Túc cầu Việt Nam Cộng Hòa một thời để nhớ để thương. - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2021

Túc cầu Việt Nam Cộng Hòa một thời để nhớ để thương.


Đội tuyển VNCH, huy chương vàng SEAP GAME 1959. Hàng trước: Nhung, Vinh, Hà Tam, Thách, Tư. Hàng giữa: Thanh, Hiếu, Myo; Hàng sau: Tỷ, Ra.ng, Cự. Nguồn ảnh: Blog Nguyễn Ngọc Chính.

Tôi sinh năm 1959, vào năm đó lần đầu tiên đội tuyển Túc Cầu Việt Nam Cộng Hòa đoạt huy chương Vàng Đông Nam Á Vận Hội tổ chức tại Thái Lan.

Tôi lớn lên với nhiều kỷ niệm và học hỏi từ tinh thần túc cầu Việt Nam Cộng Hòa, giờ càng nghĩ càng thấy nhớ thương, ngậm ngùi về thời kỳ vàng son nền túc cầu Việt Nam.

Huyền Vũ có một không hai

Ngày nay người mê đá banh được xem trực tiếp truyền hình nên khó có thể hình dung được sự đam mê theo dõi các trận đấu qua lời tường thuật trên radio của ký giả Huyền Vũ.



Cứ mỗi trận đấu mà Huyền Vũ tường thuật thì y như khắp hang cùng ngõ hẻm, trên rừng thiêng núi thẳm dân mê đá banh đều bu quanh chiếc radio tưởng tượng những gì đang diễn ra trên sân cỏ.

Không chỉ ở các tiền đồn heo hút gió những binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa lắng nghe Huyền Vũ tường thuật, một người theo cộng sản đã kể tôi nghe ngay trong chiến khu bộ đội cũng ham thích theo dõi Huyền Vũ trực tiếp truyền thanh.

Từ giọng nói vô cùng thu hút người nghe, đến cách sáng tạo ngôn ngữ làm giàu từ ngữ Việt Nam, cách tường trình hết sức độc đáo các trận đấu và và kiến thức về túc cầu có một không hai, đến nay người Việt không có ai có thể thay thế được Huyền Vũ.

Từ ngữ “dzô! dzô! dzô!” mà các dân nhậu mời chúc rượu nhau là do Huyền Vũ sáng tạo, thường xuyên lập đi lập lại khi tường thuật các trận đá banh, riết thành từ ngữ hết sức phổ thông nói đến ai cũng biết.

Huyền Vũ tên thật là Nguyễn Ngọc Nhung, sinh năm 1914 và mất năm 2005, là chủ bút Tạp chí Thể thao hàng tuần và chủ bút báo Nguồn Sống.

Với kiến thức uyên thâm về túc cầu, Huyền Vũ đã hướng dẫn bạn đọc cách chơi, luật lệ túc cầu, đồng thời giải thích cặn kẽ cho bạn đọc về chiến thuật và chiến lược của từng đội, trong từng trận đấu và xây dựng một tinh thần thể thao thắng không kiêu thua không nản.

Về cách viết tôi học được từ Huyền Vũ là luôn luôn có những bạn đọc tuyệt đối ủng hộ một đội banh, cũng như trong chính trị có những bạn đọc luôn ủng hộ một khuynh hướng chính trị, nên khi bình luận người viết không được thiên vị bên nào như thế thì các bài viết mới có giá trị lâu dài và người viết mới giữ được uy tín với bạn đọc.

Vài đoạn tường thuật

Trên báo Thanh Niên, ngày 24/4/2016, nhà văn Lê Văn Nghĩa coi ký giả Huyền Vũ như một huyền thoại, bởi thế sau hơn nửa thế kỷ ông vẫn nhớ một số đoạn Huyền Vũ tường thuật trong trận đội Việt Nam thắng đội Do Thái 2-0 để được tham dự Thế Vận Hội năm 1964 xin trích dẫn lại như sau:

“Hôm nay là trận tranh tài túc cầu vòng loại giải vô địch Thế vận hội 1964 giữa hai đội túc cầu Do Thái và Việt Nam. Về đội ta có mặt cầu thủ Phạm Huỳnh Tam Lang, Dương Văn Thà, Phạm Văn Lắm, Phạm Văn Mỹ… Đặc biệt là thủ môn Phạm Văn Rạng, với đôi tay lưỡng thủ vạn năng…

“…thủ môn Phạm Văn Rạng đã đi vào huyền thoại bắt bóng của đội tuyển khi vào năm 1958, trong trận đội tuyển Thanh Niên thi đấu giao hữu với Câu Lạc Bộ vô địch Thụy Điển. Đội bạn, vì đã bị dẫn trước tỷ số nên cố san bằng khung thành của đội tuyển Thanh Niên. Có một đường banh mà không ai mê túc cầu có thể quên được đó là khi trung phong đội bạn là Djupden đánh đầu quả da vào từ góc trái. Cả cầu trường im phăng phắc. Còn trung phong đội bạn giơ cao cánh tay chuẩn bị mừng bàn thắng thì bất ngờ… Phạm Văn Rạng đã búng ngược người như một con tôm, dùng tay đẩy bóng qua xà ngang cứu một bàn thua trông thấy…



“…Mũi tên vàng Thới Vinh bên cánh trái đang lao xuống… lao xuống… Quả da đã đi tới khung thành rồi. Ngôn đang lừa banh, qua rồi. Tam Lang đang đứng đợi bên trong, đưa banh. Tam Lang bỏ cho Đỗ Thới Vinh. Ngôn ở phía sau sẵn sàng “S… ú… t”…, cú sút như trái phá nhưng quả da đụng khung thành bật ra… Ta đã uổng một dịp thắng bằng vàng…

“…Chúng ta còn nhớ lại, tại Đông Nam Á vận hội năm 1959, đội tuyển túc cầu của ta đã đoạt huy chương vàng nhờ công của các tuyển thủ Đỗ Thới Vinh, Hải, Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Nhung và không thể thiếu thủ môn vàng Phạm Văn Rạng. Đội tuyển túc cầu xứ chùa Tháp phải chia tay với chức vô địch khi thua đội tuyển túc cầu Việt Nam với tỷ số 1-3. Chính tay thái tử Xiêm trao cho đội tuyển túc cầu Việt Nam chiếc cúp vàng vô địch...

“… Nào bây giờ ta trở lại trận đấu. Quả da đang ở trong chân của Tenkitút. Tenkitút tạt ngang cánh trái cho Mohamet Jali. Jali dẫn banh xuống nhưng bất ngờ, từ phía sau Tam Lang đã bắn ra như một mũi tên… Ô… số 8 của đội Do Thái là Baroak đã kịp thời lao đến cản đường banh của Tam Lang.

“…Tới trước khung thành rồi, Ngầu đang lừa banh, qua rồi, Há đứng đợi bên trong, đưa banh, Há bỏ cho Ngầu, Liêm ở phía sau sẵn sàng, cú sút như trái phá… nhưng quả da đụng khung thành bật ra…

“… Tam Lang lại được banh từ giữa sân, đưa dài lên, cú sút của Tư chéo góc… Dzô! Dzô! Dzô! tuyệt tác. Sân cỏ nổ tung!...

“… Rồi Đực, rồi Rạng với đường banh huê mỹ vặn chéo người cứu một bàn thua trông thấy khiến khán giả choáng váng…”.

Từ hồi còn rất nhỏ nhưng tôi đã yêu thích giọng tường thuật của Huyền Vũ, rồi mê đá những trái banh bằng nhựa trên sân xi măng hay trên đường nhựa, đến nay đầu gối vẫn đầy những vết thẹo kỷ niệm thời ấu thơ.
Đội tuyển Bóng tròn Quốc gia VNCH tham dự vòng dự tuyển tranh giải World Cup 1974. Nguồn ảnh: Trần Quốc Bảo

Vài giải thưởng quốc tế khác

Đến năm 1966, đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa lại đoạt cúp vàng Merdeka, tổ chức tại Mã Lai Á. Đội banh Việt Nam đã liên tiếp hạ Tân Gia Ba (5-0), Nhật (3-0), Mã Lai Á (5-2), Đài Loan (6-1) và thua Ấn Độ (0-1). Cuối cùng Việt Nam vào chung kết thắng Miến Điện (1-0).

Tại Đông Nam Á Vận Hội kỳ IV năm 1967, đội Việt Nam đoạt huy chương Bạc, khi thắng Lào (5-0), Thái Lan (5-0), nhưng thua Miến Điện (1-2) khi vào chung kết.

Năm 1973, tại Đông Nam Á Vận Hội ở Tân Gia Ba, đội tuyển Việt Nam lại dành huy chương bạc, sau khi vào chung kết lại thua Miến Điện khi trận đấu chỉ còn 8 phút thì kết thúc, với tỷ số 3-2.

Giải túc cầu Quốc Khánh

Những trận đấu quốc tế cuối cùng diễn ra trên sân cỏ Việt Nam Cộng Hòa đã bắt đầu từ ngày 1/11/1974 với bảy nước tham dự là Đài Loan, Nam Dương, Cam Bốt, Lào, Mã Lai Á, Thái Lan và Việt Nam.

Việt Nam đã thắng Thái Lan (3-2), thắng Lào (1-0), hòa với Đài Loan (1-1), thua Mã Lai Á trận đầu (1-5) nhưng thắng vòng loại (1-0).



Trận chung kết giữa hai đội Nam Dương và Việt Nam có sự hiện diện của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu diễn ra tại sân vận động Cộng Hòa vào ngày 10/11/1974.

Tôi còn nhớ sau nhiều tiếng đồng hồ sắp hàng mới mua được vé, ngay sau đó đã có người muốn mua lại với giá gấp chục lần, nhưng chúng tôi quyết định không bán, để vào xem trận đấu và ủng hộ đội nhà.

Mặc dầu là trận đấu kỷ niệm Quốc Khánh với trên 20 ngàn khán giả tham dự, nhưng không có cảnh cờ xí, hình tượng lãnh đạo, phô trương chính trị như ngày nay.

Chưa kể tinh thần không thiên vị khi đội bạn Nam Dương chơi hay vẫn được khán giả Việt Nam nhiệt tình ủng hộ.

Trước trận đấu nhiều người tin rằng đội Nam Dương sẽ thắng và sẽ đoạt huy chương vàng, biết vậy nên ngay từ hiệp đầu đội Việt Nam đã dùng chiến thuật tập trung tấn công nhờ vậy đã ghi được bàn thắng đầu tiên.

Bước sang hiệp nhì đội Nam Dương liên tục phản công, đội Việt Nam quay về thế phòng thủ, nhưng gần cuối trận đấu do sơ hở phía đội Nam Dương, Việt Nam ghi thêm một bàn thắng, nhiều khán giả mừng rỡ ôm nhau nước mắt chảy thành dòng.

Tôi nhớ hôm ấy cả hai đội đều chơi rất đẹp, nhưng có thể vì không phải sân nhà và thời tiết trở lạnh có thể không thích hợp với đội Nam Dương, nên về thể lực đội bạn không giữ được đến phút cuối.

Ngay sau đó là lễ phát thưởng do chính Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trao huy chương cho các đội, mọi người đều vui mừng ở lại sân dự lễ đến phút cuối và dư âm trận đấu vẫn còn cả tháng sau.

Cao trào túc cầu

Ở miền Nam hầu như mỗi tỉnh đều có một đội banh hằng năm đều tổ chức các giải Liên Quân Khu và giải Toàn quốc, thêm vào đó là các đội chuyên nghiệp vang bóng một thời như Quan Thuế, Không Quân, Hải Quân, Tổng Tham Mưu, Tổng Nha Cảnh Sát, Cảng Sài Gòn và Đội tuyển Quốc Gia.

Túc cầu đã trở thành cao trào tập luyện thể thao, giữ gìn sức khỏe thể chất và tinh thần, khắp miền Nam gần như trường trung học, đơn vị quân đội, cơ quan, khu phố nào cũng có đội banh riêng.



Các cầu thủ Việt Nam đều là thần tượng của tôi, nên viết về người này mà không viết về người khác thì quả là thiếu sót, vả lại lâu rồi cũng không nhớ hết, nếu viết e rằng sẽ có những lầm lỗi đáng tiếc.

Đội banh lớp tôi

Nhưng tôi đặc biệt yêu quý cầu thủ Tam Lang, phần vì ông là chồng ca sĩ Bạch Tuyết người mà tôi yêu thích, ông còn là cựu học sinh trường Trương Vĩnh Ký và nhà ở ngay trong sân vận động Lam Sơn nơi đội banh lớp 6-9/4 và 10-12/B2 (1971-77) của chúng tôi thường xuyên tập luyện.

Sân Lam Sơn thuộc khuôn viên trường Trương Vĩnh Ký, một người bạn của chúng tôi là con trai của Bác coi trường có chìa khóa cửa sau thông ra sân vận động nên cứ rảnh là chúng tôi kéo nhau sang sân tập đá.

Đá xong chúng tôi lại kéo sang nhà Dũng mập cạnh bên sân uống nước, nghỉ ngơi, nói chuyện trên trời dưới đất, những ước mong thời tuổi trẻ.

Đội banh có Biền nhỏ con nhất lớp, nhưng nhanh nhẹn, đá banh thì phải nói tuyệt vời, tôi nhớ có một lần đá với một lớp lớn hơn, đội chúng tôi thắng 12-0, riêng Biền đã ghi 10 bàn thắng.

Chúng tôi kháo nhau Biền dân Bến Tre nên từ nhỏ lấy dừa khô thay banh để đá, nhà Biền may banh da nên chúng tôi thường đến để đặt mua banh, Ba của Biền chỉ lấy giá tượng trưng, mấy chục năm nay không gặp lại Biền không biết giờ ra sao.

Ngoài Biền ra các bạn khác như Dũng mập, Việt Hùng, Hùng Đô, Văn Hùng, Hiệp, Lợi Nhi, Ân, Tuấn, Hồng, Phương, Lỳ, Hồng Hoàng Thượng, Minh, Chánh, Oánh, Huệ và nhiều bạn khác.

So với các bạn tôi nhỏ con, chạy không nhanh, nói chung là đá dở hơn các bạn, thường giữ vị trí hậu duệ, nên thủ môn Huệ luôn miệng réo tên tôi khi banh đến sát khung thành và cuộc đời tôi chưa một lần ghi bàn thắng.



Đôi khi, chúng tôi lên sân vận động Tao Đàn để đấu giao hữu với các trường trung học khác tại Sài Gòn, hay các lớp khác ở chung trường Trương Vĩnh Ký.

Khi ra trường mỗi đứa mỗi nơi, sau hơn 40 năm đứa còn đứa mất cứ nhớ đến đá banh là nhớ đến các bạn, nhớ đến tuổi thanh niên ở miền Nam vùng đất tự do.

Túc cầu dạy cho tôi tinh thần đồng đội, đã chơi phải chơi hết mình, chơi đẹp, chơi đúng luật để giữ tiếng, chơi toàn đội, biết rõ vai trò của mình trong đội banh, còn thắng thua là chuyện bình thường, thắng không kiêu thua không nản.

Tinh thần túc cầu học hỏi được từ Huyền Vũ, từ các cầu thủ Việt Nam Cộng Hòa và từ các bạn bè cùng lớp đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống nơi đất khách quê người, bởi vậy cứ mỗi lần nghĩ đến túc cầu Việt Nam Cộng Hòa tôi lại nhớ đến một thời đầy thương đầy nhớ.

   Mời xem thêm »


© Nguyễn Quang Duy
    Melbourne, Úc Đại Lợi
    3/7/2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages