Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Tiêu chuẩn an toàn của Trung Quốc thách thức sinh mạng của người Việt - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Tiêu chuẩn an toàn của Trung Quốc thách thức sinh mạng của người Việt


Toa tàu chạy thử trên đường sắt Cát Linh Hà Đông ở Hà Nội, ngày 20/9/2018, do nhà thầu Trung Quốc thi công. (Ảnh: GIANG HUY/AFP qua Getty Images)

Kết quả đánh giá độc lập theo tiêu chuẩn của Pháp với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là "hoàn toàn mất an toàn". Ngạc nhiên là Bộ GTVT không thấy những cảnh báo an toàn của tư vấn độc lập là quan trọng vì tin vào "tiêu chuẩn an toàn" của Trung Quốc. Chúng ta chứng kiến một ví dụ điển hình về "bẫy nợ" đi kèm tha hóa đạo đức quan chức địa phương mà Trung Quốc reo rắc khắp toàn cầu trong hai thập kỷ qua. Tiêu chuẩn an toàn của Trung Quốc, hơn bao giờ hết, đang thách thức sự nhẫn nại và sinh mạng của người Việt.

Theo VTC News, liên danh tư vấn Apave-Certifer-Tricc (tư vấn ACT) của Pháp - đơn vị đánh giá độc lập về an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông (dự án do Trung Quốc cho vay tiền và xây dựng 13km đường sắt trên cao đã kéo dài 11 năm) vừa đưa ra 16 cảnh báo dẫn tới nguy cơ mất an toàn hệ thống khi vận hành. ACT cho rằng dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông không đáp ứng nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật trong vận hành hệ thống metro của châu Âu.



Cụ thể, Tư vấn ACT đã đánh giá 263 nội dung chuyên ngành công trình, 76 mối nguy hiểm, 31 chức năng an toàn, quản lý rủi ro của 11 chuyên ngành thiết bị. Theo ACT, hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông không bảo đảm an toàn hệ thống điện kéo, hệ thống phanh điện; hệ thống chưa sẵn sàng xử lý tình huống khẩn cấp trong khai thác, khi thử nghiệm 10 quy trình khẩn cấp của hệ thống thì có tới 8 quy trình thất bại.

Gây ngạc nhiên nhất trong dự án này với người dân trong nước không phải là kết quả đánh giá rất tệ về an toàn theo chuẩn mực của Châu Âu, mà là nó chưa hề được xây dựng theo một chuẩn mực an toàn nào khi dự án bắt đầu với lý do luật của Trung Quốc chưa quy định chuẩn mực đó (!). Ngạc nhiên thứ hai là Bộ Giao thông vận tải dường như tin rằng chuẩn an toàn của Trung Quốc (dù khi bắt đầu xây dựng dự án chưa hề có) là nên được chấp nhận vì vô số các lý do khách quan. Ngạc nhiên thứ ba là dự án này đã trở thành bẫy nợ như vô số bẫy nợ trong sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) mà Trung Quốc đã rải khắp Á - Âu - Phi trong gần 2 thập kỷ qua. Và ngạc nhiên cuối cùng là hàng loạt lỗ hổng, từ thẩm định, phê duyệt, quản lý và ràng buộc pháp lý đầy sơ hở của dự án, đã bộc lộ hết thảy, là lý do khiến dự án rơi vào bẫy nợ và mất an toàn đến bất an.

Chủ đầu tư thuê ACT đánh giá nhưng không bận tâm lắm về kết quả đánh giá này

Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cũng nêu rõ: đoàn tàu của dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông được sản xuất theo tiêu chuẩn của Trung Quốc dẫn đến Tổng thầu EPC là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc không thể cung cấp được các hồ sơ tài liệu liên quan theo yêu cầu của Tư vấn ACT đánh giá theo tiêu chuẩn châu Âu về an toàn vận hành hệ thống; hệ thống an toàn cháy nổ nhà ga trên tuyến không bảo đảm; an toàn hệ thống cầu cạn cũng chưa bảo đảm.

Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, ngay từ khi ký hợp đồng dự án này, theo Luật Đường sắt và quy chuẩn của Trung Quốc không có đánh giá an toàn hệ thống. Tuy nhiên, đến năm 2017, việc xây dựng dự án đã hoàn tất và tiến hành lắp đặt thiết bị để chuẩn bị cho giai đoạn khai thác thì lúc này Luật Đường sắt lại có quy định đánh giá an toàn, đặc biệt đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam.

"Để đánh giá an toàn dự án, thời điểm đó chúng ta chưa có kinh nghiệm nên phải thuê tư vấn đánh giá độc lập nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch. Sau đó, tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn tư vấn đánh giá an toàn và kết quả Tư vấn ACT (Pháp) trúng thầu", đại diện Bộ Giao thông vận tải cho hay.

ACT nhấn mạnh nếu vận hành hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, chủ đầu tư (Bộ Giao thông vận tải/Ban Quản lý dự án đường sắt) phải chấp nhận các rủi ro và hệ quả tương ứng.

Nhưng Bộ GTVT lại cho rằng, những khuyến nghị trên của ACT là mang tính phòng ngừa rủi ro trong quá trình vận hành, khai thác. Theo đại diện Bộ GTVT, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông xây dựng theo tiêu chuẩn Trung Quốc, còn Tư vấn ACT đánh giá theo tiêu chuẩn châu Âu nên mới có độ “vênh” giữa các tiêu chuẩn. Ngoài ra, dự án được phê duyệt thiết kế từ năm 2010 - 2011, trong khi đó một số nội dung được Tư vấn ACT đánh giá theo công nghệ hiện nay.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giải thích rằng, 13 đoàn tàu của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, cấp chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Mỗi đoàn tàu trong thời gian vận hành thử đã chạy hơn 1.500km, bảo đảm an toàn.



Theo Bộ GTVT, dự án được cấp chứng nhận an toàn của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy; kết quả đánh giá an toàn bước 2 về hệ thống tín hiệu của Tư vấn Ricado; Metro Hà Nội hoàn thiện lại 64 quy trình xử lý tình huống khẩn cấp, đã diễn tập ngoài hiện trường; bổ sung các biển chỉ dẫn cho người khuyết tật...

Bộ Giao thông vận tải cũng thừa nhận tư vấn ACT đã đánh giá dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông theo tiêu chuẩn châu Âu trong khi dự án được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn Trung Quốc, nên có nhiều tiêu chuẩn không bảo đảm.

Chẳng hạn, tiêu chuẩn Trung Quốc chỉ yêu cầu đánh giá và cấp chứng nhận an toàn tín hiệu, không yêu cầu đánh giá an toàn hệ thống điện kéo, phanh điện, trong khi tiêu chuẩn châu Âu phải đánh giá an toàn cả 3 hệ thống.

Những tuyên bố trên của bộ GTVT đang khiến dư luận “dậy sóng”. Việc Tư vấn ACT đưa ra các khuyến cáo về rủi ro an toàn tại dự án này cũng đang khiến những người quan tâm phải đặt ra câu hỏi rằng liệu những cảnh báo này đáng quan ngại đến mức độ nào?

Rõ ràng, ACT là một đơn vị độc lập được Bộ GTVT thuê để đánh giá mức độ an toàn của tuyến đường sắt này. Nhiều nhà quan sát tỏ ra ngạc nhiên rằng tại sao đã mất rất nhiều tiền thuê ACT nhưng khi có kết quả đánh giá thì Bộ GTVT lại cho rằng 13 đoàn tàu của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, cấp chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường? Nếu vậy thì tại sao nhà nước còn cần thuê đánh giá độc lập làm gì? Tiêu chuẩn an toàn của Châu Âu không lẽ không đáng tin hay sao?

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa biết khi nào mới có thể nghiệm thu. (Nguồn: Dân Trí/Thanh Niên)

Từ ‘lỗ hổng’ đến ‘bẫy nợ’

Kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gửi tới Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho thấy: hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tăng vốn và ký kết hợp đồng dự án.

Đáng lưu ý, dù là dự án trọng điểm của ngành GTVT, quy mô đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng nhưng quá trình đầu tư dự án có hàng loạt "lỗ hổng" được KTNN phát hiện sau nhiều năm thực hiện.

Thứ nhất, vi phạm Luật Đầu tư công

Theo báo Tuổi trẻ, cách đây 11 năm, khi lập dự án đầu tư tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT đã biết dự án không hiệu quả kinh tế nhưng các bên liên quan vẫn ngó lơ để dẫn tới tuyến đường sắt đô thị nghìn tỷ dở dang, ngổn ngang như hiện nay.



Theo KTNN, có nhiều "lỗ hổng" trong quá trình đầu tư khiến Bộ GTVT phải điều chỉnh vốn đầu tư dự án từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng, tăng 205% so với tổng vốn đầu tư ban đầu được duyệt.

Tuy nhiên, khi quyết định điều chỉnh tăng vốn dự án vào tháng 2-2016, Bộ GTVT không báo cáo Thủ tướng để trình Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh vốn là chưa thực hiện đúng nghị quyết 49 của Quốc hội, trái với quy định của Luật đầu tư công.

Thứ hai, không tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc dự án

Chủ đầu tư dự án đã không tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc dự án; bản vẽ thiết kế cơ sở chưa thể hiện được kết cấu chính của dầm cầu, trụ cầu tuyến đường sắt; khi lập dự án không tính toán đến việc xử lý nền đất yếu dẫn đến phải điều chỉnh bổ sung.

Đặc biệt, lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đơn vị tư vấn Trung Quốc giả định tính toán, phân tích hiệu quả kinh tế dự án cao hơn nhiều lần so với số liệu dự báo của Viện Chiến lược GTVT.

Cũng theo KTNN, khi phân tích hiệu quả kinh tế dự án, chủ đầu tư không xem xét đến chi phí vận hành cao, chiếm tỉ trọng lớn trong giai đoạn khai thác dự án nên kết luận đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiệu quả về kinh tế là thiếu chính xác.

Phương án tài chính của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngay từ khi lập dự án đã phải bù lỗ nhưng các bên liên quan chưa đề xuất phương án khai thác hiệu quả.

Về tiến độ dự án, theo hợp đồng EPC thời gian hoàn thành, chạy thử, bàn giao dự án vào năm 2014, sau đó được điều chỉnh kéo dài tới tháng 9 - 2017. Nhưng đến nay, công trình vẫn chưa được bàn giao cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư dự án cũng chưa làm rõ trách nhiệm của tổng thầu về những thiệt hại do việc chậm tiến độ gây ra để xử lý theo quy định.

Thứ ba, sử dụng vốn vay của Trung Quốc nên dự án càng kéo dài, Trung Quốc càng hưởng lợi lớn

KTNN cho biết: đến hết tháng 6/2018, số vốn rót vào đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông theo báo cáo của chủ đầu tư khoảng 11.337 tỷ đồng, nhưng kết quả kiểm toán chỉ ghi nhận khoảng 8.679 tỷ đồng đã đầu tư vào dự án.

Số chênh lệch khoảng 2.656 tỷ đồng do chủ đầu tư tính sai khối lượng 360 triệu đồng, sai đơn giá 175 tỷ đồng, sai khác 698 tỉ đồng, chưa đủ điều kiện quyết toán 1.781 tỉ đồng.

Tổng vốn đầu tư dự án được điều chỉnh tăng 9.321 tỉ đồng nhưng chủ đầu tư chưa chứng minh được hiệu quả kinh tế xã hội khi tăng vốn dự án. Việc tăng vốn này chưa xác định cơ sở điều chỉnh tăng chi phí các hạng mục thiết bị, chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ và chi phí chạy thử.

Chỉ riêng hạng mục thiết bị và đoàn tàu của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được điều chỉnh tăng vốn khoảng 3.143 tỷ đồng, trong đó chi phí mua các đoàn tàu tăng 364 tỉ đồng, hạng mục thiết bị tăng 2.778 tỉ đồng (tăng 227%).

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã phê duyệt phụ lục hợp đồng EPC phần thiết bị với đơn giá 178,7 triệu USD, cao hơn khoảng 8,3 triệu USD so với giá trong hợp đồng EPC không đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo kết luận của KTNN, việc sử dụng vốn vay Trung Quốc tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa hiệu quả do phối hợp giải quyết những vướng mắc cơ chế tài chính dự án chậm.



Đến nay, dự án đã ký kết 3 hiệp định vay khoảng 669,6 triệu USD từ Trung Quốc. Việc vay vốn Trung Quốc theo đánh giá của KTNN trước mắt giải quyết được các vướng mắc về vốn cho dự án nhưng phía Việt Nam cũng phải chấp nhận những ràng buộc, bất lợi như phải chỉ định nhà thầu Trung Quốc thực hiện khối lượng công việc có giá trị khoảng 13.751 tỉ đồng, chiếm 77% tổng vốn đầu tư dự án.

Nhiều người dân cũng bình luận hài hước: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông với chỉ 13km với công nghệ lạc hậu và đắt đỏ nhưng đã kéo dài hơn 11 năm chưa xong, chẳng lẽ nhà thầu Trung Quốc phải mất gần 1 năm chỉ để xây 1km đường sắt? Một công trình như vậy có xứng đáng được gọi là vết nhơ trong lịch sử Việt Nam?

Điều đáng chú ý là dự án này gây thiệt hại khủng khiếp về kinh tế, gây mất mỹ quan đô thị, gây bức xúc, phẫn uất trong nhân dân và gây mất niềm tin vào thể chế suốt bao năm qua nhưng chưa có bất cứ dấu hiệu nào về việc điều tra để xử lý. Người dân liệu sẽ phải đợi đến bao giờ được chứng kiến một tổ chức hay cá nhân nào đó đứng ra chịu trách nhiệm về công trình lãng phí bậc nhất Việt Nam này?

Có lẽ ưu điểm lớn nhất của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông với người Việt là giúp chúng ta có một ví dụ sinh động về cách mà Trung Quốc rải bẫy nợ, cách mà Trung Quốc dùng tiền thao túng, hạ thấp chuẩn mực quản trị, đạo đức của một số quan chức chính quyền địa phương có kết cấu với Trung Quốc.

   Mời xem thêm »


© Mộc Trà
    NTDVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages