Tại sao 'thú tánh hoá' người mình không ưa? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

Tại sao 'thú tánh hoá' người mình không ưa?


Hình hoạt họa do báo chí nhà nước Trung Quốc chế nhạo Đức, Úc, Nhật, Ý, Mỹ, Anh, Canada, Pháp và Ấn Độ sau Hội nghị thượng đỉnh G7

Truyền thông quốc doanh của Tàu thích mô tả đối phương như là những con thú ('thú tánh hoá'). Cái note này sẽ đọc vài nghiên cứu tâm lí để hiểu giải tại sao có hiện tượng này và tại sao nó ảnh hưởng đến chánh sách của một quốc gia.

Tàu & Việt ngày nay giống nhau

Một số người Tàu (và cả người Việt) hình như có một xu hướng giống nhau: họ hay thú vật hoá những kẻ họ không ưa. Trong lúc các lãnh đạo trong nhóm G7 họp bên Âu châu (có mời cả Úc và Nga dù 2 nước này không có trong G7) thì nhà cầm quyền Tàu nổi điên lên. Họ cho tờ báo dân tộc cực đoan 'Hoàn Cầu Thời Báo' vẽ bức hình những con thú tượng trưng cho các lãnh đạo G7 và đồng minh, và kèm theo câu 'Through this we can still rule the world' (Qua hội nghị này chúng ta vẫn có thể thống trị thế giới) [1].



Họ có vẻ đặc biệt cay cú với nước Úc của tôi. Trong hình trên tờ Global Times, họ mô tả Úc là con vật Kangaroo có 2 mặt, ý nói rằng Úc vừa hợp tác với Mĩ để khống chế Tàu cộng, nhưng đồng thời lại rất mê tiền của Tàu cộng.

Bức hoạ này làm cho những quan sát viên trong thế giới phương Tây có một trận cười thoải mái, và nó khẳng định cái tánh trẻ con, cái tâm trạng ấu trĩ, chưa trưởng thành của một nước có lịch sử 5000 năm.

Nhưng một số người Việt cũng có cách làm giông giống nhà cầm quyền Tàu. Mới đây, khi đội banh Việt Nam thua đội UAE, nhiều cổ động viên VN hùng hổ tung ra những câu chửi bới tục tĩu, nhục mạ và thú tánh hoá viên trọng tài người Iraq. Mà, đây không phải là lần đầu các cổ động viên VN làm như vậy, trong quá khứ họ cũng từng làm gây bão thoá mạ những đối thủ mà đội banh Việt Nam thua trận. Ngay cả xướng ngôn viên trên đài truyền hình quốc gia cũng có vẻ gián tiếp ủng hộ hành vi kém văn hoá này (?)

Xin ghi thêm là tôi cũng từng mê đá banh thời còn trẻ. Nhưng tôi nhớ rõ ràng là chúng tôi thời đó không có những hành vi cực đoan kiểu 'dân tộc chủ nghĩa' như mấy cổ động viên như thời nay. Chúng tôi không có những từ ngữ đao to búa lớn. Thắng thua chẳng có liên quan gì đến đậm đà bản chất dân tộc cả; nó là một thành quả của quá trình huấn luyện. Chúng tôi chấp nhận thắng thua như là kết cục của một cuộc chơi giải trí.

Thật vậy, đá banh là một cuộc chơi giải trí mà thôi. Có lẽ các cổ động viên ngày nay không nhận ra bản chất giải trí của đá banh nên họ bị chi phối quá lớn từ liều lượng testosterone trong máu?

Tâm lí của thú tánh hoá

Các nhà tâm lí học lí giải rằng tâm lí con người là một nhóm chương trình tâm thần (mental programs). Có chương trình nhận dạng khuôn mặt của người đối diện và đưa ra một đánh giá nhanh. Có chương trình vận hành như là một kho kí ức, giúp chúng ta truy tìm và so sánh những trải nghiệm trong quá khứ. Những chương trình này được mã hoá bởi quá trình tiến hoá, và nó giúp chúng ta sống sót trước những hiểm nguy.



Thú vật hoá hay thú tánh hoá có nguồn gốc từ chương trình tâm lí. Con người chúng ta hình thành vũ trụ chung quanh trong đầu bằng cách xếp hạng. Theo cách xếp hạng này, thì Thượng đế (hay 'Ông Trời') là ở tận cùng trên cao, những vật trơ thì ở phía dưới đáy, và những vật còn lại là ở giữa 2 thái cực. Trong những con vật ở giữa 2 thái cực đó là con người và thú vật. Người đứng trên thú vật vốn được xem là không có linh hồn. Trong nhóm con người lại cũng có thứ bậc. Thú tánh hoá là một quá trình xây dựng hình ảnh của 'kẻ thù' như là một con thú.

Nghiên cứu tâm lí học chỉ ra rằng khi người ta thú tánh hoá người khác thì vùng não bộ được kích hoạt là vùng ghê tởm, nhưng vùng não cảm thông thì bị bất kích hoạt. Hàng ngàn năm về trước, con người đã có cảm giác bất an khi thấy một bộ lạc xa lạ nào đó đến gần họ. Cho đến nay, chúng ta vẫn có cảm giác này: thấy lo ngại khi tiếp xúc một kẻ không giống mình.

Một hình ảnh tương tự cho thấy một chiếc rìu có Quốc huy của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đè bẹp những kẻ khủng bố, một lần nữa xuất hiện trong màu đen nham hiểm.

Tại sao thú tánh hoá?

Thú tánh hoá là phản ứng tự nhiên trước những cơn tức tối, nỗi sợ, và sự mất niềm tin. Nhà cầm quyền Tàu mô tả người Duy Ngô Nhĩ như những con chuột [2] vì họ tức giận sự phản kháng của dân tộc này. Trước đây, họ cũng từng thú tánh hoá người Việt chúng ta, có lẽ vì tức tối do không chinh phục được?

Thú tánh hoá cũng là phản ứng của sự bất lực, bất tài, và thiếu tự tin trước một đối phương mạnh hơn, lớn hơn và tài giỏi hơn. Do đó, chúng ta có thể suy đoán rằng khi nhà cầm quyền Tàu thú tánh hoá Mĩ hay các lãnh đạo G7, thì người ngoài chỉ ... cười. Người ta hiểu ngầm rằng kẻ thú tánh hoá đang tức giận và thất vọng.

Trước một đối thủ khó ưa nhưng giỏi hơn và có khả năng hơn, người ta thường đánh giá bằng cách áp dụng các thang bậc con người - thú vật như trình bày trên. Cảm nhận dễ nhứt là xem đối phương như là những kẻ xấu và ác ôn. Cảm tính hơn thì xem đối phương là loài thú vật. Đó cũng chính là cách mà bọn Đức Quốc Xã tuyên truyền về người Do Thái như là những con chuột! Đó cũng là bọn vua chúa Tàu từng xem người Việt là kém văn minh, gần như thú vật. Đó cũng là cách mà người Việt đánh giá những dân tộc có da ngâm đen hay da đen. Nói chung, trược sự bất lực đối với một đối phương tài giỏi, người ta thường tìm cách tô vẽ họ như là những kẻ xấu, thậm chí gần thú vật hay thú vật, và chúng có những mẫu số chung như vô đạo đức và nguy hiểm.

Người bản địa lúc nào cũng nghi ngờ người di dân. Cách họ nghi ngờ trong đầu là họ đánh giá con người qua thang điểm thú vật. Ngày xưa ở miền Nam, tôi nhớ các thầy hay nói rằng những người như Mã Lai, Kampuchea, Lào, Nam Dương, v.v. là 'mọi'. Nhưng sau này khi đã tiếp xúc với họ và biết chút về họ thì tôi thấy gọi người ta là 'mọi' là quá bậy. Tôi đoán rằng người Âu châu khi vào Việt Nam vào thế kỉ 18 chắc cũng nghĩ người Việt là 'mọi'.



Các nhà nghiên cứu có thang điểm định lượng này có giá trị từ 0 (thú vật) và 100 (con người). Một nghiên cứu vào thập niên 1990 cho thấy người Mĩ da trắng đánh giá họ cao hơn những sắc dân khác. Theo nghiên cứu này, người Mĩ có điểm trung bình 91.5, cao hơn người Nhật (91.1), Úc (90.1), Tàu (88.4), Mễ Tây Cơ (83.7). Riêng người Ả Rập (80.9) và Hồi Giáo (77.6) được đánh giá là xa con người nhứt! Rõ ràng là não bộ con người có sự kì thị đáng kể.

Hậu quả của thú tánh hoá

Thú tánh hoá bắt đầu bằng ngôn ngữ, nhứt là cách chửi. Do đó, không ngạc nhiên khi chúng ta thấy người Việt có cách chửi bằng cách gán cho đối phương những hình tượng như con vật. Những con vật bị lấy ra làm hình tưởng cho chửi bới là bò, trâu, heo, chó, ngựa, rắn, v.v. Điều thú vị là các sắc dân khác (bên Tây) cũng có cách hạ nhân cách đối phương bằng những con vật này.

Nhưng thú tánh hoá không chỉ là cách dùng ngôn ngữ chửi bới, mà còn có ảnh hưởng đến hành động của cá nhân và chánh sách của một Nhà nước. Ở mức độ cá nhân, trong 'Thí nghiệm nhà tù' nổi tiếng của Philip Zimbardo mà tôi có lần đề cập trước đây, có một sự kiện ít ai chú ý về hậu quả của thú tánh hoá. Theo đó, khi tình nguyện viên đóng vai công an / quản giáo nghe người khác nói một tù nhân (đóng vai) là 'thú vật', thì người đóng vai công an tra tấn 'tù nhân' mạnh hơn.

Một khi đã xác định đối phương là kẻ xấu và nguy hiểm, thì đó cũng là một sự biện minh cho những hành động tàn ác chống đối phương. Kẻ xấu và vô đạo đức, theo cái nhìn của những người thích thú vật hoá, thường có những hành động và hành vi xấu. Ngược lại, kẻ thú tánh hoá dù có những hành vi xấu và ác ôn thì được xem là bình thường hay phớt lờ. Từ đó, mỗi cuộc tranh chấp giữa kẻ thú tánh hoá và đối phương xấu được xem như là một cuộc chiến: cuộc chiến giữa cái tốt và cái xấu. 'Ta' tốt, địch xấu. 'Ta' là người, địch là thú vật.

Những người tham gia nghiên cứu có quyền lựa chọn xếp hạng mỗi nhóm là 100 hoàn hảo trong cuộc khảo sát. Nhiều thì không. Javier Zarracina / Vox

Có lẽ chúng ta đã quá quen với mệnh đề 'kẻ xấu', nhưng chúng ta ít khi nào nghĩ xa hơn về tác động của cách mệnh danh này.

Giới tâm lí học chỉ ra rằng khi xem đối phương là kẻ xấu, là thú vật (hay gần với thú vật) là bước đầu biện minh cho việc truy hại họ. Bởi vì đối phương không phải là con người, hay con người nhưng xấu xa và không cùng đẳng cấp đạo đức với 'ta', nên việc hành hạ họ, tra trấn họ, thậm chí giết họ là điều có thể chấp nhận được.

Đó cũng chính là suy nghĩ của bọn Nazi khi chúng xem người Do Thái là chuột, và họ làm thí nghiệm trên người Do Thái. Đó có thể là cách mà nhà cầm quyền Tàu xem lãnh đạo G7 là thú vật, nên việc tiêu diệt họ là một chiến lược lâu dài?

Chính vì vậy mà thú tánh hoá có hiệu quả lót đường cho những vi phạm nhân quyền ở một số quốc gia. Bởi vì khi Nhà nước đã xem ai đó là 'kẻ xấu' thì Nhà nước cảm thấy họ có quyền để diệt trừ 'kẻ xấu'. Họ triệt đường sống của những 'kẻ xấu' một cách tàn bạo. Đó là xu hướng chúng ta hay thấy trong các nước theo thể chế toàn trị. Thói quen thú tánh hoá đối phương cũng là lời giải thích tại sao một số cảnh sát / công an có những hành động tàn ác với công dân họ. Những gì xảy ra ở Tàu đối với người Duy Ngô Nhĩ, ở Kampuchea thời Khmer đỏ, hay gần đây nhứt là ở Rwanda (người Hutu xem người Tutsi là những con gián) chứng minh cho hậu quả tàn khốc của thú tánh hoá.



Nói cách khác, sự nguy hiểm của thú tánh hoá đối phương là nó biến thủ phạm thành những kẻ mất tánh người. Nói cách khác nữa cho dễ hiểu: những kẻ hay dùng cách nói thú tánh hoá chính là những người mất tánh người vậy.

Làm gì để tránh thói thú tánh hoá?

Không dùng ngôn ngữ thú tánh hoá để phê phán người khác, cho dù là họ có quan điểm rất khác chúng ta. Người phương Tây khi muốn chửi ai, họ hay dùng những chữ như 'monsters' (quái vật) hay 'Neanderthals' (giống như người tiền sử) hay các danh từ xúc phạm khác. Còn người Việt thì hay dùng những con vật như chó, heo, ngựa, rắn, v.v. để chỉ trích người khác. Dùng những chữ đó chỉ nói lên đẳng cấp của người sử dụng chữ quá thấp mà thôi.

Tránh dùng những hình ảnh mang tính thú tánh hoá con người. Lời khuyên này rất thích hợp đối với các cư dân mạng Việt Nam, vì họ hay sửa hình ảnh để biến kẻ họ không ưa như là những con vật hay những người dị tật. Theo một nghiên cứu xã hội thì cư dân mạng Việt Nam được đánh giá là 1 trong những cộng đồng kém văn minh nhứt thế giới. Cách dùng hình ảnh để nói xấu đối phương nó không chỉ phản ảnh sự trẻ con mà tự nó (hành vi) đã là một thú tánh.

Cần tự nhận thức về sự thiên vị ngầm trong đầu mình. Đầu óc chúng ta lúc nào cũng hàm chứa những thành kiến và thiên vị, và chúng chỉ chờ cơ hội để xuất hiện. Điều này có nghĩa là trước khi nói ra hay viết xuống chữ gì, chúng ta phải tự hỏi rằng chữ đó có làm xúc phạm người nghe / đọc. Nhà văn Mai Thảo có một câu nói đại khái rằng 'đời tôi không bao giờ dùng chữ nghĩa để nói xấu người khác'. Câu nói rất đáng để ghi lòng.



Nên nhớ rằng cách duy nhứt để nâng mình lên là nâng kẻ khác lên (chớ không phải thú tánh hoá người ta). Nói xấu người khác bằng những ngôn ngữ khiếm nhã chỉ làm cho mình thấp kém hơn. Chỉ trích những người ở vị trí kém may mắn hơn mình là một tín hiệu cho thấy mình thấp kém. Quyền lực có mối liên quan nghịch đảo với cường độ phê phán: người có quyền lực càng cao phải cẩn thận trong việc phê phán người khác.

***

Tóm lại, qua những gì tôi đề cập, các bạn có thể rút ra vài suy nghĩ đơn giản như sau:

(1) Thú tánh hoá là một hiệu ứng tâm lí của kẻ trong lúc giận dữ và thiếu kiềm chế, kẻ yếu đuối và bất lực, và những kẻ chưa thoát ra khỏi sự chi phối của sự thiên vị và thành kiến trong đầu.

(2) Xu hướng thú tánh hoá đối phương có vẻ là một nét văn hoá tuyên truyền ở các nước như Tàu cộng, và một phần nào đó, Việt Nam [3]. Nhưng không chỉ ở Tàu, mà nó còn hiện diện ở những xã hội văn minh như Mĩ [4]. Cái 'văn hoá' này đã lây nhiễm cho không ít người và biến họ thành những kẻ hung hãn trong hành động và hành vi, và dẫn đến những chánh sách kì thị độc hại. Những khái niệm như 'kẻ xấu' có thể xem là một cách gán nhãn nguy hiểm, vì nó biện minh cho những hành động tàn bạo theo sau.

   Mời xem thêm »


© GS. Nguyễn Văn Tuấn
    FB Nguyen Tuan
Tham khảo:
  1. ‘The Last G7’: Satirical cartoon mocking bloc’s attempt to suppress China goes viral. | Global 
  2. Times The dark psychology of dehumanization, explained | Brian Resnick, Vox
  3. Trích một đoạn kinh dị của một tác phẩm xuất bản khá lâu ở Hà Nội:
    “… quân ta ào lên, bắt giết, đâm, dẫm đạp. Một mụ ngụy cái, ngực để trần, miệng há ra ú ớ. Niềm căm thù kẻ hạnh phúc hơn mình bốc lên ngùn ngụt trong ngực mình. Mình găm vào ngực mụ cả loạt khiến ngực mụ vỡ toác mà mặt mụ vẫn chưa hết hy vọng. Giết người lúc ấy sao thấy sướng thế! Một thằng ngụy bị mình xọc lê vào bụng, nghe “thụt “một cái. Mình nghiến răng vặn lê rồi trở báng súng phang vào giữa mặt hắn. Hắn lộn một vòng, gồng mình giẫy chết như con tôm sống bị ném vào chảo mỡ… ”
  4. Trong thực tế thì sự thú tánh hoá con người cũng xảy ra ở các xã hội văn minh như Mĩ. Có lần ông Trump trong lúc nóng giận nói rằng những người di dân bất hợp pháp vào Mĩ là 'thú vật' ('You wouldn’t believe how bad these people are. These aren’t people. These are animals.'). Vậy là phe Dân Chủ và Cánh Tả tha hồ chửi Trump là kì thị chủng tộc, nhưng bản thân phe này cũng từng thú tánh hoá người khác. Chẳng hạn như James Hodgkinson từng nói rằng Trump không phải là con người ('Trump is a selfish inhuman with delusions of grandeur').

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages