Tại sao các Chiến dịch Bài trừ Tham nhũng của Cộng sản không bao giờ thành công - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

Tại sao các Chiến dịch Bài trừ Tham nhũng của Cộng sản không bao giờ thành công


Nguồn: David Hutt, Why Communist Anti-Corruption Campaigns Never Work. | The Diplomat, February 23, 2021
Các chiến dịch bài trừ tham nhũng đang diễn ra ở Việt Nam và Lào tập trung vào tư cách đạo đức của quan chức mà không giải quyết việc các cơ cấu chính trị thúc đẩy tham nhũng. | Ongoing anti-graft campaigns in Vietnam and Laos focus on officials’ moral conduct without addressing the political structures that incentivize corruption.
Một lá cờ búa liềm treo trên ban công ở Viêng Chăn, Lào. | A hammer-and-sickle flag hangs from a balcony in Vientiane, Laos. Credit: Sebastian Strangio

Chúng ta hãy so sánh hai bài báo của Đài Á Châu Tự Do, bài thứ nhất đăng ngày 18 tháng Hai và bài thứ hai đăng ngày hôm sau. Thông tin đầu tiên cho chúng ta biết cựu thủ tướng Thongloun Sisoulith, tân thủ lãnh của đảng cộng sản Lào, đã ra lệnh cho một tỉnh trưởng hủy bỏ thỏa thuận mua một đội xe mới cho các quan chức địa phương vừa đắc cử. Dường như vì các nhà chức trách muốn được coi là thắt lưng buộc bụng và tránh phô trương công khai trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay. Sau khi Thongloun trở thành thủ tướng vào năm 2016, ông đã phát động một chiến dịch bài trừ tham nhũng với quy mô nhỏ. Chiến dịch này chấm dứt khoảng năm 2018 nhưng bây giờ lại có thể quay trở lại.

Tuy nhiên, bài viết thứ hai cho thấy hai ứng cử viên có khả năng tái đắc cử trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào ngày chủ nhật, đã bị loại khỏi danh sách bầu cử tuần trước, vì họ chỉ trích tham nhũng quá mạnh, gồm cả những gì xảy ra trong giới chóp bu của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (LPRP) đang cầm quyền. Như ở bất kỳ nhà nước cộng sản nào, Quốc hội Lào là cơ quan bù nhìn, có rất ít quyền lực và được cho là bộ máy của Đảng – mặc dù đó là cơ quan duy nhất của quốc gia được bầu trực tiếp, có trách nhiệm kiểm soát các quan chức.



Việc này được làm bằng cách nào? Trong những năm gần đây, những người cộng sản đã đưa ra nhiều yêu sách lớn đối với việc giải quyết tham nhũng. Ở Việt Nam, chiến dịch bài trừ tham nhũng tham vọng nhất trong nhiều thập niên bắt đầu vào năm 2016, khi Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử nhiệm kỳ hai, với tư cách là lãnh đạo đảng tại Đại hội toàn quốc năm đó. Ở Trung Quốc cũng vậy, Chủ tịch kiêm lãnh đạo Đảng Cộng sản Tập Cận Bình cũng khẳng định mục tiêu làm trong sạch Đảng.

Các số liệu chính cho thấy có một số thành công trong trường hợp của Việt Nam. Tháng 12 năm 2020, ngay trước khi các đại biểu cộng sản nhóm họp trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13, ông Trọng nói rằng, các nhà điều tra đã xem xét hơn 11.700 trường hợp. Trong số này, các tòa án đã thụ lý và truy tố 88 vụ, liên quan đến 814 người, gồm có một ủy viên Bộ Chính trị, một số bộ trưởng và cựu bộ trưởng, và một tá quan chức quân đội cấp cao. Ngay từ đầu năm 2019, nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Hải đã nhận xét: “Chưa bao giờ trong lịch sử Đảng Cộng sản lại có một số lượng lớn các quan chức cấp cao của Chính phủ và Đảng bị kỷ luật và trừng phạt như vậy”.

Tuy nhiên, câu hỏi không phải là tại sao mà là làm thế nào. Ông Trọng, 76 tuổi, đã giành được nhiệm kỳ ba – một sự kiện gần như chưa từng xảy ra – tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) vào tháng trước, một quyết định mang ý nghĩa đảng phải vượt qua hai chuẩn mực lâu đời được thiết kế để ngăn chặn quyền lực độc tài – giới hạn hai nhiệm kỳ đối với các lãnh đạo đảng và dự kiến ​​sẽ nghỉ hưu sau 65 tuổi – và giờ đây, Trọng là nhân vật quyền lực nhất mà đất nước chứng kiến ​​kể từ thời Lê Duẩn, nhân vật đã lãnh đạo đảng suốt phần lớn cuộc Chiến tranh Việt Nam và sau đó là cuộc xung đột với Campuchia và Trung Quốc.

Một nhận xét vào tháng 11 năm 2018 của Cù Huy Hà Vũ, nhà bất đồng chính kiến, ​​từng là quan chức trong Bộ Ngoại giao, giờ đây đáng được xem xét lại. Ông viết “Vào lúc này, uy tín của chính phủ Việt Nam là do sự liêm chính được công nhận rộng rãi của… Nguyễn Phú Trọng. Chúng ta không thể loại trừ khả năng tham nhũng có thể tái phát, thậm chí với cường độ mạnh hơn trước, sau khi ông Trọng về hưu ”. Chúng ta không thể…, mặc dù hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng ông Trọng sẽ nghỉ hưu vào tháng trước. Nhưng cái mà Vũ muốn nói đến là bản chất thực sự của các chiến dịch chống tham nhũng: đó là sự bất ổn cố hữu của chúng.

Ở Việt Nam, chiến dịch bài trừ tham nhũng đi đôi với chiến dịch “đạo đức” nhằm thanh trừng những cán bộ có tư tưởng cải cách, cắt giảm biên chế, trung thành với ý thức hệ là điều kiện tiên quyết để thăng tiến và tạo ra vô số tài liệu nhấn mạnh rằng, một “cán bộ chiến lược mới ” sẽ hình thành từ những người thể hiện sự tận tâm với các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa, lòng trung thành với nhóm lãnh đạo hiện tại và sống có đạo đức.



Thay vì giải quyết tận gốc rễ hệ thống tham nhũng, họ tìm cách hoàn thiện bản chất con người. Tôi luôn lập luận rằng điều này tiết lộ chủ nghĩa duy tâm trong những người chống tham nhũng; họ tập trung vào đạo đức hơn là thể chế. Cho dù cố gắng, người ta cũng không thể hình dung ra một hệ thống hoàn hảo hơn hệ thống cộng sản của Lào và Việt Nam, nếu người ta muốn tham nhũng phát triển mạnh: đó là những quốc gia độc đảng khép kín, nơi không có truyền thông tự do và không có tòa án độc lập, và ở đó sự kiểm soát và cân bằng chỉ đến từ sự đỡ đầu mà người ta nhận được từ cấp trên.

Đôi khi, hình như Trọng nhận ra bản chất hệ thống của tham nhũng. Trong một cách nói khác thường đối với một nhà lãnh đạo cộng sản, phương tiện truyền thông của nhà nước Việt Nam gọi Trọng là “người chữa cháy vĩ đại”, vì ông ta nhận xét tham nhũng như một đám cháy rừng; nó sẽ đốt cháy bất kỳ khúc gỗ nào, dù khô hay không. Ít ra với nhận xét này, ông ta có vẻ thừa nhận tham nhũng cũng có thể thiêu rụi những quan chức ngay thẳng và trung thực nhất. Vì vậy, trên thực tế, nó không liên quan gì đến cá nhân.

Nhưng sau đó hãy nghe một bình luận khác của ông ta. Năm 2018, Trọng nói : “Cần thiết lập cơ chế để kiểm soát… những người có chức quyền, dựa trên nguyên tắc mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải ràng buộc với trách nhiệm, quyền hành tương ứng với trách nhiệm, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng nặng ”. Trên thực tế, điều này có nghĩa là cách duy nhất để chống tham nhũng là các quan chức ở các vị trí cao hơn phải có đạo đức và đạo lý hơn cấp dưới của họ.

Nhà báo kiêm nhà nghiên cứu Trần Lệ Thủy viết vào năm 2019 : “Phần lớn luận điệu của [Đảng Cộng sản] tập trung vào nhu cầu về mặt ‘đạo đức và đạo lý’ của các quan chức chính phủ”. “Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu chấp nhận rằng, tư lợi là đặc điểm nổi bật và không thể tránh khỏi của con người. Chỉ bằng cách ra lệnh cho các quan chức chính phủ hành xử trung thực theo ý thức công vụ, Đảng có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội thiết lập các cơ chế mạnh mẽ và hợp lý hơn để kiểm soát tham nhũng ”.

Nhưng có một lý do rất chính đáng để không làm việc này. Bắt đầu từ rất sớm, trong chiến dịch bài trừ tham nhũng của mình, Trọng đã lưu ý rằng ông không “đập bình bắt chuột”. Điều này có nghĩa là nỗ lực chống tham nhũng sẽ dừng lại trước khi nó làm suy yếu chính ĐCSVN.

Nhưng khía cạnh thứ hai, thường bị bỏ qua, là các chiến dịch bài trừ tham nhũng cho phép những người đứng đầu hệ thống phân cấp cộng sản ở Việt Nam và Lào – cũng như ở Trung Quốc – tái tập trung quyền lực. Nếu việc thực thi các biện pháp chống tham nhũng có nghĩa là chỉ những người ở vị trí cấp cao mới có trách nhiệm buộc những người ở vị trí cấp dưới chịu trách nhiệm, thì việc chống tham nhũng trở thành một phương tiện mới để gắn kết các đảng cộng sản với nhau: nó khôi phục quyền lực cho vị trí cao nhất trong hệ thống phân cấp.



Điều này đưa chúng ta trở lại hai bài tường thuật của Đài Á Châu Tự Do. Theo một cách nào đó, chúng là ví dụ hoàn hảo về việc chống tham nhũng được sử dụng để tập trung quyền lực. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (LPRP) cho rằng, việc thanh trừng hai nghị sĩ – những quan chức duy nhất thực sự được người dân bầu chọn, dù cuộc bầu cử có thể vô ích – là hợp lý, vì họ muốn can dự vào chiến dịch bài trừ tham nhũng. Chuyện này quá đáng đối với các lãnh đạo đảng, như Thongloun, vốn tin rằng chỉ những người đứng đầu đảng mới có quyền quyết định cách thức tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng.

Và đó là lý do tại sao các chiến dịch bài trừ tham nhũng ở Lào và Việt Nam cuối cùng sẽ luôn thất bại.

Kể từ năm 2016, ĐCSVN đã phá bỏ hầu hết mọi chuẩn mực phân quyền trong nội bộ để trao cho Trọng ngày càng nhiều quyền lực hơn. Trong khi đó, tại Lào, những tiếng nói cải cách trong đảng và Quốc hội đang bị thanh lọc để bảo vệ chiến dịch bài trừ tham nhũng.

   Mời xem thêm »


© Hoàng Thủy Ngữ Chuyển ngữ
    Hoàng Thủy Ngữ blog
Nguồn: David Hutt, Why Communist Anti-Corruption Campaigns Never Work. | The Diplomat, February 23, 2021
Ongoing anti-graft campaigns in Vietnam and Laos focus on officials’ moral conduct without addressing the political structures that incentivize corruption.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages