Nếu Trung Quốc công khai hỗ trợ quân sự Nga, thì điều đó sẽ là lời nhắc nhở đau đớn đối với Kiev và Washington về những khoản tiền khổng lồ mà họ đã dùng để tiếp sức cho Trung Quốc phát triển về cả kinh tế và quân sự.
Tại Hội nghị An ninh Munich thường niên năm nay [diễn ra từ ngày 17/02 đến 19/02], Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã cảnh báo người đồng cấp Trung Quốc, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Vương Nghị, về việc Bắc Kinh cung cấp hỗ trợ quân sự “sát thương” cho Nga trong cuộc chiến tại Ukraine. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao Trung Quốc và Mỹ kể từ khi khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị bắn rơi tại Mỹ.
Ông Blinken đề cập đến việc Trung Quốc đã và đang cung cấp viện trợ phi sát thương cho Nga, mua dầu của Nga và giúp Moscow sống sót qua các lệnh trừng phạt mà quốc tế áp đặt khi cuộc xâm lược Ukraine diễn ra. Các cuộc họp ở Munich và chuyến thăm Kiev của Tổng thống Joe Biden trong những ngày gần đây rất đáng chú ý vì 4 lý do.
Thứ nhất, theo lời kể của Trung Quốc về cuộc gặp Blinken - Vương Nghị, Bắc Kinh nói rằng họ sẽ không bao giờ cho phép Hoa Kỳ áp đặt bất kỳ điều khoản nào trong mối quan hệ giữa họ và Moscow.
Thứ hai, ông Blinken tuyên bố rằng Trung Quốc không bao giờ được tiếp tục thả khinh khí cầu trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Tuyên bố này đòi hỏi Mỹ phải giám sát không phận của họ một cách nghiêm ngặt, điều mà lẽ ra họ đã phải làm từ lâu.
Thứ ba, ông Vương Nghị cũng gặp mặt người đứng đầu bộ phận chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell. Ông Borrell từng tuyên bố rằng EU và Trung Quốc không phải là “đối thủ, mà là đối tác”. Sự mơ hồ của EU về mối đe dọa đến từ Trung Quốc không giúp ích gì cho Ukraine, Hoa Kỳ hay chính EU.
Cuối cùng, chuyến thăm đối ứng tới thủ đô hai bên tham chiến — ông Biden tới Kiev và các quan chức Trung Quốc tới Moscow — để kỷ niệm một năm cuộc chiến Nga - Ukraine đã cho thấy bản chất của cuộc chiến này: một cuộc chiến ủy nhiệm với mức độ tham gia ngày càng sâu sắc của các bên.
Trung Quốc ắt hẳn sẽ không để Hoa Kỳ thiết lập các giới hạn trong việc Bắc Kinh hỗ trợ Moscow. Trên thực tế, Trung Quốc vốn đang cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga – chỉ là họ làm điều đó một cách bí mật. Nếu Trung Quốc công khai cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga, thì việc này sẽ không thể được bỏ qua và sẽ là lời nhắc nhở đau đớn đối với Kiev và Washington về những khoản tiền khổng lồ mà họ đã dùng để tiếp sức cho sự phát triển về cả kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Những khoản tiền đó đang bắt đầu cắn lại họ.
Trong vài thập kỷ trước khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, Kiev đã chuyển giao lượng lớn công nghệ quân sự cho Trung Quốc. Trong đó bao gồm tàu sân bay Liêu Ninh – cũng chính là chiếc tàu sân bay giúp Trung Quốc tăng cường khả năng triển khai sức mạnh và đã có mặt trong nhiều cuộc tập trận của nước này, gồm cả các cuộc tấn công mang tính chất mô phỏng chống lại Nhật Bản và căn cứ của Mỹ ở đảo Guam. Việc Trung Quốc có thể sẽ viện trợ vũ khí và đạn dược cho Nga một cách công khai - và có khả năng là với số lượng lớn hơn những gì họ từng làm cho đến nay - sẽ khiến Kiev hối hận về ngày mà họ đã giúp ĐCSTQ củng cố chế độ.
Sẽ cực kỳ ngu ngốc nếu Trung Quốc công khai hỗ trợ Nga, đặc biệt là ngay sau khi xảy ra vụ khinh khí cầu trên đất Mỹ. Tại sao lại ngu ngốc? Là vì nó sẽ thúc đẩy cơ quan chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ buộc phải từ bỏ chính sách hợp tác ưa thích của họ với Trung Quốc; và cuối cùng, cơ quan này sẽ nhìn thấu được toàn bộ phạm vi mà Trung Quốc đang đe dọa nước Mỹ. Việc Trung Quốc, Nga và Nam Phi đang tiến hành các cuộc tập trận hải quân ngoài khơi bờ biển Nam Phi là một dấu hiệu khác cho điều này.
Gieo nhân nào gặt quả nấy! Trong nhiều thập kỷ, cơ quan chính sách đối ngoại của Mỹ đã ngày một thờ ơ trước các mối đe dọa đến từ Trung Quốc. Năm này qua năm khác, chính quyền Trung Quốc trở nên mạnh hơn và mang đến nỗi khiếp sợ lớn hơn. Năm này qua năm khác, các mối đe dọa từ Bắc Kinh đã bị giải thích một cách lệch lạc bởi cơ quan chính sách đối ngoại Mỹ, chính phủ Mỹ, các hiệp hội, các phương tiện truyền thông, các tổ chức tư vấn và nhiều nhà Trung Quốc học tại Mỹ. May thay, sự cố khinh khí cầu gần đây đang giúp họ tỉnh giấc. Sự xuất hiện của nó khiến giới tinh hoa Mỹ không còn có thể phớt lờ hoặc coi nhẹ các mối đe dọa từ Trung Quốc. Nước Mỹ sẽ cần phải chấm dứt chính sách hợp tác với Trung Quốc của họ.
Khi mà chế độ của ông Vladimir Putin đang là nỗi ám ảnh của cơ quan chính sách đối ngoại Mỹ, thì việc Trung Quốc chuyển giao vũ khí và đạn dược cho Nga mang đến một rủi ro cho Trung Quốc, đó là: viện trợ của Bắc Kinh dành cho Moscow sẽ buộc những người ban hành chính sách đối ngoại Mỹ từ bỏ sự thiếu hiểu biết [về Trung Quốc] của họ. Họ cần phải thức dậy từ giấc ngủ sâu liên quan đến những mối nguy hiểm mà ĐCSTQ gây ra cho Hoa Kỳ, các đồng minh của Hoa Kỳ và lợi ích toàn cầu. Tóm lại, viện trợ quân sự công khai của Trung Quốc dành cho Nga sẽ là giọt nước tràn ly, buộc cơ quan chính sách đối ngoại của Mỹ làm điều mà họ không muốn làm: đối đầu với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đúng là trong cái rủi có cái may: nhờ viện trợ quân sự công khai của Trung Quốc dành cho Nga mà giới tinh hoa Mỹ tỉnh giấc.
Bradley A. Thayer
Ông Bradley A. Thayer là đồng tác giả của cuốn sách “Understanding the China Threat” (Hiểu về các mối đe dọa từ Trung Quốc) và là người đứng đầu bộ phận Chính sách Trung Quốc tại Trung tâm về Chính sách An ninh có trụ sở tại Mỹ.© Xuân Hoa lược dịch
The Epoch Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét