Khi nào ngưng ‘lockdown’? Vai trò của biến thể Delta - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2021

Khi nào ngưng ‘lockdown’? Vai trò của biến thể Delta


Khi nào ngưng ‘lockdown’? Vai trò của biến thể Delta

Câu trả lời dĩ nhiên đến từ giới lãnh đạo, nhưng chúng ta chẳng rõ họ dựa vào tiêu chuẩn gì. Ở đây tôi muốn đưa ra 4 tiêu chuẩn dịch tễ học định lượng (số ca nhập viện, tỉ lệ tử vong, chỉ số lây lan, và vaccine) cho câu trả lời đó, nhưng biến thể Delta sẽ làm thay đổi tất cả.

Sydney đã vào tuần thứ 6 lockdown, và tình hình đã có hậu quả nghiêm trọng. Theo báo Daily Mail, một người đàn ông 45 tuổi tự tử vì khó khăn kinh tế trong thời gian lockdown [1]. Dù biết rằng lockdown ảnh hưởng xấu đến nhiều người, nhưng khó có thể tưởng tượng có người tự kết liễu đời mình trong hoàn cảnh như anh này. Trường hợp này nói lên tác động tiêu cực của lockdown là không thể xem thường được.



Câu hỏi là chừng nào thì ngưng lockdown. Thật khó có câu trả lời, vì nó không hẳn tuỳ thuộc vào khoa học mà … chánh trị. Ở Úc này, mỗi bang có một cách phản ứng khác nhau. Có bang chỉ cần 5 người có kết quả dương tính là họ lockdown cả thành phố, nhưng cũng có bang chỉ lockdown thì số ca dương tính lên cao (hơn 100 chẳng hạn). Cho đến nay, vẫn chưa thấy ai nói khi nào thì sẽ ngưng lockdown.

Không phải số ca dương tính

Nhiều người nghĩ rằng khi nào số ca dương tính hay số ca nhiễm xuống còn 0 thì ngưng lockdown. Nhưng quan điểm này không đúng và bất khả thi. Số ca dương tính phụ thuộc vào số ca xét nghiệm và độ chính xác của xét nghiệm. Đó là con số ‘nhân tạo’, chúng ta muốn có nhiều ca dương tính thì xét nghiệm nhiều người, muốn giảm số ca dương tính thì chỉ đơn giản giảm cường độ xét nghiệm.

Ngoài ra, chúng ta không thể nào giảm số ca nhiễm xuống 0. Bởi vì virus liên tục biến hoá theo thời gian, và cho đến nay có dấu hiệu cho thấy chúng đã thành ‘endemic’ rồi (không còn là ‘pandemic’ nữa). Điều này có nghĩa là chúng đã ở trong cộng đồng chúng ta, như là virus cúm mùa đã và đang tồn tại với chúng ta. Do đó, mục tiêu giảm số ca nhiễm xuống 0 chỉ là ảo tưởng.

Chúng ta biết rằng số ca dương tính (và nhiễm nCov) ở Mĩ đang tăng nhanh. Một phần là do biến thể mới, nhưng một phần là do nhiều người chưa tiêm vaccine. Khi được hỏi Mĩ có nên lockdown (phong toả) hay không, ông Anthony Fauci nói ‘không’. Nói cách khác, số ca dương tính hay số ca nhiễm không phải là tiêu chuẩn để quyết định lockdown hay ngưng lockdown.

1. Số ca nhập viện giảm

Số ca nhập viện phản ảnh đúng hơn tình trạng của dịch. Số ca nhập viện là tín hiệu về số ca nặng trong cộng đồng và cần chăm sóc. Do đó, đây là con số cần phải được theo dõi kĩ để biết diễn biến của dịch.

Bất cứ con số nào cũng ‘dao động’ giữa các ngày. Thành ra, một cách đáng tin cậy hơn là khi nào số ca nhập viện liên tiếp giảm suốt 1 tuần thì có thể xem đó là tín hiệu cho thấy dịch đã được kiểm soát.

2. Tỉ lệ tử vong giảm

Chỉ số thứ hai cũng quan trọng không kém là tỉ lệ tử vong. Tỉ lệ này chỉ có thể ước tính thôi, và ước tính trên số ca nhiễm quan sát được. Ở HCM con số này thay đổi liên tục và không nhứt quán. Bộ Y tế đưa ra một con số, còn HCDC thì đưa ra con số khác. Có lẽ con số của HCDC chính xác hơn vì dù sao thì họ là người địa phương và quan sát trực tiếp.



Con số mới nhứt mà tôi có thì tỉ lệ tử vong ở VN đã vượt qua các nước trong vùng khá cao. Chỉ khi nào tỉ lệ tử vong giảm chừng 50% con số đó thì có thể xem xét đến việc ngưng lockdown.

3. Chỉ số lây lan

Đây là con số (kí hiệu R, gọi là ‘basic reproduction number‘) quan trọng nhứt trong bất cứ trận dịch nào. Xin nhắc lại cho những bạn nào chưa biết ý nghĩa của nó: nếu một người lây cho 2 người, và 2 người tiếp tục lây cho 4 người, v.v. thì chỉ số R = 2. Đây là con số mà tôi (và những ai làm về mô hình hoá) sử dụng để dự báo và đánh giá dịch. Chỉ số R càng cao có nghĩa là dịch càng nặng, và ngược lại, khi R giảm có nghĩa là dịch đang giảm.

Chỉ số R rất rất khác biệt giữa các quần thể và quốc gia. Theo một phân tích tổng hợp công bố trên PLoS ONE thì R giữa các nước có thể dao động trong khoảng 1.44 đến 6.50 [2], với trung bình là 2.87. Riêng ở Sài Gòn, dùng số liệu tính đến ngày 28/7 tôi ước tính rằng R = 1.25.

Cộng đồng phải chung tay giảm chỉ số R xuống dưới 1. Chỉ khi nào R < 1 thì mới có lí do để xem xét ngưng lockdown.

Một chỉ số dịch tễ học khác ít người nghe đến nhưng quan trọng trong việc hoạch định chánh sách là Re (còn gọi là ‘effective reproduction number‘). Re phản ảnh số người trong cộng đồng có thể bị lây nhiễm ở bất cứ thời điểm nào. Chỉ số Re phụ thuộc vào tỉ lệ người được tiêm vaccine (kí hiệu P) và R qua công thức:

Re = R*(1 – P)

Công thức trên cho thấy chỉ khi nào R = 0 hay P = 1 (tức 100%) thì số người có thể bị (nguy cơ) lây nhiễm mới xuống còn 0. Nhưng không thể hay rất khó đạt mục tiêu Re = 0 đó, cho nên có thể lấy Re < 0.5 làm ngưỡng để xem xét ngưng lockdown.

Khi nào thì Re < 0.5? Khi R = 0.7 và P = 0.3, tức khi vaccine đã bao phủ ít nhứt 30% dân số và khi chỉ số lây lan giảm xuống dưới 0.7.

4. Vaccine

Và điều đó dẫn đến vaccine. Có thể nói rằng tiêm chủng vaccine bây giờ là biện pháp thực tế nhứt để ‘thoát Covid’. Hiện nay, theo thông tin từ báo chí thì TPHCM đã được phân bố 13.8 triệu liều vaccine, ‘đảm bảo tỉ lệ đạt khoảng 99% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine.’ Nếu tin vào các con số này thì có lẽ SG-HCM không thiếu vaccine? Nhưng trong thực tế, HCM đã tiêm 1.5 triệu liều vaccine, trong đó 1.3 triệu liều 1. Số người được tiêm vaccine còn quá thấp.

5. Biến thể Delta

Đây là vấn đề khó và quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến quyết định lockdown hay ngưng lockdown. Theo số liệu từ Anh thì hiện nay đa số các ca nhiễm mới là thuộc biến thể Delta. Ở Việt Nam, không ai biết biến thể này chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số ca nhiễm, nhưng chắc chắn là nó (biến thể Delta) đã có mặt ở Việt Nam.

Biến thể Delta là một yếu tố quan trọng vì 2 lí do: hệ số lây lan cao và hiệu lực vaccine thấp. Theo một bài báo trên Lancet, hệ số R của biến thể Delta lên đến ~7 [3], nhưng tôi không rõ họ lấy con số này từ đâu.



Lí do thứ hai là hiệu quả vaccine thấp đối với biến thể Delta. Nên nhớ rằng tất cả vaccine hiện nay là được ‘thiết kế’ để đối phó với biến thể gốc, và với biến thể Delta thì chưa có nghiên cứu RCT. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu từ Anh (REACT-1) [4] thì vacicne hiện nay chỉ có hiệu lực chừng 50% với biến thể Delta.

Với hệ số lây lan R = 7 và VE = 0.50, thì tỉ lệ dân số cần tiêm chủng là … 100%. Thật ra, công thức (1 – 1/R) / VE không còn áp dụng cho biến thể Delta nữa vì R quá cao! Điều này có nghĩa là nếu biến thể Delta chiếm phần lớn ca nhiễm ở Việt Nam thì chiến lược vaccine sẽ không còn hiệu quả để kiểm soát dịch nữa cho dù chúng ta tiêm chủng 100 dân số.

Chúng ta không thể nào xoá bỏ con virus. Đó là điều chắc chắn, dù tin xấu. Chúng ta có thể sống với nó suốt đời, và đó là tin tốt.

Nhưng chẳng lẽ chúng ta phải lockdown mãi mãi? Tôi nghĩ cần phải có một chiến lược thoát lockdown trong tình huống biến thể Delta xuất hiện. Tôi đề nghị:

(a) Ưu tiên cho điều trị để giảm số ca tử vong và ca nặng, và điều này cần đến thuốc. Tin vui là Remdesivir sẽ về đến Việt Nam nay mai, nhưng Nhà nước vẫn nên thương lượng với các công ti khác để nhập các thuốc cứu người; các bệnh viện, không phải chỉ ICU, nên được cung cấp Remdesivir;

(b) Vẫn tiếp tục tiêm chủng vaccine để phòng ngừa và giảm lây lan, giảm nguy cơ tử vong, và giảm số ca nặng; nên ưu tiên vaccine cho người cao tuổi và có nguy cơ cao; nên tập trung tiêm chủng cho cư dân trong vùng có mật độ dân số cao;

(c) Vẫn duy trì giãn cách xã hội: Điều này dẫn đến tái thiết kế các nơi có đông người và những phương tiện công cộng; triển khai biện pháp vệ sinh ở tất cả building, nhà; có thể phải đeo khẩu trang sẽ trở thành quen thuộc một thời gian cho đến khi dịch được kiểm soát;

(d) Lên kế hoạch từng bước để thoát lockdown và bảo đảm nền kinh tế. Bước đầu là ‘mở cửa’ cho những người đã tiêm vaccine được đi làm, đồng thời áp dụng chiến lược ‘focused protection‘, tức bảo vệ những người có nguy cơ cao. Bước hai là cho phép các ngành nghề quan trọng (Nhà nước quyết định) được hoạt động trở lại, cho phép đi lại đối với người đã được tiêm vaccine hay không thuộc nhóm nguy cơ cao.


   Mời xem thêm »


© GS. Nguyễn Văn Tuấn
    Tuan V. Nguyen Fahms
Chú thích:
[1] https://www.dailymail.co.uk/news/article-9841931/Home-Away-Dieter-Brummer-Shane-Parrish-dead-Covid-Sydney-lockdown.html

[2] https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0242128

[3] https://www.thelancet.com/pdfs/journals/lanres/PIIS2213-2600(21)00328-3.pdf

[4] https://www.imperial.ac.uk/medicine/research-and-impact/groups/react-study/the-react-1-programme

[5] https://www.npr.org/sections/goatsandsoda/2020/04/15/834021103/who-sets-6-conditions-for-ending-a-coronavirus-lockdown

WHO đề nghị 6 tiêu chuẩn để thoát khỏi lockdown, nhưng những tiêu chuẩn này rất ư là chung chung:
  • Khi lây nhiễm đã được kiểm soát; 
  • Hệ thống y tế sẵn sàng phát hiện, xét nghiệm, cách li và điều trị mỗi ca và truy vết mỗi người;
  •  Nguy cơ bùng phát ở những nơi như bệnh viện, nhà dưỡng lão, được tối thiểu hoá; 
  • Có sẵn biện pháp phòng ngừa ở những nơi như công sở, trường học và những nơi thiết yếu mà người dân hay đến; 
  • Có thể quản lí những nguy cơ quan trọng; 
  • Cộng đồng được truyền đạt thông tin, được tham gia và trao quyền để thích ứng với Bình thường Mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages