Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 23/2 đã thông qua dự thảo nghị quyết kêu gọi Nga chấm dứt hành động quân sự và rút quân khỏi Ukraine trước thềm tròn một năm xung đột vũ trang giữa hai nước.
Dự thảo do Ukraine biên soạn với sự tham vấn của các nước đồng minh, nhận được 141 phiếu ủng hộ, 7 phiếu chống và 32 phiếu trắng và 13 quốc gia không tham gia bỏ phiếu, trong số 193 thành viên tham gia.
Có 7 quốc gia bỏ phiếu chống gồm Belarus, Triều Tiên, Eritrea, Mali, Nicaragua, Nga và Syria.
Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan nằm trong số 32 nước bỏ phiếu trắng.
13 quốc gia không tham gia bỏ phiếu gồm: Azerbaijan, Burkina Faso, Cameroon, Equatorial Guinea, Eswatini, Ethiopia, Guinea, Guinea-Bissau, Morocco, Togo, Turkmenistan, Uzbekistan, Venezuela.
Nghị quyết tái khẳng định sự ủng hộ đối với “chủ quyền” và “toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine, bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Nga đối với các phần lãnh thổ mới chiếm đóng.
Nghị quyết cũng yêu cầu Nga "rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận" và kêu gọi "chấm dứt chiến sự".
Sự kiện diễn ra ngay trước ngày đánh dấu cột mốc một năm cuộc chiến ở Ukraine. Có thể thấy, sự ủng hộ dành cho Kyiv ít thay đổi so với hồi tháng 10 năm ngoái khi 143 quốc gia bỏ phiếu lên án việc Nga tuyên bố sáp nhập 4 khu vực của Ukraine.
Tác động của cuộc bỏ phiếu
"Tác động rất rõ ràng - nó định hình nhận thức. Nó cho thấy quốc gia nào đang đứng ở đâu. Đây là chính trị, đó là cách nó được thực hiện", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói với đài CBS News khi được hỏi về tác động của cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ."Một trong những phần quan trọng nhất của nghị quyết... là toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền".
Ông nêu rõ thông điệp cô lập Nga là điều hiển nhiên sau khi 70 - 75% quốc gia trên thế giới bỏ phiếu kêu gọi Nga rút khỏi Ukraine.
Sau cuộc bỏ phiếu, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng không chỉ phương Tây ủng hộ Ukraine.
Ông nói: “Cuộc bỏ phiếu này đã thách thức lập luận rằng các nước ở nam bán cầu không đứng về phía Ukraine. Nhiều quốc gia ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh đã bỏ phiếu ủng hộ”.
Đáp lại, Nga đã bác bỏ nghị quyết này khi Đại diện thường trực của Nga tại LHQ, ông Vasily Nebenzya, gọi Ukraine là “tân phát xít” và cáo buộc phương Tây hy sinh Ukraine và các nước đang phát triển vì muốn đánh bại Nga. "Họ sẵn sàng nhấn chìm cả thế giới vào vực thẳm chiến tranh… để duy trì quyền bá chủ của riêng mình", ông Nebenzya nói.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya cho biết: “Phương Tây đã… phớt lờ một cách trắng trợn những lo ngại của chúng tôi và tiếp tục đưa cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ngày càng đến gần biên giới của chúng tôi”.
Ông Nebenzya tuyên bố rằng Moscow "không có lựa chọn nào khác" ngoài việc khởi động một "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào ngày 24/2 năm ngoái để bảo vệ những người nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine và đảm bảo "an toàn và an ninh của đất nước chúng tôi thông qua các biện pháp quân sự”.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, ông Josep Borrell, bác bỏ điều đó. "Tôi muốn nhấn mạnh rằng: cuộc chiến này không phải là vấn đề của châu Âu. Cũng không phải là phương Tây chống lại Nga", ông Borrell nói trước Đại hội đồng.
Trước cuộc bỏ phiếu, Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, ông Đới Binh (Dai Bing), giữ quan điểm trung lập, kêu gọi hai bên ngừng giao tranh và tham gia đàm phán hòa bình.
"Chúng tôi ủng hộ Nga và Ukraine xích lại gần nhau, nối lại đối thoại trực tiếp càng sớm càng tốt, đưa các mối quan tâm chính đáng của họ vào cuộc đàm phán, đưa ra các lựa chọn khả thi, sớm chấm dứt khủng hoảng và tạo cơ hội cho hòa bình", ông nói.
Ông nói, bất kỳ giải pháp nào cũng nên "quan tâm đúng mức đến... những lo ngại hợp lý về an ninh của tất cả các quốc gia, từ đó giải quyết đúng đắn nguyện vọng an ninh hợp pháp của họ".
Văn kiện của Đại hội đồng LHQ cũng kêu gọi các nước thành viên hợp tác trên tinh thần đoàn kết để giải quyết các tác động toàn cầu của cuộc xung đột đối với an ninh lương thực, năng lượng, tài chính, môi trường và an ninh, an toàn hạt nhân.
Nghị quyết do Đại hội đồng LHQ không có tính ràng buộc thực thi nhưng có sức nặng chính trị nhất định. Tờ RiaNovosti mô tả đây là nghị quyết nhắm vào Nga thứ 6 của Đại hội đồng LHQ kể từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra hôm 24/2/2022.
“Chúng ta sẽ xem lập trường của các quốc gia trên thế giới về vấn đề hòa bình ở Ukraine nhân dịp kỷ niệm một năm cuộc xung đột”, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói, theo tờ Reuters.
Nga và Trung Quốc hâm nóng quan hệ
Có 92 quốc gia và tổ chức đã phát biểu tại Phiên họp của Đại hội đồng LHQ. Phần lớn các nước tập trung vào tác động mà cuộc chiến tranh của Nga gây ra cho Ukraine nói riêng và thế giới nói chung. Trong khi đó, một số quốc gia khác lại tập trung vào mối quan hệ Nga - Trung đang ấm lên gần đây, họ bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc có thể gửi vũ khí sát thương cho NgaTrao đổi với đài CBS News, Đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng ý với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thống Joe Biden rằng việc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga sẽ là hành động vượt qua lằn ranh đỏ. Tôi hy vọng rằng lằn ranh đó sẽ không bao giờ bị vượt qua. Bởi vì nếu Trung Quốc bắt đầu cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, thì đó cũng chính là lúc Trung Quốc khơi mào cho Thế chiến III và tôi chắc chắn rằng điều đó sẽ đi ngược lại lợi ích nội tại của Trung Quốc".
Tổng thư ký của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết, liên minh đã nhận thấy "một số dấu hiệu" cho thấy Trung Quốc đang lên kế hoạch hỗ trợ cuộc chiến của Nga.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc. Động thái này khiến các quan chức Mỹ lo ngại rằng Bắc Kinh có thể cung cấp viện trợ sát thương cho Nga.
“Rõ ràng là nó đã vượt qua rào cản dẫn đến một kiểu Chiến tranh Lạnh mới,” một cựu quan chức chính quyền Obama nói với đài CBS News.
Tuần này, Hoa Kỳ và Châu Âu đã "phát đi tín hiệu đến Trung Quốc rất rõ ràng rằng việc cung cấp viện trợ sát thương cho Nga vào lúc này sẽ vượt qua một lằn ranh đỏ rất, rất nguy hiểm", Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Hoa Kỳ Stavros Lambrinidis nói với đài CBS News, đồng thời nói thêm rằng: "Sẽ có hậu quả đối với Trung Quốc".
Cùng với đó, Đại sứ Pháp tại LHQ Nicolas de Riviere nói với đài CBS News rằng, việc Trung Quốc giúp đỡ Nga hiện nay bằng con đường quân sự "có nghĩa là giúp Nga gây hấn và vi phạm Hiến chương LHQ, xâm chiếm một phần lãnh thổ Ukraine... một sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế".
© Huyền Anh tổng hợp
NTDVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét