Ngày 28 tháng 9, 2009, Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước CSVN, đi Cuba và phát biểu: “Việt Nam Cu Ba, như là trời đất sinh ra, một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây, chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới. Cu Ba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cu Ba nghỉ.”
Cả nước cười nghiêng ngửa từ đó đến nay.
Nhưng cũng vì mọi người bận lo cười mà quên đi ý nghĩa rất thật lòng trong câu nói của Nguyễn Minh Triết. Ý của ông ta trong số năm nước CS còn sót lại VN và Cuba là hai nước có cùng thân phận, gần gũi và cảm thông nhau hơn cả.
Không ai đem chuyện thức ngủ ra để làm ví dụ cho một mối quan hệ trừ phi là anh em ruột thịt hay vợ chồng. Trong cách ví von của Nguyễn Minh Triết, Việt Nam và Cuba là hai anh em ruột thịt.
Nguyễn Minh Triết ví von như vậy chẳng qua vì hai đảng CS đã từng chia ngọt sẻ bùi trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, từng đổ máu cho tham vọng của các CS đàn anh. Cuba đổ máu ở Angola, Nicaragua, CSVN đổ máu ở Miên, Lào.
Giờ đây trong cảnh chợ chiều, những con buôn lớn đã phá sản hay bỏ đi, chỉ còn hai anh em canh cánh một mối lo cho tương lai mờ mịt. Nhìn lại mình, thân thể già nua, bệnh hoạn, hai cánh tay tuyên truyền và trấn áp một thời gân guốc đang mỗi ngày thêm run rẩy và yếu dần. Trí nhớ còn tốt nhưng chỉ nhớ những chuyện đáng quên đi.
Về tuyên truyền tẩy não, các sách vở của ban tư tưởng trung ương đảng không lừa gạt được người dân như thời “Chống Mỹ cứu nước” trước đây.
Ánh sáng dân chủ văn minh theo chân cuộc cách mạng tin học cuối thập niên 1980 soi rọi mỗi ngày một xa hơn vào mọi góc tối của xã hội con người.
Về bạo lực trấn áp, đảng chỉ có thể bỏ tù một trăm hay một ngàn người, nhưng nếu hàng chục ngàn người, hàng trăm ngàn người cùng xuống đường, liệu công an có dám đàn áp mạnh tay và liệu quân đội có dám bắn thẳng vào dân không?
Dám hay không dám chưa biết được nhưng điều chắc chắn khi có hàng trăm ngàn người xuống đường chế độ CS sẽ sụp đổ.
Bản án dành cho giới lãnh đạo CS sau cách mạng dân chủ tùy thuộc vào bàn tay của họ dính bao nhiêu máu đồng bào.
Đàn áp đẫm máu chỉ làm cho bản án nặng nề hơn. Đó là lý do Tổng Bí Thư đảng CS Hungary Károly Grósz không bị kết án sau cách mạng dân chủ Hungary 1989 trong lúc đồng chí thân thiết của ông ta ở Romania bị xử bắn.
Nguyễn Minh Triết có thể không nghĩ một cách sâu sắc như vậy nhưng “đồng bệnh tương lân” là nguồn thôi thúc tự nhiên khiến ông ta nhớ tới số phận hẩm hiu em ngủ anh thức trong một ngày tàn không tránh khỏi của hai đảng CS tàn dư.
Phong trào CS thế giới đã chết hơn 30 năm. “Phe xã hội chủ nghĩa” một thời hùng mạnh trải rộng từ Âu, Á, Mỹ và sang tận Phi Châu nay chỉ còn là một nhóm nhỏ và mỗi đảng có những mối lo riêng. Trung Cộng chỉ quan tâm đến bành trướng. Bắc Hàn đem mấy trái bom nguyên tử ra hù quốc tế để bảo vệ chế độ khát máu ba đời của họ Kim. Lào trong vị trí một quốc gia “trái độn” sống âm thầm theo chủ nghĩa số phận chưa biết ngọn gió hay ngọn lửa nào sẽ thổi qua đây.
Trong số năm nước, chỉ Cuba và Việt Nam là “thức ngủ” có nhau và những thay đổi chính trị tại Cuba chắc chắn có ảnh hưởng tâm lý sâu đậm đối với người dân Việt Nam dù hai nước cách xa nhau trên 15 ngàn cây số biển.
Các báo Việt Nam theo dõi và tường thuật cuộc bầu cử tổng thống Mỹ còn sôi nổi, hồi hộp và gay cấn hơn cả nhiều báo Mỹ.
Các báo Việt Nam tường thuật khá chi tiết diễn tiến cuộc bầu cử địa phương tại Campuchia, một nước từng nghèo nàn, chậm tiến hơn Việt Nam trên nhiều lãnh vực.
Các báo Việt Nam không bỏ qua các cuộc biểu tình của tuổi trẻ Hong Kong bảo vệ quyền tự do của 7.5 triệu dân trên hải đảo này.
Các báo Việt Nam cũng tường thuật khá chi tiết các cuộc biểu tình chống độc tài quân sự tại Miến. Chẳng những thế, các lãnh đạo CSVN còn lên tiếng dạy đời các phe chống đối nhau tại Miến nên chọn một giải pháp hòa bình.
Nhưng báo chí và các cơ quan truyền thông chính thức của CSVN im lặng trước cuộc biểu tình của nhiều ngàn dân Cuba chống độc tài và đòi tự do dân chủ.
Như vừa giải thích ở trên, trong năm anh em, CSVN và CS Cuba gần nhau và giống nhau hơn cả. Fidel Castro đến thăm Việt Nam cả thảy ba lần và đã từng tuyên bố “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Đặc biệt trong lần đầu 1973 Fidel là lãnh tụ CS đầu tiên đến tận vùng nam của vĩ tuyến 17 thuộc tỉnh Quảng Trị do CS tạm chiếm.
Về mặt tư tưởng và lý luận, Việt Nam không phải là Miến Điện, không phải là Hong Kong, không phải là Đài Loan nhưng Việt Nam là Cuba.
Không ngạc nhiên trong chuyến viếng thăm Nhật Bản lần thứ nhất vào tháng 10, 1978 và các nước Á Châu sau đó, Đặng Tiểu Bình đã gọi CSVN là “Cuba ở phương Đông” và được phần đông các nước Á Châu cho là đúng.
Các cuộc biểu tình trong mấy ngày qua tại Cuba là những cuộc biểu tình tự phát. Các phản ứng xã hội mang tính tự phát thường rất dễ tàn khi các điều kiện dẫn tới biểu tình được thỏa mãn.
Lãnh đạo CS Cuba, ngoài miệng vẫn phải hung hăng nhưng sẽ làm tất cả những gì có thể làm để thỏa mãn người dân.
Dù thành công hay không, các cuộc biểu tình của người dân Cuba cũng cho thấy có một giới hạn của sự chịu đựng và đặc tính dễ vỡ của cơ chế độc tài CS tại Cuba. Đặc tính dễ vỡ đó cũng có trong cơ chế chính trị Việt Nam.
Giới hạn đó là gì, cao thấp bao nhiêu tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có cả lịch sử, văn hóa, kinh tế, địa lý và nhận thức chính trị của người dân mỗi nước.
Giống như người dân Cuba, người dân Việt Nam cũng có giới hạn. Mức chịu đựng của người Việt Nam cao hơn người dân Cuba. Nhưng đừng trách họ. Phần đông không phải là những con lừa như một số người nóng lòng xúc phạm. Họ không lên tiếng không có nghĩa họ không biết. Họ đã trả một giá quá đắt để có một mái nhà không bị dột, một bữa cơm có chút thịt cá, một gia đình có chỗ ngủ trong mùa đông nên phải cắn răng chịu đựng cho đến một giới hạn không còn chịu đựng được nữa.
Những người tự gán cho mình trách nhiệm “khai dân trí” không nên trách móc mà phải tìm cho ra giới hạn đặt ở đâu để từ đó hướng dẫn họ đi lên. Con đường chắc còn dài, còn khó nhưng nâng cao nhận thức để tự cứu lấy mình là con đường đúng nhất và không có con đường nào khác.
© Trần Trung Đạo
Bolg Trần Trung Đạo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét