Dân nghĩ gì về kêu gọi của Bộ LĐ-TB&XH không để người dân nào đói lúc này? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2021

Dân nghĩ gì về kêu gọi của Bộ LĐ-TB&XH không để người dân nào đói lúc này?


Ảnh minh họa: Một người dân nhận gạo miễn phí ở nhà thờ St. Joseph ở Hà Nội hôm 27/4/2020




“Cần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho đối tượng yếu thế, không để dân thiếu ăn thiếu mặc, không bỏ sót người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.”

Đó là khẳng định của ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đưa ra tại Hội nghị về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 hôm 14/7/2021.



Thực tế có như lời Bộ trưởng Đào Ngọc Dung? Trả lời RFA hôm 14/7 từ Nha Trang, Chị Nguyễn Lai cho biết ý kiến của mình:

“Khi chúng ta nghe nhà cầm quyền Việt Nam nói thì phải nghĩ ngược lại. Trong thời gian ngắn hầu hết các thành phố bị lockdown (phong toả), cảnh ngăn sông cấm chợ, liệu nhà cầm quyền Việt Nam đã nhìn thấy được sự bấp bênh, cuộc sống khó khăn của các công nhân viên, của dân nghèo khi họ sinh sống đa số bằng nghề buôn gánh bán bưng? Tất cả các mặt hàng đều tăng đến chóng mặt, lợi dụng dịch bệnh xăng tăng, điện tăng...”

Theo Chị Nguyễn Lai, trong những lúc nguy nan chị chỉ thấy dân giúp dân, chứ không thấy điểm từ thiện nào của phường khóm, của Mặt trận Tổ quốc. Chị nói tiếp:

“Trong khi đó nhà cầm quyền Việt Nam lạm dụng quyền lực để xử phạt những người lao động thấp cổ bé họng vì những lỗi không đáng kể.

Nếu muốn dân tin thì hãy giúp dân nghèo bằng cách lo lương thực, lo tiền cho họ sống trong thời điểm dịch bệnh ngày càng tăng. (Điều này chắc do tôi tưởng tượng). Ở đất nước này người ta nhân danh những lý tưởng mơ hồ, những câu khẩu hiệu sáo rỗng và những lời lẽ mị dân để rồi đẩy đất nước vào một hiện tại tối tăm và tương lai mịt mù.”


Nhìn thực tế, họ đã không làm được bất cứ điều gì cho dân, dân tự cứu nhau là chính, các gói hỗ trợ chỉ là trên giấy tờ, thủ tục rườm rà gây khó khăn và làm nản lòng dân chúng. Nạn cường quyền xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, họ không tìm được lối thoát nên lẩn quẩn như gà mắc tóc. -Chị Huỳnh Hằng


Trong khi đó, tại hội nghị hôm 14/7, Ông Đào Ngọc Dung cho biết, để đơn giản cho dân, Bộ này đã giảm thủ tục xét duyệt hỗ trợ từ 25 ngày xuống còn năm ngày và nhiều thủ tục khác giảm từ 40 ngày xuống còn bảy ngày. Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai nhanh, triển khai diện rộng việc hỗ trợ trên toàn quốc.

Chị Huỳnh Hằng, hiện sinh sống ở Đà Nẵng, nhận định với RFA hôm 14/7:

“Nhìn thực tế, họ đã không làm được bất cứ điều gì cho dân, dân tự cứu nhau là chính, các gói hỗ trợ chỉ là trên giấy tờ, thủ tục rườm rà gây khó khăn và làm nản lòng dân chúng. Nạn cường quyền xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, họ không tìm được lối thoát nên lẩn quẩn như gà mắc tóc.”



Việc làm cấp thiết và khẩn trương nhất của chính phủ lúc này theo Chị Huỳnh Hằng là cứu trợ khẩn cấp, giải ngân ngay gói hỗ trợ 26 ngàn tỷ, hạ giá điện, hạ giá xăng, bình ổn giá cả thị trường, giảm thuế, gia hạn công nợ... Liên quan tình hình Sài Gòn hiện nay, Chị Hằng góp ý:

“Và tôi có một suy nghĩ thế này, để giảm áp lực về mật độ dân số quá lớn tại Sài Gòn thì nên giãn dân, các lao động tại khu công nghiệp cần được test nhanh, trợ cấp và quan hệ với địa phương của họ nhận dân mình về, chương trình này sẽ nằm trong gói hỗ trợ 26 ngàn tỷ, cùng với hỗ trợ của công ty và địa phương họ sống, sự thiếu thốn về lương thực tại Sài Gòn cũng nhẹ đi, môi trường sẽ được cải thiện.”

Cũng tại Hội nghị ngày 14/7, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nêu ví dụ việc cứu trợ tốt tại Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), trong ba ngày đã giải ngân khoảng 100 tỷ đồng, việc giải ngân hỗ trợ cho 226 ngàn lao động tự do sẽ được hoàn thành trong ngày 15/7.

Ảnh minh họa chụp tại TPHCM ngày 9 tháng 7 năm 2021. AFP.

Để tìm hiểu tình hình thực tế tại TPHCM, RFA hôm 14/7 liên lạc anh Nguyễn Đình Đệ, sống tại Quận 2, và được anh cho biết ý kiến của mình:

“Đó là khẩu hiệu Chính phủ và thành phố quyết tâm làm, nhưng chỉ vẫn là khẩu hiệu thôi, chứ thật sự người nghèo thì vẫn nghèo, khó khăn vẫn khó khăn. Người dân được hỗ trợ có 50 ngàn, trong khi bó rau bình thường tôi mua có 15 ngàn, giờ 40, 45 ngàn một bó... thì hỏi sao sống được. Những người có thu nhập như tôi còn vất vả, tất cả lương thực đều tăng giá, còn vô siêu thị mua thì vô cùng khó khăn và nguy hiểm, vì trong môi trường kín dễ lây nhiễm. Nên phải chấp nhận mua ở ngoài dù giá cả cái gì cũng tăng gấp ba bốn lần.”

Theo anh Nguyễn Đình Đệ, nhà nước hỗ trợ 50 ngàn một người thì thật sự không thấm vào đâu hết, đặc biệt là những người vô gia cư ở Sài Gòn. Anh Đệ nói tiếp:



“Những người vô gia cư nhiều lắm, coi những video clip ban đêm người ta đi phát cơm từ thiện mà chóng mặt luôn. Chưa kể, không dễ gì để nhận 50 ngàn hỗ trợ của Nhà nước, thứ nhất phải có sổ tạm trú. Ví dụ đi bán vé số cũng phải có sổ tạm trú, rồi lên phường đăng ký để được nhận 50 ngàn. Những người không đăng ký, không tạm trú, hay số người vô gia cư tôi vừa nói, thì làm gì họ có được hộ khẩu tạm... thì làm sao họ có được 50 ngàn đó.”

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê đưa ra tại Hội nghị hôm 14/7, trong quý II/2021, tại Việt Nam đã có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/ nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...

Thực tế hiện nay một cái bắp cải bằng hai nắm tay và hai trái mướp bình thường chỉ khoảng 10 nghìn đồng, mà chính tôi mới phải mua bảy tám mươi nghìn đồng. -Anh Võ Minh Đức


Anh Võ Minh Đức, một lái xe kinh doanh vận tải, hiện đang phải nghỉ ở nhà vì khu vực anh sinh sống ở Sài Gòn đang bị phong tỏa, khi trả lời RFA hôm 14/7 nói:

“Những người đó là lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia, họ nói thì họ cứ nói, rồi truyền thông quốc doanh thông tin lại để yên dân, và để cho dư luận quốc tế biết Chính phủ này là Chính phủ biết lo cho dân. Nhưng thực tiễn ở dưới thì nó lại khác, tất nhiên không phải là nói một đằng làm một nẻo, mà khác do ở dưới cơ sở. Tôi không biết có sự ngấm ngầm nào hay không? Trong khi ở trên nói thủ tục đơn giản hơn, nhưng thực tế tôi sống ở khu dân cư, họ nói tất cả lao động tự do đều được hưởng trợ cấp đợt này, nhưng tổ dân phố đến thì nói mỗi hộ chỉ được một phần tiêu chuẩn.”

Theo anh Đức, thực tế khác hoàn toàn với những gì lãnh đạo cấp cao tuyên bố. Ngoài ra, về thủ tục cũng không hề đơn giản, vẫn còn khó khăn, vẫn còn vướng mắc nhiều thứ... để được nhận trợ cấp và những ưu đãi của chính quyền. Anh Đức cho biết thêm về những khó khăn trong đời sống:



“Nhà nước nói bảo đảm sẽ đủ lương thực thực phẩm, nhưng Nhà nước không nói đến giá cả như thế nào cả, có bình ổn được như cũ hay không? Hay mức độ tăng nhẹ do khó khăn về vận chuyển... Nhưng thực tế hiện nay một cái bắp cải bằng hai nắm tay và hai trái mướp bình thường chỉ khoảng 10 nghìn đồng, mà chính tôi mới phải mua bảy, tám mươi nghìn đồng. Có thể nói là tăng gấp hai ba lần, chưa kể các thực phẩm khác cũng tăng giá ngùn ngụt. Thậm chí không phải ở ngoài người dân bán lẻ tăng giá đâu, mà trong các siêu thị cũng tăng. Chỉ trừ vài mặt hàng như gạo thì không tăng, chứ thịt cá rau củ quả thì tăng giá gần như gấp đôi hoặc hơn.”

Anh Võ Minh Đức cho biết, Chính phủ nói bảo đảm đủ là như thế nào? Nhưng anh và gia đình đi siêu thị rất khó khăn, phải xếp hàng chờ do giãn cách, đến khi vào thì hết hàng, đặc biệt là rau xanh thiếu nghiêm trọng. Ngoài ra, Anh Đức cũng cho biết tiền trợ cấp cho người dân thì khu vực anh sinh sống chưa thấy ai được nhận cả.




   Mời xem thêm »


© RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages