Luật đất đai bảo đảm lợi ích người dân: bao giờ mới có? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 17 tháng 2, 2022

Luật đất đai bảo đảm lợi ích người dân: bao giờ mới có?


Hình minh họa: Người dân ngoại thành Hà Nội lên Quốc Hội khiếu kiện về đất đai trước đây. AFP PHOTO

Phần âm thanh - Nhấp vào nút play (►) phía dưới để nghe


Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mới đây cho rằng chính sách, pháp luật về đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Việt Nam - Phạm Minh Chính khẳng định điều vừa nói tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương ở Hà Nội hôm 14/2/2022.

Theo ông Chính, việc sửa đổi Luật Đất đai ngoài việc phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và danh nghiệp… thì phải phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam; phải coi trọng hơn nữa vai trò của thị trường... nhưng phải tháo gỡ được các khó khăn, ách tắc trong thực tế về thể chế...

Ông Cao Thăng Ca, một người dân có đất ở Thủ Thiêm bị giải tỏa nhưng không được đền bù hợp lý, khi trả lời RFA hôm 14/2/2022 cho rằng khó có thể có công bằng cho người dân liên quan đất đai:

“Từ trước đến giờ Luật Đất đai khẳng định ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước trực tiếp quản lý’... cho nên dân đâu có quyền gì đâu, Nhà nước quản lý hết đâu. Và ‘lợi ích hài hòa’... xin lỗi giữa nhà đầu tư và người dân thì dân chỉ là số 0. Người ta đâu để ý đến lợi ích của dân, đền cho dân một đồng, rồi họ bán cả trăm cả ngàn đồng thì lợi ích chỗ nào? Điều đó hoàn toàn không đi vào thực tế, điều ổng nói (Thủ tướng Phạm Minh Chính) chỉ là mục tiêu 10 năm 20 năm mà thôi... còn trong giai đoạn này chắc chắn không thể thực hiện được.”

Điều đó hoàn toàn không đi vào thực tế, điều ổng nói (Thủ tướng Phạm Minh Chính) chỉ là mục tiêu 10 năm 20 năm mà thôi... còn trong giai đoại này chắc chắn không thể thực hiện được. -Ông Cao Thăng Ca

Thị trường hoá đất đai tại Việt Nam như nguồn lực tăng trưởng kinh tế... nhưng đảng cầm quyền lại lo ngại có thể làm rối loạn chế độ. Do đó việc sửa Luật Đất đai 2013 là việc Chính phủ Việt Nam muốn làm nhưng làm như thế nào là câu hỏi không dễ trả lời?

Theo Luật Đất đai hiện hành, đất đai thuộc sở hữu toàn dân... nhưng do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và quản lý. Việc chuyển nhượng và kinh doanh đất đai được khuyến khích để đảm bảo nền kinh tế vận hành theo các nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên do quy định không rõ ràng đã dẫn đến nhiều bất cập trong thực tế quản lý.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, khi trả lời RFA ngày 14/2/2022, nhận định:

“Ở Việt Nam bây giờ nhiều người có ý kiến chủ yếu là vấn đề chế độ sở hữu đất đai vẫn là sở hữu toàn dân... Nhưng theo tôi câu chuyện này không ảnh hưởng tới chuyện thiết lập một thị trường đất đai sòng phẳng, là thị trường thật. Là bởi vì cho đến nay, có một điều tế nhị là Việt Nam đã thừa nhận quyền tài sản về đất đai là của người dân, được quy định trong Bộ luật Dân sự. Có nghĩa là chế độ sở hữu thuộc Nhà nước, nhưng quyền tài sản là của dân.”

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, việc này tương tự như ở các nước có quyền sở hữu đất tư nhân nhưng đem thế chấp ngân hàng... thì quyền tài sản thuộc ngân hàng. Ông Võ nói tiếp:

“Như vậy có thể thiết lập thị trường công bằng và có thể có công cụ để phân định đất nào là đất công (quyền tài sản nhà nước), đất nào là đất tư (quyền tài sản tư nhân)... Nếu rành mạch như vậy thì sẽ có chế tài để quản lý, sẽ không còn tình trạng như hiện nay là lợi dụng sở hữu toàn dân để làm cho lợi ích về đất đai thuộc về mình... rồi nhà nước thì cũng không được tí gì từ đất đai đó. Tôi cho rằng Việt Nam có thể làm được.”

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, phải định nghĩa rõ ràng, chi tiết việc sở hữu toàn dân về đất đai, và quyền tài sản đất đai vào Luật đất đai sửa đổi thì mới công bằng và quản lý hiệu quả.

Thủ tướng Việt Nam - Phạm Minh Chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương ở Hà Nội hôm 14/2/2022. Courtesy of chinhphu.vn

Trong Luật Đất đai 2013 có quy định về ‘thời hạn sử dụng đất’, được giải thích là cách nói để xác định những mảnh đất mà người sử dụng đất chỉ được phép chiếm hữu và sử dụng diện tích đất này trong một thời hạn nhất định, ví dụ 20 năm, 30 năm, 50 năm...

Liên quan việc liệu quyền sở hữu đất đai có thời hạn có cản trở thu hút nhà đầu tư nước ngoài hay không? Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, nếu phân định rõ ràng giữa đất đầu tư và đất tô nhượng thì sẽ vẫn thu hút được nhà đầu tư nước ngoài:

“Việc cho người nước ngoài đầu tư thì họ phải tuân theo đúng luật đầu tư, có thể hưởng lợi trên đất đai đó, có thể nộp thuế cho Việt Nam, chỉ có thể làm những việc này, không làm những việc khác... Đây là câu chuyện bình thường như tất cả các nước, vì vậy không nên nhầm lẫn giữa hai khái niệm là đất đai tô nhượng và đất đai đầu tư. Tôi cho rằng Việt Nam cần làm rõ chuyện này, thì câu chuyện lợi ích nhà đầu tư như thế nào? Và lợi ích của Nhà nước Việt Nam như thế nào trong vấn đề đầu tư trên đất?

Vấn đề này theo Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng đơn giản và không có gì phức tạp.

Nếu rành mạch như vậy thì sẽ có chế tài để quản lý, sẽ không còn tình trạng như hiện nay là lợi dụng sở hữu toàn dân để làm cho lợi ích về đất đai thuộc về mình... rồi nhà nước thì cũng không được tí gì từ đất đai đó. -Giáo sư Đặng Hùng Võ

Tại cuộc họp lần thứ 27 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho hay, chưa thể nghiên cứu Luật Đất đai sửa đổi trong năm 2020 như dự định và dự kiến Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại hai kỳ họp Quốc hội Việt Nam trong năm 2022, và thông qua tại kỳ họp tháng 5-2023.

Lý do theo ông Long là vì nội dung của dự luật này còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn. Dư luận cho rằng lý do trì hoãn sửa đổi Luật Đất đai là thiếu thuyết phục... vì hiện cả người dân và các đại biểu Quốc hội đều quan tâm dự án luật này, vì liên quan nhiều vấn đề nóng về đất đai hiện nay, trong đó có quy định về giá đất, bồi thường, tái định cư...

Liên quan vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định:

“Có lẽ do khái niệm 10 năm sửa luật đất đai một lần, tức 2023 so với 2013... Nhưng điều tôi lo ngại hơn là cần làm rõ sửa cái gì? Cái gì làm trở ngại? Cái trở ngại nhất tôi cho rằng đó là khu vực tài chính đất đai. Ai cũng biết những người giàu ở Việt Nam thì 80% là giàu từ đất, và khá nhiều người trong nhóm giàu nhất VN là từ đất. Chính phủ cho rằng thu từ đất khá tốt, nhưng theo tôi Nhà nước thu từ đất rất kém. Bởi vì thu từ đất tại VN chỉ bằng 2% tổng thu nhập địa phương và 1% toàn quốc. Nhưng các nước khác cao hơn nhiều như từ Anh 9%, Đức ít nhất cũng 4%... trong khi GDP của họ cao hơn VN rất nhiều.”

Làm thế nào chính phủ có được thu nhập từ đất chiếm tỷ lệ cao như các nước G7? Theo ông Võ đây là câu hỏi chính cần đặt ra, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ kinh nghiệm các nước G7 hay các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - Organization for Economic Cooperation and Development). Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng có nhiều việc cần làm và phải làm cấp bật thì mới có thể có một Bộ Luật Đất đai có hiệu quả.

   Mời xem thêm »


© RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages