Báo cáo của HRW nói hơn 170 nhà hoạt động Việt Nam bị bắt giữ và sách nhiễu - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022

Báo cáo của HRW nói hơn 170 nhà hoạt động Việt Nam bị bắt giữ và sách nhiễu


Ảnh minh họa các nhà hoạt động người Việt bị nhốt. Từ trên, bên trái, theo chiều kim đồng hồ: (1) Phạm Chí Thành, (2) Phạm Đoan Trang, (3) Phạm Chí Dũng, (4) Nguyễn Thúy Hạnh, (5) Phạm Văn Điệp, và (6 )Nguyễn Tường Thụy. © 2022 Aimee Stevens for Human Rights Watch

Trong một báo cáo mới, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) cáo buộc chính quyền Việt Nam sách nhiễu và giam giữ hơn 170 nhà hoạt động trong hai thập kỷ qua.

Nhiều người bị công an Việt Nam cấm rời khỏi nhà của họ, và thậm chí một số người thấy khóa cửa nhà mình bị dính chặt bằng keo không mở được.

Tổ chức nhân quyền kêu gọi chấm dứt "hạn chế có hệ thống" quyền tự do đi lại của các nhà hoạt động.

Hai khái niệm được HRW nêu ra là "home locked-in" (bị khóa trong nhà riêng), và "locked-up" (bị giam) nhằm mô tả tình cảnh các nhà hoạt động đòi quyền cơ bản bị công an Việt Nam "xử lý".

Theo BBC News bản tiếng Anh cùng ngày trong bài "Vietnam: 170 activists detained and harassed, says report" thì "Nhà nước cộng sản độc đảng của Việt Nam không dung thứ cho những bất đồng chính kiến, và thường xuyên bỏ tù những người chỉ trích."

Trong bản báo cáo dài 65 trang được công bố hôm thứ Năm (17/2), HRW cho biết họ đã điều tra nhiều trường hợp bị ngăn cấm di chuyển do chính quyền Việt Nam áp đặt từ năm 2004 đến năm 2021.

Tổ chức này nói rằng chính phủ đã ngăn cản các nhà hoạt động đi lại trong nước và quốc tế, bao gồm cả việc chặn họ ở sân bay và cửa khẩu, đồng thời từ chối cấp cho họ hộ chiếu hoặc giấy tờ thông hành khác.

Các hạn chế cũng bị mở rộng với việc di chuyển trong lãnh thổ Việt Nam, vì các nhà hoạt động báo cáo rằng họ bị đe dọa bởi các nhân viên an ninh mặc thường phục đóng bên ngoài nhà của họ hoặc những kẻ côn đồ hàng xóm do nhà nước điều động; và thấy họ bị mắc kẹt ngay trong nhà của mình vì cửa đã bị khóa trái từ bên ngoài.

Trong một ví dụ từ năm 2016, nhà hoạt động vì quyền đất đai và vận động cho các tù nhân chính trị, ông Huỳnh Công Thuận thấy khóa cửa nhà ông đã bị dính chặt bằng keo để ngăn không cho ông ra khỏi nhà.

Trong một vụ việc khác vào tháng 01/2021, nhà chức trách đã thực hành quản thúc tại nhà 10 ngày với bà Nguyễn Thúy Hạnh, một nhà vận động nhân quyền, trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhà vận động nhân quyền Việt Nam Nguyễn Thúy Hạnh bị quản thúc tại nhà 10 ngày vào năm ngoái

HRW: 'Làn sóng đàn áp người bất đồng chính kiến gia tăng trước ĐH Đảng 13'

"Chính quyền đã đưa rất nhiều binh lính đến Hà Nội để bảo vệ Đại hội Đảng, nhưng điều đó không khiến tâm trí của họ được thoải mái", bà viết trên Facebook. "Họ đã cướp trắng trợn của chúng tôi, những công dân không vi phạm bất kỳ luật nào, quyền tự do đi lại của chúng tôi, và cảnh sát đã nhốt chúng tôi trong nhà trong suốt thời gian diễn ra đại hội."

Các hạn chế đi lại đã dẫn đến việc các nhà hoạt động không thể tham dự các cuộc biểu tình, xét xử tội phạm, gặp gỡ các nhà ngoại giao nước ngoài và một tổng thống Mỹ - trong số nhiều sự kiện khác - để nói lên động cơ của họ, HRW cho biết.

Tổ chức nhân quyền kêu gọi chính phủ chấm dứt ngay lập tức mọi hạn chế đi lại và sửa đổi luật mà hạn chế những quyền cơ bản của công dân như là quyền tự do đi lại trong và ngoài Việt Nam.

Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của HRW cho biết: "Chính phủ Việt Nam dường như coi việc một số người tham dự các sự kiện về nhân quyền hoặc tự do tôn giáo, hoặc gặp gỡ các chức sắc nước ngoài đến thăm là một tội hình sự."

Khác biệt về nhân thức liên quan tới nhân quyền

Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng bảo vệ cho hồ sơ nhân quyền của mình. Năm ngoái, nước này còn tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khi đó đã tuyên bố trong cuộc họp cấp cao của Hội đồng Nhân quyền rằng đất nước ông tiếp tục "ưu tiên thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản của người dân, kể cả trong thời điểm khó khăn nhất hiện nay".

Các nhà bất đồng chính kiến đã bị xử tù Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm

Thế nhưng, nhiều nhà quan sát đã chỉ ra hai cách nhìn về nhân quyền khá xa nhau, ở VN và trên thế giới.

LS Lê Quốc Quân trong một bài viết gần đây trên BBC News Tiếng Việt đã mô tả điều này:

"Nhân quyền theo cách hiểu của Việt Nam là công bằng trong tiếp cận vaccine, xóa đói giảm nghèo, quyền phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người đồng tính... đã được nâng cao. Trong khi đó, thế giới cho rằng nhân quyền quan trọng nhất là quyền về chính trị, nơi mọi người sinh ra đều có những quyền đương nhiên như "Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình". "

Việt Nam còn gắn nhân quyền với các khái niệm về quyền tập thể của quốc gia.

Trong khi trên thế giới, nói đến nhân quyền là hướng đến quyền đương nhiên của từng cá nhân cụ thể trong xã hội loài người và không một quốc gia nào có thể "ngầm diễn dịch để phá hoại các quyền đó", theo Điều 30, Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948..."

Ông Lê Quốc Quân, từ Hà Nội, nhận xét:

"Nhưng dù nói thế nào đi chăng nữa cũng không thể chứng minh sự cải thiện nhân quyền bằng việc bắt giữ và kết án nặng nề các nhà hoạt động.

Cách đây 10 năm, các tổ chức dân sự được thành lập rất nhiều và hoạt động khá sôi nổi, còn bây giờ chính quyền Việt Nam truy lùng đến các nhóm, trung tâm chưa thể hiện nhiều thái độ với nhà nước nhưng vẫn được coi là mầm mống của xã hội dân sự, nơi sẽ thách thức tính toàn trị của nhà nước.

Trường hợp bắt giữ nhà báo Mai Phan Lợi và luật gia Đặng Đình Bách tháng 7/2021 về tội trốn thuế, bị cho là do các ông này làm giám đốc các trung tâm có thể tạo nên nền tảng tự do cho các xã hội dân sự ở Việt Nam..."

Toàn văn Báo cáo Nhân quyền HRW 17/02/2022 bằng tiếng Anh.

HRW: Hạn chế tự do đi lại của các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam
Vào tháng Giêng năm 2021, giữa kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 tại Hà Nội, các lực lượng an ninh Việt Nam đã canh, nhốt nhiều nhà hoạt động tại gia trong suốt 10 ngày. Các vụ kiềm tỏa đó rất tùy tiện nhưng không phải là biệt lệ; từ lâu rồi, nhà cầm quyền Việt Nam đã dùng cách câu lưu ngoài pháp luật như một thứ công cụ để đối phó với những người bất đồng chính kiến trong các sự kiện chính trị lớn. Trong số các nhà hoạt động bị quản thúc tại gia có bà Nguyễn Thúy Hạnh và chồng bà, ông Huỳnh Ngọc Chênh. Bà Nguyễn Thúy Hạnh viết:

Đã điều bao nhiêu quân đội về Hà Nội để bảo vệ đại hội đảng, mà nhà cầm quyền vẫn chưa yên tâm, thản nhiên tước quyền đi lại của những công dân không phạm pháp chúng tôi bằng việc dùng công an nhốt chúng tôi ở trong nhà suốt kỳ đại hội. Luật nào cho phép nhà cầm quyền làm như vậy đối với chúng tôi.

Hành vi tùy tiện cản trở quyền tự do đi lại cũng được chính quyền áp dụng để cấm các nhà hoạt động xuất cảnh. Tháng Chín năm 2018, ông Nguyễn Quang A chuẩn bị đi sang Australia dự một cuộc họp. Trước chuyến đi, ông có uống cà phê với một học giả người Úc trên đường Điện Biên Phủ ở Hà Nội. Khi ông rời quán để đón xe taxi ra sân bay, một số người mặc thường phục tiến đến, cưỡng chế ông lên một chiếc xe và đưa ông tới một đồn công an gần sân bay Nội Bài. Ông bị công an thẩm vấn về chuyến đi dự kiến vào tháng sau của ông tới Brussels, nơi ông được mời ra điều trần trước Quốc Hội Châu Âu về Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam. Công an câu lưu ông vừa đủ lâu để ông bị lỡ chuyến bay đi Australia. Ông Nguyễn Quang A nói:

… trong Bộ Công an có 1 số người, 1 số bộ phận họ lạm dụng quyền hết sức là vô lối. Họ được đào tạo và thấm nhuần tư tưởng là họ có quyền và đối xử với các công dân khác như tội phạm.

Bản phúc trình này lập hồ sơ về các vi phạm thường xuyên của chính quyền Việt Nam đối với quyền tự do đi lại và các quyền cơ bản khác với việc buộc các nhà hoạt động, những người bất đồng chính kiến, người bảo vệ nhân quyền và nhiều người khác phải chịu quản thúc tại gia vô thời hạn, sách nhiễu và các hình thức câu lưu khác – thậm chí câu lưu họ chỉ vừa đủ lâu để không kịp tham dự các buổi biểu tình, phiên tòa hay cuộc gặp với các nhà ngoại giao hay tổng thống Mỹ, và nhiều sự kiện khác nữa. Phúc trình này cũng ghi nhận những trường hợp nhà cầm quyền ngăn cản những người phê phán chính phủ đi lại trong nước hay xuất cảnh đi nước ngoài, trong đó có các vụ chặn giữ tại sân bay hoặc cửa khẩu, và từ chối cấp hộ chiếu hay các giấy tờ khác theo quy định để họ đủ điều kiện xuất cảnh hoặc trở về Việt Nam.

Các hành vi vi phạm thường xuyên nói trên đối với quyền tự do đi lại ở Việt Nam hay bị bỏ qua trong các hồ sơ nhân quyền thông thường, mà theo thông lệ luôn tập trung vào các vấn đề nghiêm trọng hơn như việc kết án và bỏ tù nhiều năm các nhà bất đồng chính kiến, các vi phạm quyền đất đai hay quyền của người lao động, và việc đàn áp các quyền tự do cơ bản của nhà nước Việt Nam độc đảng.

Như sẽ được nêu chi tiết dưới đây, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã lập hồ sơ nhiều vụ vi phạm quyền tự do đi lại từ năm 2004 và xác định được hơn 170 người bị cấm xuất cảnh. Con số thực tế hiển nhiên cao hơn rất nhiều: thông tin còn thiếu hụt do chế độ kiểm duyệt ngặt nghèo ở Việt Nam và do nhiều nạn nhân sợ rằng nếu công bố vụ việc của họ một cách công khai sẽ dẫn tới việc chính quyền trả thù họ bằng các hành vi hình sự hay các hình thức khác. Hơn nữa, nạn nhân của các vụ việc vi phạm nêu trong phúc trình này không chỉ giới hạn ở những nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ được nêu tên; một số lần, chính quyền nhằm cả vào những người thân của họ trong gia đình qua việc quản thúc tại gia hay cấm xuất cảnh như một hình thức trừng phạt tập thể.

Chúng tôi cũng đề cao nỗ lực của các nhà hoạt động dũng cảm khi thách thức cơ sở pháp lý đối với các việc làm của chính quyền và bộc lộ mức độ khó khăn, hay thậm chí bất khả thi, của việc đòi công bằng pháp lý qua các tòa án do Đảng Cộng sản kiểm soát ở Việt Nam.

Nhốt tại nhà

Nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng một loạt chiến thuật để thực hiện việc nhốt tại nhà:

· cử các nhân viên an ninh mặc thường phục đóng chốt ngoài tư gia;

· dùng ổ khóa bên ngoài để khóa trái người bên trong nhà;

· dựng chốt chặn và các chướng ngại vật hay rào chắn để ngăn cản người bên trong không ra ngoài được và những người bên ngoài không vào được;

· huy động côn đồ địa phương đe dọa người dân ở nguyên trong nhà;

· đổ các chất kết dính mạnh— như keo đa năng —vào các ổ khóa.

Phương pháp phổ biến nhất để nhốt tại nhà hiện nay là bố trí vài người mặc thường phục bên ngoài căn nhà của “đối tượng.” Nếu người trong nhà cố tìm cách rời nhà, như trường hợp của ông bà Nguyễn Thúy Hạnh và Huỳnh Ngọc Chênh nêu trên, những người này sẵn sàng dùng vũ lực chặn đường họ. Những người bị quản thúc theo cách này sau cùng cũng phải bỏ cuộc và trở vào nhà.

Cách thức đó phổ biến đến nỗi các nhà hoạt động và blogger đã vận dụng một số thành ngữ dân gian để ám chỉ tình trạng quản thúc tại gia. Trong số đó có từ bánh canh, một món ăn miền Nam: bánh là từ tiếng Việt chỉ bánh kẹo hay một loại mì sợi làm từ bột, còn canh thường có nghĩa là nước dùng hay động từ canh gác. Thế là các nhà hoạt động đăng vui trên Facebook là họ đang ăn bánh canh – theo nghĩa đen là món mì gác – để nói rằng các nhân viên an ninh đang ở bên ngoài nhà họ, cản trở họ không được rời nhà.

Một hình thức tiếu lâm khác nữa là câu thành ngữ phổ biến, đến hẹn lại lên (nguyên là tiêu đề một bộ phim miền Bắc Việt Nam năm 1974) sau đó được dùng trong ngôn ngữ hàng ngày để chỉ những việc diễn ra theo định kỳ. Thành ngữ đó được biến thành đến hẹn lại canh, để chỉ trong khi một sự kiện quan trọng đang diễn ra thì các nhà hoạt động bị giám sát. Một thuật ngữ khác, dạt vòm (tiếng lóng chỉ những người có nhà nhưng đi ngủ lang thang nơi khác) đôi khi được dùng để diễn tả cảnh các nhà hoạt động chủ ý rời khỏi nhà mình đến ở một nơi không rõ để tránh bị quản thúc tại gia trước một sự kiện quan trọng nào đó.

Quản thúc tại gia thường trùng hợp với các sự kiện chủ chốt hay các ngày quan trọng theo lịch nhà nước, trong đó có các ngày lễ quốc gia và tôn giáo hay các sự kiện chính trị quan trọng ở tầm quốc gia như đại hội Đảng Cộng sản, các kỳ bầu cử dàn dựng cấp quốc gia, các hội nghị, kỳ họp thượng đỉnh quốc tế hay các phiên tòa chính trị xử các nhà bất đồng chính kiến quan trọng.

Những ngày đặc biệt nhạy cảm bao gồm ngày 30 tháng Tư (kỷ niệm kết thúc cuộc chiến tranh 1954-1975); ngày 26 tháng Sáu (Ngày Quốc tế Ủng hộ Nạn nhân Bị Tra tấn của Liên Hiệp Quốc); ngày mồng 2 tháng Chín (Quốc khánh Việt Nam); và ngày mồng 10 tháng Mười hai (Ngày Quốc tế Nhân quyền); và bất cứ ngày nào các nhà hoạt động quyết định tụ họp chính thức hay không chính thức để kỷ niệm một sự kiện quan trọng như ngày trao giải hàng năm của nhóm văn chương độc lập Văn Việt, ngày thành lập Hội Nhà báo Độc lập; hay ngày thành lập Phong trào Con đường Việt Nam.

Những ngày khác cũng bị chính quyền coi là nhạy cảm bao gồm những ngày trước và trong khi diễn ra đối thoại nhân quyền giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, hay Australia; trước và trong các chuyến thăm Việt Nam của các Tổng thống Hoa Kỳ, như Bill Clinton năm 2000, Barack Obama năm 2016, và Donald Trump vào tháng Mười một năm 2017 (APEC) và tháng Hai năm 2019 (Cuộc gặp Thượng đỉnh Trump-Kim), hay các nguyên thủ quốc gia khác; và trước và trong các chuyến thăm của quan chức ngoại giao về các vấn đề liên quan tới nhân quyền như của đặc sứ Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo và tín ngưỡng, hay của đại sứ lưu động Hoa Kỳ về tự do tôn giáo.

Do lịch sử ngoại giao lâu dài và phức tạp giữa Việt Nam với người láng giềng khổng lồ Trung Quốc, và mối quan hệ bất tường minh giữa hai chính quyền, nhiều nhà hoạt động Việt Nam cũng là những người biểu tình cuồng nhiệt phản đối Trung Quốc. Nhiều ngày “nhạy cảm” trong năm, là thời điểm các nhà hoạt động bị quản thúc tại gia, có liên quan đến Trung Quốc, như:

  • Ngày 19 tháng Giêng (kỷ niệm trận chiến Hoàng Sa năm 1974 giữa hải quân Việt Nam Cộng Hòa (Nam Việt Nam) với Trung Quốc); 
  • Ngày 17 tháng Hai (kỷ niệm chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979); 
  • Ngày 14 tháng Ba (kỷ niệm trận chiến đảo Gạc Ma giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1988); và 
  • Ngày mồng 1 tháng Mười (Quốc khánh Trung Quốc).


Các tín đồ Hòa Hảo không chấp nhận gia nhập các giáo hội do nhà nước kiểm soát thường bị quản thúc tại gia ít nhất ba lần trong một năm: ngày thành lập đạo, ngày kỷ niệm sinh nhật và ngày giỗ Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ.

Trong vài năm gần đây, có vài ngày nhạy cảm mới đã được bổ sung vào lịch. Quản thúc tại gia thường diễn ra vào các kỳ cuối tuần sau các cuộc biểu tình đông người, như sau khi Nhà máy Thép Formosa xả độc dẫn tới khủng hoảng môi trường diện rộng dọc bờ biển miền Trung Việt Nam năm 2016, hay sau các cuộc biểu tình đông người phản đối dự luật đặc khu kinh tế và luật an ninh mạng năm 2018.

Trong hầu hết các vụ quản thúc, các nhà hoạt động có thể đoán được lý do chính quyền quản thúc họ tại gia. Nhưng vẫn có những lần không rõ lý do vì sao. Tháng Ba năm 2019, ông Nguyễn Quang A viết: “Vẫn Đ. biết hôm nay là ngày gì!” thể hiện sự bức xúc vì không hiểu lý do mình bị quản thúc vào đúng ngày hôm đó.

Đón lõng trên đường đi dự sự kiện

Chính quyền thường cản trở các nhà hoạt động tham dự các cuộc gặp mặt hay các sự kiện bị chính quyền coi là nhạy cảm về chính trị, bằng cách tiến hành bắt giữ, câu lưu hay kiềm tỏa một cách tùy tiện cho đến khi sự kiện đã qua đi hoặc họ không thể tới dự được nữa. Thường thì công an hay côn đồ dùng vũ lực buộc người đó lên một chiếc xe hơi và chở đi lòng vòng hay nhốt vào một đồn công an trong thời gian đủ lâu theo ý chính quyền.

Tháng Năm năm 2019, blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh, bút danh Anh Ba Sàm, đã thi hành xong án tù năm năm và được thả. Để ngăn chặn các nhà hoạt động thân hữu đi đón anh về nhà, chính quyền đã quản thúc nhiều nhà hoạt động tại gia. Một trong số đó là Võ Văn Tạo, ông kể lại rằng vào buổi tối ngày mồng 4 tháng Năm, nhiều người mặc thường phục ép ông lên một chiếc xe máy, đưa ông tới đồn công an và tịch thu điện thoại di động cùng chứng minh thư của ông. Võ Văn Tạo kể lại các nhân viên an ninh đã tuyên bố với ông rằng họ “muốn ngăn cản mọi người đến chúc mừng anh Ba Sàm khi anh ra tù, trở về nhà vào ngày 5/5.”

Vấn nạn này đạt đến tầm quốc tế trong chuyến thăm Việt Nam của nguyên Tổng thống Barack Obama vào tháng Năm năm 2016. Để thể hiện sự ủng hộ của mình với nỗ lực của các nhà hoạt động, Tổng thống Obama lên kế hoạch gặp gỡ với đại diện các nhóm xã hội dân sự của Việt Nam. Đài BBC tiếng Việt đưa tin rằng chỉ có 6 trong số 15 người được mời đã tới dự cuộc gặp. Những người khác, trong đó có luật sư Hà Huy Sơn, bị an ninh ngăn cản không tới được. “Họ nói tôi có thể đi đâu cũng được nhưng không được tới sứ quán. Và họ vẫn theo dõi tôi,” ông Sơn nói tại thời điểm đó.

Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng mời bà Phạm Đoan Trang tới gặp Tổng thống Obama. Trong lúc đó, bà Trang đang phải chữa bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh để điều trị chấn thương do lực lượng an ninh gây ra khi dùng vũ lực giải tán một cuộc biểu tình ủng hộ môi trường ở Hà Nội vào tháng Tư năm 2015. Bà sợ rằng nếu bay từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội sẽ bị công an chặn, nên quyết định đi bằng xe hơi. Hai nhà hoạt động thân hữu là Trần Thu Nguyệt và Vũ Huy Hoàng cùng đi với bà. Ngày 23 tháng Năm, nhân viên an ninh chặn xe và câu lưu ba người ở Ninh Bình, cách Hà Nội khoảng 100 cây số về hướng Nam. Họ được thả ra vào buổi chiều ngày hôm sau, khi ông Obama đang trên đường rời Hà Nội.

Dù các nhân viên an ninh đóng chốt bên ngoài nhà ông Nguyễn Quang A ở Hà Nội từ ngày 23 tháng Năm, sáng sớm ngày 24 tháng Năm ông vẫn cố rời nhà để đi gặp Obama, cùng đi có vợ, con trai ông và một nhà hoạt động nữa. Khi họ tới một ngã tư gần đó, một nhóm người chặn họ lại hỏi đi đâu. Ông Nguyễn Quang A hỏi họ là ai và đòi xem giấy tờ, nhưng những người này chỉ gạt vợ ông sang bên và đẩy ông vào một chiếc xe hơi rồi chở đi lòng vòng để “giết thời gian.” Khi họ thả ông xuống, tổng thống Obama đã lên đường đi Thành phố Hồ Chí Minh.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Obama cũng gặp các thành viên của Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á (YSEALI). Nhà hoạt động sinh viên Trần Hoàng Phúc là một khách được mời. Anh mang theo tài liệu liên quan tới thảm họa môi trường của Nhà máy Thép Formosa. Khi anh đang đợi để vào phòng họp, các nhân viên an ninh tới và đưa anh tới một đồn công an gần đó để thẩm vấn. An ninh cũng câu lưu một người đứng ngoài, là nhà hoạt động Nguyễn Nữ Phương Dung bạn anh, người đã trốn khỏi nhà mấy ngày trước để tránh bị quản thúc tại gia trong chuyến thăm của ông Obama.

Cựu tù nhân chính trị Phạm Bá Hải cũng rời nhà trước khi ông Obama tới Thành phố Hồ Chí Minh và đến ở một khách sạn để tránh bị quản thúc tại gia. Thế mà vào lúc 2 giờ sáng ngày 24 tháng Năm, công an tới khách sạn đó và buộc ông về nhà. Họ nhốt ông trong nhà cho đến khi Obama rời Việt Nam.

Trong một số trường hợp, các nhân viên an ninh sử dụng các biện pháp cực đoan hơn, như câu lưu các nhà hoạt động và áp giải họ về quê nhà trên tàu hỏa hoặc máy bay.

Tháng Sáu năm 2011, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (bút danh Mẹ Nấm) đang tới thăm bạn bè ở Thành phố Hồ Chí Minh. Công an câu lưu bà một ngày rồi đưa bà lên tàu về nhà ở Nha Trang để bà không thể tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh được. Tháng Năm năm 2016, hai ngày trước cuộc bầu cử toàn quốc, các nhân viên an ninh câu lưu nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng đang đi thăm các nhà hoạt động bè bạn ở Thành phố Hồ Chí Minh, và áp giải ông ra sân bay. Sau khi hạ cánh ở Vinh, quê ông, ông bị hành hung thân thể trước khi được phóng thích. Tháng Sáu năm 2018, nhà hoạt động Phạm Lê Vượng Các bay từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội để dự một cuộc thi cho lớp luật. Công an chặn ông khi vừa tới sân bay Nội Bài và buộc ông trở lại Thành phố Hồ Chí Minh để ông không thể tham dự cuộc biểu tình ở Hà Nội cuối tuần đó.

Cản trở Xuất Nhập Cảnh

Chính quyền Việt Nam cũng thường vi phạm quyền tự do đi lại khi cản trở công dân xuất hoặc nhập cảnh Việt Nam, đặc biệt là ở hai sân bay quốc tế lớn nhất và sáu cửa khẩu quan trọng nhất trong nước. Trong nhiều vụ việc, công an chặn hành khách ở sân bay hay quầy xuất nhập cảnh đường bộ, đưa họ vào một căn phòng khác, và tuyên bố rằng họ không được phép rời Việt Nam. Trong một số trường hợp, công an chặn giữ ngay trong lúc người đó đang chuẩn bị lên máy bay. Tháng Mười năm 2006, Lê Thị Công Nhân đã qua quầy xuất nhập cảnh và cửa kiểm tra an ninh ở sân bay trên đường đi dự một hội thảo về quyền của người lao động ở Warsaw thì công an tới ngăn không cho cô lên máy bay.

Công an ngăn cấm người dân Việt Nam đi ra nước ngoài với nhiều mục đích, trong đó có việc tham gia vận động cho nhân quyền.

Tháng Mười một năm 2019, công an sân bay Nội Bài cản trở linh mục Nguyễn Đình Thục không được xuất cảnh đi Nhật để đón Đức Giáo hoàng Francis trong chuyến đi thăm Châu Á. Công an cho những người còn lại trong đoàn, là 12 linh mục và 2 người dân thường được xuất cảnh. Linh mục Nguyễn Đình Thục kể rằng công an tuyên bố ông bị cấm xuất cảnh theo lệnh của chính quyền địa phương để “bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.”

Tháng Mười hai năm 2015, công an sân bay Nội Bài cấm các blogger Nguyễn Tường Thụy và Phạm Chí Thành xuất cảnh đi Băng Cốc. Ông Nguyễn Tường Thụy định tham gia một chuyến đi sang Myanmar cùng với các nhà hoạt động khác để kỷ niệm Ngày Nhân Quyền Quốc tế và tìm hiểu về cách vận động cho một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Tháng Hai năm 2014, Ts. Phạm Chí Dũng bị chặn ở sân bay Tân Sơn Nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh và bị cấm xuất cảnh để đi Geneva. Ông định tham gia một sự kiện về nhân quyền trong đợt Đánh giá Định kỳ Toàn cầu của Việt Nam trước Liên Hiệp Quốc. Công an nói với ông rằng lệnh cấm là theo yêu cầu của công an Thành phố Hồ Chí Minh và tịch thu hộ chiếu của ông. Ông đã gửi đơn khiếu nại lên các lãnh đạo cấp nhà nước, nhưng không hề nhận được hồi âm.

Nhà cầm quyền Việt Nam tỏ ra nhạy cảm với khả năng các nhà hoạt động gặp gỡ các quan chức nước ngoài hay những người bất đồng chính kiến đang lưu vong đến nỗi cấm luôn họ xuất cảnh trong những chuyến đi với mục đích cá nhân, như đi du lịch hay tháp tùng người thân đi nước ngoài chữa bệnh.

Tháng Sáu năm 2019, công an sân bay Nội Bài cấm nhà hoạt động vì môi trường Cao Vĩnh Thịnh xuất cảnh trong một chuyến du lịch đi Thái Lan. Công an nói với cô rằng lệnh cấm là theo yêu cầu của Phòng 7 Cục An ninh Nội địa. Tháng Giêng năm 2017, một cựu tù nhân chính trị, cô Phạm Thanh Nghiên, bị ngăn không cho đi cùng với cha mình trong một chuyến ông đi Thái Lan để chữa bệnh. Tháng Mười hai năm 2017, linh mục Lưu Ngọc Quỳnh bị ngăn không cho lên chuyến bay từ Nội Bài sang Pháp để dự một sự kiện tôn giáo cá nhân. Công an nói với ông rằng lệnh cấm nhằm mục đích “bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.”

Ngày 25 tháng Năm năm 2019, các nhà hoạt động và blogger ra một bản “Tuyên bố chung của những người bị xâm phạm quyền tự do đi lại.” Theo đài BBC tiếng Việt, tính đến ngày 27 tháng Năm, có 100 người đã ký tên vào bản tuyên bố.

Chính quyền đã áp dụng chính sách trừng phạt tập thể, áp đặt lệnh cấm xuất cảnh với cả người thân của các nhà hoạt động nhân quyền, các nhà vận động tự do tôn giáo, cựu tù nhân chính trị, blogger và nhà báo độc lập. Vợ ông Nguyễn Bắc Truyển, bà Bùi Thị Kim Phượng bị cấm xuất cảnh vào tháng Năm năm 2019, vợ ông Nguyễn Văn Đài, bà Vũ Minh Khánh vào tháng Tư năm 2017, chị gái của Đỗ Thị Minh Hạnh, Đỗ Ngọc Xuân Trầm vào tháng Sáu năm 2017, và con trai ông Nguyễn Tường Thụy, là Nguyễn Tường Trọng vào tháng Năm năm 2015.

Chính quyền không công bố danh sách cấm xuất nhập cảnh hay chủ động thông báo cho những người có tên trong danh sách. Các nhà hoạt động và blogger có thể nghi ngờ mình bị xếp vào trong danh sách cấm, nhưng không ai biết chắc được cho đến khi công an chặn họ ở sân bay hay cửa khẩu và cấm xuất cảnh. Trong một số trường hợp, người trong cuộc biết được mình bị ở trong danh sách cấm khi xin gia hạn hay xin cấp hộ chiếu mới, như trường hợp của ông Huỳnh Công Thuận vào tháng Năm năm 2012, bà Trần Thị Nga vào tháng Sáu năm 2015, ông Lê Công Định vào tháng Tám năm 2018 và tháng Mười hai năm 2019. Những người khác, trong đó có blogger Bùi Thanh Hiếu (bút danh Người buôn gió), nhà thơ Bùi Minh Quốc, và nhà hoạt động Nguyễn Trang Nhung, đã mất tiền mua vé và các chi phí khác liên quan đến chuyến đi rồi mới biết bị cấm xuất cảnh vào phút cuối cùng.

Chính quyền đã cấm một số nhà hoạt động không được tiếp tục xuất cảnh như một hình thức trừng phạt về các hoạt động của họ khi ở nước ngoài. Phạm Đoan Trang chỉ được biết là mình có tên trong danh sách cấm xuất cảnh sau khi từ Mỹ về Việt Nam vào tháng Giêng năm 2015. Tương tự, khi Bùi Quang Minh trở về từ Philippines vào tháng Bảy năm 2015, công an tịch thu hộ chiếu của ông tại sân bay Tân Sơn Nhất và đưa cho ông một bản sao “Biên bản v/v Phát hiện người chưa được xuất cảnh nay nhập cảnh.” Trong số những người khác cũng bị công an thẩm vấn và tịch thu hộ chiếu khi về Việt Nam có thể kể đến Trương Thị Hà vào tháng Ba năm 2020, Đinh Thị Phương Thảo vào tháng Mười một năm 2019 và Nguyễn Thị Kim Thanh vào tháng Hai năm 2019.

Các cơ quan chính quyền thực hiện chính sách nói trên hầu như không bao giờ đưa ra lời giải thích về lệnh cấm hay cung cấp văn bản pháp lý làm cơ sở. Kết quả là các nạn nhân bị cấm đi lại hiếm khi nào biết chắc được vì sao họ lại bị cấm hay lệnh cấm sẽ có thời hạn trong bao lâu. Tại các sân bay và cửa khẩu, nhân viên an ninh đôi khi nói với các nhà hoạt động và blogger rằng họ không thể rời khỏi nước Việt Nam vì những lý do an ninh quốc gia chung chung. Trong các trường hợp khác, người bị cấm được thông báo rằng lệnh cấm là theo yêu cầu của công an một thành phố hay tỉnh nào đó, hay một phòng ban cụ thể trong Bộ Công An. Trong nhiều trường hợp, công an còn tịch thu luôn hộ chiếu.

Công an thường từ chối cung cấp giấy tờ, biên bản cho người trong danh sách bị cấm. Trong một trường hợp rất hiếm hoi, vào tháng Hai năm 2014, nhân viên quản lý xuất nhập cảnh cửa khẩu Mộc Bài ở tỉnh Tây Ninh đã cung cấp cho Hoàng Văn Dũng và Nguyễn Nữ Phương Dung một văn bản qua đó họ biết được là lệnh cấm xuất cảnh đối với họ có hiệu lực từ tháng Tám năm 2013.

Người bị cấm thường chỉ có thể đoán định lý do mình bị ở trong danh sách cấm. Khi linh mục Nguyễn Duy Tân bị cấm xuất cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất vào tháng Sáu năm 2018, ông suy đoán rằng công an đang trả đũa việc ông tham dự một cuộc gặp mặt với các nhà ngoại giao Châu Âu ở thành phố Hồ Chí Minh vào tháng trước để trao đổi về tình trạng hạn chế tự do tôn giáo ở Việt Nam. “Do tôi nói sự thật quá nên có khi mất lòng cộng sản cho nên họ trả thù tôi bằng cách là cấm tôi xuất cảnh,” linh mục Tân phát biểu. Trong một trường hợp ngoại lệ, Nguyễn Trang Nhung được công an thông báo bằng miệng là cô bị cấm xuất cảnh vì trước đó đã tham dự một cuộc hội thảo về xét xử công bằng ở Philippines.

Đặc biệt là Nguyễn Trang Nhung còn được biết, qua lời thông báo miệng, rằng lệnh cấm xuất cảnh đối với cô có thời hạn ba năm, từ tháng Mười năm 2014 đến tháng Mười năm 2017. Trong một vụ việc khác, vào tháng Năm năm 2012, Huỳnh Công Thuận được thông báo bằng miệng rằng lệnh cấm xuất cảnh có hiệu lực đến tháng Tám năm 2014. Công an nói với Bùi Minh Quốc vào tháng Năm năm 2019 rằng lệnh cấm ông xuất cảnh từ tháng Ba năm 2018 đã được dỡ bỏ, nhưng không cung cấp văn bản xác nhận. Thường là do sức ép từ trong nước hoặc quốc tế, một số người rốt cuộc cũng nhận lại được hộ chiếu và được phép xuất cảnh.

Bất chấp những vi phạm nghiêm trọng đối với các quyền cơ bản như vậy, rất ít người có cơ hội khiếu nại, như đã được quy định trong công pháp quốc tế về nhân quyền. Dù yếu ớt, nhưng một số người vẫn đã và đang nỗ lực phản kháng lại nhà nước độc đảng đầy quyền lực và thách thức tính pháp lý của cách hành xử bạo ngược đối với mình – là một việc đầy khó khăn và thường bất khả thi trong hệ thống tòa án do Đảng Cộng sản kiểm soát ở Việt Nam.

Linh mục Đinh Hữu Thoại, Mục sư Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Huyền Trang, Nguyễn Trang Nhung và Huỳnh Công Thuận đã nộp nhiều đơn khiếu tố và đơn khởi kiện công an, nhưng cho tới nay chưa thấy tác động gì. Trong một vụ nổi bật trầm trọng, ông Phạm Văn Điệp đã nộp nhiều đơn khiếu nại và đơn kiện về lệnh của chính quyền cấm ông nhập cảnh Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2013, rồi năm 2016, sau đó cấm ông rời Việt Nam vào năm 2019. Chính quyền đáp lại bằng việc bắt ông vào tháng Sáu năm 2019 và một tòa án xử ông chín năm tù vào tháng Mười một năm 2019.

Các Khuyến nghị chính

  • Chính quyền cần chấm dứt việc tùy tiện hạn chế quyền tự do đi lại đối với các nhà hoạt động và phê phán chính quyền, bao gồm quản thúc tại gia, câu lưu, sách nhiễu, theo dõi, cấm đi lại trong nước và xuất nhập cảnh. 
  • Chính quyền cần chấm dứt cách làm chung chung về việc đưa người dân vào danh sách cấm xuất nhập cảnh. Bất cứ ai bị đưa vào danh sách cấm xuất nhập cảnh một cách hợp pháp cần được thông báo đầy đủ và có khả năng khiếu nại quyết định cấm trước một tòa án độc lập và vô tư. 
  • Quốc Hội cần hủy bỏ điều 14 (khoản 2) và điều 15 (khoản 4) của Hiến pháp, có nội dung cho phép hạn chế nhân quyền vì các lý do an ninh quốc gia, vượt quá giới hạn cho phép của công pháp quốc tế về nhân quyền. 
  • Quốc hội cần hủy bỏ hoặc sửa đổi các điều trong Luật Xuất Nhập Cảnh có nội dung cho phép chính quyền tùy tiện cấm công dân Việt Nam ra nước ngoài hoặc trở về Việt Nam nhân danh các điều luật có nội dung mơ hồ về an ninh quốc gia.


   Mời xem thêm »


© BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages