Chính phủ Anh cho biết, việc gửi máy bay chiến đấu của Anh tới Ukraine là "phi thực tế", mặc dù họ khẳng định rằng, London sẽ "tăng tốc" hỗ trợ để củng cố cuộc chiến của Kyiv chống lại Moscow.
Hôm thứ Ba (31/1), phát ngôn viên chính thức của Thủ tướng Rishi Sunak cho biết: “Các máy bay chiến đấu Typhoon và F35 của Vương quốc Anh cực kỳ tinh vi và [binh sĩ sẽ] phải mất hàng tháng trời mới học được cách bay. Vì vậy, chúng tôi tin rằng việc gửi những chiếc máy bay phản lực đó đến Ukraine là phi thực tế”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp và tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, cũng như lắng nghe cẩn trọng các yêu cầu của họ”.
“Cần một khoảng thời gian dài để học cách sử dụng những thiết bị rất phức tạp. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm những điều chúng tôi có thể làm để hỗ trợ Ukraine”.
Ukraine được thừa hưởng một số lượng phi đội máy bay chiến đấu đáng kể do Liên Xô sản xuất, bao gồm máy bay chiến đấu Su-27 và MiG-29, cũng như máy bay tấn công mặt đất Su-25. Việc chuyển sang sử dụng máy bay của phương Tây sẽ buộc các phi hành đoàn Ukraine phải trải qua quá trình huấn luyện lâu dài và đặt ra những thách thức không nhỏ về hậu cần đối với việc bảo trì và sửa chữa những thiết bị này.
Đề cập đến cuộc họp Nội các hôm 1/2, vị phát ngôn viên cho biết, Thủ tướng Anh “đã xem xét cách tiếp cận của Vương quốc Anh và đi đến kết luận rằng, bế tắc kéo dài trong cuộc xung đột sẽ chỉ mang lại lợi ích cho Nga”.
"Đó là lý do tại sao Thủ tướng quyết định tăng cường sự hợp tác chặt chẽ của Vương quốc Anh với các đồng minh để mang lại cho Ukraine cơ hội thành công cao nhất và tận dụng tối đa thời cơ vào thời điểm các lực lượng Nga đang yếu thế”.
"Thủ tướng nói rằng, chiến lược mới cũng sẽ chứng kiến những nỗ lực ngoại giao lớn hơn và các kế hoạch hợp tác giữa Anh và Ukraine nhằm tìm cách tái thiết [nước này] sau khi xung đột kết thúc".
Phương Tây miễn cưỡng viện trợ quân sự cho Ukraine
Từng thành công trong việc thuyết phục Anh, Mỹ và Đức cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại cho các lực lượng vũ trang của mình, Ukraine hiện tiếp tục thúc đẩy các nước phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu cho nước này.Tuy nhiên, một số giới chức phương Tây đã bày tỏ lo ngại rằng việc cung cấp máy bay chiến đấu có thể làm leo thang xung đột và khiến họ lún sâu hơn vào cuộc chiến này.
Hôm thứ Hai (30/1), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết, Mỹ sẽ không gửi máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tỏ ra miễn cưỡng trong việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine. Hôm Chủ nhật (29/1), ông cho rằng, cuộc thảo luận có thể được thúc đẩy bởi "động cơ chính trị trong nước" tại một số quốc gia.
Hôm 30/1, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết, "không có điều cấm kỵ nào" trong việc viện trợ cho Ukraine, nhưng việc chuyển giao máy bay phản lực "sẽ là một bước đi vô cùng quan trọng".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố rằng, về nguyên tắc, "không loại trừ bất kỳ khả năng nào".
"Tuy nhiên, bất kỳ việc chuyển giao máy bay chiến đấu nào tới Ukraine cũng không được làm leo thang tình hình, không được có khả năng tấn công lãnh thổ Nga và không được làm suy yếu lực lượng vũ trang Pháp", ông nói.
Các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan cũng viện trợ máy bay chiến đấu của phương Tây cho Ukraine.
Phát biểu tại thủ đô Riga của Latvia trong một cuộc họp báo với những người đồng cấp Baltic và Ba Lan hôm 31/1, Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu cho biết, “Ukraine cần máy bay chiến đấu, tên lửa và xe tăng. Chúng ta cần phải hành động".
Các quốc gia nằm ở sườn đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cảm thấy Nga là mối đe dọa đặc biệt. Họ cũng từng là những ủng hộ hàng đầu cho việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.
Khi được hỏi về việc các quốc gia vùng Baltic kêu gọi viện trợ máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa cho Ukraine, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, những bình luận này “phản ánh cách tiếp cận hung hăng của các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan, những quốc gia sẵn sàng làm mọi cách để kích động leo thang hơn nữa mà không đoái hoài gì đến hậu quả”.
Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine
Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đang có cuộc gặp với các chính trị gia cấp cao ở Washington nhằm tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Hôm 31/1, ông cho biết, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nên nhận được tất cả những thiết bị mà Ukraine đang cần.Khi được hỏi về tình huống Mỹ từ chối viện trợ máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, ông Johnson nói với đài Fox News rằng: “Tôi chỉ có thể nói rằng, mỗi khi chúng tôi khẳng định rằng sẽ là một quyết định sai lầm khi cung cấp loại vũ khí này hay vũ khí kia, thì cuối cùng chúng tôi lại làm điều đó và rốt cuộc, đó lại là điều đúng đắn đối với Ukraine”.
“Tôi nhớ là tôi cũng từng khẳng định rằng, việc cung cấp cho Ukraine tổ hợp tên lửa chống tăng vác vai (Javelin) là một quyết định sai lầm. Trên thực tế, đây là thứ vũ khí không thể thiếu [đối với Ukraine], và Hoa Kỳ - dưới thời [cựu Tổng thống] Donald Trump - cũng đã chuyển giao cho Ukraine những chiếc Javelin. Chúng không thể thiếu trong các trận giao tranh nhằm đẩy lùi xe tăng Nga”.
“Người ta nói rằng chúng tôi không nên cung cấp Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) [cho Ukraine]. Tôi nhớ cũng từng nổ ra những tranh luận về việc gửi hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) [cho Ukraine]. Trên thực tế, những thứ vũ khí này đã được chứng minh là vô giá đối với người Ukraine. Chúng tôi cũng từng có nhận định tương tự [về việc chuyển giao xe tăng cho Ukraine]”.
“Tất cả những gì tôi muốn nói là cần tiết kiệm thời gian, tiền bạc, và sinh mạng. Hãy cung cấp cho người Ukraine những gì họ cần càng sớm càng tốt".
Ông Johnson bác bỏ ý kiến cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng biến chiến tranh thành một cuộc xung đột hạt nhân.
"Ông ấy thậm chí có thể không ngăn được người Ukraine nếu ông ấy làm điều đó - và chúng tôi sẽ khiến cho nền kinh tế của Nga rơi vào tình trạng tê liệt băng giá đến mức họ sẽ không cách nào thoát khỏi đó trong nhiều thập kỷ - vì vậy ông ấy sẽ không làm điều đó", ông Johnson nói.
© Huyền Anh biên dịch
The Epoch Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét