Câu chuyện lễ hội Tịch Điền và ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 9 tháng 2, 2022

Câu chuyện lễ hội Tịch Điền và ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc


Ông Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam – trong lễ hội Tịch Điền tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, mùng 7 Tết Nhâm Dần (7 tháng hai, 2022) – Ảnh: VNExpress

Cách đây hơn ngàn năm trước, đầu năm Kỷ Hợi (987) vua Lê Đại Hành đích thân cầm cày trong lễ xuống đồng mở đầu cho lễ hội Tịch Điền. Từ đó, lễ hội này được xem như quốc lễ.

Đầu năm nay, sáng mùng 7 Tết Nhâm Dần (7 Tháng Hai, 2022), ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng lục tục dẫn cơ quan đoàn thể các kiểu đến xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, khai mạc lễ hội Tịch Điền.

Làm rầm rộ như thế, cũng tốn tiền nông dân lắm. Chưa làm ra hạt lúa nào mà đầu năm đã mất cả ngàn giạ lúa để tổ chức chứ ít đâu. Nhưng thôi, có Chủ tịch nước về thì cũng bõ công.

Quang cảnh lễ hội Tịch Điền tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, mùng 7 Tết Nhâm Dần (7 tháng Hai, 2022). Nếu không chú thích, người nước ngoài có thể cho rằng sự kiện này diễn ra ở một vùng đất của Trung Quốc – Ảnh: VNExpress

Trong phần phát biểu, ông Phúc nhấn mạnh, lễ hội Tịch Điền của Hà Nam đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai hoang, mở mang ruộng đồng, đề cao quan niệm: “Lấy nông nghiệp làm căn bản, coi nông nghiệp là nền tảng ổn định đất nước, ổn định xã hội”.

Nghe có cái gì đó “sai sai”, vì người nông dân mất đất không phải ít! Họ từng giăng biểu ngữ ra đường phố Hà Nội đòi lại đất ruộng mà có ăn thua gì đâu (?). Chưa kể bị công an xé nhỏ ra từng nhóm đưa về quê, người nào uy tín nhất, được nhiều người ủng hộ nhất thì bị đưa đi đâu thì không ai biết.



Ông Phúc về Đọi Sơn dự lễ hội Tịch Điền, tuy có vẻ gượng gạo, nhưng cũng còn hơn ông Nguyễn Phú Trọng. Hồi còn ngồi một đít hai ghế, vừa Chủ tịch nước, vừa Tổng Bí thư Đảng, ông Trọng đâu có về, mà cử bà Phó Doan về thay, rồi cử ông Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình xuống ruộng cày vài đường cho có. Sự kiện hay ho ấy xảy ra vào năm 2019.

Mấy ông này vẫn còn thua ông Trần Đại Quang. Hồi ông này còn sống và làm Chủ tịch nước, trong lễ hội Tịch Điền 2017, ổng không đi sau đít con trâu như ông Phúc mà leo lên chiếc máy cày Kubota của Nhật cho có vẻ “công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.

Ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang lái máy cày trong lễ hội Tịch Điền năm 2019 – Chụp màn hình video

Mà nói cho cùng thì ông Quang cũng chỉ bắt chước cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thời VNCH thôi! Ông Thiệu hồi đó khác mấy ông cộng sản thời này là ổng chẳng có tổ chức lễ hội Tịch Điền gì cả, mà vận động Quốc hội thông qua luật Người Cày Có Ruộng, lấy đất, hoặc mua lại đất của điền chủ có nhiều ruộng quá quy định, rồi cấp cho nông dân toàn miền Nam, cho họ làm chủ ruộng luôn, chứ không phải cày mướn nữa.

Mấy em nhỏ sinh sau năm 1975 có thể hỏi ông bà nội ngoại có ruộng đất thì biết. Ông Thiệu nói là làm chứ hổng có nói xạo. Ổng cấp ruộng luôn cho cả gia đình “Việt cộng nằm vùng”, gia đình có người “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản” nữa chứ chẳng phân biệt gì ráo! Ngày 26 Tháng Ba năm 1970, ông Thiệu ban hành luật Người Cày Có Ruộng, lấy ngày này làm Ngày Nông Dân, rồi leo lên chiếc máy cày lái một vòng ruộng chơi! Nói thiệt chứ ông Thiệu lái máy cày cũng “nghề” lắm, không yếu tay lái như ông Quang đâu.

Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu ban hành luật Người Cày Có Ruộng ngày 26 Tháng Ba năm 1970, cấp ruộng cho toàn thể nông dân miền Nam. Hình phải là “Chứng thư cấp Quyền sở hữu” ruộng đất cho nông dân – Ảnh: Internet

Giờ nói tiếp chuyện ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lễ hội Tịch Điền năm nay. Nhiều người không biết gọi tên con trâu đi trước ông Phúc là gì, vì nó được vẽ vằn vện như da con cọp. Chắc có lẽ năm nay là Nhâm Dần, nên ban Tổ chức nghĩ rằng tô vẽ cho con trâu như thế là hợp thời, là “đú trèn” (đu trend – theo xu hướng) chăng?

Con trâu được “mô phỏng” con cọp, thì cứ gọi là con cọp giả. Người đi theo con cọp giả có bị gọi là người giả (giả nhân) không thì chưa biết, nhưng Facebooker Xuân Sơn Võ viết như thế này: “Không thể hiểu ai lại có thể tư vấn cho ông Chủ tịch nước sử dụng một con cọp giả. Và cũng thật khó lý giải việc một ông Chủ tịch nước, tức là một nguyên thủ Quốc gia, lại chấp nhận làm lễ Tịch Điền với một con cọp giả, giả một cách rất thô kệch như vậy”.

Bởi vậy, người ta nói “không sợ kẻ thù khôn mà chỉ sợ thằng ‘thầy dùi’ ngu” cũng đúng lắm! Tụi nó xúi, ông Chủ tịch làm theo, giờ bị thiên hạ chửi… “sáng trói” luôn! (sói trán)

Facebooker Phạm Minh Vũ viết “lãnh đạo Việt Nam nên có cái đầu cao hơn con trâu…”. Nghe có vẻ xúc phạm quá! Nhìn hình, ông Phúc cũng đứng “cao” hơn… mông con trâu một khúc. Ông Vũ ý nói ông Phúc là lãnh đạo Việt Nam thì đừng nên “giả nhân, giả nghĩa”, vì một mặt miệng nói khuyến khích nông dân tăng gia trồng trọt, nhưng tay thì cầm dùi cui tới tấp cướp ruộng đất của dân thì ai tin cho được.

Vâng quả thật hình ảnh ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đi sau con trâu có bộ lông giả cọp để lại nhiều tranh cãi chí chóe trên mạng xã hội đầu xuân. Nickname Anh Tran cho rằng người nước ngoài sẽ không thể hiểu ông Phúc đang đi sau đít con quái vật nào, chẳng ra trâu mà cũng chẳng ra hổ. Nickname Trần Trung Thực nghĩ, nếu những lãnh đạo đảng, chính phủ như ông Phúc làm nông dân thiệt, đi sau đít con trâu cày ruộng thiệt, thì đất nước này bây giờ đâu đến nỗi… nát bét.



Tuy nhiên, cũng có người cho rằng Trần Trung Thực quá xa rời thực tế. Nickname A Sao cho rằng, nếu yêu nước thực sự, những người cộng sản chỉ cần ngồi yên, đừng làm gì cả. Để họ đi cày, họ cũng sẽ phá nát ruộng đồng trong nháy mắt. Thực tế, họ chỉ cần chỉ tay thôi, ruộng đồng đã nát như tương rồi. Cái “giỏi” của họ là thế! Hồi trước, có người nói nếu để cho người cộng sản quản lý sa mạc Sahara, thì chỉ vài năm sau, họ sẽ phải nhập… cát về dùng! Nghĩ cũng đúng.

Để kết thúc câu chuyện đầu năm có lễ Tịch Điền, xin trích lời nhận định của Facebooker Phạm Minh Vũ: “Chỉ cần nhìn con trâu thôi, được vẽ thành… cọp, chứng tỏ sự giả dối, lừa đảo đã thành nếp nghĩ và hành động của xã hội, từ trên xuống dưới, chuộng hình thức bên ngoài và thừa nhận sự lạc hậu muôn thuở ‘theo đít trâu’, chậm chạp, chứ không mãnh liệt, bão táp như ‘ông Ba Mươi’. Đó là sự thừa nhận đầy trớ trêu: Mong ước trở thành hổ kinh tế nhưng không bao giờ thành hiện thực, bởi tầm của mong ước đó thực chất vẫn chỉ là… trâu, dù là trâu béo tốt!”. Có lẽ đó là một nhận định đúng một cách… rất phũ phàng.

   Mời xem thêm »


© Ông Tư Sài Gòn
    SaiGon Nho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages