Các nhà lãnh đạo mạnh mẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều sau một thập kỷ nắm quyền
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tự hào về việc học được các bài học từ sự sụp đổ của các chế độ độc tài khác. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đặt hàng các nghiên cứu của giới hàn lâm và tổ chức các cuộc hội thảo nhằm tìm hiểu xem chế độ Liên Xô hùng mạnh một thời đã sụp đổ như thế nào.
Đây hoàn toàn không phải là một việc làm vô ích. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ sự sụp đổ của Liên Xô, chẳng hạn như sự dàn trải sức mạnh quá đà, chạy đua vũ trang tốn kém và kinh tế trì trệ, đã giúp ĐCSTQ hình thành chiến lược tồn tại của mình trong thời kỳ hậu khủng hoảng Thiên An Môn. Nhìn chung, đảng đã được hưởng lợi từ những bài học này – cho đến khi Chủ tịch Tập Cận Bình áp dụng một chiến lược hoàn toàn mới sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012.
Giờ đây, khi Trung Quốc đã thực sự trở lại chế độ một người cai trị, ĐCSTQ có thể muốn xem xét kinh nghiệm của Nga dưới hai thập niên cầm quyền của Tổng thống Vladimir Putin.
Con đường phía trước mà ĐCSTQ vạch ra tiềm ẩn một số nguy cơ làm đẩy nhanh sự sụp đổ giống như của Liên Xô, chẳng hạn như cuộc chiến tranh lạnh đang bùng nổ với Hoa Kỳ, nhưng những nguy cơ khác thì hoàn toàn khác. Về mặt lý thuyết, việc tránh những sai lầm mà Putin đã mắc phải ít nhất cũng có thể giúp củng cố sự cai trị của ĐCSTQ khi ông Tập bắt đầu thập niên cầm quyền thứ hai của mình.
Chắc chắn, tuyên truyền chính thức của Trung Quốc miêu tả thời kỳ cầm quyền của Putin là một thành công ngoạn mục, với việc người hùng Nga hồi sinh nền kinh tế, khôi phục trật tự và vị thế cường quốc của Moskva. Sự thật, tất nhiên, là rất khác.
Thập niên cầm quyền đầu tiên của Putin trùng với thời điểm giá dầu tăng, giúp phục hồi nền kinh tế Nga. Mặc dù ông đã phá bỏ nền dân chủ non trẻ của Nga trong vòng vài năm sau khi lên nắm quyền năm 1999, nhưng Putin đã không bắt đầu thể hiện sức mạnh địa chính trị của Nga cho đến nhiệm kỳ thứ hai. Khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ ba vào năm 2012 – sau khi tạm giữ chức thủ tướng từ năm 2008 đến năm 2012 – Putin đã tăng cường chiến lược này để đưa nước Nga vĩ đại trở lại.
Bảng kết quả của Putin trong chín năm qua chứa đầy những lời hứa không được thực hiện và những sai lầm tốn kém. Về mặt kinh tế, Nga vẫn phụ thuộc vào dầu lửa, với dầu và khí đốt chiếm 39% nền kinh tế vào năm 2018. Dự án đầy tham vọng của Điện Kremlin nhằm phát triển các ngành công nghệ cao và đa dạng hóa nền kinh tế vẫn chưa thành công như mong đợi.
Trong khi đó, sự bám víu quyền lực vững chắc của Putin đã biến nền chính trị Nga trở thành một show diễn một người. Do đó, các hành động của Moskva xoay quanh việc bảo vệ hình ảnh và quyền lực của Putin hơn là thúc đẩy lợi ích quốc gia của Nga và giải quyết các thách thức kinh tế – xã hội về lâu dài của nước này.
Hậu quả tai hại nhất của chính sách đối ngoại theo khuynh hướng phục thù của Putin, thể hiện trong việc chiếm Crimea vào năm 2014, là việc Nga bị quốc tế cô lập và leo thang đối đầu với phương Tây. Putin có thể cảm thấy hài lòng về chuỗi thành tích chiến thuật của mình, chẳng hạn như cuộc chiến ở miền đông Ukraine, sự can thiệp quân sự của Nga ở Syria hay việc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 đã giúp Donald Trump giành được Nhà Trắng.
Nhưng phí tổn chiến lược đối với Nga là cao đáng kinh ngạc. Các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt sau khi chiếm Crimea đã gây ra một tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Nga. Cuộc chiến tranh ủy nhiệm đang diễn ra ở miền đông Ukraine làm tiêu hao nguồn lực hạn chế của Moskva. Sự cô lập về ngoại giao đã buộc Putin phải sa vào vòng tay của Trung Quốc, một liên minh chiến thuật mà Putin sẽ xa lánh nếu có quyền lựa chọn. Putin đã duy trì một lập trường rất lãnh cảm đối với Trung Quốc trong thập niên cầm quyền đầu tiên của mình.
Nếu ĐCSTQ muốn tránh những khó khăn mà nước Nga đang gặp phải, thì họ nên chú ý đến một số bài học quý giá của chủ nghĩa Putin.
Bài học đầu tiên là đừng đặt chiếc xe địa chính trị trước con ngựa kinh tế. Sai lầm lớn nhất của Putin là đánh giá quá cao sức mạnh của mình và chấp nhận đối đầu với phương Tây từ một vị thế yếu kém về kinh tế. Nga có thể sở hữu hàng nghìn đầu đạn hạt nhân, nhưng những điểm yếu về cơ cấu kinh tế của nước này – chẳng hạn như sự phụ thuộc quá nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, nền kinh tế chỉ bằng 1/10 quy mô nền kinh tế Mỹ và thiếu lĩnh vực công nghệ cao trong lĩnh vực dân sự- không thể giúp chống đỡ một chính sách đối ngoại quá tham vọng.
Do đó, những thành công về mặt chiến thuật hầu hết chỉ tạo ra những lợi ích địa chính trị mang tính ảo tưởng. Ví dụ, sự can thiệp quân sự của Putin vào Syria có vẻ là một bước đi sáng suốt trên giấy tờ, nhưng các lợi ích lâu dài cho Nga là không đáng kể vì Trung Đông quá xa so với khu vực lân cận của Moskva.
Một bài học khác mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể học được từ Nga là không nên xem thường những cái giá phải trả khi đối đầu với phương Tây. Mỹ và các đồng minh sở hữu một loạt các công cụ, chẳng hạn như trừng phạt tài chính, hạn chế công nghệ và viện trợ cho Ukraine, những biện pháp đã làm tăng đáng kể chi phí cho Nga sau khi chiếm Crimea.
Bài học cuối cùng mà Trung Quốc nên để ý là do sự điều chỉnh giữa chừng gần như không thể xảy ra dưới sự cai trị của một nhà lãnh đạo chuyên chế, mọi thứ có xu hướng trở nên tồi tệ hơn trong thập niên cầm quyền thứ hai vì hầu hết các nhà lãnh đạo chuyên quyền sẽ thường kiệt sức vào giai đoạn đó. Nếu những cải cách đã hứa hẹn không trở thành hiện thực trong thập niên đầu tiên, hầu hết các nhà lãnh đạo cũng khó có thể hoàn thành được gì nhiều trong thập niên thứ hai. Đồng thời, họ nhiều khả năng tái phạm những sai lầm của mình hơn là sửa chữa chúng để tránh làm cho quyền lực của mình bị suy yếu.
Nếu xét mối quan hệ có vẻ ấm áp giữa Trung Quốc và Nga hiện nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể lấy nước Nga của Putin làm ví dụ về cách thức điều hành một quốc gia. Nhưng nếu vậy họ đang mắc một sai lầm rất lớn. Nếu Tập Cận Bình có ý định đi theo con đường mà Putin đã chọn một thập niên trước, nước Nga ngày nay cũng có thể là Trung Quốc của ngày mai.
Minxin Pei là giáo sư ngành quản trị chính quyền tại Claremont McKenna College và là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú của Quỹ Marshall Đức tại Hoa Kỳ.
© Minxin Pei
Phan Nguyên biên dịch
Nghiên Cứu Quốc Tế
Nguồn: Minxin Pei, “Putin’s Russia is a trap China should avoid”, Nikkei Asia, 13/06/2021.
Text Content
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét