Chính phủ hai nước Anh và Mỹ đã yêu cầu Trung Cộng để các chuyên gia quốc tế vào Trung Quốc nghiên cứu lại nguyên ủy của bệnh dịch Covid-19. Trước đó Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh tình báo Mỹ gia tăng cuộc điều tra coi bệnh dịch có xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không, trình kết quả trong 90 ngày. Liên hiệp Âu châu cũng yêu cầu phải tìm hiểu sâu xa hơn để hiểu đại dịch Covid-19 khởi sự từ đâu, bao giờ và như thế nào. Tổng giám đốc cơ quan Y tế Quốc tế Liên Hiệp Quốc (WHO) tuyên bố sẵn sàng gửi các chuyên viên qua Trung Quốc mở một cuộc điều tra mới.
Tập Cận Bình đang bị đẩy vào một thế phải chống đỡ trước dư luận sôi nổi khắp thế giới. Mối nghi ngờ không chỉ nhắm vào nguồn gốc cơn đại dịch mà còn tấn công thẳng vào chính sách bưng bít thông tin của chế độ cộng sản.
Bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được xác nhận bị Covid-19 vào tháng 12 năm 2019. Nhiều người đã nghi rằng loài vi khuẩn mang ký hiệu SARS-CoV-2 đã lọt ra ngoài từ Viện Thí nghiệm Vi trùng học của thành phố Vũ Hán (WIV) nhưng Trung Cộng vẫn bác bỏ. Họ nói rằng vi khuẩn SARS-CoV-2, đã truyền trong thiên nhiên, từ một loài dơi sang người, qua các con vật bán ở chợ thú hoang thành phố hoặc trong các thịt đông lạnh nhập cảng.
Tháng Hai năm 2020 một giáo sư Đại học South China University of Technology, Botao Xiao đã đưa một bài lên mạng với kết luận rằng vi khuẩn “chắc đã thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán” chứ không được truyền tự nhiên. Ngay lập tức chính quyền Trung Cộng đã ép ông rút bài đó lại. Nhưng từ đó tới nay giới nghiên cứu ở Trung Quốc chưa đưa ra được bằng chứng nào biện minh cho giả thuyết vi khuẩn lan truyền tự nhiên.
Một phái đoàn của WHO được vào Trung Quốc nghiên cứu. Nhưng các chuyên gia trong phái đoàn bị ngăn cản không được tìm các dữ liệu đầy đủ về phòng thí nghiệm tại WIV ở Vũ Hán.
Từ năm ngoái chính phủ Mỹ vẫn dè dặt chưa kết luận. Tháng Giêng năm 2021, bộ Ngoại giao Mỹ còn thông báo chưa biết chắc chắn vi khuẩn SARS-CoV-2 truyền sang loài người như thế nào, mặc dù Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo nghi ngờ chính phòng thí nghiệm Vũ Hán WIV để lọt vi khuẩn ra ngoài.
Ở đây chúng ta thấy các nhà khoa học và các chính trị gia hành động theo các quy tắc khác nhau. Nhà khoa học bao giờ cũng phải dè dặt, không kết luận trước khi thấy bằng cớ xác đáng; còn các nhà chính trị có thể công khai nêu các giả thuyết mình tin là có vẻ đúng nhất.
Tháng Hai năm 2021, đài truyền hình NBC cho biết giới tình báo Mỹ chưa gạt bỏ giả thuyết vi khuẩn từ Viện WIV thoát ra ngoài. Ông Robert Redfield, nguyên giám đốc cơ quan CDC đề phòng bệnh dịch ở Mỹ, nói với đài CNN rằng ông vẫn nghi vi khuẩn truyền ra từ WIV, mặc dù có người còn chưa tin chắc. Bản tin tình báo được đài NBC nhắc lại vào tháng Tư, cho biết thêm rằng bệnh dịch đã xuất hiện từ tháng 11 năm 2019.
Ngày 9 tháng Năm nhật báo Wall Street Journal tiết lộ tin tức của tình báo Mỹ ghi nhận có ba nhân viên phòng thí nghiệm ở Vũ Hán đã vào bệnh viện. Sau khi công nhận tin tức tình báo này, ông Joe Biden nói rõ hơn, cho biết nhiều nhân viên Viện Vi Trùng học Vũ Hán mang các triệu chứng của Covid-19, hơn một tháng trước khi bệnh dịch được Bắc Kinh chính thức xác nhận.
Ngày 13 tháng Năm, tạp chí khoa học Science đăng một bức thư của nhiều khoa học gia chưa từng góp ý kiến về vấn đề này. Họ ghi nhận hai giả thuyết trên có giá trị như nhau; vi khuẩn truyền trong thú sang người, nhưng không bác bỏ giả thuyết do bất cẩn từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Đó cũng là quan điểm của ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO. Sau khi phái đoàn thứ nhất của WHO trở về, ông vẫn yêu cầu Trung Cộng phải cho mở một cuộc điều tra khác. Ông sẵn sàng gửi ngay nhiều nhà khoa học quốc tế qua Trung Quốc một lần nữa.
Sau khi các chính phủ Anh và Mỹ chính thức yêu cầu, ông Tập Cận Bình có dám đồng ý cho mở một cuộc điều tra thứ nhì hay không? Tập Cận Bình có chấp nhận cho mở tất cả các cánh cửa cho các nhà khoa học vào tìm hay không?
Ông Tập Cận Bình sẽ phải trả lời trong một thời gian ngắn. Nhiều người tham gia phái đoàn cũ lo ngại rằng càng trì hoãn thì cuộc điều tra mới càng khó khăn. Muốn tìm hiểu được chính xác, ít nhất các nhà khoa học phải được thử nghiệm các mẫu máu lưu trữ trong các bệnh viện ở Vũ Hán, hoặc nơi khác, trong thời gian trước tháng 12 năm 2019.
Cuộc thử nghiệm tương đối giản dị: Nếu thấy trong một số mẫu máu lấy trước tháng 12 năm 2019 có những kháng thể chống vi khuẩn SARS-CoV-2, thì đó là dấu hiệu người cho máu đã nhiễm Covid-19. Có thể xác định những bệnh nhân đó có làm việc tại WIV, hoặc tiếp xúc với các nhân viên của WIV hay không. Nếu không thấy gì hết, thì phòng thí nghiệm WIV sẽ được “trắng án.”
Một trở ngại cho các nhà nghiên cứu, nếu họ được qua Trung Quốc lần nữa, là các mẫu máu lưu trữ trong bệnh viện thường được hủy bỏ sau hai năm, một thủ tục thông thường tại các bệnh viện khắp nơi. Bà Thea Fischer, một bác sĩ chuyên nghiên cứu bệnh truyền nhiễm người Đan Mạch, đã tham dự phái đoàn WHO lần đầu, cho biết rằng bà đã được một bệnh viện ở Vũ Hán hứa các mẫu máu lưu trữ của họ sẽ không bị hủy bỏ trước khi được đem thử nghiệm xem có kháng thể chống lại vi khuẩn SARS-CoV-2 hay không. Nhưng họ không thể chờ đợi quá lâu sau thời hạn hai năm!
Tập Cận Bình và Cộng sản Trung Quốc có thể trì hoãn khiến cho một phái đoàn thứ nhì của WHO khó thâu lượm đủ chứng cớ để buộc tội bất cẩn của Viện Vi trùng học Vũ Hán. Năm ngoái, bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli-石正麗) đứng đầu cuộc nghiên cứu về Coronavirus của WIV đã từng bác bỏ tin tức nói rằng Viện WIV đã làm những cuộc thí nghiệm cho quân đội Trung Cộng. Nhưng năm ngoái bộ Ngoại giao Mỹ công nhận có những bản báo cáo về các cuộc thí nghiệm của quân đội thực hiện tại đó. Bà Thạch Chính Lệ cũng quả quyết rằng không một nhân viên nào của viện mắc chứng Covid-19. Liệu chính quyền Trung Cộng có chấp thuận cho các quan sát viên quốc tế đến tận nơi điều tra lại lời quả quyết đó hay không?
Xưa nay, Cộng sản Trung Quốc vẫn giữ bí mật cả về số người chết và số trẻ sơ sinh trong lục địa! Năm 2018, Trung Cộng đã từ chối không cho một phái đoàn Mỹ được vào nước để lấy các mẫu nghiên cứu về vi khuẩn gây bệnh cúm H7N9, theo ý kiến của WHO. Lúc đó, Trung Quốc chưa bị mang tiếng như bây giờ về bệnh Covid-19.
Giới tình báo quốc tế còn nghi ngờ rằng bộ máy chính quyền trung ương ở Trung Quốc cũng không biết gì về nguồn gốc phát khởi Covid-19. Ngay từ đầu, chính quyền địa phương ở Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc đã tìm cách bưng bít; đến khi có 5 triệu người ở đó chạy lánh nạn qua các tỉnh khác thì Bắc Kinh mới báo động.
Nếu có tai nạn do bất cẩn từ Viện WIV thì chính giới lãnh đạo ở đó, ở thành phố Vũ Hán và chính quyền tỉnh cũng tìm cách che đậy. Trước đây khi bệnh SARS phát khởi và lan tràn ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc, chuyện này đã diễn ra!
Cả bộ máy nhà nước Trung Cộng đã che đậy nguồn gốc thật của đại dịch Covid-19. Thế giới không thể chấp nhận tình trạng này, vì nếu không tìm hiểu để biết rõ bệnh dịch phát khởi như thế nào, nguyên do từ đâu, thì loài người làm sao có thể chuẩn bị đối phó các bệnh dịch trong tương lai?
Nhưng Tập Cận Bình sẽ không quan tâm đến vấn đề đó. Ngày 25 tháng Năm vừa qua, trong phiên họp của giới lãnh đạo WHO, đại diện của Bắc Kinh đã quyết liệt bác bỏ, không chấp nhận cho mở một cuộc điều tra mới!
Đây là một chuyện hàng ngày ở Trung Quốc dưới chế độ cộng sản. Bộ máy kiểm duyệt Trung Cộng mới cắt bỏ tất cả các chữ THÚY (翠) trên mạng lưới Weibo (Vi Bác, 微博), giống như Twitter ở Mỹ. Chữ Thúy này, nếu đáng bị kiểm duyệt thì chỉ nằm trong thành ngữ “ỷ thúy ôi hồng, (倚翠偎紅)” trong Tây Sương Ký mà Nhượng Tống dịch là “trêu hoa, ghẹo nguyệt!”
Nhưng lý do thực sự khiến Weibo cắt chữ Thúy là vì chữ này ghép bằng ba chữ khác: 习, 习, và 卒, đọc là Tập Tập Tốt. Tập 习 có thể là ông Tập Cận Bình, Tốt 卒 nghĩa là “hết,” là “chấm dứt,” khi đọc là “tuất” cũng có nghĩa là “chết.”
Nhìn vào cách đảng Cộng sản cai trị lục địa Trung Quốc, Tập Cận Bình không bao giờ chấp nhận cho ai bày tỏ ý kiến khác mình, thì biết rằng sẽ không bao giờ mở cửa cho một phái đoàn khoa học quốc tế nào được vào lục địa tìm hiểu nguồn gốc thật của Covid-19! Họa chăng phải chờ đến khi chế độ cộng sản và các ông Tập, Tập đều Tốt cả.
© Ngô Nhân Dụng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét