Mối đe dọa từ những chiếc ô tô Trung Quốc - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2023

Mối đe dọa từ những chiếc ô tô Trung Quốc


Những người tham dự đeo khẩu trang nhìn quanh khu vực của BYD trong Triển lãm ô tô quốc tế khu vực Trung Trung Quốc 2022 vào ngày 14/07/2022 tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Ô tô do Trung Quốc sản xuất đang chiếm lĩnh thế giới, với sự trợ giúp từ ngành ô tô của Mỹ và nguồn vốn từ chính nước Mỹ. Không chỉ như vậy, sự thống trị trong lĩnh vực ô tô sẽ góp phần giúp Trung Quốc thống trị thế giới.

Đầu tháng 1 vừa qua, xuất hiện thông tin rằng một cuộc truy quét an ninh đã phát hiện ra một chiếc thẻ SIM được giấu bên trong một chiếc xe của chính phủ Anh được sử dụng để chở các quan chức cấp cao và các nhà ngoại giao, thứ có thể theo dõi và truyền thông tin về các chuyển động trong dài hạn; thiết bị được đặt trong một bộ phận niêm phong được nhập khẩu từ Trung Quốc. Do các điều khoản bảo hành và thỏa thuận thương mại, các bộ phận này đã được lắp đặt mà không được mở ra. Một chuyên gia bảo mật nói với Daily Mail rằng điều đó có thể có nghĩa là cả cơ quan tình báo Trung Quốc và Nga đều đang theo dõi các quan chức Anh.

Công ty Trung Quốc China Unicorn, chịu trách nhiệm về các bộ phận và đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, cung cấp thiết bị 5G cho một số thương hiệu ô tô rất quen thuộc - BMW, Jaguar Land Rover, Volkswagen, cũng như Volvo. Volvo kể từ năm 2020 đã là một công ty con của Zhejiang Geely của Trung Quốc, có trụ sở tại Hàng Châu ở miền đông Trung Quốc.

Có vẻ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ biết các đối thủ toàn cầu của mình đang đi đâu (thông qua thiết bị gián điệp), mà với sự phát triển một cách đáng báo động, Trung Quốc đang xuất khẩu phương tiện mà ngày càng nhiều người trên thế giới sử dụng để di chuyển.

Ô tô Trung Quốc chiếm lĩnh thế giới

Theo Hiệp hội Xe khách Trung Quốc, xuất khẩu ô tô do Trung Quốc sản xuất đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2020 lên hơn 2,5 triệu chiếc vào năm 2022. Điều đó đặt Trung Quốc đại lục lên trên Mỹ và Hàn Quốc, và chỉ sau Nhật Bản trong danh sách các nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới.

Như Bloomberg đã lưu ý vào tuần trước trong một bài báo có tựa đề “Mỹ không nhận thấy rằng ô tô do Trung Quốc sản xuất đang chiếm lĩnh thế giới”, các thương hiệu Trung Quốc hiện đang thống trị thị trường ở Trung Đông và Mỹ Latinh. Tại châu Âu, các phương tiện do Trung Quốc sản xuất chủ yếu là các mẫu xe điện của Tesla Inc. và các thương hiệu Volvo và MG từng thuộc sở hữu của châu Âu nhưng hiện thuộc sở hữu của Trung Quốc, cùng với các thương hiệu châu Âu như Dacia Spring và BMW iX3, vốn được sản xuất độc quyền tại Trung Quốc.

Nó nói thêm rằng “một loạt các thương hiệu cây nhà lá vườn như BYD Co. và Nio Inc. cũng đang phát triển, với tham vọng thống trị thế giới xe năng lượng mới”.

Người mẫu đeo khẩu trang giới thiệu chiếc Volvo S90 trong gian hàng Volvo trong Triển lãm ô tô quốc tế khu vực Trung Trung Quốc lần thứ 18 vào ngày 13/08/2020 tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Nguồn vốn đến từ đâu?

Nếu bạn thắc mắc nguồn vốn giúp Trung Quốc thống trị thế giới xe hơi đến từ đâu, bạn có thể phát hiện ra khá nhiều khoản vốn có nguồn gốc từ chính nước Mỹ. Nhà sản xuất xe điện, pin và tấm năng lượng mặt trời BYD, một công ty giống như Tesla, từ lâu đã là một dự án ưa thích của ông Warren Buffett và Berkshire Hathaway Inc., với khoản đầu tư khoảng 232 triệu USD vào BYD vào năm 2008.

Ngày nay, BYD đang bán ô tô điện của Trung Quốc tại một thị trường béo bở như Australia, và ông Buffett đã kiếm bộn tiền nhờ nó. Không có gì ngạc nhiên khi ông Buffett nghĩ rằng Trung Quốc là tương lai của thế giới, cách đây vài năm ông đã nhận xét rằng “họ cũng thông minh như chúng ta, họ làm việc chăm chỉ như chúng ta và họ có thể đạt được tăng trưởng nền kinh tế từ một nền tảng thấp hơn với tỷ lệ phần trăm cao hơn của chúng ta trong một thời gian dài”.

Sự hiện diện tại Mỹ

Sự xuất hiện của Trung Quốc với tư cách là một gã khổng lồ xuất khẩu ô tô đã không xảy ra trong một sớm một chiều, và Trung Quốc đã có một sự hiện diện to lớn, khá rõ ràng trong lĩnh vực ô tô ở Mỹ trong nhiều năm trở lại đây. Hơn bốn năm trước, cựu chủ tịch của General Motors Indonesia và cựu giám đốc điều hành của J.D. Power tại Trung Quốc, ông Michael Dunne, tác giả cuốn “Bánh xe Mỹ, những con đường Trung Quốc”, đã viết rằng có không dưới 51 nhà sản xuất ô tô, nhà cung cấp và nhà công nghệ ô tô Trung Quốc hoạt động ở Mỹ vào đầu năm 2016. Vào thời điểm ông Dunne viết bài báo này vào cuối năm 2018, con số đó đã “tăng hơn gấp đôi lên 105”.

Ông Dunne chỉ ra rằng các thực thể Trung Quốc này đi từ chỗ bị che giấu, giống như một số tổ chức gián điệp của Đức Quốc xã hoặc Liên Xô trong thế kỷ trước, đến việc bị phát hiện “dọc hành lang sản xuất I-75 từ Michigan đến Georgia”, đang sản xuất “một loạt các thành phần bao gồm kính, hệ thống treo, vòng bi, túi khí, lốp xe, bộ phận bịt kín, bộ phận chống rung, pin cho xe điện, bảng điều khiển, tem, bộ phận đúc bằng magiê và hệ thống trợ lực lái”.

Ông Dunne đã đặt ra một câu hỏi rõ ràng: “Làm thế nào mà các công ty này tạo lập được chỗ đứng vững chắc trong trung tâm sản xuất của Mỹ?” Trong nhiều trường hợp, nó bắt đầu bằng việc cung cấp các bộ phận cho các hoạt động lắp ráp nhân công giá rẻ của GM và Ford tại Trung Quốc hai thập kỷ trước. Bây giờ họ đang thực sự ở Mỹ cung cấp trực tiếp cho 3 hãng xe hàng đầu tại Detroit (General Motors, Ford, and Chrysler). Ông Dunne chỉ ra: “Các thị trấn và hạt ở vùng Trung Tây và Nam đang trở thành ngôi nhà thứ 2 của họ". Trong thời gian đó, các công ty Trung Quốc đã mua lại được một danh sách khá lớn các nhà cung cấp của Mỹ trong chiến lược mở rộng toàn cầu của họ, bao gồm A123 Systems, Henniges, Key Safety Systems, Meridian Magnesium và Nexteer.

Con đường để thống trị toàn cầu

Người ta đưa ra giả thuyết rằng thay vì theo đuổi con đường truyền thống trong khu vực để thống trị quân sự toàn cầu, Bắc Kinh đang “xây dựng một trật tự kinh tế và an ninh mới do Trung Quốc lãnh đạo trên khắp lục địa Á - Âu và Ấn Độ Dương, đồng thời thiết lập vai trò trung tâm của Trung Quốc trong các thể chế toàn cầu”, như cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và nhà sử học chính sách đối ngoại Johns Hopkins Hal Brands đã thảo luận trên tạp chí Chính sách đối ngoại vào năm 2020. Thành công trong việc làm như vậy sẽ đồng nghĩa với việc “vượt qua hệ thống đồng minh của Mỹ… bằng cách phát triển ảnh hưởng kinh tế, ngoại giao và chính trị của Trung Quốc trên quy mô toàn cầu”.

Chính xác thì Trung Quốc đang làm gì? Ông Sullivan không phải là nhà quan sát chính sách đối ngoại duy nhất ở phe Dân chủ đã lên tiếng cảnh báo. Vào đầu năm 2019, thành viên của Viện Brookings và quan chức an ninh quốc gia của ông Obama, ông Tarun Chhabra, đã viết rằng “Sự độc tài 'linh hoạt' của Bắc Kinh ở nước ngoài, các công cụ giám sát và kiểm soát kỹ thuật số, thương hiệu độc nhất về chủ nghĩa tư bản độc tài và 'việc vũ khí hóa' sự phụ thuộc lẫn nhau trên thực tế có thể khiến Trung Quốc trở thành mối đe dọa nghiêm trọng hơn đối với các giá trị dân chủ và tự do so với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh”.

Ông Chhabra nói thêm, một sự linh hoạt và chủ nghĩa cơ hội mà ít nhất là vào lúc này không đòi hỏi sự trung thành nghiêm ngặt đối với học thuyết của ĐCSTQ, theo thời gian có thể làm suy yếu tính toàn vẹn của các quốc gia dân chủ một cách hiệu quả hơn là sự cưỡng bức nặng nề, gây ra phản ứng dữ dội.

Mối nguy hiểm


Một chiếc ô tô chạy ngang qua nhà máy Tesla ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 08/11/2019. (Ảnh: HECTOR RETAMAL / AFP qua Getty Images)

Ủy ban Doanh nghiệp nhỏ của Thượng viện vào đầu năm 2019, khi đó do ông Marco Rubio (Cộng hòa - Florida) làm chủ tịch, đã nhìn thấy mối nguy hiểm này trong lĩnh vực ô tô điện đang phát triển của Trung Quốc đại lục. Báo cáo “Made in China 2025 và Tương lai của ngành công nghiệp Mỹ” nêu rõ: “Năm 2018, Ford và General Motors đã công bố sản xuất mẫu ô tô điện mới tại Trung Quốc và Tesla tuyên bố sẽ xây dựng 'Gigafactory 3' tại Thượng Hải. Công ty Trung Quốc Qiantu Motor đã công bố vào năm ngoái ý định bán chiếc ô tô đầu tiên do công ty ô tô Trung Quốc sản xuất, một chiếc sedan điện sang trọng, tại Mỹ".

Báo cáo suy ra rằng, đối mặt với sự cạnh tranh trong sản xuất ô tô của Trung Quốc và những thách thức chiến lược khác, “Nếu nhu cầu toàn cầu thay đổi và ngành công nghiệp ô tô của Mỹ không được chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu đó bằng các lĩnh vực tăng trưởng của riêng mình, toàn bộ ngành - bao gồm nhiều doanh nghiệp nhỏ cung cấp và phục vụ cho nó - đang gặp rủi ro”.

Mối đe dọa đối với ngành công nghiệp ô tô của Mỹ không còn là chiếc Yugo nực cười vào giữa những năm 1980. Ngoài việc che giấu các thiết bị theo dõi, ô tô là một bước mới trong quá trình Bắc Kinh sử dụng chủ nghĩa tư bản độc tài để hướng tới một trật tự kinh tế toàn cầu mới do ĐCSTQ lãnh đạo.

   Mời xem thêm »


© Bảo Nguyên biên dịch
    The Epoch Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages