQ là như nhau. Thật vậy, khi thảo luận về bối cảnh quốc tế sau vụ thảm sát sinh viên biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989, ông Đặng đã nói về một “Cuộc chiến tranh Lạnh mới”.

Bất chấp lệnh thiết quân luật ở Bắc Kinh, hàng trăm nghìn người Trung Quốc tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn xung quanh một bản sao Tượng Nữ thần Tự do cao 10m, được gọi là Nữ thần Dân chủ, để đòi dân chủ vào ngày 2/6/1989. Hàng trăm, có thể hàng nghìn những người biểu tình đã bị quân đội Trung Quốc giết vào ngày 3 và 4/6/1989, khi các nhà lãnh đạo ĐCSTQ ra lệnh chấm dứt sáu tuần biểu tình dân chủ chưa từng có ở trung tâm thủ đô của Trung Quốc. (Catherine Henriette / AFP qua Getty Images)

Trong bối cảnh đó, rõ ràng Trung Quốc từ lâu đã hướng tới mục tiêu "tự lực tự cường" và "lãnh đạo toàn cầu". Ngay từ năm 1993, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng Hệ thống vệ tinh dẫn đường BeiDou giống hệt hệ thống GPS của Hoa Kỳ và hệ thống Galileo của châu Âu, mặc dù Trung Quốc có toàn quyền truy cập vào cả hai hệ thống này. Việc xây dựng Great Firewall vào năm 1997 để tách Internet Trung Quốc khỏi hệ thống World Wide Web toàn cầu và việc cấm các công ty như Google, Amazon và Facebook khỏi thị trường Trung Quốc là những tuyên bố rõ ràng của Chiến tranh Lạnh. ĐCSTQ không thực sự chấp nhận toàn cầu hóa hoàn toàn mặc dù liên tục nói rằng họ đã làm như vậy trong các cuộc họp thường niên ở Davos. Trên thực tế, Bắc Kinh đã tạo ra Diễn đàn Boao đối lập với Davos.

Tuyên bố năm 2015 về chính sách "Sản xuất tại Trung Quốc" ('Made in China 2025') thực sự là một tuyên bố về Chiến tranh Lạnh chống lại các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO mà Trung Quốc là thành viên và chống lại các ngành công nghệ cao của phương Tây. Điều này đi kèm với hành động quân sự hóa Biển Đông, sự bành trướng nhanh chóng của các lực lượng vũ trang Trung Quốc, các cuộc tấn công mạng vào các chính phủ và các doanh nghiệp phương Tây, đồng thời gây áp lực buộc các huấn luyện viên bóng rổ chuyên nghiệp Hoa Kỳ không được có ý kiến về Hong Kong. Sau khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của COVID-19, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu từ Úc một cách tùy tiện và bất hợp pháp.



Trong bốn mươi năm qua, Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác đã đề cập đến việc Trung Quốc trở thành “một bên liên quan có trách nhiệm trong trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ”. Vào tháng 3/2018, câu chuyện trên trang nhất của tạp chí The Economist (Nhà kinh tế) thông báo rằng Thế giới Tự do đã "Đặt cược sai vào Trung Quốc". Bắc Kinh không muốn trở thành một bên liên quan trong một trật tự toàn cầu do những người khác thiết lập. Bắc Kinh muốn thiết lập một trật tự thế giới độc tài của riêng mình.

Thực tế là thế giới không ở trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Cuộc Chiến tranh Lạnh cũ thực sự chưa bao giờ kết thúc.

Tác giả bài bình luận, ông Clyde Prestowitz là một chuyên gia về châu Á và toàn cầu hóa, một nhà đàm phán thương mại kỳ cựu của Hoa Kỳ và cố vấn tổng thống. Ông là trưởng phái đoàn thương mại đầu tiên của Hoa Kỳ đến Trung Quốc vào năm 1982 và từng là cố vấn cho các Tổng thống Ronald Reagan, George H.W. Bush, Bill Clinton và Barack Obama. Với tư cách là Cố vấn cho Bộ trưởng Thương mại trong chính quyền Reagan, ông Prestowitz đã đứng đầu các cuộc đàm phán với Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Cuốn sách mới nhất của ông Prestowitz là “Thế giới đảo lộn: Trung Quốc, Mỹ và cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo toàn cầu”, được xuất bản tháng 1/2021.

* Bài viết phân tích và thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.

   Mời xem thêm »


© Nguyên Hương biên dịch
    The Epoch Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages