Mỹ muốn trấn an ASEAN trong bản “Cáo trạng” Biển Đông nhắm vào Trung Quốc - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2022

Mỹ muốn trấn an ASEAN trong bản “Cáo trạng” Biển Đông nhắm vào Trung Quốc


Tàu USS Decatur của Hải quân Mỹ ở Biển Đông hôm 23/10/2016

Bản “cáo trạng” đối với các yêu sách phi pháp của Trung Quốc

Ngày 12/1, Bộ Ngoại giao đã Mỹ công bố một tài liệu cập nhật được đánh giá như một “cáo trạng” hoàn chỉnh nhằm vào các yêu sách về chủ quyền bị quốc tế coi là phi pháp của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Tài liệu mang tựa đề “Limits in the Seas” (tạm dịch: “Ranh giới trên biển”) với chú thích “Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa: Các yêu sách hàng hải tại Biển Đông” là một công trình nghiên cứu dài 47 trang do Cục Đại dương và các Vấn đề Môi trường-Khoa học Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố (1). Đây là tài liệu nằm trong loạt nghiên cứu về kỹ thuật và pháp lý được Mỹ thực hiện suốt nhiều năm qua về các tuyên bố chủ quyền biển của các quốc gia, xem xét tính chất phù hợp với luật pháp quốc tế của các yêu sách này.

Trong thông cáo báo chí giới thiệu tài liệu, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết công trình nghiên cứu mới nhất này đi đến kết luận rằng Trung Quốc “khẳng định những yêu sách chủ quyền phi pháp trên phần lớn Biển Đông”. Thông cáo nhắc lại rằng nghiên cứu mới dựa trên một phân tích năm 2014 của Bộ Ngoại giao Mỹ về các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trong phạm vi một “Đường 9 đoạn” mơ hồ ở Biển Đông. Từ năm 2014, Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định chủ quyền đối với một vùng rộng lớn tại Biển Đông cũng như tại những nơi mà Trung Quốc gọi là “vùng nội thủy” và “các quần đảo xa”. Tất cả các yêu sách này đều không phù hợp với luật pháp quốc tế được đề cập trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.



Theo các tác giả, căn cứ vào các tài liệu đã được Trung Quốc công bố, Bắc Kinh đã đưa ra bốn loại yêu sách chủ quyền khác nhau đối với Biển Đông, nhưng tất cả đều không phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong UNCLOS.

Loại yêu sách thứ nhất liên quan đến các thực thể trên biển. Nghiên cứu dẫn chứng Trung Quốc đòi hỏi “chủ quyền” đối với hơn 100 thực thể ở Biển Đông, bao gồm cả những bãi cạn hay rạn san hô chìm dưới mặt biển khi thủy triều lên và nằm ngoài giới hạn hợp pháp của lãnh hải của bất kỳ quốc gia nào. Xét từ góc độ pháp lý, những yêu sách như vậy không phù hợp với luật pháp quốc tế, theo đó các thực thể lúc chìm lúc nổi hay là các thực thể luôn chìm dưới mặt nước biển không thể là đối tượng để đòi hỏi chủ quyền tại đó. Đồng thời các thực thể này cũng không có khả năng tạo ra các vùng biển xung quanh nó như lãnh hải chẳng hạn.

Loại yêu sách thứ hai liên quan tới các đường cơ sở thẳng. Trung Quốc đã tự vạch ra “các đường cơ sở thẳng” bao quanh các đảo, vùng biển và các thực thể chìm trong phạm vi không gian đại dương rộng lớn ở Biển Đông. Theo nghiên cứu này, không nhóm nào trong số 4 “nhóm đảo” mà Trung Quốc có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và tự đặt tên (bao gồm Đông Sa (Pratas), Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa (bãi Macclesfield), và Nam Sa (tức Trường Sa)), có thể đáp ứng được các tiêu chí địa lý cho việc sử dụng các đường cơ sở thẳng theo UNCLOS.

Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố một “đường cơ sở thẳng” bao quanh Hoàng Sa từ năm 1996, tuy nhiên, tuyên bố này hoàn toàn vi phạm UNCLOS.

Loại yêu sách thứ ba của Trung Quốc là về các vùng biển. Trung Quốc khẳng định do họ có chủ quyền đối với các nhóm thực thể ở Biển Đông, đo đó, Bắc Kinh cũng sẽ có quyền tương ứng đối với các vùng biển xung quanh các thực thể đó, bao gồm vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với quy ước coi mỗi nhóm đảo trên Biển Đông mà nước này tự nhận chủ quyền là “một thực thể đơn nhất”. Theo nghiên cứu của phía Mỹ, những lý lẽ này không được luật pháp quốc tế thừa nhận. Phạm vi của các vùng biển phải được đo từ các đường cơ sở được thiết lập hợp pháp, thường là ngấn nước dọc theo bờ biển lúc thủy triều thấp. Ngoài ra, trong các vùng biển mà họ tự cho là thuộc chủ quyền của mình, Trung Quốc cũng đưa ra nhiều yêu sách về quyền tài phán không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Loại yêu sách thứ tư, đó là Trung Quốc luôn khẳng định rằng họ có “quyền lịch sử” ở Biển Đông. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Mỹ vừa công bố, những yêu sách về quyền lịch sử này “không có cơ sở pháp lý” và Trung Quốc không đưa ra được chi tiết cụ thể để chứng minh các khẳng định của họ.

Nói cách khác, quan điểm của Mỹ là bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc trên Biển Đông, nội dung này đã được nhắc tới tương tự trong phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài, cho rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc bên trong cái gọi là “Đường 9 đoạn” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Đường đứt khúc 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông. AFP

Những thông điệp ẩn giấu

Các chuyên gia cho rằng nghiên cứu này của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Washington ngày càng thách thức Bắc Kinh trên phạm vi toàn cầu với quan điểm sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài cho Mỹ. Lập trường cơ bản của Mỹ lâu nay vẫn là tránh chọn bên cụ thể trong các tranh cãi về chủ quyền ở Biển Đông. Nghiên cứu mới nhấn mạnh “chỉ xem xét các yêu sách của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) chứ không xác nhận tính chính đáng cho các đòi hỏi chủ quyền của PRC hay bất kỳ quốc gia nào khác”. Tuy nhiên, các chi tiết được chỉ ra cho thấy “từ những đòi hỏi trên biển này, PRC đã đưa ra những yêu sách chủ quyền phi pháp hoặc áp đặt quyền tài phán quá mức đối với hầu hết vùng Biển Đông”.

Thời điểm công bố nghiên cứu này là một điều đáng lưu ý, nó thể hiện thông điệp của chính quyền Biden đối với Trung Quốc cũng như toàn bộ thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á, đó là chính quyền Mỹ dù thuộc đảng Cộng hoà hay đảng Dân chủ nhưng chính sách của Mỹ vấn đề biển Đông sẽ không hề thay đổi. Mỹ sẽ không dễ dàng chấp nhận việc Trung Quốc muốn thay đổi trật tự trên biển theo cách mà Trung Quốc muốn. Thông điệp này được đưa ra trước kỳ họp sắp tới của các Ngoại trưởng các nước ASEAN, như một “lời nhắn nhủ” tới khối này. Đồng thời, thời điểm này cả trong nội bộ của Mỹ cũng như đối với giới nghiên cứu quốc tế, nhiều người cho rằng chính quyền Biden đã lơ là với ASEAN, có thể đi đến thoả hiệp với Trung Quốc. Chính vì vậy, đây là thông điệp mà Mỹ muốn gửi tới Trung Quốc và cộng đồng quốc tế.

Ngoài nghiên cứu trực tiếp về các yêu sách của Trung Quốc này, trên trang web của Bộ ngoại giao Mỹ còn có phần nghiên cứu bổ sung và hai bản tóm tắt nghiên cứu được dịch sang tiếng Trung Quốc và Tiếng Việt. Điều này cũng thể hiện rõ ý định của phía Mỹ là muốn phổ biến nghiên cứu này tới cộng đồng người Hoa và người Việt trên toàn thế giới.



Trước đó Mỹ đã nhiều lần thể hiện quan điểm về vấn đề Biển Đông. Đặc biệt, Mỹ đưa ra quan điểm rõ ràng tại một nghiên cứu tương tự như thế này (Ranh giới trên biển) vào năm 2014, đồng thời Tuyên bố hồi tháng 7 năm 2020 của Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Pompeo cũng đã đề cập rõ ràng các vấn đề Mỹ phản đối các yêu sách sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông.

Nhận xét về nghiên cứu này của Mỹ, nhiều chuyên gia nhận định đây là nghiên cứu có căn cứ xác đáng, lập luận chặt chẽ dựa trên những thông tin mới nhất từ các tuyên bố của Trung Quốc.

Đặc biệt, nghiên cứu này đã phản bác các lập luận pháp lý của Hội Luật quốc tế Trung Quốc mà Hội này đã đưa ra trong một bài báo trên 500 trang, xuất bản vào năm 2018, nhằm chống lại Phán quyết Biển Đông của Toà trọng tài năm 2016, được công bố trên tạp chí chuyên ngành bằng tiếng Anh. Vì Trung Quốc từ chối tham gia cũng như tuân thủ Phán quyết Biển Đông, cho nên lập luận pháp lý của Hội Luật quốc tế Trung Quốc trong việc chống lại Phán quyết cũng phản ánh quan điểm chính thức từ Bắc Kinh, cho nên nghiên cứu của Mỹ đã phản bác những lập luận pháp lý cơ bản của Hội luật quốc tế Trung Quốc như vậy.

Nghiên cứu kết luận rằng Trung Quốc đã đưa ra các yêu sách chủ quyền và các yêu sách đặc quyền mở rộng trên toàn bộ Biển Đông. Nghiên cứu của Mỹ đã nhận định: “Những yêu sách của Trung Quốc đã làm suy yếu nghiêm trọng sự thượng tôn pháp luật trên biển và nhiều quy định của luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi như đã được nêu trong UNCLOS”.

Cảnh sát biển Việt Nam theo dõi tàu hải cảnh của Trung Quốc ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa nơi Trung Quốc triển khai giàn khoan HD 981 hồi năm 2014. Reuters

Ý nghĩa của bản “cáo trạng”

Nghiên cứu này chắc chắn sẽ giúp cộng đồng quốc tế, trong đó có ASEAN sẽ tự tin hơn trước việc lên tiếng đối với các hoạt động sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong năm 2021 vừa qua, Trung Quốc đã liên tục xâm phạm các vùng biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia. Thậm chí Bắc Kinh còn ngang ngược gửi thư công khai yêu cầu Indonesia dừng thăm dò và khai thác dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, vì Trung Quốc cho rằng các khu vực này thuộc “đường chín đoạn” của họ. Mặc dù Indonesia khẳng định, đây là vùng đặc quyền kinh tế của họ, và Phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài cũng đã bác bỏ cái gọi là “yêu sách đường chín đoạn” của Bắc Kinh trên biển Đông. Trong bản nghiên cứu bổ sung, các tác giả đã phân tích và liệt kê những gì mà phía Trung Quốc đưa ra lập luận không chính xác.



Thời gian vừa qua, trước các hành động ngang ngược, hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, không chỉ Mỹ mà còn có nhiều quốc gia khác trên khắp thế giới đã lên tiếng phản đối các tuyên bố cùng các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Và chắc chắn trong thời gian tới, cũng sẽ còn có nhiều quốc gia khác tiếp tục lên tiếng phản đối các hành động sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông.

   Mời xem thêm »


© Lê Hoài Bắc
    Blog RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages