Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden vẫy tay chào khi họ lên chiếc Không lực Một tại Lực lượng Không quân Hoàng gia Mildenhall, Anh vào ngày 9 tháng 6. Nhà Trắng có vẻ sẽ sử dụng một sáng kiến cơ sở hạ tầng mà G-7 đã đồng ý để hỗ trợ phát triển Đông Nam Á. (Ảnh: do Nhà Trắng cung cấp)
Điều phối viên Ấn Độ - Thái Bình Dương Kurt Campbell hôm thứ 3 ngày 6/7 cho biết, Mỹ cam kết 'đẩy mạnh' sự can dự với Đông Nam Á. Tuy nhiên, về vấn đề Đài Loan, Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập, Nikkei Asia đưa tin.
Thứ 3 ngày 6/7, tại Diễn đàn Asia Society, Điều phối viên của Tổng thống Mỹ Joe Biden về châu Á Kurt Campbell cho biết, ông cảm thấy "kinh ngạc" trước quyết tâm dẫn đầu của Trung Quốc trên trường quốc tế và để kìm hãm xu hướng đó của Bắc Kinh, Mỹ cam kết sẽ "đẩy mạnh" sự can dự ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, chính quyền Biden hiểu rõ những yếu tố nhạy cảm liên quan đến vấn đề độc lập của Đài Loan và không ủng hộ Đài Loan độc lập.
Vấn đề độc lập của Đài Loan
"Chúng tôi ủng hộ mối quan hệ không chính thức bền chặt với Đài Loan", ông Campbell nói nhưng nhấn mạnh rằng, Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập.Bài phát biểu của ông Campbell tại diễn đàn Asia Society là bình luận công khai đầu tiên sau bài phát biểu ngày 1/7 của Chủ tịch Tập Cận Bình nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong đó nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi việc thống nhất Đài Loan là "một sứ mệnh lịch sử và một cam kết không thể lay chuyển" của Đảng.
Ông Campbell cho biết, Mỹ hiểu rõ sự nhạy cảm liên quan đến vấn đề độc lập của Đài Loan. Ông cũng nói, Mỹ luôn tin rằng Đài Loan có quyền được sống trong hòa bình, được thể hiện vai trò quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực như vắc xin và các vấn đề liên quan đến đại dịch. Theo ông, Đài Loan phải có vai trò trong cộng đồng quốc tế, chứ không thể bị tách biệt.
Tuyên bố của ông Campbell về nền độc lập của Đài Loan phù hợp với những gì ông đã nói trong các bài phát biểu trước đó và chính sách này không thay đổi. Nhưng chúng sẽ được Bắc Kinh diễn giải như một cam kết đối với sự thay đổi tình hình sau bài phát biểu ngày 1 /7 của ông Tập
Theo chính sách "Một Trung Quốc", mà Hoa Kỳ đã duy trì từ năm 1979, Washington "thừa nhận lập trường của Trung Quốc" rằng chỉ có một Trung Quốc và rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Hoa Kỳ công nhận chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là "chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc" nhưng không công nhận rõ ràng chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan.
Điều này khác biệt với nguyên tắc "Một Trung Quốc" của Bắc Kinh, vốn coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc và là một phần trong tuyên bố chủ quyền của nước này.
Tăng cường sự can dự ở Đông Nam Á
Tại diễn đàn Asia Society, ông Campbell cho biết, chính quyền Biden đồng thời sẽ "đẩy mạnh quan hệ ngoại giao của Mỹ" ở Đông Nam Á, hiểu rằng sự tham gia của Mỹ trong khu vực này là chìa khóa thành công của chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương.Về cơ sở hạ tầng, ông Campbell nói, "Chúng tôi đang xem xét cẩn thận cách chúng tôi áp dụng các yếu tố của bộ cam kết Xây dựng lại Thế giới tốt đẹp hơn được thực hiện ở châu Âu vào tháng trước", đề cập đến sáng kiến về cơ sở hạ tầng được Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo khác của Nhóm G7 đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Cornwall, Vương quốc Anh.
Ông nói rằng điều đó sẽ bao gồm việc tận dụng các thỏa thuận tài chính mới cho cơ sở hạ tầng tại Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ.
"Bạn sẽ thấy vào cuối năm nay khi Tổng thống tiếp đón các nhà lãnh đạo Bộ tứ Kim cương Quad ở Washington, bạn sẽ thấy một số cam kết thú vị, tôi hy vọng vậy, và mang tính quyết định đối với không chỉ sự tiếp tục của chính sách ngoại giao vắc xin mà còn cả cơ sở hạ tầng", ông Campbell nói về diễn đàn Đối thoại Bộ Tứ giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Đối phó với thách thức từ Trung Quốc
Về mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra, ông Campbell nói, "Quay lại vấn đề chính, tôi đã rất ngạc nhiên bởi một số điều tôi đã đọc, đã thấy và đã trải nghiệm và đã có những cam kết ngoại giao. Và một điều không thể phủ nhận được là Trung Quốc rất ngang ngược và muốn đóng vai trò hàng đầu trên trường quốc tế. Bắc Kinh thực sự có quan điểm không thiện cảm với Hoa Kỳ và thực sự muốn định hình lại hệ thống châu Á".Ông Campbell cho biết, để đối phó với thách thức này, chính quyền Biden đã đưa châu Á trở thành trọng tâm của các chính sách khu vực của Hoa Kỳ. Đây là sự chuyển dịch chính sách từ khu vực Trung Đông sang khu vực Á châu.
Theo BBC, cuối tuần qua, quân đội Mỹ đã rời căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan trong khuôn khổ rút quân khỏi đất nước này sau 20 năm chiến tranh.
Ông Campbell cho rằng, Trung Quốc có thể có ba cách giải thích về việc Mỹ rút lui: rằng Washington quyết định đã tới lúc rút ra, muốn chuyển nguồn lực sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để chống lại Trung Quốc và muốn gây bất ổn cho sườn phía Nam của Trung Quốc.
Ông Campbell cho biết thách thức đối với Hoa Kỳ là đưa ra một chiến lược mang lại cho Trung Quốc cơ hội, nhưng cũng đưa ra chương trình phản ứng nếu Bắc Kinh thực hiện các bước "trái ngược với việc duy trì hòa bình và ổn định".
Khi được hỏi khi nào ông mong đợi một cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và liệu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung này có thể diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng 10 hay không, ông Campbell trả lời: "Kỳ vọng của tôi là ngay bây giờ chúng ta sẽ đạt được một số cam kết sớm".
Kurt Campbell từng là trợ lý thứ trưởng ngoại giao về khu vực Đông Á thời Barack Obama từ 2009 tới 2013.
Sang thời Joe Biden, ông đảm nhiệm vị trí mới, có tên Nhà điều phối Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ông có sếp trực tiếp là Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, và có nhiều quyền hạn trong vấn đề Trung Quốc, BBC cho hay.
Theo Nikkei Asia, quan điểm của Campbell là Mỹ cần rải quân khắp Đông Nam Á và Ấn Độ Dương thay vì chỉ tập trung lính ở Nhật, Hàn Quốc và Guam.
© Nguyên Hương
NTDVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét